Chuyện về Tổng Cục 2- Kỳ I: Phần nổi của tảng băng
Ngoại thành Thủ đô, một sáng thu…Trước khi vào việc, bữa ấy, tôi ngồi trong cái quán nước gần lối rẽ um tùm cây cọ và hoa sữa ken dày dẫn vào một khu nhà xây cất khá khiêm tốn, mặt tiền không lòe loẹt biển hiệu. Từ tít ngoài cổng đã án ngữ tấm biển cấm quay phim chụp ảnh. Khó nghĩ tòa nhà với kiểu xây cất giản dị mấy tầng lầu kia lại là đại bản doanh của cơ quan tình báo quốc phòng Việt Nam có tên Tổng cục II.
Những ý nghĩ ngồ ngộ chợt đến khi nhớ lại câu rất hay của người Việt mình, quen sợ dạ, lạ sợ áo quần để chê, để răn cái thói trọng hình thức. Mấy năm trước, trên chuyên cơ một chuyến công cán trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm của một nguyên thủ, ngồi gần một vị đứng tuổi, khuôn mặt có những nét lành lành, ăn bận cũng giản dị thậm chí loàng xoàng. Suốt cả chuyến đi mấy ngày, cứ tưởng vị ấy là một doanh nhân. Mãi sau mới biết cái ông ăn vận xoàng xĩnh kia mang hàm trung tướng đương kim phụ trách một Tổng cục của lực lượng vũ trang có tên gọi Tổng cục tình báo quốc phòng Việt Nam mà dân mình ít khi gọi đầy đủ cả một cụm từ dài thượt mà chỉ giản dị là Tổng cục 2!…
Tổng Cục 2
Nhâm nhi hồi lâu chén trà để ngẫm thêm một công việc đặc thù của nghiệp binh. Nói gì thì nói, hình như cụm từ Tổng cục 2 (TC2) khi láng máng, lúc rành rẽ trong tâm thức của nhiều người, cái tên ấy từng có những hiệu ứng trạng thái tình cảm khác nhau?
Chẳng phải tít tận phố mới, đường mới mạn ngoại thành mà phải là 18 Nguyễn Du mạn nội thành chứ nhỉ? Mà cũng chả phải 18 Nguyễn Du, ngày 25/10/1945 tại số nhà 16 phố Riquier (nay là 18 Nguyễn Du) đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN đã công bố quyết định thành lập Phòng tình báo trực thuộc bộ Tổng tham mưu. Ngay sau đó các Ban tình báo đặc biệt thuộc Phòng và một loạt các Ban tình báo thuộc các khu, chiến khu lần lượt ra đời.
Ngày 25/10 được coi là ngày truyền thống của ngành tình báo quốc phòng Việt Nam.
Phòng tình báo buổi đầu dân quốc ấy, ngoài địa chỉ 16 Riquier còn chuyển trụ sở đến những 67 Bà Triệu, 51 Ngô Quyền.
Tôi đã ghé những địa danh đó. Cả ba nơi này, nay đều có chủ mới.
Mặt tiền cả ba nhà đều không tượng đồng bia đá hay biển hiệu sáng choang những dòng đại loại nơi đây từng là (hoặc nguyên là) Trụ sở Phòng tình báo tiền thân của Cục tình báo (tức Cục 2) sau này là Tổng cục tình báo quốc phòng.
Cái nghề âm thầm lặng lẽ này hình như có cung cách hành xử vô ảnh, vô hình?
Có một cuốn sách viết cách đây 2.000 năm, cuốn Binh pháp Tôn Tử, nhà lý luận quân sự người Trung Hoa, Tôn Tử đã đưa ra chi tiết về việc tổ chức một hệ thống gián điệp bao gồm cả những điệp viên hai mang và những kẻ đào ngũ.Nhưng Bác Hồ nói rất giản dị súc tích thế này
Tình báo là tai mắt của Quân đội. Trách nhiệm của nó rất quan trọng. Binh pháp nói biết mình biết địch trăm trận trăm thắng. Muốn biết địch thì phải có tình báo giỏi. Muốn tránh địch biết ta cũng phải có tình báo giỏi (Trích thư Hồ Chủ tịch gửi Hội nghị tình báo toàn quốc ngày 10/3/1948).
