Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Bà Phạm Chi Lan: TPP sẽ gặp phải sự chống đối của các nhóm lợi ích ở VN

Bà Phạm Chi Lan: TPP sẽ gặp phải sự chống đối của các nhóm lợi ích ở VN

bauxitevn9:01 AM


07.10.2015
clip_image002
Người lao động làm việc tại một xưởng may ở ngoại ô Hà Nội. Nhiều nhà sản xuất nổi tiếng như Lever Style, có nhiều thân chủ có uy tín như nhãn hiệu Hugo Boss và J. Crew đã bắt đầu chuyển khâu sản xuất của họ từ miền Nam Trung Quốc sang Việt Nam trong mấy năm gần đây.
Chuyên gia nghiên cứu kinh tế Việt Nam Phạm Chi Lan cho rằng Hiệp định TPP (Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) vừa đạt được giữa 12 quốc gia đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện ‘cuộc cải cách lần 2’, và theo bà, cuộc cải cách lần này chắc chắn sẽ gặp phải sự chống đối từ các nhóm lợi ích, buộc Việt Nam phải cân nhắc giữa lợi ích của các nhóm này với lợi ích của đông đảo người dân. Mời quý vị theo dõi chi tiết trong cuộc phỏng vấn sau đây giữa Khánh An của Ban Việt ngữ đài VOA với bà Phạm Chi Lan, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Việt Nam.
VOA: Thưa bà Phạm Chi Lan, khi TPP thành công, bà có nghĩ rằng Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất không? Tại sao? 
Bà Phạm Chi Lan: Khi người ta nói Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất là do người ta dựa trên một vài nghiên cứu được công bố của các chuyên gia, chủ yếu là ở Hoa Kỳ, nói rằng khi tham gia TPP thì các nước thành viên đều có thể có sự tăng trưởng về xuất khẩu, về GDP… Khi so sánh với mức độ hiện nay, Việt Nam có thể có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu chỉ nhìn tỉ lệ tăng trưởng cao mà đánh giá Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất thì không đúng, không xác đáng. 
Việt Nam có được tỉ lệ cao chủ yếu là bởi vì Việt Nam có điểm xuất phát thấp. Ví dụ như GDP của Việt Nam hiện nay là quy mô nhỏ nhất, tính theo bình quân đầu người, trong 12 nước thành viên TPP. Cho nên Việt Nam có thể có tốc độ tăng cao so với chính mình, nhưng ngay cả có tăng với tốc độ cao thì khoảng cách giữa Việt Nam và các nước thành viên khác của TPP vẫn còn rất lớn. Mỗi 1% tăng trưởng của Việt Nam là rất nhỏ so với các nước thành viên TPP khác.
Khi người ta nói Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất là do người ta dựa trên một vài nghiên cứu được công bố của các chuyên gia, chủ yếu là ở Hoa Kỳ…Khi so sánh với mức độ hiện nay, Việt Nam có thể có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu chỉ nhìn tỉ lệ tăng trưởng cao mà đánh giá Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất thì không đúng, không xác đáng.
Bà Phạm Chi Lan, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Việt Nam, nói.
Cho nên tôi cho rằng khi nói Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất thì cần phải nói rõ là ‘nếu so sánh về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất’ và cần phải nói thêm một vế nữa là ‘do Việt Nam có điểm xuất phát thấp nhất trong các nước thành viên TPP’ để tránh ngộ nhận là vào TPP, Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất.
VOA: Ngoài cái lợi như cơ hội về kinh tế, FDI đổ vào nhiều hơn, có luồng dư luận nói rằng nguy cơ ‘chết’ của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào TPP là có?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt lên là hoàn toàn có. Nhưng có vượt lên được hay không và ai thắng, ai thua thì nó phụ thuộc rất lớn vào năng lực bản thân các doanh nghiệp Việt Nam.
Một khía cạnh khác nữa mà tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm là đối với đông đảo doanh nghiệp Việt Nam, cơ hội thắng thua còn phụ thuộc vào một phần không kém quan trọng là môi trường kinh doanh mà họ đang có ở đất nước Việt Nam. Điều tôi lo ngại là môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa tốt.
Một điều rất rõ từ trước tới nay là Việt Nam luôn luôn có một hệ thống chính sách, trong đó ưu tiên số 1 dành cho các doanh nghiệp nhà nước, thứ 2 là cho các doanh nghiệp nước ngoài, còn các doanh nghiệp trong nước thì chịu thiệt thòi về nhiều mặt. Bao nhiêu năm chính phủ Việt Nam năm nào cũng cam kết và đưa ra chính sách gọi là ‘tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp’, nhưng năm nào cũng phải nhắc đến ‘tháo gỡ khó khăn’, có nghĩa là những khó khăn đó về môi trường kinh doanh vẫn còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. 
Những khó khăn về môi trường kinh doanh thì tự thân từng doanh nghiệp không làm được. Nó phụ thuộc vào nỗ lực của Việt Nam trong cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh tốt đẹp, thuận lợi và công bằng với các doanh nghiệp. Thành ra tôi lo cho doanh nghiệp Việt Nam là ở cái vế môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa thay đổi được như mong muốn. Do đó, nó gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam vốn dĩ đã tương đối yếu trong tương quan so sánh với các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó có thể làm cho một số doanh nghiệp Việt Nam không những không nắm được cơ hội mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác, mà họ lại chịu sức ép ngay trên ‘sân nhà’, tức là ngay ở thị trường Việt Nam.
