Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

“Rào đất cướp ruộng” – tích lũy tư bản nguyên thủy và nhà nước Trung Hoa Cộng Sản – Kỳ 2


“Rào đất cướp ruộng” – tích lũy tư bản nguyên thủy và nhà nước Trung Hoa Cộng Sản – Kỳ 2

Nguyễn Hoài An (Dịch)
“Rào đất cướp ruộng” – Phong kiến Anh Quốc  và xã hội chủ nghĩa Trung Hoa
Ở phần trước, chúng ta đã thấy được phần nào sự chóng vánh và tính chất bạo lực trong phong trào trưng thu ruộng đất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ đơn thuần chỉ ra rằng phong trào trưng thu ruộng đất ở Trung Quốc diễn ra nhanh và bạo lực không cho thấy hết được đặc thù lịch sử của nó. Khi so sánh với phong trào trưng thu ruộng đất, hay còn gọi là phong trào rào đất ở Anh, nhiều điểm đặc thù của phong trào trưng thu ở Trung Quốc nổi bật lên thấy rõ.
Lịch sử phong trào ở Anh
Manh nha từ thế kỷ XII, phong trào rào đất ở Anh chủ yếu nhắm đến những cánh đồng trống, những khu đất công, đất rừng và các khu vực không có người cư trú. Ban đầu, việc rào đất để chiếm dụng chỉ diễn ra rải rác, với mục đích chính là để ghép các dải đất lại với nhau cho tiện quản lý và phục vụ cho cuộc trao đổi giữa các tiểu nông và người lĩnh canh.
ShepherdsCJan
Bức ảnh minh họa quá trình chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất nuôi cừu và dành cho công nghiệp tại Anh Quốc vào thế kỷ 16. Ảnh: internetshakespeare
Cao trào rào đất bắt đầu lan rộng trong thế kỷ XV, XVI. Đến thời điểm này, các cuộc rào đất đã mang tính chất chiếm đoạt “cá lớn nuốt cá bé”. Giới chủ, thương gia, luật gia, quý tộc, và đại phú nông quây rào các khu đất công, chiếm dụng làm của riêng, kéo theo đó là việc xóa sổ các nông trang và đẩy nông dân ra khỏi khu đất canh tác. Đợt trưng thu này kéo dài khoảng 400 năm và chiếm dụng ít nhất gần 44 triệu mẫu đất, trong đó đỉnh điểm là giai đoạn 1801-1831 với 27 triệu mẫu đất trưng thu. Trước thế kỷ XVII, những mảnh đất bị chiếm dụng này chủ yếu được biến thành đồng cỏ và nông trại trồng nguyên liệu nhuộm phục vụ cho ngành dệt may đang phát triển của Anh. Sau thế kỷ XVII, đất chiếm dụng chủ yếu được dùng để trồng ngũ cốc, theo tinh thần “cách mạng nông nghiệp”.
Là một “tiến trình chinh phạt và cưỡng đoạt kéo dài” [trong lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản trên phương diện một hệ thống xã hội], phong trào rào đất ở Anh được tiến hành như một hình thức “xóa sổ giai cấp nông dân” trong đó “thuộc địa đầu tiên của đế quốc Anh chính là đất nước Anh”. Karl Marx đã chia phong trào rào đất ở Anh thành hai giai đoạn: giai đoạn đầu tiên có đặc trưng là những hành động bạo lực đơn lẻ; còn giai đoạn sau nổi bật lên như là chiến dịch trưng thu của nhà nước, trong đó luật pháp trở thành công cụ chiếm đoạt đất.
Là nền tảng của cuộc tích lũy tư bản nguyên thủy, các cuộc rào đất ở Anh đã bần cùng hóa nhiều người dân, đẩy họ vào cảnh phải rời bỏ quê hương. Như Karl Marx nhận xét, các biện pháp chiếm đoạt đất công, chiếm đoạt đất Nhà thờ kiểu này đã “biến đất thành tư bản và tạo ra cho các ngành công nghiệp đô thị nguồn cung cần thiết những người vô sản miễn phí và không có trong tay một quyền hành nào.” Nói cách khác, phong trào rào đất trưng thu đã định hình tiến trình cách mạng nông nghiệp ở Anh, và tạo ra hai thành tố cần thiết cho cách mạng công nghiệp: lao động cho các nhà máy và thực phẩm cho các thành phố.
Xã hội chủ nghĩa tích lũy tư bản nguyên thủy vượt xa phong kiến Anh Quốc
Dẫu vậy, hậu bối của Karl Marx có vẻ kế thừa tinh thần của tư bản nguyên thủy hơn là tinh thần của ông.
