Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Giới trẻ chia sẻ việc đưa thông tin lên mạng xã hội

Giới trẻ chia sẻ việc đưa thông tin lên mạng xã hội

bauxitevnMon 11:59 AM

Cát Linh, phóng viên RFA 
clip_image002
Youtube là một trong những kênh chuyển tải thông tin thông dụng. Ảnh chụp một người dùng Youtube trên smart phone tại Paris hôm 27/1/2010. AFP photo 
Một số facebooker và nhà hoạt động bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt giam trong thời gian ba tháng gần đây. Cáo buộc mà Hà Nội đưa ra là họ phổ biến thông tin bị nói là “độc hại”. Chính phủ Việt Nam cũng áp đặt việc ngăn chặn thông tin từ những kênh truyền thông lớn như Youtube, Facebook. 

Các bạn trẻ đang sử dụng hình thức mạng xã hội để lên tiếng nói/chia sẻ cách thực hiện và đăng tải video làm sao để tránh bị gây áp lực bởi lực lượng an ninh. 

Phải lên tiếng

Vỏn vẹn chỉ trong vòng 90 ngày đầu năm 2017, bốn facebooker và ba nhà hoạt động dân sự bị bắt theo Điều 88, tuyên truyền chống nhà nước; 258 - lợi dụng các quyền tự do dân chủ và Điều 79 - âm mưu hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, theo Bộ luật Hình sự Việt Nam. 
Bên cạnh đó là hàng loạt các vụ bắt bớ, đánh đập, ngăn chặn người tham gia biểu tình đòi môi trường sạch, các cuộc tưởng niệm tử sĩ Gạc Ma, cuộc chiến biên giới 1979. 
Có thể nói, ba tháng đầu năm 2017, mạng xã hội không một ngày yên ổn. Rất nhiều video, hình ảnh về thực trạng xã hội được đăng tải và lan truyền nhanh chóng với số lượng người xem ngày một tăng. 
Một trong những người dùng hình thức đó để lên tiếng là Trần Tùng. Kể lại nguyên nhân dẫn đến việc làm của mình, Trần Tùng cho biết: 
“Trước giờ mình rất bức xúc nhưng mình không đưa lên vấn đề gì hết vì mình suy nghĩ là mình còn cuộc sống của mình, còn gia đình, nhưng đến thời điểm ông (Thượng tọa) Thích Chân Quang thả mấy tấn cá xuống sông Hồng, Hà Nội thì mình quá bức xúc vì chuyện này quá trái lương tâm, trái đạo đức. Mình đăng một bài viết về sự bức xúc của mình cho bạn bè coi, chỉ trong vòng 24 tiếng thì lượt xem là được mười mấy, hai chục ngàn thì bộ an ninh mạng ở Việt Nam báo cáo tài khoản của mình”.
Tương tự với video trên Facebook hoặc YouTube, một hình thức được khá nhiều bạn trẻ hiện nay thích thú và thực hiện, đó là Vlog. Hoàng Thành, một bạn trẻ ở Hà Nội, cũng là gương mặt rất quen thuộc trên mạng xã hội. Hoàng Thành thực hiện nhiều chương trình Vlog để nói lên chính kiến của mình về những vấn đề không được truyền thông báo chí trong nước đề cập đến. 
“Em là một người trẻ có quan tâm đến vấn đề của xã hội thì em chọn Internet là một nơi mà giải bày mong muốn thông điệp của mình được truyền tải đến những người còn mơ hồ, hoặc chưa biết một địa chỉ tin tưởng nào. Vì Internet cũng là một nơi mà thông tin rất nhiễu”.
Qua các trang mạng xã hội lớn là Facebook, Youtube, những người như Hoàng Thành, Trần Tùng… và những facebooker đang bị chính quyền giam giữ đã công khai đăng tải những bài viết hoặc những video (có thể là livestream, Vlog) chia sẻ, bày tỏ tiếng nói của chính họ về vấn nạn xã hội. Những cuộc biểu tình diễn ra trong nước được mọi người biết đến qua video clip, hình ảnh lan truyền trên mạng. Người xem chứng kiến những gì diễn ra ngay tại nơi biểu tình. 
Do đó, hành vi bắt bớ, đánh đập, ngăn cản mà lực lượng an ninh, công an áp dụng đối với người dân đã không thể che dấu được. 
Như định luật bổ sung, khi nhà cầm quyền càng gây áp lực cho người dân, thì càng có nhiều tiếng nói cất lên để bày tỏ bức xúc. Ngày càng có nhiều video được thực hiện livestream công khai lên tiếng cho mọi người hiểu về dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận. 
Những điều đó chứng minh, tuy chính quyền Việt nam tìm mọi cách ngăn cản, bằng nhiều hình thức khác nhau, thông tin về những sự việc đó hoàn toàn không được các cơ quan truyền thông nhà nước đưa tin, nhưng đã không thể ngăn cản được sức lan toả của mạng xã hội. 

