Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

Bóng ma Việt Nam vẫn còn sống

Bóng ma Việt Nam vẫn còn sống

bauxitevn1:42 AM

Nguyễn Quang Dy
Hàng tháng nay, báo chí trong và ngoài nước (đặc biệt là ở Mỹ) tiếp tục bình luận về Chiến tranh Việt Nam, như “đến hẹn lại lên” (khi sắp đến 30/4). Hãng phim Florentine sắp chiếu (trên PBS, 9/2017) bộ phim tài liệu 10 tập “Vietnam War” (Ken Burns & Lynn Novick). Có lẽ “Bóng ma Viêt Nam” vẫn còn sống, tiếp tục ám ảnh người Mỹ và người Việt. 
Ngày 30/4/1975, khi cuộc chiến kết thúc, lúc chiếc xe tăng số 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập, và Tổng thống cuối cùng của VNCH Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi đang ngồi trong một phòng họp tại Amsterdam (dự một hội nghị quốc tế vì hòa bình). Tôi đã khóc vì cuộc chiến đẫm máu kết thúc, tuy chưa biết các bạn tôi trong “Trại David” sống chết ra sao khi sân bay Tân Sơn Nhất bị pháo kích. Đáng nhẽ lúc đó tôi còn trong đó cùng với họ, nếu số phận không lôi tôi ra khỏi đó trước khi cuộc chiến kết thúc. Một cảm giác vui buồn lẫn lộn.
Ngày 30/4/1985, tôi vào Sài Gòn để tham gia sự kiện “kỷ niệm 10 năm kết thúc chiến tranh”. Đó là một kỷ niệm khó quên khi lần đầu tiên sau chiến tranh, mấy trăm nhà báo Mỹ đã quay trở lại, và Việt Nam lại xuất hiện trên màn hình radar quốc tế. Người ta gọi đó là “cuộc đổ bộ” của báo chí Mỹ (US media invasion), một sự kiện làm nhiều người buồn vui lẫn lộn, như báo hiệu đất nước đang trở mình đổi mới (tại Đại hội Đảng VI, tháng 12/1986).

Ngày 30/4/1995, nhân dịp “kỷ niệm 20 năm kết thúc chiến tranh”, tôi đã nhận lời tham gia một nhóm nhà báo làm diễn giả tại các sự kiện kỷ niệm ngày 30/4 tại Mỹ và Việt Nam. Đó là một dịp để nhìn lại quá khứ và nhìn tới tương lai, khi bình thường hóa Mỹ-Việt đang trở thành hiện thực, sau khi tiến trình đó đã thất bại hai lần (năm 1978 và năm 1993).
Năm 1995, Robert McNamara xuất bản cuốn sách “Hồi tưởng” (“In Retrospect: the Tragedy and Lessons of Vietnam”, Robert McNamara, Vintage Books, 1995). Trong cuốn sách đó, McNamara đã “thừa nhận 11 sai lầm” trong Chiến tranh Việt Nam. Nhưng tại sao ông ấy phải chờ 30 năm sau mới nhận ra và thừa nhận sai lầm mà George Ball (nguyên Thứ trưởng Ngoại giao) đã nhận ra từ trước khi Tổng thống John Kennedy quyết định can thiệp vào Việt Nam? George Ball đã cố khuyên can Tổng thống từ bỏ ý định đưa quân chiến đấu vào Việt Nam, nhưng lúc đó không ai thèm nghe ông ấy (trong đó có McNamara). Nên nhớ lúc đó McNamara là một trong những người Mỹ “thông minh và tài giỏi nhất” (“the Best and the Brightest”, David Halberstam, Random House, 1972). Phải chăng đó chính là sự “Ngạo mạn về Quyền lực” (“the Arrogance of Power”, William Fulbright, Random House, 1967)? 
Nhiều người Mỹ gọi thái độ ứng xử đó của McNamara là thiếu tử tế (indecent). Tôi tán thành và (trong một buổi nói chuyện tại Mỹ) đã nói rằng nếu 20 năm sau chúng ta vẫn nói về quá khứ mà không nói về tương lai, thì cũng là thiếu tử tế và thiếu khôn ngoan. Đó có thể là lần cuối cùng tôi tham gia bàn luận về “ngày kết thúc chiến tranh”, vì từ ngày đó tôi không tham gia các lần kỷ niệm sau này nữa, mặc dù các bạn báo chí còn sống sót (gọi là “Old Hacks”) vẫn tụ tập tại Sài Gòn vào ngày 30/4. Nếu buộc phải có mặt thì tôi không biết nói gì.
Cách đây 2 năm, nhân kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh, tôi đã viết 2 bài về hệ quả của chiến tranh (“40 năm sau: Hệ quả Chiến tranh”, Viet-studies, 30/4/2015 và “40 năm: Lịch sử đang lặp lại”, Việt-studies, 24/6/2015). Điều đáng nói là 40 năm sau, người Mỹ và người Việt cuối cùng đang làm những gì mà đáng lẽ họ phải làm từ năm 1978 khi hai nước đã tiến gần đến bình thường hóa (chỉ còn gang tấc). Nhưng đáng tiếc là điều đó đã không xảy ra, cho tới năm 1995 (mới bắt đầu) và năm 2016 mới hoàn toàn bình thường hóa, khi tổng thống Obama thăm Việt Nam và tuyên bố bỏ hoàn toàn “cấm vận vũ khí” (arms ban).  
Nay 42 năm đã trôi qua, nhưng “Bóng ma Việt Nam” vẫn chưa chết, tiếp tục ám ảnh nước Mỹ và Việt Nam. Đại học Fulbright (FUV) là một câu chuyện hay đáng mừng, nhưng Bob Kerey là một câu chuyện dở đáng lo, như bị ma ám. Đó là một thực tế đáng buồn. Nước Mỹ thời Donald Trump đầy bất ổn, và bất định. Tại Việt Nam, các phe phái và các nhóm lợi ích tiếp tục tranh giành quyền lực quyết liệt như có nội chiến, dù người ta có thừa nhận hay không. Tiếng súng Yên Bái (8/2016) là một cảnh báo về cực đoan và bạo lực leo thang. Trong khi thảm họa môi trường Miền Trung do Formosa gây ra (4/2016) làm cả nước khủng hoảng, sự cố Đồng Tâm đã làm cả nước bức xúc, cho đến khi quả bom được tháo ngòi (22/4/2017). Hội nghị Trung ương 5 & 6 cũng gần như “Đại hội Giữa kỳ”, không khác mấy Đại hội XII. Kỷ luật ông Đinh La Thăng là tiếng súng mở màn cho một trận chiến mới giành quyền lực.
Cộng đồng người Việt tại Mỹ vẫn đang tiếp tục bị phân hóa, sau khi PBS chiếu bộ phim tài liệu “Terror in Little Saigon” (Frontline & ProPublica, PBS, 3/11/2015) liên quan đến vụ sát hại 5 ký giả gốc Việt tại Mỹ (cách đây hơn 30 năm, nghi là do “K-9” của “Mặt Trận” gây ra). Gần hai năm qua, Nguyễn Thanh Tú (con trai ký giả Đạm Phong) đã tiếp tục điều tra để tố giác kẻ chủ mưu, để “tìm công lý cho cha”. Trong một cuộc họp báo tại Little Sài Gòn (17/3/2017) Nguyễn Thanh Tú đã tố cáo đích danh “Việt Tân” đã sát hại cha mình. 
Trong khi hai nước cựu thù (Mỹ và Việt Nam) đã bình thường hóa, và đang trở thành đối tác chiến lược, thì người Việt vẫn chưa thể hòa giải được với nhau, dù với người còn sống hay đã chết. Không những thế, người Việt trong cùng một bên, thậm chí cùng một đảng, cũng mâu thuẫn nặng nề, coi nhau như kẻ thù không nhìn mặt. Phải chăng cực đoan và thù hận là di sản của chiến tranh, đã ăn vào máu người Việt, như một nghiệp chướng?
Năm 2005, ông Võ Văn Kiệt nói, “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Đó là một suy nghĩ đúng, dù muộn còn hơn không. Nhưng đáng tiếc suy nghĩ đó chỉ là một thiểu số trong một đất nước mà tư duy cực đoan và hận thù vẫn còn ngự trị giới cầm quyền. Tranh giành quyền lực giữa các nhóm lợi ích vẫn đang diễn ra quyết liệt như nội chiến, nên buồn nhiều hơn vui. 
30/4/2017
N.Q.D.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 30-4-17

Cộng sản Việt Nam hiện nay có tính chính danh?

Cộng sản Việt Nam hiện nay có tính chính danh?

bauxitevn9:17 PM

Mẫn Nhi
Chúng ta thừa nhận người Cộng sản đã xác lập tính chính danh rất tốt trong cuộc chiến Việt Nam. Tuy nhiên, ngày hôm nay họ không còn làm tốt được như vậy.


Chính danh là gì?