Có thể thấy qua các con số, phong trào rào đất để trưng thu ở Trung Quốc vượt xa điều tương tự diễn ra ở Anh Quôc về cả tốc độ lẫn quy mô trưng thu. Trong chưa đầy ¼ thế kỷ, số đất trưng thu ở Trung Quốc đã nhiều hơn gấp 3,4 lần số đất trưng thu ở Anh trong 400 năm. Tương ứng, số nông dân bị tước đất ở Trung Quốc trong các vụ trưng thu cũng nhiều hơn ở Anh 3,4 lần. Tính đến cuối phong trào rào đất ở Anh (1875), số nông dân bị mất đất là 37,5 triệu người, trong khi đó con số này ở Trung Quốc hiện nay là gần 130 triệu người và chưa có dấu hiệu dừng lại. Quan trọng hơn cả, nếu như ở Anh phong trào rào đất để trưng thu phải mất khoảng 300 năm mới lên đến cao trào, thì phong trào quây đất để trưng thu ở Trung Quốc đã diễn ra ồ ạt và mạnh mẽ ngay từ khi bắt đầu.
Các học sinh Trung Quốc đi bộ từ khu nhà ở tập trung tại Trùng Khánh đến trường sau khi đất đai nông nghiệp của gia đình bị thu hồi. Ảnh: New York Times
Lý do khiến cao trào trưng thu ở Trung Quốc diễn ra ồ ạt hơn ở Anh là các bên tham gia quây đất ở Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với nhau trong một liên minh có tính tổ chức cao: chính quyền địa phương móc ngoặc chặt chẽ với doanh nghiệp, thêm vào đó là sự góp sức của các băng đảng xã hội đen. Nếu như ở Anh, các cuộc rào đất nhắm đến việc chuyển đổi đất thuộc sở hữu công và sở hữu tư một phần thành tài sản hoàn toàn thuộc sở hữu tư, thì các cuộc quây đất ở Trung Quốc lại phục vụ mục đích chuyển đổi đất từ sở hữu tập thể của người nông dân sang sở hữu nhà nước. Người nắm quyền sở hữu thật sự những mảnh đất này là chính quyền địa phương, bên thu được nguồn lợi to lớn từ việc cho thuê đất. Số tiền chính quyền thu được khi cho thuê những mảnh đất trưng thu đã tăng từ gần 130 tỉ Nhân dân tệ năm 2001 lên khoảng 4.000 tỉ Nhân dân tệ năm 2013, và mang về cho chính quyền tổng cộng khoảng 19,4 nghìn tỉ Nhân dân tệ trong vòng 13 năm. Và hẳn nhiên trong miếng bánh ngon ấy, các quan chức nắm trong tay quyền “cấp quyền” sử dụng đất cũng bỏ túi cho mình một phần đáng kể.
Những khác biệt như vậy về quy mô, tốc độ và nhân tố tham gia trưng thu dẫn đến sự khác biệt trong cách thức sử dụng các phương tiện bạo lực. Như các nghiên cứu ở Trung Quốc đã cho thấy, 17,8% các trường hợp trưng thu có sử dụng biện pháp cưỡng chế, và trưng thu có kèm theo bạo lực diễn ra tại 36% ngôi làng thuộc nhóm mẫu nghiên cứu. Không có dữ liệu tương tự về các cuộc trưng thu ở Anh, song dựa trên đặc điểm dài hạn của các cuộc trưng thu ở đây, có thể dự đoán rằng tình trạng bạo lực ở Anh không diễn ra nhiều như ở Trung Quốc cả theo nghĩa tương đối lẫn nghĩa tuyệt đối. Bạo lực ít có tính tổ chức hơn, các phương tiện bạo lực cũng ít đa dạng hơn và hệ quả ít nghiêm trọng hơn.
Một điểm khác biệt nữa là, phong trào rào đất ở Anh thường được tiến hành với mục đích tăng tiền thuê đất, biến đất nông trại thành đồng cỏ hoặc cánh đồng trồng ngũ cốc. Nói cách khác, phong trào trưng thu ruộng đất ở Anh không thay đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, và cũng không phá hỏng nền nông nghiệp hay môi trường tự nhiên. Trong khi đó, ở Trung Quốc, các cuộc quây đất để trưng thu chủ yếu phục vụ mục đích tăng thêm nguồn thu từ hoạt động kinh doanh đất bằng cách thúc đẩy công nghiệp hóa và đô thị hóa, xây dựng đủ các loại hình khu đô thị mới, công nghiệp mới. Vì thế, đất bị giải nông nghiệp hóa, đổ bê-tông, rải nhựa, thay đổi mục đích sử dụng và đặc điểm tự nhiên, khiến môi trường và sự đa dạng sinh học suy giảm nghiêm trọng.
