Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển 9,3 tỷ đô la tại Cần Giờ cho Vingroup: cố đạt 5%GDP theo kế hoạch
Diễm My
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chấp thuận dự án xây dựng có giá trị lớn nhất trong năm nay. Đó là Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, do một công ty con của Vingroup làm chủ đầu tư, có giá trị lên đến 9,3 tỷ USD.
Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (Saigon Sunbay) được triển khai tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 50 km. Dự án dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2031 với quy mô được điều chỉnh từ 600 ha lên 2.870 ha, tức tăng gấp gần 5 lần so với quy hoạch ban đầu.
Hiện dự án này gần như nằm toàn bộ trong tay của tập đoàn Vingroup, một tập đoàn có các dự án đủ loại trải dài khắp từ bắc tới nam. Vingroup hiện nắm giữ đến 97,15% cổ phần của dự án.
Dự án này được cho là một dự án với 13 năm trời lận đận do gặp trở ngại về vốn và các tranh cãi về tác động môi trường mà dự án lấn biển này có thể gây ra cho lá phổi xanh của thành phố với lượng cây xanh trong nội thành ngày càng giảm đi một cách đáng lo ngại.
Ngoài ra các chuyên gia môi trường còn cảnh báo đến các tác hại có thể xảy ra một khi dự án đi và hoạt động như tác động đến Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, độ mặn của rừng ngập mặn sẽ bị thay đổi và dẫn đến nguy cơ chết rừng.
Lo ngại tiếp theo là ô nhiễm nguồn nước phát sinh trong quá trình thực hiện dự án có khả năng gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các hệ động – thực vật rừng ngập mặn Cần Giờ vốn có tính nhạy cảm rất cao với các tác nhân thay đổi môi trường” (Văn bản Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ vào tháng 6/2018).
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM thì lo ngại công trình lấn biển có thể ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên làm thay đổi dòng chảy gây ảnh hường cho các tuyến giao thông thuỷ – hàng hải quan trọng của TP. HCM và các khu vực lân cận.
Nguy cơ khác có thể sẽ xảy ra là khả năng gây sa bồi ở các cửa sông, biển khác, khiến các cửa sông/biển này bị bồi lắng, nhất là sông Soài Rạp – Thị Vải. Như vậy, tác động đến giao thông đường sông phía Nam là rất lớn. Bên cạnh đó còn có thể gây xói lở, thay đổi tốc độ dòng chảy...
Theo Nikkei Asian Reviews, việc chính phủ phê duyệt dự án năm 2019 sau khi cho rằng cần phải cải thiện các đánh giá về tác động môi trường và quy trình phê duyệt cho các dự án kinh tế đã giúp bật đèn xanh cho Vingroup, mặc cho các nhà môi trường không đồng tình với việc vừa thực hiện dự án vừa "tiếp tục nghiên cứu đánh giá tác động".
Tuy nhiên yếu tố có thể nói là đã góp phần thúc đẩy tiến trình phê duyệt này là thiệt hại về du lịch và xuất khẩu mà Việt Nam đã và đang hứng chịu do dịch Covid-19 gây ra trong 6 tháng đầu năm nay.
Doanh thu xuất khẩu Việt Nam trong nửa đầu năm nay đã giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 99,36 tỷ USD. Dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm đi hơn một phần tư (25,8%), trong khi doanh thu du lịch giảm tới gần một nửa, chỉ đạt 54,1%. Chính phủ hiện đang gặp nhiều thách thức trong công cuộc phục hồi nền kinh tế khi tình hình kinh tế thế giới vẫn ảm đạm và chưa biết khi nào mới có thể hồi phục.
Vì vậy có thể nói là động thái cho phép dự án của Vingroup đi vào hoạt động là một trong các động thái của chính phủ Việt Nam nhằm huy động tất cả các nguồn lực trong nước để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế theo như mục tiêu đã đặt ra cho năm nay là 5%.
(Mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam đặt ra cao gấp hai lần dự báo tăng trường kinh tế 2,7% của IMF đối với Việt Nam trong năm nay).
Báo cáo đánh giá tác động môi trường cần được thực hiện độc lập, thay vì giao chủ đầu tư. Thực tế cho thấy, lâu nay nhà đầu tư làm quy hoạch dự án, và nhà đầu tư đứng ra thuê làm Báo cáo đánh giá tác động môi trường để hợp thức hóa quy hoạch, dựa trên đó, dự án được phê duyệt. Nhưng với một dự án quy mô khổng lồ, 2.870 ha, trong đó sẽ lấn biển 2.718 ha, có thời gian triển khai kéo dài tới 11 năm ở vùng biển thuộc khu vực nhạy cảm như Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, thì việc đánh giá tác động môi trường cần thực sự chặt chẽ, thấu đáo, dù nó mang tính là công cụ dự báo.
Không chỉ kèm theo hàng loạt điều kiện quan trọng cần nghiên cứu tiếp, mà theo Quyết định phê duyệt dự án, Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, vì vậy, một số hạng mục, biện pháp bảo vệ môi trường chưa thật chi tiết, cụ thể, chưa đủ thông tin đánh giá tác động môi trường sân golf, các khu vui chơi, cảng tàu du lịch quốc tế, khu nhà ga và đường sắt đô thị,…
Trao đổi với Người Đô Thị, TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn nhận định, việc đánh giá không đầy đủ, hay hẹn lại đánh giá tiếp (như Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường số 220/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường) là không đúng; làm rồi sửa rất khó và tốn kém vô cùng.
TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, với cơ chế đặc thù của TP.HCM hiện nay, thành phố nên chủ động thay đổi, không nên giao Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho chủ đầu tư thực hiện. Thay vào đó, nên áp dụng theo cách làm quốc tế: trong số các chi phí thủ tục để xin phê duyệt dự án, cần phải bao gồm khoản chi phí cần thiết đánh giá tác động môi trường - mà chủ đầu tư cần phải nộp cho thành phố.
Thành phố sẽ dùng kinh phí này để thuê một đơn vị chuyên nghiệp độc lập đánh giá tác động môi trường, tác động đến việc phát sinh cần thiết phải nâng cấp hạ tầng phục vụ cho dự án (bao gồm việc cải thiện giao thông, chống ngập, cấp điện nước,… và các xử lý tác động môi trường khác), làm cơ sở khoa học cho thành phố xem xét dự án có khả thi hay không. Sau đó là cần tính đến việc thương lượng về tỷ lệ trách nhiệm đóng góp của nhà đầu tư, như là một điều kiện được phê duyệt dự án – trong trường hợp dự án khả thi.
“Cơ chế” đánh giá tác động môi trường này, không chỉ áp dụng với Dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ mà hoàn toàn có thể áp dụng cho những dự án lớn của thành phố hiện nay.
D.M.
VNTB gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.