NỖI SỢ HÃI
bauxitevnThu 6:38 AM
Nguyễn Công Kiểm
"Điều quan trọng là người Việt Nam ở Việt Nam hiện nay ít quan tâm đến chính trị hơn hẳn ngày trước. ... Chỉ có hiện nay người ta mới nguội lạnh trước số phận của đất nước. Nguội lạnh đến mức gần như vô cảm. Tại sao?... Có thể nói là họ sợ việc quần chúng quan tâm đến chính trị” ( Nguyễn Hưng Quốc).
Vâng. TẠI SAO "người Việt Nam ở Việt Nam hiện nay ít quan tâm đến chính trị hơn hẳn ngày trước?”.
Có lẽ vì hơn nửa thế kỷ đại đa số người Việt trong nước đã bị giam hãm luẩn quẩn tại nấc thứ hai trong năm bậc thang về nhu cầu tâm sinh lý loài người, mà theo Abraham Maslow gọi đó là nhu cầu của sự An toàn (safety).
Để bảo vệ sự An toàn này của bản thân và gia đình tránh không bị "gây khó dễ", bị "nhắc nhở","trù dập", "đe doạ", "hãm hại", "bắt bớ", "tù đày" người ta phải hành xử với cộng đồng sao cho phù hợp, sao cho bên ngoài giống với bên ngoài của mọi người khác . Người ta phải dồn nén để cho những tư tưởng, những suy nghĩ, những cảm xúc của mình không được bật ra cho người khác biết. Người ta phải im lặng, phải gắng gượng gật đầu, phải giả vờ giơ tay, phải gượng cười vỗ tay theo mọi người khác để ra vẻ đồng ý; phải giả vờ tán thành những cái được hô hào là "chân lý", những điều mà ai ai cũng thấy rõ là không hợp đạo lý, là không đúng sự thật. Người ta phải dối trá, phải nói ngược lại với những gì mình tư duy.
Cũng vì nhu cầu về sự An toàn này mà người ta cẩn thận và kín đáo dạy dỗ con cháu rằng muốn sống bình yên phải biết " khôn ngoan" đừng động chạm đến chính trị, đừng biểu lộ tư tưởng của riêng mình mà chỉ lập lại những gì được dạy bảo ...
Và rồi cứ triền miên như vậy, nỗi ám ảnh truyền kiếp về nguy cơ bị tước đoạt mất sự An toàn trong cuộc sống này đã được truyền từ thế hệ ông bà cha mẹ sang thế hệ con cái cháu chắt. Cho đến một lúc người ta bị mất luôn cả khả năng nhận thức rõ ràng đây là một thảm trạng sa sút trầm trọng về nhân cách, về tinh thần trong đời sống của một Con người Tự do; rồi trong vô thức con người đã tự lừa dối mình và mọi người rằng đấy là "bình thường", là "biết sống", là "khôn ngoan"... Nhưng thật ra trong tiềm thức của con người đáng thương ấy lúc này vẫn còn ngấm ngầm sự xung đột âm ỉ giữa một khao khát muốn thoát khỏi ám ảnh của Nỗi sợ hãi để vươn đến tự do và một sự tự dối lừa chấp nhận thoả hiệp tiếp tục phải hèn hạ để thoả mãn nhu cầu An toàn.
Đại đa số người Việt trong nước hiện nay, từ những người "chủ đất nước" nghèo khổ lương thiện cho đến những người "đầy tớ trung thành" "giàu có quyền lực", tất cả đều là nạn nhân của Nỗi sợ hãi này. Tất cả đều là nạn nhân của một thứ "chủ nghĩa". Đấy là số phận bi thảm của mỗi nạn nhân và đại thảm hoạ của cả dân tộc, bởi lẽ nền tảng của năm bậc thang trong sự thoả mãn nhu cầu tâm sinh lý này lại được xây dựng bằng Nỗi sợ hãi, bằng sự hèn hạ, bằng sự tham lam, độc ác...
Thật đáng thương cho cả một dân tộc khi mà đại đa số đều bị giam hãm luẩn quẩn trong Nỗi sợ hãi triền miên tại bậc thang thứ hai này mà không thể vươn cao hơn nữa để đạt đến những điều thanh thoát, tuyệt vời hơn của nhân loại.
Hậu quả là Nỗi sợ hãi truyền kiếp này đã vùi dập tinh thần con người xuống vực thẳm của sự hèn nhát hoặc là khi Nỗi sợ hãi đến tột cùng sẽ thổi bùng lên ngọn lửa khao khát được tự do giải thoát bằng sự chống đối, phá phách... Quả thật đấy là nỗi buồn lịch sử, một thảm hoạ của cả dân tộc.
Khi Ta cởi trói giải thoát cho đồng loại khỏi ngục tù của Nỗi sợ hãi, thì khi đó chính Ta cũng đã tự giải thoát cho mình khỏi thảm hoạ lịch sử của cả dân tộc đó.
N.C.K.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.