Vai trò của yếu tố văn hóa
Thêm một điểm phân biệt phong trào quây đất ở Trung Quốc và phong trào rào đất ở Anh là sự tham gia của yếu tố văn hóa trong nguyên nhân trưng thu.
Mặc dù nguyên nhân trưng thu ở Trung Quốc thường được gắn với hoạt động kinh doanh đất hay tích lũy tư bản nguyên thủy, song các yếu tố văn hóa như đô thị hóa hay chủ nghĩa tiện nông [coi khinh nghề nông] cũng cần được xét đến ở đây. Đây là hai dạng thức phát triển tư bản chủ nghĩa cực đoan ở Trung Quốc, chúng cho thấy một cuộc chuyển đổi phương thức nhận thức cấu thành nên tổng thể văn hóa của đất nước này. Cơ sở nhận thức luận của chúng biện minh cho một loạt những biện pháp tiêu cực như “triệt thôn tịnh cư” – xóa bỏ làng tự nhiên, dồn dân lên các khu nhà cao tầng. Các thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn, trở thành biểu tượng cho sự hiện đại, còn nghề nông, các làng quê nông thôn và những người nông dân bị coi là tàn dư của cuộc sống tụt hậu. Do đó, việc phá “làng tự nhiên” và biến “nông dân thành công dân” trở thành chính nghĩa và tất yếu.
18453_5280988923bf3-386x258
Tập hợp các nông dân mất đất trong một cuộc biểu tình phản đối trưng thu ruộng đất tại Trung Quốc. Ảnh: TheDiplomat
Hẳn nhiên, mối quan hệ văn hóa không tách rời khỏi mối quan hệ kinh tế và chính trị; chúng cấu thành lẫn nhau và củng cố lẫn nhau. Tuy nhiên, vẫn còn có điều gì đó khác ở tổ hợp quan hệ này: khi thuế nông nghiệp được xóa bỏ, khi nông nghiệp không còn là một nguồn thu, các ngôi làng và những người nông dân trở thành gánh nặng hay thặng dư xã hội đối với chính quyền địa phương, điều này càng làm tình trạng “tiện nông” thêm trầm trọng và củng cố phong trào trưng thu xóa bỏ các ngôi làng, nghề nông và nền nông nghiệp.
Như vậy, mặc dù các cuộc trưng thu ở cả Trung Quốc và Anh đều mang tính “ăn thịt người” song vẫn có sự khác biệt giữa “nhà ăn người” với “cừu ăn người”. Trái ngược với các cuộc trưng thu ở Anh, các cuộc trưng thu ở Trung Quốc thiếu vắng cả sự công bằng xã hội lẫn cân bằng sinh thái. Thiệt hại kép này đồng nghĩa với việc các cuộc trưng thu sẽ không định hình tương lai của Trung Quốc thành công hơn vai trò của chúng trong việc định hình tương lai nước Anh.
Tóm lại, có thể tóm lược như sau về tác động và hệ quả của phong trào trưng thu ở Trung Quốc. Phong trào quây đất để trưng thu đã mang lại nguồn lợi to lớn cho chính phủ thông qua các hoạt động kinh doanh đất. Nó góp phần vào sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc, sự mở rộng của các thành phố, và đóng vai trò như một yếu tố quan trọng góp phần làm nên “phép màu Trung Quốc”. Tuy nhiên, phong trào này cũng chuyển đổi các khu đất sản xuất ngũ cốc thành các khu nhập khẩu ngũ cốc, điều này đe dọa đến an ninh lương thực của Trung Quốc. Nó cũng phá hủy mảnh đất nuôi sống hàng trăm triệu người và biến hàng chục triệu người Trung Quốc thành những “nông dân ba không” [không đất đai, không việc làm, và không an sinh xã hội], đẩy tình trạng bất bình đẳng trong xã hội lên cao. Tần suất triển khai vũ lực có tổ chức trong các cuộc trưng thu đang khiến xã hội Trung Quốc nặng mùi chuyên chế. Điểm khởi đầu và kết thúc bằng cuộc giải nông thôn hóa của các cuộc trưng thu ngày càng mở rộng và đẩy sâu tác động sinh thái học: cuộc chuyển đổi đất nông nghiệp thành những khu đất đổ bê-tông với những dãy nhà cao tầng, những con đường rải nhựa, những trung tâm mua sắm đang khiến sự đa dạng sinh học sụt giảm mạnh, và tăng cường hiệu ứng đảo nhiệt đô thị hay hiệu ứng đảo sương mù, những hiện tượng càng làm suy yếu hơn nữa mối quan hệ của người Trung Quốc với tự nhiên theo lối cũng đồng thời làm suy yếu nhân tính.
Theo 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.