«Đại cục» của ông Tập Cận Bình không lừa được người dân Việt
bauxitevnMon 7:33 AM
Ông Tập Cận Bình phát biểu hơn 20 phút trước Quốc hội Việt Nam ngày 06/11/2015. REUTERS/Hoang Dinh Nam/Pool
Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hai ngày 5 và 6 tháng 11/2015 đã gây nhiều bão tố cả trên mạng xã hội lẫn ngoài đường phố. Đã có các kiến nghị phản đối của một số tổ chức xã hội dân sự, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở Hà Nội và Saigon.
Trừ cuộc biểu tình tập hợp được khoảng 200 người ở Saigon và một cuộc khác nhỏ hơn ở Hà Nội hôm 04/11/2015, đúng ngày ông Tập Cận Bình đến nhiều người đấu tranh đã bị trấn áp. Trước đó, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đã có thư khẩn gởi các đại biểu Quốc hội đề nghị phải có thái độ đúng mực đối với nhân vật trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã ngang nhiên khẳng định «Biển Đông là của Trung Quốc từ thời cổ đại».
RFI đã phỏng vấn Phó giáo sư Hoàng Dũng, thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng về sự kiện trên.
RFI : Kính chào Phó giáo sư Hoàng Dũng. Thưa ông, sau hai ngày thăm Việt Nam bây giờ Chủ tịch Trung Quốc đã ra đi, ông có thể cho biết những gì còn đọng lại trong ông về sự kiện này ?
PGS Hoàng Dũng : Đọng lại trong tôi là hình ảnh ông Trần Văn Bang, máu đổ như thế… Trên Facebook ông này viết rằng để làm «thảm đỏ» đón tiếp ông Tập. Câu ấy thật là cay đắng. Có bao giờ lãnh tụ của một đất nước láng giềng đến, mà người dân Việt Nam lại tỏ thái độ như vậy. Và việc đàn áp như thế chứng tỏ sự xa cách giữa giới cầm quyền và người dân trong việc ứng xử với Trung Quốc.
RFI : Nhưng việc tiếp đón các nguyên thủ nước ngoài là vấn đề ngoại giao, và trong những chuyến công du Mỹ và Anh trước đây, ông Tập Cận Bình đều cho nước chủ nhà biết là không muốn thấy những cuộc biểu tình chống đối ông ta ?
Chuyện ngoại giao là chuyện của Nhà nước, chứ còn việc người dân thể hiện thái độ là chuyện của người dân. Các lãnh tụ Việt Nam qua Mỹ thì Tổng thống Mỹ đón tiếp, mà một số người dân Mỹ biểu tình thì không lẽ đàn áp? Chính việc đàn áp chứng tỏ là mất dân chủ, chứ tôi không nói việc Nhà nước đón tiếp. Vấn đề không phải là đón tiếp mà là đón như thế nào, làm sao đón tiếp trong tư thế một đất nước tự chủ, độc lập, và đừng gây sốc cho người dân Việt.
Một lãnh tụ của một đất nước mà dám nói trước Liên Hiệp Quốc rằng Biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ thời cổ đại, và ít lâu sau lại đến Việt Nam, yêu cầu được phát biểu trước Quốc hội; mà chúng ta nói những lời hữu hảo, không hề có một câu gì chứng tỏ mình có lập trường riêng, thì làm sao người dân thông cảm được. Tóm lại tôi muốn nói là cách đón tiếp, thái độ ứng xử của chủ nhà chứ không phải bản thân sự việc.
RFI : Thưa ông có phải vì vậy mà Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đã có thư gởi các đại biểu Quốc hội về cách tiếp đón ông Tận Cận Bình ?
Thư ấy đã được công khai trên các trang mạng, và cũng đã được gởi khẩn cấp đến Quốc hội, nói rõ vì sao phải như vậy và đề nghị về thái độ ứng xử. Tinh thần là như thế này: làm thế nào các đại biểu Quốc hội, mà trước hết là đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh, phải tỏ rõ thái độ xứng đáng với cha ông trong Hội trường mang tên Diên Hồng.
Chúng ta nhớ rằng Diên Hồng là một hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Vua Trần mời các bô lão đến để bàn việc «Hòa» hay «Chiến». Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng muôn người như một đều bật lên tiếng nói đòi «Chiến!». Giặc xâm lược đã vào tận Thăng Long, thì đánh là phải.
Còn bây giờ chúng ta gắng hết sức để giữ hòa bình, nhưng chúng ta không sợ, một khi cần thiết phải giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ.