Chính danh tức là xác lập một một vị trí, vai trò của mình trong xã hội và hành xử đúng với vai trò, vị trí đó. Hiểu theo nghĩa Khổng tử thì, vua ra vua, thần ra thần, vợ ra vợ, chồng ra chồng.
Hiểu nôm na, mọi sự tồn tại trong cuộc sống này đều phải mang một lý do, ý chí chủ quan nhất định. Trả lời được câu hỏi đó, và nhận được sự ủng hộ tức là đã xác định được tính chính danh.
Năm 1407, sau khi nhà Minh bắt được gia tộc họ Hồ Quý Ly, chính thức đặt nước ta vào vòng đô hộ, đặt ra hàng trăm chính sách thuế má vô lý nhằm bóc lột tài nguyên - con người. Chín năm sau, Nguyễn Trãi trốn khỏi Đông Quan, dâng Bình Ngô sách cho Lê Lợi ở Thanh Hóa, cùng bàn nhau chống Minh cứu nước. Nhưng lúc đó, lòng dân còn phân tán, muốn làm cho mọi người tin tưởng vào nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Trãi sai người lấy mỡ viết vào lá cây trên rừng tám chữ: “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” (tức Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi), sau kiến ăn mỡ khoét lá rỗng thành chữ, lá rụng trôi theo dòng nước đến khắp mọi nơi. Mọi người cho là “ ý Trời” thương dân mượn tay Lê Lợi nên một lòng theo minh quân chống giặc.
Giai thoại này mở đầu cho việc xác lập tính chính danh trong cuộc chiến chống quân Minh, và đưa Lê Lợi lên làm vua sau đó.
Việc có chính danh là quan trọng để chứng minh sự tồn tại và thực hiện các hành vi xã hội. Cụ thể, ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư thì ông mới có quyền đứng lên phê bình tất cả mọi đảng viên cũng như đứng đầu quân ủy Trung ương. Ông Nguyễn Xuân Phúc phải là Thủ tướng thì ông ấy mới thể là người đứng đầu bộ máy Chính phủ. Hay anh phải có thẻ chứng minh Công an Nhân dân thì anh mới có quyền hạn hành xử như một công an.
Điều đó có nghĩa là, chính danh cho phép một người được làm gì và không được làm gì trong xã hội này, có những đặc quyền - đặc lợi riêng biệt nào đó mà toàn bộ xã hội đều phải chấp nhận điều đó như một quy ước.

Chính danh trong chiến tranh Việt Nam có hay không?

Xét về mọi góc độ, cả phía Việt Nam Cộng hòa lẫn phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều có tính chính danh về mặt lý thuyết nhà nước. Miền Nam vào năm 1955 tổ chức trưng cầu dân ý, người dân quyết định truất phế Bảo Đại, thành lập chế độ Cộng hòa, bầu Ngô Đình Diệm làm Tổng thống đầu tiên,và nhiệm vụ họ là ngăn cản làn sóng đỏ xâm nhập phía Nam; trong khi người dân miền Bắc ủng hộ người Cộng sản mang tên Hồ Chí Minh, tán đồng VNDCCH là một nước XHCN, và nhiệm vụ là đưa cả Việt Nam đi theo con đường đó.
Tất nhiên, dựa trên tính chính danh đó, mỗi quốc gia sẽ đề ra mục tiêu, kế hoạch để phát triển và thực thi vai trò, nhiệm vụ của mình. Bao gồm: chiến tranh, đấu tranh nghị trường - pháp lý, đấu tranh kinh tế - văn hóa,… với sự ủng hộ của người dân lẫn cộng đồng quốc tế bên ngoài.
Sự kiện năm 1975 là kết quả chính danh của quan điểm, mục tiêu: thống nhất Tổ quốc, tiến lên CNXH. Tất nhiên, lần này phần thắng thuộc về những người Cộng sản.

Chính danh chấm dứt khi nào?

Chính danh chấm dứt khi và chỉ khi những mục tiêu, vai trò giúp tạo nên yếu tố chính danh đã không còn hoặc chệch hướng. Và khi đó, người dân - vốn là chủ thể trao sự chính danh, sẽ lại một lần nữa tước bỏ sự chính danh đó. Lấy ví dụ như sự viện trợ về quân lính quá lâu của Mỹ đã khiến cho miền Nam mất đi tính chính danh, lúc này họ trở thành một nhà nước kế tục của Mỹ thay vì của người Việt. Bản thân ông Tổng thống Ngô Đình Diệm lúc đấy cũng nhận thức được điều này, nên giai đoạn 1955-1960 ông liên tục phản đối sự có mặt của: cố vấn Mỹ trong Chính phủ và hệ thống cơ sở; quân Mỹ tại Việt Nam. Và đứng giữa lựa chọn bắt tay với Hà Nội để xây dựng Chính phủ Quốc gia hay lệ thuộc Mỹ thì ông chọn Hà Nội.
Sự kiện 1975 khi tướng tá VNCH rút ra nước ngoài một lần nữa tước đoạt tính chính danh của chủ thể nhà nước này, khi nó cho người dân thấy, hệ hệ thống chính trị này không còn phù hợp với tình trạng xã hội lúc đó.
Như vậy, tính chính danh chấm dứt khi niềm tin của người dân sụp giảm hoặc hoàn toàn biến mất.

Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay có tính chính danh?

Chúng ta thừa nhận người Cộng sản đã xác lập tính chính danh rất tốt trong cuộc chiến Việt Nam. Tuy nhiên, ngày hôm nay họ không còn làm tốt được như vậy.
Đầu tiên, “đi lên XHCN” trở thành một khái niệm mơ hồ, trừu tượng ngay với chính người đứng đầu ĐCSVN là ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những nhân vật cộm cán khác trong Chính phủ. Chưa có mô hình nào thực sự đi lên XHCN nguyên gốc mà không phủ màu sắc TBCN, ngay cả đối với Trung Quốc, Việt Nam. Riêng Venezuela - họ đi lên và họ đã đang bị sụp đổ bởi cuộc biểu tình.
Thứ hai, Hiến pháp quy định Quyền con người một cách đầy đủ. Tuy nhiên, thực tế lại đối nghịch khi quyền tự do bầu cử - ứng cử - tự do biểu tình - lập hội - tự do ngôn luận bị hạn chế. Nhà nước không cho phép ra báo tư nhân, tiếp tục hoãn ra Luật về Hội và Luật biểu tình và giữ vững nguyên tắc “đảng cử dân bầu” - những cánh xương sống trong Quyền con người.
Hai điều trên khiến cho tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục rơi vào khủng hoảng về mặt đường lối. Quan điểm làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, công bằng là sáo rỗng trong thực tế - với tham nhũng, lạm dụng quyền lực, tước đoạt đất đai đang ngày xảy ra trầm trọng.
Niềm tin người dân đối với bộ máy nhà nước, đối với nhân viên hành pháp như Công an, lập pháp như Quốc hội, tư pháp như Chính phủ qua các vụ Cây xanh 2015, Formosa 2016 đã tụt giảm mức thấp nhất.
Tính chính danh chưa biến mất, nhưng dần dần bị hủy hoại.
M.N.

Việt Nam thiệt thòi nhiều nhất nếu có COC

Việt Nam thiệt thòi nhiều nhất nếu có COC

bauxitevn9:13 PM

VOA Tiếng Việt
Trung Quốc sẽ không cho phép Việt Nam hoặc bất cứ quốc gia nào khác được an nhiên đưa tàu thuyền tới gần quần đảo Hoàng Sa mà không gặp sự cố.

Các nhà lãnh đạo của 10 nước Đông Nam Á họp mặt trong tuần này, có thể bàn về việc sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết vụ tranh chấp ở Biển Đông. Bốn nước tuyên bố chủ quyền tại vùng biển giàu tài nguyên này, trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông lên tới 3,5 triệu km vuông. Việc thảo luận vấn đề Biển Đông tại thời điểm này và trong suốt năm nay giữa các nhà lãnh đạo của ASEAN có thể dẫn đến một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển vào tháng 6 tới, và sẽ được chấn chỉnh lại trong năm 2018 hoặc sớm hơn.
Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), một tập hợp các quy tắc nhằm tránh rủi ro trên các vùng biển đang tranh chấp - là môt mục tiêu chưa đạt được bởi các nước Châu Á từ khi các nước ký một Tuyên bố sơ khởi về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002, để khởi động tiến trình đàm phán hầu đi đến một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển.
Nhưng một khi đã đạt được thỏa thuận, Việt Nam sẽ là nước chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Việt Nam, nước thành viên ASEAN có những tuyên bố chủ quyền trên một vùng rộng lớn ở Biển Đông, muốn có một bộ Quy tắc Ứng xử bao trọn quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên Trung Quốc đang kiểm soát 130 đảo và bãi đá ở quần đảo Hoàng Sa kể từ sau trận hải chiến ngắn ngủi với Việt Nam Cộng hoà hồi năm 1974. Việt Nam ngày nay vẫn tuyên bố chủ quyền trên những đá, đảo đã mất của miền Nam Việt Nam vào tay Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ không cho phép Việt Nam hoặc bất cứ quốc gia nào khác được an nhiên đưa tàu thuyền tới gần quần đảo Hoàng Sa mà không gặp sự cố, điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ phản đối bất kỳ quy tắc ứng xử nào hàm ý cho phép một quốc gia khác lui tới các bãi đá ngầm, đảo san hô hay các vùng biển nhiệt đới xung quanh quần đảo này. Trung Quốc đã ngăn chặn một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển trong sáu năm qua bởi vì họ lo sợ bộ quy tắc này sẽ ảnh hưởng tới quyền kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tiến sĩ Carl Thayer, Giáo sư Danh dự giảng dậy môn chính trị học tại Đại học New South Wales, Australia, nói:
“Không ai có thể bắt buộc Trung Quốc phải rời khỏi quần đảo Hoàng Sa. Điều tối đa mà phần lớn các bạn ở đây có thể hy vọng là nếu Việt Nam khởi kiện ra tòa án trọng tài, chẳng hạn như gửi kiến nghị tới tòa án quốc tế ở La Haye”.
Việt Nam đang cố gắng tự cải thiện quan hệ với Trung Quốc, bất chấp đã trải qua nhiều thế kỷ tranh chấp đất đai và biển đảo với Trung Quốc. Thái độ bài Trung Quốc vẫn sôi sục trong lòng dân Việt Nam, nhưng Hà Nội đang thảo luận với Bắc Kinh ngoài khuôn khổ ASEAN về vấn đề tranh chấp hàng hải trong khi vẫn muốn hưởng những lợi ích kinh tế như nhập khẩu hàng hóa giá rẻ và thu lợi từ khách du lịch Trung Quốc.
Trung Quốc cuối cùng có thể phải đối mặt với áp lực từ chính phủ Hoa Kỳ về những hành động bành trướng hàng hải trong suốt thập niên qua: kể cả xây dựng các đảo nhân tạo, sẵn sàng đón máy bay chiến đấu và các hệ thống radar.

