Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

"Nhà nước đang nuôi báo cô nhiều công chức, viên chức"

"Nhà nước đang nuôi báo cô nhiều công chức, viên chức"

bauxitevnWed 8:20 AM


Ngọc Quang 
(GDVN) - Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói thẳng như vậy khi trao đổi với báo chí về năng lực công chức, viên chức.
Theo kế hoạch dự kiến, Nhà nước sẽ tinh giản biên chế trên 296 nghìn cán bộ công chức, viên chức (tức là chiếm khoảng 10%) trong giai đoạn 2015 – 2021.
Tuy nhiên, vấn đề nhiều Đại biểu Quốc hội lo ngại hiện nay là liệu có chuyện “giảm chỗ nọ, phình chỗ kia” hay không? Thậm chí, đã có ý kiến chỉ ra rằng, số lượng cán bộ công chức, viên chức ăn lương nhà nước không những không giảm mà còn tăng lên thời gian qua, và các ngành đều có lý do chính đáng.
Theo ông Nguyễn Đình Quyền – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói thẳng rằng, không thể cào bằng như hiện nay mà phải tính lại cho đúng với năng lực thực tế của từng vị trí công việc. Nếu không làm được thì động lực phát triển trong bộ máy nhà nước bị triệt tiêu, đến một lúc nào đó người có năng lực sẽ chán và buông xuôi.
“Hiện nay, trong bộ máy nhà nước đang trả lương cho một bộ phận không làm gì, tức là nuôi báo cô. Nhưng đồng thời, chúng ta có tội với những người làm việc bằng 5 người khác đang làm”, ông Quyền nhấn mạnh.
clip_image001
Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) nói thẳng, Nhà nước đang nuôi báo cô rất nhiều công chức, viên chức. ảnh: Ngọc Quang.
Theo vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, muốn giảm biên chế hiệu quả phải đặt vấn đề trên tổng thể toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ ở bộ máy hành chính của nhà nước.
“Chúng ta đang cải cách bằng cách định biên, tức là làm rõ mỗi vị trí công tác thì công việc như thế nào? Trong một số ngành, tôi thấy đã định biên được, nhưng nhìn chung thì chưa định biên được nên dẫn đến giảm biên chế rất khó khăn.
Hơn thế nữa theo quy trình hiện nay, tinh giảm biên chế không dễ dàng một chút nào cả. Người ta vẫn làm việc, bây giờ, hiệu quả đánh giá năng suất lao động như thế nào, những tiêu chí, người có thẩm quyền, cách thức thực hiện ra sao, trình tự thủ tục vẫn rất mơ hồ”, ông Quyền nhận định.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Quyền, việc phình biên chế trong cơ quan nhà nước trong nhiều trường hợp còn do ý chí chủ quan của người đứng đầu đơn vị.
Ông Quyền nêu thí dụ: “Tôi đã từng làm Vụ trưởng, lúc đó, tôi bảo chỉ cần 2 vụ phó thôi, nhưng thủ trưởng tôi bảo, không, anh phải cần 4 vụ phó.
Tôi chưa cần lấy thêm người thì ông thủ trưởng bảo cần lấy thêm người. Tức là người đứng đầu một đơn vị cũng không có thẩm quyền về biên chế, cán bộ.
Tính tự chủ đi đôi với tính tự chịu trách nhiệm, bởi vì người ta không tự chủ nên tính tự chịu trách nhiệm cũng yếu đi. Muốn tinh giản bộ máy Nhà nước hiện nay để lương cải thiện thì có quá nhiều việc phải làm và phải có bàn tay nào đó rất mạnh mẽ”.
Ông Nguyễn Đình Quyền cũng khẳng định, qua kinh nghiệm làm việc ở những cơ quan mà ông từng làm quản lý thì có thểm giảm được tới 40% cán bộ công chức, viên chức.