VOA: Bà có nhắc đến vấn đề cải cách, theo bà, khả năng ràng buộc của TPP đối với vấn đề cải cách ở Việt Nam là như thế nào?
Bà Phạm Chi Lan: Đối với tôi, điều số một ý nghĩa của TPP đối với Việt Nam là chuyện cải cách thể chế. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức rất lớn cho Việt Nam. Nói chung ai cũng biết TPP yêu cầu về nhiều mặt chứ không phải chỉ thương mại. Nó đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi khá nhiều các điều luật, quy định, chính sách hiện có trong nước. Thay đổi này cũng là nhu cầu tự thân của nền kinh tế Việt Nam. Cho nên đối với Việt Nam, TPP là cơ hội đầy ý nghĩa là nó đặt ra cho Việt Nam thêm yêu cầu về cải cách thể chế, không chỉ là làm cho thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam theo cách thị trường Việt Nam, mà nó đòi hỏi Việt Nam phải theo chuẩn mực chung của kinh tế thị trường theo quan niệm như các nước thành viên khác của TPP hiểu và đã đưa vào cam kết của hiệp định. Tôi cho đó là thuận lợi.
Nhưng thách thức nằm ở chỗ những điều kiện đó là những điều kiện rất khó đối với Việt Nam. Cải cách để có được thể chế kinh tế thị trường đầy đủ được nhiều chuyên gia coi là một cuộc đổi mới lần 2 mà Việt Nam cần tiến hành. Tuy nhiên, cuộc đổi mới lần 2 này muốn tiến hành hoàn toàn không dễ dàng vì nói gặp phải hàng loạt rào cản các mặt, kể cả tư duy, nhận thức của những người quyết định chính sách hoặc quyết định khuôn khổ luật pháp ở Việt Nam, đặc biệt có sự trở ngại của các nhóm lợi ích ở Việt Nam.
Trước đây khi Việt Nam bắt đầu cải cách cách đây 30 năm thì đổi mới đạt được sự đồng thuận cao bởi vì tất cả mọi người đều có thể được hưởng lợi từ sự đổi mới. Nhưng bây giờ, khi Việt Nam cải cách sang một hệ thống thị trường đầy đủ hơn, minh bạch hơn thì lợi ích của một số nhóm lợi ích hiện nay sẽ bị ảnh hưởng. Cho nên họ sẽ chống lại chứ không dễ dàng chấp thuận việc cải cách vì lợi ích chung của cả nền kinh tế hay vì lợi ích của đông đảo người dân.
Thực tế trong thời gian vừa qua, ngay cả các vị lãnh đạo cao nhất cũng thừa nhận tình trạng ở Việt Nam có các nhóm lợi ích nổi lên và nó trở thành một trở ngại cho phát triển. Thế thì Việt Nam phải vượt qua những lợi ích đó thôi chứ không có cách nào khác.
Chuyên gia nghiên cứu kinh tế Việt Nam Phạm Chi Lan nói.
VOA: Bà vừa nói đến các nhóm lợi ích ở Việt Nam, nhiều người xem TPP là một sân chơi mà Việt Nam mới gia nhập, bà dự đoán lối chơi của Việt Nam sẽ như thế nào trong điều kiện mà đội chơi của Việt Nam như bà nói là sẽ có sự phản kháng từ phía các nhóm lợi ích?
Bà Phạm Chi Lan: Mong muốn cải cách ở các nước, nhìn chung, là để cho đông đảo người dân được hưởng lợi. Tuy nhiên thế nào cũng có những nhóm nhất định bị tác động tiêu cực, họ bị ảnh hưởng, họ coi là họ bị thua thiệt trong cải cách. Nhưng như vậy là buộc phải đặt lợi ích của đông đảo người dân lên trên, lợi ích của toàn thể nền kinh tế lên trên để thực hiện được cải cách. Việt Nam cũng không loại trừ khỏi quy luật đó. Thực tế trong thời gian vừa qua, ngay cả các vị lãnh đạo cao nhất cũng thừa nhận tình trạng ở Việt Nam có các nhóm lợi ích nổi lên và nó trở thành một trở ngại cho phát triển. Thế thì Việt Nam phải vượt qua những lợi ích đó thôi chứ không có cách nào khác. Nếu không vượt qua được thì chính Việt Nam không phát triển nổi chứ chưa nói đến chuyện tham gia TPP một cách đầy đủ hơn.
VOA: Vâng. Người ta nói Hoa Kỳ dùng TPP như là một cách để ‘xoay trục về châu Á’, ‘đối trọng kinh tế với Trung Quốc’. Thế thì Việt Nam ở giữa 2 cường quốc lớn, theo bà, đường lối khôn ngoan của Việt Nam nên thực hiện là như thế nào?
Bà Phạm Chi Lan: Việt Nam với tư cách là một nước nhỏ, trong quan hệ với các nước lớn thì luôn luôn phải coi trọng quan hệ với từng nước lớn một, cố gắng làm sao để giữ quan hệ hòa hiếu, tốt đẹp với họ. Đồng thời, Việt Nam cũng rất cần phải quan sát các nước lớn đang quan hệ với nhau như thế nào, đang chơi với nhau như thế nào, để giữ quan hệ của mình hợp lý hơn. Việt Nam không chỉ có TPP, trước khi kết thúc việc đàm phán TPP, Việt Nam đã kết thúc được đàm phán FTA với Liên minh Châu Âu, với Nga. Đấy cũng là những đối tác chiến lược vô cùng quan trọng của Việt Nam. Ở đây, sự khôn ngoan của Việt Nam là biết chơi với nhiều nước khác nhau để tạo cho mình một vị thế tốt trong quan hệ với các nước lớn trên thế giới.
VOA: Vâng. Cám ơn bà Phạm Chi Lan đã dành thời gian cho đài VOA.
K.A.- P.CL. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.