Đinh La Thăng, Điều phải đến đã đến

Đinh La Thăng, Điều phải đến đã đến

bauxitevnSun 9:31 AM

Bùi Quang Vơm
Hội nghị Trung ương 5 dự định diễn ra trong nửa đầu tháng 5/2017 có thể phải chuyển nội dung trọng tâm từ chuyên đề tăng trưởng và cân đối vĩ mô cho nền kinh tế đang có nguy cơ sụt giảm không thể cứu vớt, các chỉ tiêu lớn có khả năng bị phá sản, sang một vấn đề nóng bỏng và gay cấn hơn là vấn đề nhân sự, vốn là nội dung trọng tâm được sắp đặt cho Hội nghị Trung ương 6 dự kiến vào khoảng tháng 10/2017.
Ngày 27/04/2017 Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố kiến nghị Bộ Chính trị kỷ luật Đảng đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Bí thư, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, đương kim Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ viên Bộ Chính trị.
Những gì phải đến đã đến và đang đến. Dù công bố của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có hơi đột ngột, nhưng là công bố được chờ đợi từ lâu.
Đây có thể là phát súng đầu tiên của một chiến dịch có quy mô tổng hợp, được bắt đầu từ Nghị quyết 4 khoá XI năm 2012; nhưng ngay lúc đó ít ai hình dung được tính chất trầm trọng và quy mô chiến dịch tới mức độ như hiện đang bộc lộ.
Nghị quyết TW 4, ban hành ngày 16/01/2012, có viết “một bộ phận không nhỏ đảng viên hư hỏng, thoái hóa, biến chất, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”...

