Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

Nhà bếp phải chịu trách nhiệm, thay vì đổ cho “con sâu làm rầu nồi canh”

Nhà bếp phải chịu trách nhiệm, thay vì đổ cho “con sâu làm rầu nồi canh”

Khoa Lê
1-6-2020
Nhiều người dùng câu “con sâu làm rầu nồi canh” để biện hộ rằng một số ít kẻ xấu làm mất uy tín những người tốt. Nhưng họ quên rằng cũng trong câu tục ngữ trên, chỉ cần một con sâu bên trong thôi là đủ làm rầu cả nồi canh rồi.
Và nếu như đây không phải chỉ là một con sâu, mà là rất nhiều, và người ta để nguyên 99% mớ sâu đó để nấu canh thì phải nói thế nào về cái tâm của người làm bếp?
Tệ hơn nữa, những người thực khách đã phải ăn nồi canh có sâu suốt nhiều năm trời mà không có lựa chọn khác, và mỗi khi họ lên tiếng phản đối, từ ôn hoà đến gay gắt, và yêu cầu nhà bếp tiệm ăn đứng ra chịu trách nhiệm thì chỉ nhận được những lời hứa hão, hay tệ hơn là bị phê phán ngược lại là “khó tính”, “hung dữ”, “vô học”.
Nói miệng không được, thực khách kiện tiệm ăn ra toà, nhưng tiệm ăn lại được cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm lẫn toà án hậu thuẫn, vì họ hay đến ăn tiệm ấy và được phục vụ những món ngon đặc biệt không có sâu. Cuối cùng tiệm ăn được xử trắng án và thực khách bình dân ra về tay không.
Dĩ nhiên sau tất cả mọi việc đâu lại hoàn đó. Và đến một ngày thực khách chịu không nổi nữa, họ nổi điên lên hất đổ nồi canh và đập phá cửa tiệm, hành hung nhà bếp. Khi đó họ lại bị xã hội kết án là thành phần “nổi loạn”, “bạo lực”, “hôi của”.
Đập phá và hành hung thì hiển nhiên là sai. Nhưng trách nhiệm của tiệm ăn khi phục vụ một nồi canh đầy sâu cho khách suốt nhiều năm trời thì sao?
Cái sau là nguyên nhân dẫn đến cái trước. Khi khách đã dùng đủ mọi biện pháp để phản đối mà không được lắng nghe thì bắt buộc họ phải tìm đến phương cách bạo lực nhất để thể hiện quan điểm.
Đến đây nhiều người sẽ thắc mắc: “Tại sao không ăn tiệm khác mà cứ lao đầu vào cái tiệm bẩn bựa này?” Bởi vì đây là tiệm ăn duy nhất trong cả thị trấn.
Rồi những người đó sẽ thắc mắc tiếp: “Vậy tại sao không dọn đi nơi khác?” Dọn đi nơi khác sao được khi không có tiền và không có phương tiện?
Tại sao không phản ứng ôn hoà? Phản ứng ôn hoà rồi, mà có ai nghe đâu.
Tại sao không dùng tới pháp luật? Vấn đề là pháp luật cũng nghiêng về một bên.
Khi tiếng nói của người thực khách thấp cổ bé họng không được lắng nghe thì họ chỉ còn cách động tay chân để truyền tải thông điệp.
Nếu muốn những người đó đối thoại thì trước tiên nhà bếp phải chịu trách nhiệm và cho thấy họ chịu thay đổi. Thay vì đổ hết tội lỗi cho “con sâu làm rầu nồi canh”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.