Không lo ngại

clip_image004
Biểu tượng Facebook trên màn hình trước buổi họp báo ra mắt sản phẩm mới Workplace tại London vào ngày 10 tháng 10 năm 2016. AFP photo 
Việc bắt giữ những facebooker gần đây cùng với việc gây áp lực cho các doanh nghiệp trong nước phải ngưng quảng cáo trên Youtube, Facebook và cả các trang mạng xã hội khác cho đến khi nào họ chắc chắn rằng những nội dung đang tải không “độc hại” cho nhà nước, theo ông Phil Robertson, ”là nhằm hạn chế quyền tự do thông tin, ngăn cản những luồng thông tin khác đến người dân qua mạng xã hội mà họ không thể kiểm soát nổi”.
Không những thế, ông còn nói rằng hành động bắt các facebooker là một hình thức răn đe những người còn lại. 
Biết rõ điều này, Trần Tùng có nói. 
“Việc đầu tiên là khi mình chấp nhận chia sẻ những thông tin của mình, suy nghĩ của mình, hoặc video của mình, có nghĩa là mình đã chấp nhận sự thật đó. Khi mình nói lên tiếng nói đó là mình biết ngày mai hoặc ngày mốt mình sẽ bị như chị Trần Thị Nga, Mẹ Nấm, nhưng mà thứ nhất, mình là thanh niên, thứ hai cái bức xúc của mình nó đã quá lớn, vượt mức sợ hãi, buộc mình phải nói lên”.
Hoàng Thành cũng như thế. Anh không ngại việc đưa hình ảnh của mình lên mạng xã hội những khi nói về một thực trạng đang xảy ra ngay trên đất nước mình. Những Vlog Hoàng Thành làm chưa bao giờ bị che mờ gương mặt của chủ nhân. 
Chính vì vậy, thông điệp về môi trường, về bảo vệ cây xanh, về quyền dân chủ do Hoàng Thành truyền tải mang rất rõ giá trị tiếng nói của cá nhân anh. 
“Em nghĩ rằng hình ảnh thực của mình mà xuất hiện thì sẽ đảm bảo cho lượng thông tin và những thông điệp mình đưa ra. Nếu mình chỉ viết không, em nghĩ rằng người Việt Nam, đặc biệt các bạn trẻ rất lười đọc, nhìn cái gì dài họ e ngại, nên em chọn hình thức lên hình, là Vlog để mình nói những vấn đề rõ hơn, và thông điệp cũng dễ dàng chạm đến những người mình muốn hướng đến”.

Phải nói sự thật

Để có thể tiếp tục bày tỏ chính kiến và quyền lên tiếng của mình, những thanh niên đang dùng mạng xã hội sẽ có những cách ứng phó khác nhau. 
Không nêu tên cụ thể của nhân vật mình muốn nói, là một trong những cách Trần Tùng cho rằng có thể đối phó lại với lực lượng an ninh 
An ninh Việt Nam không đủ cơ sở để cấu thành tội phạm. Thứ hai nữa, mặc dù mình rất ghét nhưng mình phải nói theo sự thật chứ không được nói cực đoan.
Khi nói thật thì người ta không làm gì được mình. Ví dụ như ông Nguyễn Văn A, là Bộ trưởng gì đó ăn hối lộ, thì tôi nói ăn hối lộ. Nhưng nếu người ta ăn hối lộ có 100 tỷ mà mình nói lên 1000 tỷ thì là cực đoan. Phải có thông tin chính xác. Cùng lắm thì an ninh mạng hoặc cảnh sát địa phương đâm sau lưng mình thôi”.
Nói thêm về tính chất cực đoan của các nội dung trên mạng xã hội, Trần Tùng nhận thấy có một số thành phần nào đó muốn sự việc “máu lửa” hơn, thu hút nhiều người xem hơn thì họ sẽ có những cách nói nghiêng về suy nghĩ cá nhân nhiều hơn. “Và như thế thì không tránh được tinh thần cực đoan trong truyền tải thông tin”, theo Trần Tùng nhận định. 
Hoàng Thành, người có những nội dung Vlog thu hút nhiều lượt xem đưa ra quy tắc cách làm của anh. 
“Em có lựa chọn ngôn từ, có kịch bản sẵn, có tính thời sự trong đó. Mức độ thông tin em đưa ra không quá nặng nề. Và em nghĩ rằng độc giả có thể đánh giá về lượng thông tin mà mình truyền tải”.
“Mức độ mà mình phản biện hay nói tới một vấn đề nào đó thì phải trong tầm khả năng của mình, và đặc biệt phải nói sự thật. Em thấy nhiều người trên mạng xã hội có nói quá, như thế thì nguy hại cho bản thân họ. Quy tắc của em là nói đúng. Không nói quá, không nói xàm những vấn đề đã là sự thật rồi”.
Bằng nhiều cách, từ cấm đoán, xử phạt cho đến bắt giam theo Bộ luật Hình sự với những facebooker, bloggers, Chính quyền Việt Nam đã ra sức ngăn chặn những thông tin được cho là “độc hại và xấu”. Tuy nhiên, qua chia sẻ của những người đang dùng Youtube, Facebook hoặc các mạng xã hội khác thì sự thật vẫn là sự thật. Mạng xã hội vẫn đang và sẽ là hình thức truyền tải thông tin phổ biến nhất, đặc biệt trong tình trạng có nhiều sự việc không được báo chí trong nước đăng tải. 
C.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.