Trong thư của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng gửi cho các đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh, cũng nói rõ là cần phải có thái độ lịch thiệp; với bề dày truyền thống, phải tôn trọng người đại diện của nhân dân Trung Quốc láng giềng. Nhưng một lãnh tụ mà tuyên bố những câu láo xược như vậy, thì chúng ta cần phải có thái độ!
Nếu (ông Tập) đến đọc diễn văn, tốt nhất là không đến dự. Mà nếu buộc phải đến dự thì không nên vỗ tay. Sở dĩ tôi nói như vậy bởi vì hình như ông (Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – TM) Nguyễn Hạnh Phúc có đề nghị là phải vỗ tay. Đến cả vỗ tay cũng được «chỉ đạo» nữa thì thôi, hết chuyện nói !
Có lẽ chỉ có Quốc hội Việt Nam mới có thể chỉ đạo được chuyện ấy. Chứ tôi thấy ở các nước dân chủ, không có một Nhà nước nào dám chỉ đạo Quốc hội cả. Ngay cả lãnh tụ của Quốc hội cũng không thể chỉ đạo được từng nghị sĩ.
RFI : Nhưng có lẽ cũng không thể kỳ vọng nhiều vào một Quốc hội mà đa số đại biểu là quan chức?
Tất nhiên ! Chúng ta không có Quốc hội nào khác, thành ra đành phải vậy. Khi đi bầu Quốc hội, người dân Việt Nam đều biết rằng không thể kỳ vọng vào họ, chứ có phải đợi đến lúc này mới thấy đâu. Chúng ta biết Quốc hội Việt Nam với cách thức bầu bán như thế này, trong một đất nước toàn trị, thì làm gì có người đại biểu thực sự cho người dân.
RFI : Sau bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trước Quốc hội Việt Nam, ông có nhận xét như thế nào ?
Tôi thấy ông cũng đủ khôn ngoan để không động đến Biển Đông. Không động đến vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, không nói đến «lợi ích cốt lõi», tức những việc nhạy cảm nhất mà ông đã ngang ngược nói ở Liên Hiệp Quốc.
Tôi nghĩ rằng nếu ông nói như vậy, thì chắc là các đại biểu Quốc hội – dù như tôi đã nói là không thể trông mong gì nhiều lắm – nhưng chắc chắn sẽ có nhiều người phản ứng. Bởi vì họ đều là con dân Việt Nam cả. Thành ra ông (Tập) làm như thế là khôn ngoan.
Tuy nhiên những lời ông nói như «hợp tác» rồi «bốn tốt», «mười sáu chữ vàng»… tất cả những cái đó đối với người Việt nó quen thuộc, nhàm chán. Mà càng nhắc thì người ta càng thấy sự mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm.
Ông nói phải nhìn vào «đại cục», «đại cục» mới là quan trọng chứ không phải «tiểu cục». Tôi xin nói là đối với người Việt Nam, cái «tiểu cục» đó chính là «đại cục» đấy! Còn «đại cục» ông nói tôi không rõ là cái gì, mơ hồ lắm.
Ví dụ, «đại cục» có phải là chủ nghĩa xã hội không? Thì ngay cả nước ông cũng đã có chủ nghĩa xã hội đâu! Mà ở Việt Nam thì ông «đảng trưởng» Nguyễn Phú Trọng bảo rằng tới cuối thế kỷ này chưa chắc đã có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện. Nói chung là cả hai nước đều không có cái chủ nghĩa xã hội ấy, thì làm gì có «đại cục»! Còn không lẽ sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam chỉ là «tiểu cục»?
Cho nên những lời sáo rỗng không thể nào lừa bịp được người dân Việt. Tôi thấy các đại biểu Quốc hội có nén lại, họ căng thẳng mà nghe ông, chứ còn trong lòng họ, nếu có thể nói thật chắc họ cũng không bằng lòng. Chắc cũng có người cảm thấy phẫn nộ, cảm thấy rằng việc Tập Cận Bình qua Việt Nam không thêm được một chút ánh sáng nào cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông, giải quyết những chuyện khúc mắc lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Mà như vậy, tôi không biết ở một số nào đó do quyền lợi của riêng họ thì như thế nào, nhưng xét về quyền lợi của cả đất nước thì không có gì thay đổi cả.
RFI : Chủ tịch Trung Quốc đến thăm vào thời điểm sắp Đại hội Đảng Việt Nam. Dư luận cho rằng còn có một mục đích là gây sức ép lên vấn đề nhân sự trong giới lãnh đạo Việt Nam, ông nghĩ thế nào ?