Trở lại đại bản doanh Tổng cục 2
.Tôi hơi bần thần trước tập tài liệu quá khiêm tốn của Cục chính trị TC2 mà mình đang được phép sử dụng. Chợt nghĩ ngay đến cáiduyên hẳn đương còn kém của mình? Cánh cửa tuyên truyền của TC2 dẫu phần nào đã hé ra với báo chí sau bao năm đóng kín, nhưng với tập tài liệu mỏng này có lẽ chưa thấm tháp gì với bề dày những chiến công mà đa phần thầm lặng của ngành tình báo Quốc phòng 70 năm qua.
Tôi loáng thoáng biết được hàng chục đầu mối trực thuộc TC2 mà những cơ quan ấy không phải là lèo tèo, sơ sài mà bề thế hoành tráng. Những Phòng nghiên cứu, Quân báo trinh sát, Điệp báo miền Nam. Điệp báo ngoài nước, Huấn luyện tình báo, Trinh sát kỹ thuật, Kỹ thuật tình báo vv…
Hàng chục phòng, ban, vụ, cục đầu mối trực thuộc như thế, bộ phận nào, phòng nào nếu chưa có tuổi thọ khai sơn phá thạch 70 năm thì cũng có thâm niên vài chục năm đầy chật những chiến tích thầm lặng. Các bộ phận phòng ban ấy như hợp thành một binh chủng đặc biệt với công việc đặc thù cùng chung cái tên gọi làgóp phần đắc lực để quân đội và Tổ quốc không bị bất ngờ trong mọi tình huống!
Bác Hồ, cha đẻ của ngành tình báo.
Và tất nhiên nghiệp vụ những phòng ban ấy luôn là bí mật nhất là với cánh báo chí luôn thường trực sự tò mò săm soi mỗi khi có dịp. Nhưng biết làm sao, đặc thù như thế, quy định như vậy, dẫu có nóng lòng sốt ruột muốn tung hô, tri hô lên với quần chúng, bạn đọc đặc thù nghiệp vụ cùng chiến công thì cũng khó có thể.
Tôi biết chức phận của mình chỉ được tiếp cận với những thông tin khiêm tốn này thôi.Cố dẹp đi cảm giác xẩm sờ voi cùng những hụt hẫng tiếc nuối, tôi bắt tay vào xử lý những thông tin cơ bản, khiêm tốn như kiểu đang phải dò dẫm phần nổi của một tảng băng chìm khổng lồ. Làm sao để tường tận rành rẽ những chi tiết sinh động của các phần thưởng cao quý dành tặng cho lực lượng đặc biệt thầm lặng này suốt 70 năm qua.
Danh hiệu AHLLVT thời kỳ đổi mới. 1 Huân chương Sao Vàng (1995) 2 Huân chương Hồ Chí Minh. 2 Huân chương Độc lập hạng nhất. 1 Huân chương quân công hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng nhất.
37 lượt Tập thể AHLLVTND. 42 cá nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu AHLLVTND và hàng ngàn Huân chương Độc lập, Huân chương quân công, chiến công các hạng của các thời kỳ chiến tranh vệ quốc cũng như thời bình vv…
Không bày đặt ra ở đây phương pháp so sánh và khó có những câu hỏi đại loại rằng, tình báo Việt Nam đang ở đâu so với những cao thủ KGB, CIA… Nhưng thử coi ngó mặt bằng thông tin trên mạng về KGB (cơ quan tình báo Liên Xô) CIA (cơ quan tình báo Hoa Kỳ) Stasi (cơ quan tình báo Đông Đức) Mossad (cơ quan tình báo Israel) MI5 (cơ quan tình báo Anh) Hoa Nam Tình báo Cục (cơ quan tình báo Trung Quốc)… nếu được phép trình làng vốn liếng dẫu chỉ một phần thôi của TC2 với bề dày truyền thống lẫn nghiệp vụ 70 năm qua có lẽ bạn đọc không thể không xốn xang cái cảm giác tự tin, tự hào!