Ông Quyền dẫn chứng: “Có lần tôi đã từng nói, nếu tôi làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tôi có thể thải được 40% cán bộ, công chức ra khỏi bộ máy. Nếu cho phép tôi toàn quyền.
Thực tế ở các vụ chuyên môn 1 người có thể làm việc bằng ít nhất 3 người, thậm chí có thể làm bằng 5 người. Một anh vụ phó dư sức làm việc của hai anh vụ phó và 3 anh chuyên viên cộng lại, nhưng không có cơ chế gì khuyến khích, thậm chí có khi làm càng nhiều lại càng phải va chạm. Đến lúc bỏ phiếu bình bầu thì có khi mất phiếu.
Do đó, quan trọng nhất hiện nay là phải tính được định biên, và đặc biệt phải giao quyền tự chủ cho người đứng đầu. Người ta đã ở trong bộ máy nhà nước lâu rồi, bây giờ nói sa thải rất khó. Cơ chế thải bằng cách nào là cả một vấn đề, chúng ta phải tính đến hậu quả pháp lý của vấn đề đó”.
Từ câu chuyện sử dụng cán bộ, ông Nguyễn Đình Quyền cũng chỉ ra sự bất cập trong cách tính lương của hệ thống cơ quan nhà nước.
“Thí dụ, tôi nói những doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế như dầu khí, điện lực, tại sao lương lại mấy chục triệu như vậy? Địa tô chênh lệch đó không phải do anh ta tạo nên mà do cán bộ nhà nước và do ngân sách nhà nước đầu tư cho anh tạo nên.
Ở các tập đoàn kinh tế, cán bộ công chức được nhà nước bỏ tiền ra đào tạo, ngân sách nhà nước bỏ tiền ra để làm các thủy điện, nhiệt điện hàng nghìn tỷ... Khi bắt đầu kinh doanh anh đã tạo ra địa tô chênh lệch 1, chênh lệch 2 thì ngành anh hưởng, cái đó là vô cùng bất hợp lý.
Hai người, một người vào bộ máy nhà nước thì hưởng lương như lương thứ trưởng của tôi hiện nay là khoảng 14 triệu đồng, một người tài năng chưa chắc hơn ai vào tập đoàn đó thì được hưởng lương 50 - 70 triệu đồng. Như thế hoạch định lương kiểu gì? Thế mà nó vẫn diễn ra”.
Có một vấn đề rất thời sự đó các cơ sở giáo dục, y tế đã được nhà nước đầu tư rất lớn nhưng thực tế người dân vẫn phải trả phí rất cao. Câu chuyện xã hội hóa đã được nhiều Đại biểu Quốc hội đề cập là tại sao luôn nói “xã hội hóa” mà không phải “tư nhân hóa”? Nếu tư nhân làm tốt thì nhà nước cũng cần khuyến khích tạo điều kiện, nhưng cơ chế chính sách hoàn toàn khác với “xã hội hóa”. 
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, trong dịch vụ lợi ích công của Việt Nam hiện giờ là thiếu minh bạch nhất, mà việc này sẽ tạo ra lợi ích nhóm.
“Sẽ có một nhóm hưởng lợi từ cái thiếu minh bạch đó. Cho nên, trong dịch vụ công đó phải tính đúng, tính đủ nhưng phải trên cơ sở tính minh bạch chứ không phải một nhóm người tạo ra định suất rồi áp vào người dân.
Ở đây, cơ quan có thẩm quyền phải phê duyệt cho từng định suất đó và phải tính trên mặt bằng trung bình của xã hội chấp nhận được.
Như vậy, nếu tính đúng, tính đủ, công khai minh bạch được thì đồng vốn của Nhà nước chi phí vào dịch vụ công đó sẽ minh bạch.
Thứ hai là công lao của đơn vị dịch vụ công đó và thứ ba là sự đóng góp của người dân. Ba thứ đó, mới tạo ra được dịch vụ công tránh được thất thoát, lợi ích nhóm”, ông Quyền phân tích.
N.Q.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.