Cuộc vận động được ông Trọng phát động trong hàng ngũ lãnh đạo trung ương để kỷ luật một cán bộ cao cấp, được hiểu về sau này, là nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, ông Dũng được trên 75%, khiến kế hoạch kỷ luật của ông Trọng và những người ủng hộ ông thất bại, và trước micro, trước 200 uỷ viên Trung ương, trước hơn 90 triệu người dân, tại Hội nghị TƯ 6, ông Trọng uất ức đến phát khóc.
Cái uất ức ấy đã được ông Trương Tấn Sang chuyển thành thông điệp, như nói hộ cho ông “Dứt khoát phải tiến hành thành công. Ðó là mệnh lệnh của nhân dân. Không thể để Nghị quyết Trung ương 4 không thành công, là phụ lòng tin của dân, của Ðảng, là không vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Chúng ta không có con đường nào khác, chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải thành công. Cho dù phải chấp nhận những biện pháp đau đớn cũng phải làm, vì đó là sự sống còn của Ðảng, của chế độ và tương lai tươi sáng của đất nước này”.
Đây chính là quyết tâm của Bộ Chính trị trên danh nghĩa chống tham nhũng, nhưng được thúc đẩy bằng sự thèm khát rửa hận của ông Trọng và ông Sang cùng những người mà vì lòng tham mê muội, gần cuối, ông Dũng đã biến họ thành kẻ thù.
Cái quyết tâm và nỗi khao khát đó là nền tảng của những kế hoạch được thành hình từ ngày đó, và mục tiêu của nó hướng tới điểm cuối cùng là ông Dũng.
Chính vì vậy mà tất cả những sợi dây liên kết với ông Dũng sẽ lần lượt được bóc tách.
Có thể thấy thế này:
Mũi số 1: Trịnh Xuân Thanh - Vũ Huy Hoàng - Đinh La Thăng - Nguyễn Tấn Dũng.
Mũi số 2: Vũ Kim Cự - Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng.
Mũi số 3: Trầm Bê - Nguyễn Văn Bình - Nguyễn Tấn Dũng.
Cả 3 mũi “giáp công” hiện đang được đồng thời tiến hành, đều dẫn đến ông Dũng và để đòi món nợ “Trung ương 6”.
Còn những mũi khác, chẳng hạn như vụ kỷ luật bí thư và phó bí thư Hậu Giang đích thân xin Trịnh Xuân Thanh về làm phó chủ tịch tỉnh, vụ kỷ luật bí thư và phó bí thư Bình Định cố tình cơ cấu Nguyễn Minh Triết, con trai út ông Dũng, 24 tuổi, vào Ban chấp hành Tỉnh uỷ, chỉ là dẹp bỏ vây cánh của ông Dũng tại địa phương. Còn Tỉnh uỷ Kiên Giang nữa, Nguyễn Thanh Nghị có lẽ sắp phải nhận công tác khác.
Trong các kết luận của Uỷ ban Kiểm tra, ông Đinh La Thăng còn được ghi thêm tội tham mưu, đề xuất Thủ tướng cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật. Điều này muốn nói rằng, nếu đề xuất một việc phạm pháp mà chịu kỷ luật, thì người ký duyệt quyết định phi pháp đó không thể không bị kỷ luật. Đây là phần sẽ dành cho ông Dũng, là cánh cửa hé mở tới chỗ ngài nguyên thủ tướng.
Tin rò rỉ mới nhất tiết lộ, Ban Bí thư đã quyết định hình thức cảnh cáo đối với ông Thăng. Cảnh cáo là mức kỷ luật nặng thứ hai sau mức khai trừ. Nó mở màn cho các quyết định cách chức hàng loạt chức danh khác. Cùng với Trịnh Xuân Thanh, ông Đinh La Thăng khó thoát được án ngồi tù.
Và nếu ông Vũ Huy Hoàng đã bị kỷ luật cách chức nguyên Bí thư Đảng Đoàn Bộ Công Thương, ông Vũ Kim Cự bị cách các chức nguyên Bí thư và nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, thì ông Hoàng Trung Hải, ông Nguyễn Tấn Dũng làm sao thoát kỷ luật nguyên Phó Thủ tướng và nguyên Thủ tướng.
Người ta đã thắc mắc và không hiểu cái trò kỷ luật quá khứ, kỷ luật chức vụ không còn giữ nữa là trò chơi gì, ai là tác giả của cái trò quái dị này. Bây giờ mới ngộ ra rằng, đích ngắm của nó là ông Dũng. Ông Dũng sẽ bị cách chức nguyên Thủ tướng.
Đây thực chất là cái kỷ luật mà ông Dũng phải chịu từ ngày 15/01/2012, vì thực ra các quyết định kỷ luật ông đã được dự thảo ngay tại Hội nghị Trung ương 6, nghĩa là kỷ luật thì thuộc quá khứ, nhưng bây giờ mới công bố. Nghĩa là ông Trọng không hề thất bại. Và sự ngạo mạn xuẩn ngốc của ông Dũng phải trả giá. Ông sẽ bị tước hết mọi thứ kể từ ngày đó. Ông đã vênh vênh đi ra khỏi phòng họp, nhưng không phải ông là người thắng cuộc. Ông Dũng phải hiểu như vậy.
Sau khi bị kỷ luật Đảng, hồ sơ sẽ được truy cứu tiếp. Tiếp theo là các căn cứ hình sự sẽ được “phát hiện”, và không ai dám chắc, ông Dũng liệu có thoát được một cái án tù 10 năm không, vì một là, những dấu hiệu chứng minh ông Dũng trực tiếp tham nhũng không thiếu, hai là, khi đã truy xét trách nhiệm, thì thiệt hại hàng triệu tỷ đồng của ngân quỹ quốc gia, do nguyên nhân tham nhũng của bộ máy Chính phủ, không có vụ tham nhũng nào nằm ngoài trách nhiệm của ông Dũng. Vả lại, đã đến nước cùng, ông Vũ Huy Hoàng và ông Đinh La Thăng cũng sẽ tự tìm cách gỡ tội. Không lẽ chỉ có hai ông này tẩu tán hết 7 tỷ đôla tiền lãi do trượt giá dầu khí những năm 2009-2011.
Nhưng cho đến thời điểm này, người ta có lẽ vẫn chưa xác quyết được kẻ phát hiện ra số tiền 7 tỷ đô nằm nghỉ trong két Tập đoàn Dầu khí những năm 2007-2008 là ông Dũng hay ông Vũ Huy Hoàng. Đây là số tiền lãi trời cho chỉ do giá dầu thế giới tăng vọt từ 50 lên xấp xỉ 140 đô la một thùng. Tiền vào két mà không phải chi phí nào phát sinh, thì chỉ cần một động tác kế toán là xong, có thể rút ra một cách an toàn. Ông Dũng vốn chỉ có sẵn lòng tham, chứ nghiệp vụ kế toán, chưa chắc ông biết được gì. Cho nên, nhiều suy đoán cho là kẻ phát hiện được số tiền này và nghĩ ra được cách tẩu tán nó, là ông Vũ Huy Hoàng và ông kế toán trưởng của Bộ Công Thương, vì chính hai vị này là chủ quản vốn nhà nước tại PVN.
Nhưng phát hiện ra Đinh La Thăng lại là thiên tài của ông Dũng.
Ông Thăng vừa có kinh nghiệm 7 năm kế toán trưởng siêu Tổng Công ty Sông Đà, vừa có kinh nghiệm 5 năm Tổng Giám đốc. Vừa biết cách rút tiền, vừ biết lấp liếm bằng sổ sách kế toán.
Theo kế hoạch của ông Thăng, một sự phối hợp nhịp nhàng bắt đầu. Ông Dũng phát hành quyết định quy chế Tập đoàn Đa ngành, cho phép các tập đoàn đầu tư ngoài nghiệp vụ chính. Ông Thăng trình Thủ tướng phê duyệt hàng loạt dự án, từ đó cho ra đời hàng loạt Ban Quản lý dự án và một đầu mối quan trọng nhất là Tổng Công ty xây lắp PVC của Trịnh Xuân Thanh. Tiền trong két PVN được rót xuống cho các Ban Quản lý, rồi từ các Ban Quản lý chuyển cho Tổng Công ty xây lắp. Tổng Công ty xây lắp thành lập hàng loạt công ty thi công xây lắp và các thầu phụ. Tiền từ Tổng Công ty xây lắp PVC giải ngân thanh toán cho các công ty thi công và thầu phụ xây lắp. Từ đây, tiền thanh toán cho các công ty ma và các khối lượng xây lắp khống sẽ quay trở lại PVC cho Trịnh Xuân Thanh. Trịnh Xuân Thanh là người trực tiếp phân phối lại cho toàn bộ hệ thống. Như vậy, Trịnh Xuân Thanh là người biết tất cả, ít nhất cũng tới chỗ ông Đinh La Thăng. Từ ông Đinh La Thăng tới ông Vũ Huy Hoàng và ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Thanh chắc chắn biết, nhưng biết một cách cụ thể, thì chỉ có ông Thăng và tay hòm chìa khoá của ông Thăng là Vũ Đức Thuận.
Những chuyện tày đình này, ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Tài chính lúc đó có biết không? Có thể khẳng định được rằng là có, vì sau khi ông Thăng được thuyên chuyển về bộ Giao thông, ông Ninh tiếp tục lên Phó Thủ tướng phụ trách tài chính.
Ngoài những nguồn khác, có thể một trong những người phát hiện ra vụ việc là ông Vương Đình Huệ, lúc đó là Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Điều đáng được nhắc lại là tại Đại hội 12, theo tin từ dư luận, để loại ông Dũng ra khỏi Trung ương, ông Trọng và Bộ Chính trị đã phải nhượng bộ ông Dũng bằng cách chấp nhận cơ cấu ông Nguyễn Văn Bình, ông Đinh La Thăng và ông Hoàng Trung Hải vào Bộ Chính trị. Vì vậy mới có chuyện lội ngược dòng của 3 ông này mà theo phỏng đoán của dư luận thì phải ra khỏi Đảng.
Tuy nhiên, Bộ Chính trị đã đẩy hai ông Hải và Thăng xuống hai thành phố, với ý định cách ly Ban Bí thư, nơi hình thành và sản sinh các quyết định của Bộ Chính trị, còn ông Bình, sau một thời gian rất lâu không được phân công, cuối cùng, nhận Ban Kinh tế, và sau đó thì được giao đặc trách khu Tây Bắc.
Như vậy, sau kỷ luật của ông Đinh La Thăng, không biết ông Trọng có đi tới tận cùng không, nghĩa là cả ông Hải lẫn ông Bình sẽ ra khỏi Bộ Chính trị?
Vì chính ông Trọng từng nói, “chống tham nhũng là ta đánh ta”, nghĩa là ông đang làm yếu chính ông, hay đang làm yếu cái Đảng Cộng sản mà ông đang là người đứng đầu. Hội nghị Trung ương 6 đứng trước một khó khăn khó có lời giải thoả đáng.
Vụ án PVN sắp tới cùng với 12 vụ đại án phải xét xử trong năm nay sẽ còn đưa hàng nghìn đảng viên, kể cả đảng viên cốt cán vào tù, gây ra một tâm lý hoảng loạn, nghi kị nội bộ, chỉ còn lo việc che chắn, lợi dụng cơ hội hại nhau và chiếm chỗ của nhau, cả hệ thống sẽ tê liệt, không còn ai quan tâm tới sản xuất.
Những đảng viên nếu biết làm, thì không thể không biết biển thủ công quỹ và trở thành xấu. Những đảng viên còn tốt, chỉ là những đảng viên không biết làm, tức là những đảng viên vô dụng.
Trước mắt, phải thay bí thư Sài Gòn. Ông Nguyễn Thành Phong nếu lên bí thư, thì ông Tất Thành Cang sẽ lên phó bí thư, chủ tịch thành phố. Phương án này ít tốn kém và ít tổn hại nhất, nhưng cần có sự thoả hiệp giữa ông Phong và ông Cang. Mặc dù cùng có xuất thân “thanh niên”, nghĩa là cùng thuyền với Lê Thanh Hải trước đây, nhưng ông Phong về Sài Gòn trên danh nghĩa đặc phái viên của ông Trọng, nhằm cùng với ông Võ Văn Thưởng giải giáp ông Lê Thanh Hải, trong khi ông Cang và ông Võ Tiến Sĩ, Bí thư Quận 5, là hai nhân vật được coi là con tin của ông Hải nằm lại trong hệ thống mới. Giải pháp cách mạng triệt để sẽ là ông Võ Văn Thưởng bí thư, ông Nguyễn Thành Phong tiếp tục phó bí thư, chủ tịch. Đây là phương án hoàn hảo, Bộ Chính trị sẽ nắm hoàn toàn thành phố, loại được mầm cát cứ. Nhưng Ban Tuyên giáo, nếu không quay lại cho ông Đinh Thế Huynh thì nguy cơ rơi vào tay ông Trương Minh Tuấn, đúng ý của phái cơ hội bảo thủ, sẽ là một thảm hoạ cho chế độ, tuyệt đường cải cách.
Nếu phải bầu bổ sung Bộ Chính trị lấp vào chỗ cả ba ông Thăng, Hải, Bình, thay bí thư, phó bí thư cho các tỉnh Hậu Giang, Bình Định, và Kiên Giang, có thể cả Lai Châu, cùng với việc đi hay ở của ông Trọng, thì Hội nghị Trung ương 6 sẽ gần như một hội nghị trù bị cho một Đại hội giữa nhiệm kỳ vào đầu hay giữa năm 2018.
Nếu bỏ qua mục đích trả thù cá nhân ông Dũng, khiến ông Trọng phải lao tâm khổ tứ (thực chất là “một công đôi việc”), những diễn biến từ sau Đại hội 12 cho thấy, ông Trọng và Bộ Chính trị có quyết tâm chống tham nhũng rất lớn với tham vọng làm trong sạch Đảng, bằng cách đó củng cố vị thế của Đảng và bảo vệ sự tồn tại của chế độ.
Cái tâm huyết mà ông dồn vào đấy, một mặt cho thấy ông trong sạch, ông thậm chí kỷ luật ông Cự với máu lạnh, chỉ vì có một tấm ảnh ghi hình ông Cự ghé tai ông như chuyện thầm thì giữa hai kẻ đồng loã. Nhưng mặt khác chứng tỏ ông là một người giáo điều mụ mẫm. Ông vẫn giữ một đức tin không lay chuyển rằng, tham nhũng có nguồn gốc đạo đức, và chỉ cần cải tạo đạo đức là thủ tiêu được tham nhũng. Đạo đức là sản phẩm của giáo dục, trong khi tham nhũng là thuộc tính bản năng. Bằng giáo dục đạo đức, tham nhũng có thể giảm, nhưng chỉ buông lỏng giáo dục, tham nhũng bùng phát trở lại. Tham nhũng thực chất là ăn cắp. Luật Phòng chống tham nhũng định nghĩa: tham nhũng là lợi dụng quyền chức để chiếm đoạt của công. Như vậy chống tham nhũng trước hết là kiểm soát quyền lực. Muốn kiểm soát quyền lực thì pháp luật phải độc lập. Tư pháp, cảnh sát và toà án phải được phi chính trị hoá, không có tính Đảng, độc lập với quyền lực chính trị, không chịu sự lãnh đạo của bất cứ đảng phái, hay giáo phái nào. Thứ hai là không để bất cứ tài sản nào là tài sản công. Vì tài sản công với đối tượng nào đó, trong phạm vi nào đó là một thứ tài sản vô chủ, có thể biến được thành của riêng. Đất đai và tài sản trong các doanh nghiệp nhà nước chính là các tài sản công. Như vậy, chống tham nhũng chỉ có hai việc, một là tam quyền phân lập, tối thiểu là độc lập tư pháp, hai là tư hữu hoá đất đai và tài sản công.
Muốn chống những kẻ tham nhũng như ông Dũng, thì thứ nhất là cơ quan điều tra phải độc lập với Chính phủ và pháp luật có thể bỏ tù được ông Dũng, thứ hai là không có cái khoản tiền như khoản 7 tỷ đô la tiền xuất khẩu dầu khí, gọi là tiền quốc gia, nhưng thực chất là vô chủ, để ông Dũng và tay chân của ông ta nổi máu tham.
Ông Thăng, ông Dũng và những gì trái lòng người không thể không bị phán xử. Cái phải đến đã đến và sẽ còn đến.
Nhưng một cái tất đến khác, cái tất đến lớn hơn, là một nền dân chủ đích thực cho dân tộc Việt Nam cũng sẽ đến và thực sự đang đến. Bởi đơn giản là cái độc Đảng chuyên chế và cái sở hữu toàn dân là những cái không hợp quy luật tự nhiên và trái lòng người, sẽ tự nó biến mất.
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN.