Không thể không ngoái lại cái buổi đầu tình báo ấy… Cái ngày trứng nước ngành tình báo quốc phòng khi Bác Hồ đưa cặp mắt âu yếm nhìn suốt lượt những anh Vệ túm mới thoát từ những thửa ruộng chiêm lầy thụt cùng gia thế tiểu tư sản trí thức, đùng cái được sung vào nhiệm vụ công việc tình báo hẳn Người đang dậy lên cảm giác tự hào rằng, quân đội ta từ nay chính thức có một tổ chức chuyên trách làm nhiệm vụ nắm tình hình giúp cấp trên đánh giá đúng âm mưu ý đồ hoạt động của địch làm cơ sở hoạch định thực thi chiến lược, sách lược và chỉ đạo tác chiến.
Những dòng lưu niệm tại Phòng Truyền thống và Bảo tàng TC2.
Với nhiệm vụ nặng bề đó hẳn Người cũng không ít những âu lo, băn khoăn? Lo lắng nên Người đã phải dặn đi dặn lại.
Địch nhân có một tổ chức tình báo rất khôn khéo xảo quyệt. Chúng có nhiều kinh nghiệm, nhiều mánh khóe và có một truyền thống lâu dài.
… Vẫn biết các chú đều cố gắng chịu khó có sáng kiến có tiến bộ, nhưng chúng ta phải thật thà nhận rằng tình báo ta còn kém. Ta chớ giấu dốt, chớ xấu hổ học hỏi lẫn nhau học hỏi người ngoài. Ta chỉ có một cách để theo kịp và đi quá người là phải ra sức học hỏi. (Thư Hồ Chủ tịch gửi Hội nghị tình báo toàn quốc. Tài liệu đã dẫn).
Bảy mươi năm bề dày truyền thống âm thầm bền bỉ với bao gắng gỏi quyết liệt. Có thể tạm gọi slogan của cái ngành đặc biệt này hơi dài Trung dũng kiên cường, độc lập sáng tạo, bí mật khôn khéo, đoàn kết quyết thắng. Hành trang đó đã tạo dựng nên cả một quy mô hệ thống tình báo chiến lược, tình báo chiến dịch, tình báo chiến thuật, tình báo kinh tế…
Theo kịp và đi quá người như lời Bác Hồ dặn năm xưa có lẽ dành cho các nhà chuyên môn chuyên làm cái việc nghiên cứu, tổng kết. Nhưng nội cái việc từng là học trò rồi là đối thủ, từng phải so găng đọ găng với những Phòng Nhì, CIA trong quá khứ rồi bây giờ tiến lên nữa là hợp tác, danh tiếng cái tên TC2 đã và đang gieo tiếp những cảm giác tin cậy tự hào cho nhiều thế hệ lương dân nước Việt!
Chưa có cái ta cần thì tạm bằng lòng với cái đang có vậy. Tôi vui lòng lần theo người sĩ quan liên lạc của đồng chí Trung tướng Tổng cục trưởng Tổng cục II đến những địa chỉ cần đến…
(Còn nữa)
(Viết nhân 70 năm ngày thành lập ngành Tình báo Quốc phòng)
Thiên hạ có lắm định nghĩa cái nghề, ngành tình báo. Tình báo là một trong những nghề cổ xưa nhất trong lịch sử loài người. Hoạt động tình báo xuất hiện cùng với sự ra đời của nhà nước. Từ xửa xưa, hoạt động tình báo sơ khai đã có mục đích thu thập những bí mật về quân sự, kinh tế, chính trị, vấn đề nội bộ và các bí quyết trong sản xuất kinh doanh của các đối thủ. Hoạt động tìm kiếm, thu thập các tin tức về kinh tế, chính trị, nội bộ, bí quyết công nghệ chính là khởi thủy của hoạt động tình báo. Tình báo sớm được thừa nhận như là một công cụ không thể thiếu trong thuật lãnh đạo đất nước, trong ngoại giao hay chiến tranh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.