Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

Vụ án Đồng Tâm – Danh có chính, ngôn mới thuận

Vụ án Đồng Tâm – Danh có chính, ngôn mới thuận

Luật sư Đặng Đình Mạnh
Thông qua bản Kết luận điều tra về vụ án Đồng Tâm, ngoài danh tính của ba chiến sĩ được cho rằng bị thiêu chết, thì cơ quan CSĐT đã khéo léo cho ẩn danh khá nhiều người tham gia tố tụng dưới cái danh xưng mơ hồ “Tổ công tác”.
"Tổ công tác", từ thông tin của bản KLĐT được xác định là gồm nhiều lực lượng thuộc công an thủ đô phối hợp lên đến khoảng 3.000 chiến sĩ. Nhưng chắc chắn, trong giấc rạng sáng ngày 09/01/2020, thì chỉ có một phần trong số này tấn công, xâm nhập vào nhà các ông Lê Đình Hợi, Lê Đình Chức và nhà cụ Lê Đình Kình. Vô hình chung, số đó đều có khả năng trở thành những người tham gia tố tụng trong một vụ án hình sự được khởi tố ngay sau vụ tấn công.
Ba chiến sĩ được cho là bị thiêu chết có tư cách bị hại trong vụ án. Số còn lại đều có tư cách nhân chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, thậm chí, người bị tố giác tội phạm! Vì thực tế, đã có hai lá đơn chính thức được gởi đến cơ quan chức năng để tố giác hành vi giết hại cụ Lê Đình Kình.
Thế nhưng, số có tư cách là những người tham gia tố tụng, tất cả đều được ẩn danh dưới danh xưng mơ hồ “Tổ công tác”. Trong trường hợp cần triệu tập nhân chứng, hay người có quyền và nghĩa vụ liên quan, hoặc người bị tố giác tội phạm để làm rõ nguyên nhân tử vong của bốn người đã thiệt mạng trong rạng sáng ngày 09/01/2020, thì vô lẽ, phải triệu tập “Tổ công tác” gồm 3.000 chiến sĩ đến đối diện trước hội đồng xét xử để trả lời ư?
Trong phiên tòa, giả thiết luật sư chất vấn: Một cụ già gần 90 tuổi đầu, đứng xoay lưng trước lực lượng vũ trang, thì đó có phải là mối đe dọa nguy hiểm đến mức phải nổ súng để tiêu diệt hay không? Thì lấy ai là người trả lời?
Thật ra, hài ra cho đủ danh tính những người có liên quan, bao gồm cả chiến sĩ, người đã bắn thẳng hai phát súng vào sau lưng cụ Lê Đình Kình, thì chẳng khác nào tế sống họ trước một phần công chúng không tán thành hành vi tấn công vào nhà dân. Nhưng đối với luật pháp, kết quả của một cuộc điều tra hình sự phải là sự minh bạch chứ không thể là sự mơ hồ.
Rất có thể, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án để xem xét truy tố, Viện kiểm sát phải yêu cầu cơ quan CSĐT bổ sung các điểm mơ hồ này. 
Đ.Đ.M.
Nguồn: FB Manh Dang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.