Liệu Trung Quốc có chiêu dụ được các «đồng chí» Việt Nam ?
bauxitevnSun 9:13 AM
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường duyệt hàng quân danh dự tại Bắc Kinh ngày 12/09/2016. REUTERS/Jason Lee
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã được Bắc Kinh trải thảm đỏ đón tiếp, mặc dù quan hệ Việt-Trung đang lạnh giá do vấn đề chủ quyền Biển Đông.
Tờ South China Morning Post nhận định, Trung Quốc trong tuần rồi đã trưng ra bộ mặt hữu hảo trong chuyến viếng thăm của thủ tướng Việt Nam. Đây là một phần trong nỗ lực ngoại giao để chiêu dụ nước láng giềng châu Á, nhằm làm giảm nhẹ những bất đồng đang âm ỉ, do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Nhưng các nhà phân tích cảnh báo, quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh vẫn khó khăn, mặc dù có những dấu hiệu tích cực bề ngoài trong tuần lễ vừa qua.
Các nhà quan sát nói rằng chuyến đi Trung Quốc của ông Nguyễn Xuân Phúc, kết thúc vào hôm nay 15/09/2016, cho thấy Bắc Kinh đánh giá cao tầm quan trọng về địa chính trị của Hà Nội - một đối thủ chính đang yêu sách chủ quyền Biển Đông. Bắc Kinh cũng cố gắng sử dụng chính sách ngoại giao dùng kinh tế làm mồi nhử, để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước.
Bỏ qua một bên những bất đồng sâu sắc về tranh chấp lãnh thổ trên biển, Bắc Kinh đã trải thảm đỏ đón ông Nguyễn Xuân Phúc, quan chức cao cấp đầu tiên của Việt Nam đến thăm Trung Quốc, kể từ sau đợt thay đổi mạnh mẽ ban lãnh đạo tại Hà Nội hồi đầu năm.
Trong một động thái bất thường nhằm phô trương mối quan hệ đặc biệt với quốc gia cộng sản láng giềng, trong chuyến viếng thăm kéo dài sáu ngày, ông Nguyễn Xuân Phúc được đến năm trong số bảy ủy viên thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc tiếp, trong đó có cả chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường.
Ông Phúc, người mà theo tờ báo là có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye hồi tháng Bảy, đã dịu giọng hẳn và hứa hẹn rằng mối quan hệ với Bắc Kinh sẽ là ưu tiên hàng đầu của Hà Nội.
Đổi lại, các lãnh đạo Trung Quốc cam đoan sẽ thắt chặt hơn quan hệ thương mại và tăng cường đầu tư vào Việt Nam - đang trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Nhà nghiên cứu Hứa Lợi Bình (Xu Liping) thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nói rằng chuyến đi của ông Nguyễn Xuân Phúc đánh dấu một chương mới trong quan hệ Trung-Việt, vì «cả hai bên đã hiểu được rằng họ không thể dấn vào xung đột trên biển». Ông nói: «Do quan hệ thương mại chưa bao giờ chặt chẽ đến thế, rõ ràng là các lợi ích chung đã vượt lên hẳn những bất đồng. Đây là lúc để hai nước nhìn xa hơn vấn đề tranh chấp Biển Đông và xây dựng lại lòng tin».
Cố Hiểu Tùng (Gu Xiaosong), một chuyên gia về Việt Nam ở Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây nói rằng mặc dù quan hệ chính trị giữa hai nước vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tranh chấp trên biển, và khác biệt về tư tưởng, các lãnh đạo Việt Nam cũng như Trung Quốc vẫn lưu tâm đến việc làm giảm bớt căng thẳng, và cố gắng siết chặt quan hệ kinh tế thương mại.
Ông nhận định: «Rõ ràng hòa bình, ổn định trên Biển Đông là phù hợp với lợi ích của cả đôi bên, và quan hệ Trung-Việt sẽ ổn thỏa trong một thời gian». Theo ông, việc giảm bớt căng thẳng trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc cũng sẽ giúp làm nguội bớt các quan hệ khác trong khu vực, vốn đang căng như dây đàn trong hồ sơ Biển Đông.
Các nhà phân tích ghi nhận, chủ tịch Tập Cận Bình hứa hẹn sẽ xúc tiến hợp tác trên biển giữa hai quốc gia trên vùng biển tranh chấp. Trung Quốc và Việt Nam hồi tháng 12/2015 đã cùng kiểm tra thực địa và các điều kiện địa lý ở cửa Vịnh Bắc bộ.
Tuy nhiên những nhà phân tích khác cho rằng quan hệ đôi bên đã bị xói mòn nghiêm trọng do tranh chấp Biển Đông, và các nỗ lực nhằm cải thiện sẽ rất khó khăn.
Giáo sư Alexander Vuving của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương ở Honolulu nhận xét, quan hệ Việt-Trung đã đến mức «giọt nước tràn ly» vào năm 2014, với cuộc khủng hoảng xảy ra khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa, kéo mối quan hệ xuống thấp chưa từng thấy.
Ông nói: «Bề ngoài có vẻ tích cực trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam có lợi cho cả hai, nhưng điều này không giống với thực tế. Từ đó đến nay, mặc cho những nỗ lực của cả đôi bên để tổ chức nhiều cuộc đàm phán hơn giữa các lãnh đạo, nhưng lòng tin đã xuống rất thấp. Những gì Trung Quốc hành động ở Biển Đông đã gây ngờ vực sâu sắc cho phía Việt Nam».
Chuyên gia Alexander Vuving cũng ghi nhận, Bắc Kinh khó mà từ bỏ lập trường quyết đoán về Biển Đông, có nghĩa là căng thẳng vẫn có thể leo thang giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như với các nước khác.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á ở trường đại học New South Wales, Úc, nói rằng thủ tướng Việt Nam nhất quyết muốn Trung Quốc cam kết tôn trọng nguyên trạng, không tiếp tục quân sự hóa Biển Đông.
Ông nói: «Tất cả những gì có thể hy vọng trong chuyến viếng thăm của ông Phúc là duy trì cấp độ những cuộc họp làm việc về tranh chấp trên biển, và tăng cường những biện pháp xây dựng lòng tin. Hà Nội mong muốn bảo đảm rằng tình hình trong khu vực thuận lợi cho phát triển kinh tế. Việt Nam coi Trung Quốc là một trong những cường quốc quan trọng trong chính sách ngoại giao của mình».
Làm giảm nhẹ căng thẳng với Bắc Kinh, Hà Nội trong những tháng gần đây cũng nghĩ đến việc xúc tiến quan hệ với Hoa Kỳ, tăng cường mối quan hệ với các nước lớn khác như Nhật Bản, Ấn Độ và Pháp.
Ông Vuving nhận định: «Sau chuyến công du Hoa Kỳ của tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng năm 2015, và chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ Barack Obama năm nay, nhiều lãnh đạo Việt Nam hiện giờ tin tưởng vào Hoa Kỳ hơn là Trung Quốc. Đây là điều trái ngược so với chỉ vài năm trước đây».
T.M.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.