Ngày 30 tháng Tư

Ngày 30 tháng Tư

bauxitevnSun 2:36 AM

Phạm Đình Trọng
Từ mấy năm nay, cứ gần đến ngày 30 tháng Tư tôi đều phải rời căn hộ dịu mát, thoáng đãng, từ đó phóng tầm mắt ôm được cả một khoảng rộng Sài Gòn bừng sáng những tòa tháp cao tầng như những tòa ánh sáng. Từ mấy năm nay, cứ đến gần ngày 30 tháng Tư tôi lại phải rời bỏ nếp sinh hoạt ổn định hàng ngày rồi hấp tấp khăn gói lưu vong khỏi Sài Gòn. Từ nhiều năm nay cứ đến ngày 29, 30 tháng Tư cả đám an ninh cộng sản lại đến bủa vây quanh nơi tôi ở. Tôi phải lưu vong mấy ngày đó để thoát khỏi sự giam hãm.
Những ngày cả Sài Gòn giăng cờ, kết hoa, rực rỡ đèn đuốc chào mừng ngày 30 tháng Tư được những người cộng sản gọi là Ngày Giải phóng miền Nam thì an ninh cộng sản lại đến giam cầm tôi ngay giữa “Sài Gòn giải phóng”.
Vậy thực sự ngày 30 tháng Tư, năm 1975 có phải là ngày nửa dải đất phía Nam của Tổ quốc Việt Nam được giải phóng không?
Giải phóng đích thực, giải phóng có giá trị lớn lao, thiết thực nhất phải là giải phóng con người, giải phóng tư duy, giải phóng sự sáng tạo của con người và giải phóng sức phát triển của xã hội.

Ngày 30 tháng Tư năm 1975 cả triệu người Việt Nam dù yêu nước cháy bỏng cũng phải bỏ nhà cửa, bỏ tài sản, bỏ cả mồ mả ông bà, bỏ nước ra đi trốn chạy những người nhân danh là người yêu nước nhưng chỉ biết có ý thức hệ cộng sản, trốn chạy những người mang chuyên chính vô sản sắt máu vay mượn từ nước ngoài về nô dịch cả dân tộc. Ngày 30 tháng Tư năm 1975 mang đến mất mát uất hận lớn như vậy cho cả triệu người Việt Nam làm sao có thể gọi là Ngày Giải phóng?!
Với biến cố 30 tháng Tư năm 1975, hàng trăm ngàn người dân miền Nam trở thành người tù trong những trại tập trung cải tạo, hàng triệu người thân của họ phải bỏ nhà cửa êm ấm, bỏ cuộc sống đầy đủ tiện nghi, lếch thếch đi lưu đày nơi đầu rừng cuối bãi hoang vu, khắc nghiệt với cái tên trá hình là đi xây dựng khu kinh tế mới.
Với biến cố 30 tháng Tư năm 1975, nền công nghiệp non trẻ nhưng hiện đại, đầy sức sống và đang phát triển mạnh mẽ của miền Nam bị đánh sập. Những người chủ tài năng đã dựng nên cơ nghiệp cho gia đình, tạo ra nền công nghiệp tươi sáng cho đất nước phải giao nhà máy cho Nhà nước Cộng sản, giao tài sản mồ hôi nước mắt cho những cán bộ vô sản không có kiến thức kinh tế, không biết quản lí, điều hành sản xuất. Từ đó nhà máy hoạt động không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ, sản xuất đình đốn, công nhân thất nghiệp. Sự dốt nát và vô trách nhiệm của những ông chủ vô sản đã tàn phá, xóa sổ cả một nền công nghiệp hiện đại đầy triển vọng rực rỡ của miền Nam.
Từ biến cố 30 tháng Tư năm 1975, người kinh doanh lớn không được hoạt động. Chỉ còn những người buôn bán cò con, mua đầu chợ bán cuối chợ. Không còn kinh tế thị trường, chỉ còn nền kinh tế tự cấp tự túc từ thời mông muội xa xưa. Nghề thủ công và nghề làm ruộng cần sự cần cù, chịu thương chịu khó và sự sáng tạo cùng kinh nghiệm cá nhân thì hai nghề này phải vào hợp tác xã, chịu sự quản lí của cán bộ cộng sản quan liêu, tham nhũng và thành quả lao động bị mang chia đều, bình quân, làm cho người sản xuất không còn gắn bó với công việc, không còn cần đến sự cần cù, sáng tạo nữa. Miền Nam từ vựa lúa xuất khẩu gạo nay chính người làm ra hạt gạo cũng không có đủ gạo ăn. Người làm ra hạt gạo còn đói thì cả nước đương nhiên phải đói.
Từ biến cố 30 tháng Tư năm 1975, con người miền Nam bị quản lí theo chế độ nô dịch, nền sản xuất miền Nam bị tàn phá và kìm hãm thì không thể coi ngày 30 tháng Tư là Ngày Giải phóng miền Nam.
Ngày 30 tháng Tư hàng năm, tôi cùng hàng ngàn người Việt Nam nói tiếng nói trung thực đòi tự do dân chủ, đòi những giá trị làm người đã bị bộ máy công cụ bạo lực nhà nước cộng sản Việt Nam đến bủa vây, giam cầm tại nhà thì ngày 30 tháng Tư càng không thể là Ngày Giải phóng.
Ngày 30 tháng Tư năm 1975 là ngày thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối ư? Đất nước thống nhất trước hết phải thống nhất trong lòng người. Từ 30 tháng Tư năm 1975, người Việt Nam bị chia rẽ đau đớn và sâu sắc nhất chưa từng có trong lịch sử hiển hách bốn ngàn năm dựng nước của dân tộc Việt Nam.
Ngay cả thời Pháp đô hộ Việt Nam với chính sách chia để trị, Pháp chia đất nước Việt Nam thành ba kì với ba chế độ chính trị khác nhau thì người Việt Nam ở Bắc Kì và người Việt Nam ở Nam kì vẫn thương yêu đùm bọc nhau trong tình cảm đồng bào ruột thịt. Câu ca dao thương yêu của ông bà từ ngàn xưa để lại vẫn được cả người Bắc Kì lẫn người Nam Kì mang ra dạy bảo con cháu: Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, văn hóa yêu thương của ông bà để lại đã bị thay thế bằng văn hóa hận thù. Dân tộc Việt Nam yêu thương bị phân chia thành giai cấp đối kháng, phân chia thành trận tuyến ta - địch. Người dân bị đẩy vào cuộc đấu tranh giai cấp giả tạo mà đẫm máu và triền miên. Người dân nói tiếng nói yêu nước thương nòi mà động chạm đến tội của Đảng Cộng sản làm mất đất đai tổ tiên, động chạm đến tội của Đảng Cộng sản tước đoạt những giá trị làm người của người dân liền bị Đảng Cộng sản cầm quyền đẩy sang thế lực thù địch.
Pháp đô hộ chia nước ta thành ba kì chỉ là vạch ranh giới trong không gian, chia địa lí hành chính trên giấy tờ. Đảng Cộng sản chia dân tộc Việt Nam thành giai cấp đối kháng là chia rẽ trong lòng dân tộc, chia rẽ, li tán trong lòng người. Đặc biệt từ 30 tháng Tư năm 1975 sự chia rẽ này càng độc ác, man rợ khi chuyên chính vô sản, hận thù giai cấp đã ào ạt, quyết liệt tước đoạt tự do, tước đoạt mạng sống của hàng triệu người dân miền Nam ở tầng lớp tinh hoa, những trí thức, những nhà chính trị, những quan chức nhà nước và sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Từ 30 tháng Tư năm 1975, chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp đã làm cho người Việt hận thù người Việt sâu sắc, hàng triệu người Việt yêu nước thương nòi bị đẩy sang thế lực thù địch và hàng triệu người Việt yêu nước phải bỏ nước ra đi đã coi ngày 30 tháng Tư năm 1975 là Ngày Quốc hận thì làm sao có thể coi ngày 30 tháng Tư năm 1975 là ngày thống nhất lòng người.
Chia rẽ, li tán làm cho dân tộc Việt Nam suy yếu. Kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam là nhà cầm quyền bành trướng Đại Hán liền nhân cơ hội cướp hàng ngàn kilomet vuông đất biên cương của Việt Nam, cướp cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì không thể coi ngày 30 tháng Tư năm 1975 là ngày thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối như sự khoa trương, lấp liếm của bộ máy tuyên truyền Nhà nước Cộng sản Việt Nam.
Ngày 30 tháng Tư hàng năm những người cộng sản Việt Nam vui mừng vì ngày đó năm 1975 họ đã đánh thắng cả dân tộc Việt Nam, đã nô dịch được cả dân tộc Việt Nam, họ đã mang hận thù giai cấp đánh tan tác, li tán cả dân tộc Việt Nam. Còn những người Việt Nam chân chính phải nhận lấy nỗi buồn lịch sử, phải nhận lấy trách nhiệm lịch sử: Đấu tranh đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi nô dịch cộng sản và giành lại những mảnh đất thiêng liêng của tổ tiên người Việt đã bị mất mát, sang nhượng cho bành trướng Đại Hán dưới thời cộng sản.
P.Đ.T.
Tác giả gửi BVN.

Nước mắt, nước biển và thuyền nhân Việt

Nước mắt, nước biển và thuyền nhân Việt

bauxitevnSun 2:35 AM

Bài: Trần Mộng Tú
Ảnh: Trùng Dương
Chiều hôm ngày 30 tháng 3, chúng tôi, 56 người, gặp nhau ở một phi trường nhỏ trong một tỉnh nhỏ, có tên là Hatyai, của nước Thái Lan. Trong 56 người, chỉ có 4 người: vợ chồng tôi, Trùng Dương, anh Michael ở Texas làm cho Đài Truyền hình Saigon-Houston không phải thuyền nhân. Số đông thuyền nhân tham gia là các anh chị đến từ Úc châu và rất nhiều người đã từng đi Songkla và Bidong hai, ba lần. Anh chị Dương Phục và Vũ Thanh Thủy cũng là thuyền nhân nhưng đây là chuyến đi đầu tiên của anh chị đến đảo Kra. Cô Ngọc Ân, phóng viên của Đài Little Saigon-Radio, Kim Hoàng và Chấn Hồng của Đài VietFace TV từ Úc cũng có mặt trong chuyến đi này.
Chúng tôi may mắn có ba linh mục, cha Nguyễn Hùng đến từ Đài Loan, cha Phạm Hồng từ Úc và Phạm Tâm (cũng còn là bác sĩ y khoa) đến từ Houston, hòa thượng Thích Huyền Việt đến từ Houston, thầy Tây Tạng Geshe Gawa đến từ Úc.
Trong nhóm còn một bác sĩ trẻ nữa là Kenneth Nguyễn đến từ California.

