Chiến dịch thanh trừng của Tổng BT Trọng đang bế tắc?
Đăng bởi Tiểu Nhi on Thứ Hai, ngày 26 tháng 9 năm 2016 | 26.9.16
Quá nhiều cái khó để Tổng bí thư Trọng “thí điểm” vụ Trịnh Xuân Thanh. Mà nếu không xử lý sớm được Thanh, ông Trọng sẽ chẳng thể lần ra được những “hổ” ở cấp cao hơn và cao hơn hẳn. Chiến dịch “chống tham nhũng” của ông cũng bởi thế sẽ có nguy cơ lớn bị tan vỡ từ trứng nước.
Động tác phải “tự cơ cấu” vào Đảng ủy Công an trung ương của Tổng bí thư Trọng là một chỉ dấu lộ liễu về việc ông Trọng đã có thể không còn tin cậy lực lượng công an như “cánh tay sắt của đảng”, mà quyết định tự mình làm tất cả theo cách mà Tập Cận Bình đã ra oai với Bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang ở Trung cộng.
Tuy nhiên, cách thể hiện của Tập cận Bình là nói ít làm nhiều, và làm ghê gớm. Còn với Tổng bí thư Trọng, chỉ cần lấy khoảng thời gian từ tháng 6/2016 đến nay, tức đã hơn 3 tháng, mà ông Trọng chưa thể xử lý được chỉ với “ruồi” Trịnh Xuân Thanh, cho thấy “cơ” của ông yếu ớt đến thế nào.
Động tác phải “tự cơ cấu” vào Đảng ủy Công an trung ương của Tổng bí thư Trọng cũng dẫn đến một kết luận quan trọng: Ủy ban Kiểm tra trung ương với trưởng ban là Ủy viên bộ chính trị Trần Quốc Vượng – người được xem là thân tín của Nguyễn Phú Trọng, đã không thể so sánh dù chỉ một phần nhỏ với Ủy ban Kỷ luật trung ương của Vương Kỳ Sơn – người thân tín của Tập Cận Bình. Từ tháng Sáu đến nay, dàn chuyên viên của Ủy ban Kiểm tra trung ương ở Việt Nam đã không lần ra được bất kỳ manh mối nào về bằng chứng tham nhũng của Trịnh Xuân Thanh ở PVC.
Mà cơ quan có khả năng “làm hồ sơ” về Trịnh Xuân Thanh chỉ còn là Bộ Công an (trên danh nghĩa và trước mắt giao cho Cục C46).
Nhưng Bộ Công an lại thuộc quyền của ông Tô Lâm. Sau vụ Trịnh Xuân Thanh ung dung đào thoát ngay trước mũi công an, có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng đã không còn có thể tin tưởng vào đội quân “còn đảng còn mình” này.
Vấn đề đặt ra là nếu các cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an không chịu, hoặc không thật sự nhiệt tình trong việc “làm hồ sơ” vụ Trịnh Xuân Thanh, Tổng bí thư Trọng sẽ lấy đâu ra cơ sở để ít nhất cũng truy tố vắng mặt Thanh?
Chưa kể đến việc “truy nã quốc tế” đối với Trịnh Xuân Thanh đang vấp phải một rào cản lớn về tư pháp quốc tế. Có thông tin cho biết Trịnh Văn Thảo của PVC – ME – người trốn ra nước ngoài từ năm 2010 và đã bị Bộ công an phát lệnh truy nã quốc tế - cho tới nay vẫn chẳng thấy tăm hơi đâu, thậm chí cái tên Trịnh Văn Thảo còn không xuất hiện trong cả danh sách truy nã quốc tế của cơ quan Interpol.
Quá nhiều cái khó để Tổng bí thư Trọng “thí điểm” vụ Trịnh Xuân Thanh. Mà nếu không xử lý sớm được Thanh, ông Trọng sẽ chẳng thể lần ra được những “hổ” ở cấp cao hơn và cao hơn hẳn. Chiến dịch “chống tham nhũng” của ông cũng bởi thế sẽ có nguy cơ lớn bị tan vỡ từ trứng nước.
Còn trước mắt, nếu vụ Trịnh Xuân Thanh bế tắc, liệu ông Trọng sẽ tính toán để ra ngón đòn nào khác? Và với nhân vật nào? Sẽ bỏ qua “ruồi” để đánh thẳng vào “hổ” chăng?
Nhưng trên tất cả, cơ quan nào sẽ muốn giúp và có khả năng giúp ông Trọng thực hiện ý đồ ấy?
Lê Dung
(SBTN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.