Tôi nghĩ rằng không loại trừ khả năng đó. Trong phát biểu của giáo sư Tương Lai hôm mùng 4 trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở Saigon, thì giáo sư nói thẳng cái ý đó. Trong một xã hội như Việt Nam, mọi thông tin đều bí mật, chỉ trong một nhóm người nào đó mới biết được, dân chỉ có cách ngồi đoán với nhau. Nhưng tâm lý người Việt Nam sau bao nhiêu năm, thì họ tin là như vậy.
Có phải như thế hay không? Đó là nhiệm vụ của Nhà nước chứ không phải người dân. Dân người ta cho rằng Tập qua đây là để tác động đến việc bầu cử trong Đại hội Đảng. Trước sự nghi ngờ như vậy - và nghi ngờ ấy không phải là không chính đáng - thì đảng phải có cách, có biện pháp nào để làm cho dân tin là không phải như thế. Đó là trách nhiệm của Nhà nước, đừng bắt người dân phải tin một cách mù quáng.
Một anh bạn email bảo rằng đối với những thành phần bán nước, chỉ nhổ một bãi nước bọt là đủ. Tôi có bình luận, mỗi người một bãi nước bọt thôi, thì kẻ bán nước cũng đủ chết chìm rồi.
RFI: Nhưng những hoạt động phản đối chính sách Trung Quốc ở Biển Đông nói chung và các cuộc biểu tình vừa rồi ở cả hai miền, số người tham gia còn ít, chưa kể chuyện bị trấn áp…
Những hoạt động phản đối trong đó có biểu tình, tôi tin là người dân Việt Nam đều đồng tình. Nhưng số người tham gia ít, không có nghĩa là người ta ơ thờ với những chuyện liên quan đến vận mệnh của đất nước đâu. Mà chỉ cho thấy một điều là đất nước Việt Nam của chúng ta ngột ngạt đến như thế nào, bộ máy quyền lực tác động đến từng người dân mạnh mẽ ra sao.
Số lượng nếu nhiều hơn thì càng vui, nhưng ít như thế không phải không vui. Chúng ta nhớ rằng trước khi Bức tường Berlin sập, số người đi biểu tình có bao nhiêu đâu, và Đức có thể nói là vững vàng nhất ở Đông Âu. Những người cầm quyền cứ nghĩ rằng họ dựa vào sức mạnh bạo lực, mà không nghĩ đến vấn đề căn bản hơn: làm sao có cùng suy nghĩ với người dân. Thì một con đê bị tổ mối ăn có thể sụp khi nào không biết.
RFI : Phải chăng bên cạnh đó còn có một yếu tố là tuyên truyền về biển đảo chủ quyền của Việt Nam trên truyền thông nhà nước và trong các trường học quá ít, nên không gợi lên được ý thức và lòng yêu nước nơi người dân ?
Tôi nghĩ điều đó là trước đây, chứ còn bây giờ, sau khi cái giàn khoan dầu của Trung Quốc tiến vào Việt Nam, thì báo chí đã thay đổi lắm rồi. Trước đây chỉ dám nói là «tàu lạ», bây giờ nói thẳng là tàu Trung Quốc, và người Việt Nam không phải là thiếu thông tin. Nhưng tôi nghĩ máu trên mặt anh Trần Văn Bang là một lời giải thích.
Người ta biểu tỏ lòng yêu nước của mình, thì lực lượng an ninh không ngần ngại dùng những người mặc thường phục đánh người ta như vậy. Tôi thấy anh máu chảy trên mặt mà vẫn vung tay nói «Tôi đuổi Tập Cận Bình nên bị đánh», thì bất cứ ai cũng cảm thấy thương xót cả. Và như thế chế độ còn tồn tại đến khi nào.
Vụ ông Tập Cận Bình qua thăm Việt Nam khiến cho tôi nghĩ lại lời của ông Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Quốc phòng, ủy viên Bộ Chính trị - khi nói rằng «Chúng ta tuyên truyền thế nào mà từ già đến trẻ ai cũng ghét Trung Quốc, điều đó rất có hại». Câu đó tôi thấy thú vị ở chỗ là cả một bộ máy tuyên truyền cho «bốn tốt, mười sáu chữ vàng» mà cuối cùng ông Bộ trưởng Quốc phòng phải thừa nhận như vậy, chứng tỏ là đã thất bại như thế nào!
RFI : Chúng tôi rất cảm ơn Phó giáo sư Hoàng Dũng, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.
T.M. – H.D.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.