Trại tỵ nạn Songkla

Chuyến hành hương đầu tiên của chúng tôi, bắt đầu trở lại thăm nền trại tỵ nạn Songkla. Từ thành phố ra tới địa điểm đó khoảng một tiếng lái xe.
Xe đi ra ngoại ô qua những vùng trồng mía, xoài và rất nhiều cánh rừng trồng cây cọ (Palm) dùng cho việc thủ công nghệ. Nhà cửa giống hệt những vùng quê Việt Nam thời chưa đổi mới. Cũng nhà tôn, nhà lá, thỉnh thoảng chen vào một ngôi nhà ngói, bên cạnh bụi chuối, cây hoa sứ. Cũng những con chó trước cửa sủa bâng quơ, những con gà trống nghiêng đầu ngơ ngác, thằng bé ở trần vừa chạy vừa ngã. Chiếc xe như mang chúng tôi trở về quê xưa ngày cũ.
Chiếc xe ca chở hơn 50 người đậu lại, biển xanh trước mặt, nắng gắt trên đầu. Mắt mở to, mọi người xôn xao chỉ tay về phía bên phải.
Cứ đi vào đây, hướng này đúng rồi. Sẽ thấy cái giếng.
Cái giếng mấy năm trước tôi trở lại còn thấy, bây giờ đã bị biển xâm thực rồi. Biển đã mang thêm cát vào, đã chôn mất miệng giếng, nhưng còn cây đa. Chính nơi này là trại tạm cư cho thuyền nhân chờ được định cư ở đệ tam quốc gia. (mặc dù cây đó trông giống một cây thùy dương hơn là cây đa. Có thể họ muốn gọi như thế để có một chút hơi hướm quê nhà).
Vùng bờ biển, nền lều trại dựng ngày trước đã được dọn sạch không còn vết tích, một con đường trải nhựa, chạy song song với biển đã như có sẵn tự bao giờ. Chúng tôi tới gốc cây đa đó, vẫn thấy dấu thờ cúng chưa cũ lắm, có bát cơm đổ nghiêng ngả, hạt cơm vừa khô, có nhang đèn vứt lăn lóc, những bức tượng đổ vỡ, những đồ thờ cúng kiểu Thái cái gẫy, cái bể.
Tác giả và miếu thờ ở Songkhla.
Ba linh mục và nhà sư kêu gọi mọi người tụ họp lại cùng thay nhau đọc kinh, tụng niệm.
Nhang được thắp lên, nước mắt thi nhau ràn rụa. Tên Chúa, tên Phật được thốt trên môi mọi người, để cầu cho người chết, kẻ lưu vong. Sau phần tụng niệm, cha Hồng bắt đầu giọng cho mọi người hát theo.
Giữa buổi trưa nắng chang chang, không một ngọn gió, tiếng hát của hơn năm mươi người hát vang vang như muốn át tiếng sóng biển đang đập vào bờ:
Tự Do ơi Tự Do, tôi trả bằng nước mắt
Tự Do hỡi Tự Do, anh trao bằng máu xương
Tự Do ơi Tự Do, em trả bằng thân xác
Vì hai chữ Tự Do, ta mang đời lưu vong
(Nam Lộc)
Mọi người xúm lại chụp hình. Các anh, chị làm phát thanh, truyền hình bắt đầu công việc của mình. Có người đi tách ra riêng một chỗ thì thầm với biển, với dĩ vãng, với kỷ niệm.
Bao nhiêu người đã được định cư ở nơi êm ấm? Bao nhiêu xác đã trôi giạt vào bãi bờ này?
Nước mắt, nước biển, trôi đi hai hàng oan nghiệt
Tóc bạc, tóc xanh, chìm sâu một khối tủi hờn.
Tôi cúi xuống vốc lên một nắm cát, nhặt một chiếc vỏ ốc đã vỡ, quay lưng lại với biển, chân thấp chân cao, vừa đi vừa lau nước mắt.
Nơi đây cũng đã dánh dấu bao cuộc tình tỵ nạn. Gặp nhau như rong rêu giạt vào bờ, bám lấy nhau rồi lại phải buông nhau ra vì mỗi người phải đi định cư ở hai nơi khác nhau, hay người đi người vẫn ở lại ngóng trông. Tương lai là một trang giấy trắng chờ tay ai vẽ xuống.
Chúng tôi rời bãi này để tới một bờ khác.

Tha Sala và 11 cô gái Việt

Trưởng nhóm, anh Hùng Lê cất tiếng:
Bây giờ Hùng đưa các cô chú đến thăm đền thờ Mười Một Cô.
Đó là chuyện 11 cô gái Việt, không một mảnh áo quần, bị trói cổ vào nhau, thả nổi trên biển. Xác các cô trôi tới bãi Tha Sala này, được người địa phương thương tình vớt vào chôn cất. Ai nghe cũng phải xót thương, rùng mình, uất hận.
Những nàng thiếu nữ như hoa đỏ
Một sớm theo nhau bước xuống thuyền
Hoa bỗng rơi ra từng cánh mỏng
Thả vào lòng biển máu oan khiên
Tha Sala không chỉ vớt Mười Một Cô, Tha Sala còn vớt thêm bao nhiêu cái xác trôi đơn lẻ, trôi hai ba, trôi năm bẩy, giạt vào bờ.
Người đàn bà Thái khoảng 60 tuổi, gia đình hiện sống trên bãi đã lập một miếu thờ cho những vong linh này. Mỗi ngày bà mang ra miếu một bát cơm trắng, một chén nước lạnh và mấy cây nhang.
Đây là câu chuyện của bà: khi gia đình bà tới ở trên bãi này thì vẫn còn rất hoang vu. Họ đào đất dựng nhà, chạm phải nguyên một chiếc thuyền chôn sâu trong cát. Họ tin là thuyền của người vượt biển bị đắm, sóng đánh vào và cát phủ lên. Bà cũng theo người lớn tuổi hơn ra biển mỗi lần có xác giạt vào. Khi đó tuổi của bà, khoảng tuổi các cô con gái Việt này. Gia đình bà dựng một ngôi đền nhỏ thờ vong linh của thuyền nhân và 11 cô gái. Chiếc thuyền cứ thế để nguyên trước cửa đền. Theo năm tháng, biển xâm thực và bão tố, ngôi đền chỉ còn lại cái nền vỡ và cái thuyền chỉ còn lại một mảnh ván dài, nhưng bà vẫn cơm trắng, nước lạnh và thắp nhang mỗi ngày.
Người Việt bị người Thái giết, thì cũng chính người Thái thờ cúng những oan hồn người Việt. Có phải đó là sự đền bù của đất trời không?
Sau Tha Sala, chúng tôi được đưa tới một địa điểm gần bờ biển phía lên đảo Koh Kra.
Nơi dừng chân là chùa Wat Samphreak, trong chùa còn có một ngôi trường tiểu học. Tối hôm đó chúng tôi được ngủ lại trong chùa. Chúng tôi trải chiếu của nhà chùa, nằm bình an trong chánh điện, dưới chân những tượng Phật. Tôi trăn trở vì nóng, vì muỗi hay vì câu chuyện thương tâm của mười một cô gái bất hạnh. Nghe nói tuổi của các cô khoảng từ 19 tới 23. Ôi cái tuổi tinh khôi, mơ mộng và tràn đầy ước vọng!
Biển gọi em hay em gọi biển
Sóng đang reo sao bỗng khóc gọi hồn.
Nước mắt tôi ứa ra, trái tim tôi thổn thức. Tôi thương các em, thương cha mẹ các em, thương cho dân tộc tôi quá đỗi! Chúa ở đâu? Phật ở đâu?

Lên thuyền ra đảo Koh Kra

Bốn giờ sáng ngày mồng 1 tháng 4, từ bãi của làng chài lưới Hua Sai, thuộc Nakhar Si Thammarat, cách đảo Koh Kra 80 cây số, chúng tôi lên thuyền ra biển đi tới đó.
Tại bãi biển.
Trên bãi biển tiếng gọi nhau khe khẽ, tiếng chân trên cát, ánh đèn pin lóe lên, dắt tay nhau, chúng tôi leo lên những chiếc thuyền tam bản của dân đánh cá Thái Lan, thuyền không mui, chạy bằng máy đuôi tôm.
Sao đi sớm thế?
Giờ này biển êm, không có sóng
Chạy bao lâu thì tới?
Khoảng hơn 3 tiếng
Ngồi sát vào nhau, tám người một thuyền. Bắt đầu tách bờ tiến về đảo Koh Kra.
Có tiếng nói khẽ cất lên:
Hồi đi vượt biên, chúng em đi bằng thuyền nhỏ như thế này, gọi là taxi, đưa ra ngoài có thuyền lớn hơn đón.
Nhưng hồi đó phải ngậm miệng, không được nói, và rất sợ bị bắt lại, cộng thêm nỗi sợ bão biển, sợ hải tặc và chúng em chẳng ai có áo phao mặc như thế này.
Tôi ngồi co rúm người lại, thuyền đang chạy, nước biển bắn tung tóe lên mặt, những hạt muối mặn trên môi. Trời vẫn tối chưa nhìn tỏ mặt nhau. Biển mênh mông, biển tối om, tôi bắt đầu hiểu mang máng thế nào là nỗi sợ của người vượt biển. Nếu thuyền lật bây giờ, cũng khó lòng mà tìm cứu được nhau trong bóng tối. Đây thực ra mới là vịnh chưa ra tới biển.
Trời dần sáng. Lên tới bãi san hô của đảo Koh Kra thì sáng hẳn. Bờ biển này không có cát, chỉ toàn những mảnh san hô, nên không thể đi chân trần được. Năm 1979 đã có tới hơn 2000 thuyền nhân bị hải tặc nhốt giam ở đây. Vợ chồng chị Vũ Thanh Thủy và anh Dương Phục cùng nhóm gần 200 người đã trốn hải tặc 21 ngày đêm ở đây. Những con thú mang hình người đã hành hạ thuyền nhân Việt ở mức độ dã man ngoài sự tưởng tượng của một đầu óc bình thường.
Hàng ngàn người đã bị hải tặc giam cầm trên đảo này, con số người chết ở đây không ai biết rõ là bao nhiêu? Bao nhiêu phụ nữ đã bị hãm hiếp, bao nhiêu người chồng, người yêu, cha mẹ, anh trai, bất lực và bất hạnh trước thảm nạn dưới tay hải tặc. Chỉ có Trời mới biết con số chính xác này.
Những cô gái nạn nhân này chịu nhiều khổ hạnh khác nhau. Có người bị bắt đi luôn không biết còn sống hay đã chết. Nếu sống, họ có còn muốn tìm về gặp lại những người thân yêu nữa hay không? Hay họ tự coi như cuộc đời cũ đã chấm hết, đã xóa tên họ. Họ đã chấp nhận sống hai đời trong một kiếp.
Có người khi được cứu đã mang thai nhưng họ can đảm không bỏ đi giọt máu oan khiên đó, nó là một phần xương thịt họ. Họ mang con đến một nơi khuất lấp, xa lánh cộng đồng Việt, không gặp những người thân và tự nuôi con. Họ là những người mẹ vượt lên trên tất cả mọi thử thách mà định mệnh đã đặt vào họ.
Có cô gái chọn nhảy xuống biển chết thay vì bị hải tặc hiếp, nhưng số phận không cho cô chết, cô sống kẹt trong một khe đá, cô đói, khát, lạnh và bị cá tôm rúc rỉa hai chân cô trong 21 ngày. Khi cứu được cô ra, người ta nhìn thấy hai ống xương chân không da thịt.
Tôi đau đớn tự hỏi: Nước mắt nào khóc rửa được những vết thương này.
Nghe bước chân mình trên đá nhọn
nghe trăm gai sắc nhói trong tim
nghe sóng biển đập vào lồng ngực
nghe em gào khóc nỗi oan khiên.
Còn bao nhiêu câu chuyện nữa chưa được kể ra. Những người sống sót không ai muốn nhắc lại ký ức đau thương ấy. Họ im lặng, lãng quên đi hay thậm chí đã mất trí nhớ sau những tai nạn khốc liệt cho cả tâm hồn và thể xác ấy.
Tác giả Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đã ghi lại trong hồi ký cả ngàn trang “Tình yêu, Ngục tù và Vượt biển” của anh chị một phần nào những thảm cảnh trên đảo Koh Kra, những thảm cảnh mà Việt Nam và Thái Lan ngày nay đều cố tình phủ nhận và lẩn tránh. Tinh thần trách nhiệm và liêm sỉ của một quốc gia là chiếc hộp đen cả hai nước đều né tránh không muốn mở ra, nhìn lại.
Mỗi người bắt tay vào mỗi việc. Căng lều tập thể, căng lều cá nhân. Người lo dựng tượng Phật, tượng Đức Mẹ, Thánh Giá. Chúa thì phải lắp từng mảnh vào với nhau. (Những tượng này và vật liệu cần thiết đã được anh trưởng nhóm và một vài anh mang tới trước mấy hôm). Người lo mắc võng cá nhân, người lo treo những chiếc đèn lồng từ thân cây này sang thân cây kia. Sửa soạn sẵn cho một đêm hoa đăng trên đảo.
Chúng tôi xếp ra từ trong hộp những tấm mộ bia có khắc ghi tên tuổi thuyền nhân và những tấm khắc lời tưởng niệm (được anh trưởng nhóm đặt mang từ Việt Nam sang), sửa soạn gắn những bia này chung quanh một bức tường tượng trưng cho khu nghĩa trang.
Buổi trưa nắng qua nhanh. Mỗi người được ăn trưa một tô mì gói, trước khi gạch, xi măng được chuyền tay nhau vác lên đồi tôn giáo. Một số người xuống tắm biển, có người leo lên thuyền trở về đất liền mua thêm vật dụng.
Công việc dựng tượng mới làm được một phần.
Buổi chiều, mọi người còn đang tất bật thì có hai chiếc thuyền tuần duyên từ đâu rẽ sóng tới, bốn năm người lính Thái có vũ trang nhảy vào bờ. Cô bé Nhung thông ngôn thiện nguyện (sống ở Thái) được gọi ra để trả lời những câu hỏi. Lính Thái bắt chúng tôi chia ra làm hai hàng, bên nam, bên nữ. Chúng tôi vội cho người đi mời mấy vị sư Thái (hiện tu hành trên đảo) xuống, cắt nghĩa rõ ràng là chúng tôi đến dựng tượng và thăm mộ thân nhân. Đất Thái là đất Phật, đi đến mỗi góc đường đều có am, miếu, thờ cúng, nên người dân Thái rất nể trọng các vị sư. Họ bắt chúng tôi cầm thông hành của mỗi người lên ngang mặt để họ chụp hình trước khi họ xuống thuyền. Sau khi nói chuyện với các nhà sư xong họ mới chịu xuống thuyền, rời bãi.
Khi họ đi rồi, một nỗi hoang mang dậy lên trong lòng những cựu thuyền nhân: Họ nói, không ai có thể biết được hải tặc có thông đồng với lính tuần duyên hay không? Nhưng chúng ta nhờ có các sư và hiện mang thông hành ngoại quốc nên tương đối an toàn.
Buổi chiều, cơn mưa to ập xuống, dù lều được dựng dưới những tán lá cây, nước mưa vẫn làm ướt đầm chúng tôi. Khổ nhất là công việc dựng tượng và gắn bia cho người đã chết không tiến hành được, cả những tấm ghi dòng tưởng niệm, cũng phải xếp vào thùng. Nhang đèn, gạch, xi măng, phải che chắn lại. Đêm “Hoa đăng tưởng niệm” như dự tính đã không thành.
Buổi tối vẫn còn mưa. Trong tình cảnh, dưới lưng là những mảnh san hô lớn, nhỏ, mấp mô, rồi nước chảy vào thành từng vũng, quần áo, dày dép ướt sũng. Nhưng các anh em cũng kéo nhau ra lều tập thể hát dưới những giọt mưa.
Tiếng hát hòa đồng với tiếng mưa. Trong ánh lửa nến nhỏ nhoi xoi không tỏ mặt người, họ hát cho nhau nghe, cho hồn ma bóng quế cùng nghe.
Có hay không! Những hồn ma bóng quế đang rủ nhau cùng về ngồi trong lều với những người đồng hương của mình?
Đêm vẫn rào rào đổ mưa xuống, nhóm 8 người chúng tôi, nằm giữa một tấm bạt to, gấp đôi lại, nửa trải dưới đất, nửa căng trên đầu, buộc hai góc bạt vào hai thân cây. Frank nằm sát ngoài cùng phía bên phải lều, rồi Tú, Trâm, Nguyệt, Trùng Dương, Thủy, Phục và ngoài cùng là Cha Tâm bìa bên trái. Tội nghiệp Cha Tâm và Frank là hai người nằm ngoài bìa lều, ướt như chuột từ đầu tóc, quần áo, đến giày dép.
Chắc chắn những nhóm khác, trong những chiếc lều nhỏ kiểu cắm trại, cũng ướt không kém gì chúng tôi. Nhưng may, sáng ra trời tạnh, phải dậy thu dọn và ra lều tập thể ngay để làm lễ liên tôn cho các vong linh trên đảo.
Lễ cầu siêu trên đảo Koh Kra.
Các vị chủ tế cùng mọi người cùng quay lưng ra biển, mặt hướng về phía trong đảo, nơi có những nấm mồ của hơn 100 thuyền nhân được biết và thêm bao nhiêu mồ không được biết đích xác, được chôn vùi từ những ngày tháng đó của mấy ngàn thuyền nhân bị hải tặc lùa vào đây.
Chương trình hành lễ được cha Tâm đề nghị, bắt đầu làm lễ với các sư Thái đang ở đảo được mời tới cử hành đầu tiên bằng tiếng Phạn, sau đó đến hòa thượng Thích Huyền Việt và phần cuối là cha Hùng, cha Tâm cha Hương chia nhau dâng lời nguyện.
Vừa xong hai phần về Phật giáo, tiếng các cha bên Công giáo chưa cất lên thì có tiếng hốt hoảng gọi vào lều.
Xin chấm dứt và sửa soạn ra về ngay, vì có tin báo bão sẽ tới lúc 3 giờ.
Mọi người hấp tấp đứng dậy chạy ra khỏi lều để thu dọn hành lý, riêng các cha, hòa thượng và những người Công giáo vẫn ở lại.
Cha Hùng vừa cất tiếng lên đã nghẹn ngào:
Giữa biển khơi lồng lộng gió bốn phương
Chúng tôi những người sống sót trong cuộc chiến tranh huynh đệ đau thương, cùng nhau về đây chiêu hồn lưu xứ.
Xin những đấng tối cao mở lòng đón nhận, vớt lên giữa bọt sóng lênh đênh những oan hồn, uổng tử.
Xin hãy mang hồn vào giấc ngủ ấm yên
Vòng tay Đức Mẹ, vòng tay Phật Bà xin hãy là những tấm khăn mềm thấm khô ngàn máu lệ.
Chúng tôi cúi đầu gửi lời kinh tiếng kệ.
Tiếng chuông tiếng mõ gọi hồn về.
Giọng Cha trầm trầm, bi thương, nghẹn ngào, cha đọc hết bốn trang bài “Văn tế muộn màng”.
Rồi các cha thay nhau đọc tên từng người trên những mộ bia mới làm. Sóng cứ nhô cao, bão cứ tới, mọi người vẫn bình tâm với những dòng kinh nguyện.
Chính lúc thứ tha là khi được tha thứ
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời
(Kinh Hòa Bình-Thánh Francis)
Chiếc lều cuối cùng được kéo xuống, gấp lại, gấp cả những giọt nước mưa còn đọng đêm qua. Tôi lấy tay quẹt trên giọt nước, nếm thấy mặn như những giọt lệ.
Những chiếc thuyền tam bản, không mui, rẽ sóng trở lại đất liền. Trời không nắng, âm u, nước biển bắn tung từng đợt lên mặt mũi, quần áo. Trưởng nhóm Hùng khóc rưng rức nhìn hòn đảo Koh Kra chìm dần vào những đám mây đen đang từ từ kéo tới. Anh khóc vì nhiệm vụ chưa hoàn tất. Chúng tôi phải mỗi người nói một câu an ủi anh, nhưng thật sự trong lòng chúng tôi cũng đang thổn thức. Mây đen kéo mỗi lúc một dầy sau lưng chúng tôi, hòn đảo như chìm từ từ xuống biển, tiếng kêu của những vong linh không vọng được lên trên tiếng sóng. Hòn đảo như biến mất, giữa kẻ chết và người sống một đường vạch dài và đen chia đôi.

Bidong và những ngôi mộ tập thể ở Mã Lai

Xe ca đi từ Thái Lan sang Mã Lai, mất 8 tiếng, qua những chặng đường biên giới, phải làm thủ tục nhập cảnh. Chúng tôi tới Mã Lai thì đã trời chiều.
Phụ nữ ở đây đa số mặc quốc phục nhiều màu sắc, khăn chùm đầu của họ rất đẹp, đủ màu, đủ kiểu quấn khác nhau chung quanh khuôn mặt. Bạn tha hồ ngắm mắt môi và nguyên khuôn mặt thân thiện, hay cười của họ. Hiếm hoi lắm mới thấy một vài bà đứng tuổi quấn mình kín mít trong tấm vải đen chỉ để lộ hai con mắt đủ nhìn bước chân mình. Đàn ông cũng thân thiện không kém, ông tài xế taxi hay nói về đời sống gia đình cho bạn nghe, về việc họ vẫn cầu nguyện năm lần một ngày, mỗi lần bảy phút.
Mã Lai là nước đã nhận gần 300 ngàn người tỵ nạn Việt Nam trong hai thập niên 1975-1995. Những thuyền nhân đi trong nhóm kể lại: nạn hải tặc Mã ít hơn hải tặc Thái rất nhiều. Lính Mã ban đêm có vào trại kiếm những cô vừa mắt mang về làm vợ, không ai can thiệp được. Nhưng lính Mã không hiếp phụ nữ và giết người ngay trước mặt mình.
Mã Lai cũng là nơi có nhiều xác thuyền nhân tạt vào bờ nhất nên cũng là nơi duy nhất có nhiều mộ tập thể. Những người bạn thuyền nhân trong nhóm nói có khi thuyền gần vào tới bờ vẫn bị lật như thường, người đến trước trên bờ có thể nhìn thấy người chết chìm trước mặt mà không làm gì cứu được. Về sau được người địa phương cho biết là khúc biển gần vào đến bãi, dọc biển đó có nhiều vũng xoáy, có khi thuyền vào trúng chỗ xoáy mà không biết, gặp biển êm thì thoát, khi biển lúc đó động thì chỗ xoáy hút thuyền vào, thuyền lật, không cách nào cứu được. Đó là trường hợp của rất nhiều chiếc thuyền đã nhìn thấy bờ mà không vào được bến.
Viếng ngôi mộ tập thể đầu tiên Ở Kelanta.
Mã cũng là quốc gia duy nhất có nhiều mộ tập thể của thuyền nhân, có đầy đủ lý lịch, vì họ chết gần bờ.
Ngôi mộ tập thể số 1 chúng tôi tới ở Balai Bachock thuộc tỉnh Terengganu, mộ đó có 46 người, trong đó có 3 em nhỏ.
Lần đầu tiên trong đời người, đứng trước một ngôi mộ tập thể. Ngôi mộ chơ vơ trên đồng đất nước người với những cái tên Việt Nam, tôi không cầm nổi lòng mình, nghe nôn nao, quặn đau trong ruột, nước mắt ràn rụa. Từ bao lâu nay chỉ nghe tiếng “thuyền nhân” chỉ nhìn “hình thuyền nhân”, cái thương cảm đó có đấy, nhưng chỉ thoáng ngậm ngùi như vết xước ngoài da. Phải tới đó, trên một đất nước xa lạ nhìn thấy nấm mộ đó mới hiểu được tình người trong một nước nó sâu đậm đến đâu, mới hiểu rõ hai chữ “Đồng Bào” cùng một cội nguồn dân tộc với nhau. Mình bỗng chốc thấy thương dân, thương nước mình quá đỗi! Vì đâu, vì ai, vì nghiệp lực nào mà chết thảm, chết khổ, đến thế này! Cá nhân mình có lãnh một phần trách nhiệm nào trong đó không?
Nhang, nến, thắp lên, lời kinh hòa đồng, Phật, Chúa có nhìn xuống chúng sinh không?
Tôi nghĩ tới lời sư Huyền Việt nói với tôi: Nghiệp lực làm khổ nhau. Cái khổ phải xảy ra một lần trong cuộc đời và cái khổ vẫn tiếp tục xảy ra.
Ngôi mộ thứ hai tại Cherang Ruku, cách nơi này không xa còn to hơn nữa, còn nhiều người hơn nữa, nó cho ta cái cảm tưởng đây là một cái nghĩa trang nhỏ chứ không phải là một nấm mồ. Mộ chôn 123 người, sau nhận thêm 5 người nữa chôn ở nơi khác được đưa về. Tổng cộng là 128 người. Những ngôi mộ tập thể đã được chôn chung như thế nào? Đây là lời kể của bà vợ ông Alcoh Wong Yahao (sẽ nói đến vị ân nhân này sau):
“Chúng tôi xếp xác từng lớp, không phân biệt nam nữ, tuổi tác. Cứ một lớp xác người xếp lên một lớp khăn liệm, rồi lại tiếp một lớp xác người khác, trên cùng chúng tôi đặt một lớp ván ép, rồi xúc đất đổ lên. Thế là thành một ngôi mộ lớn.
Ngôi mộ thứ hai này và ngôi mộ thứ nhất với 46 người, cộng thêm 5 người mang tới sau, họ cùng đi với nhau trên chiếc tàu khởi hành từ Mỹ Tho, tên tàu là MT- 065, khỏi hành ngày 1 tháng 12, tới gần biển Mã Lai ngày 4 tháng 12 thì bị lật chìm. Tổng số người đi trên thuyền là 300 người.
Mộ tổng cộng 128 người.
Chúng tôi cúi đầu khấn nguyện Chúa, Phật, cầu xin các vong linh về chứng giám cho lòng thành của chúng tôi. Chúng tôi, những phụ nữ dựa vào vai nhau mà đẫm lệ.
Sau đó cha Tâm đề nghị mỗi người cầm nhang đi chung quanh ngôi mộ cắm xuống. Mỗi nén nhang có mang theo những giọt nước mắt.
Hỡi hồn bập bềnh trên biển
Về đây nghe lời kinh an
Trăm ngàn mảnh hồn ướt sũng
Muối nào trong lệ không tan.
Mắt nào không lệ chảy.
Đừng khóc vội, tôi xin kể một câu chuyện liên quan đến nấm mộ to như một nghĩa trang nhỏ này.
Trong mấy ngày hôm sau khi chúng tôi đi thăm những nghĩa trang có chôn rải rác thuyền nhân, tôi thấy xuất hiện trong đoàn một thanh niên rất trẻ, tôi hỏi chuyện làm quen, khi em giúp nắm tay tôi dắt bước qua những mô đất. Em tên là Alex Trần, 28 tuổi, em đi thăm mộ ông bà ngoại và các chú, bác, của mẹ em. Vì thời khóa biểu không trùng hợp với nhóm nên em đến chậm một đôi ngày, em phải đi thăm ông bà ngoại một mình.
Tại sao mẹ không đi với con?
Mẹ sợ, mẹ không dám nhìn lại.
Em nói tiếng Việt rất giỏi, rất lễ phép, chứng tỏ em được lớn lên trong một gia đình tốt. Em kể:
Gia đình của mẹ con, tất cả 18 người đi trên chiếc tàu MT-065 này. Lúc đó mẹ con là một cô bé 12 tuổi, dì của con lên 10. Khi tàu lật, họ kẹt trong khoang, dì con 10 tuổi dùng đầu đập vào cửa kính thuyền, hai chị em chui được ra bên ngoài. Cả hai chị em cùng không biết bơi, ngất xỉu. Sóng đánh họ giạt vào bờ, được cứu sống. Cả gia đình chết 13 người, còn lại 5 người trong đó có mẹ con, dì con và ba người họ hàng.
Em thơ dại sao mà em may mắn
Cả một thuyền chết hết chỉ còn em
Sau đó hai chị em được một gia đình Mỹ bảo trợ, nuôi ăn học, cho tới lúc lập gia đình. May mắn gia đình đó ở Orange County, California ngay trung tâm của người Việt nên hai cô bé đó đã vẫn giữ và nói tiếng Việt. (khi làm mẹ, cô cũng cho con đi học tiếng Việt).
Hai chị em cô bé này quả thật trong bất hạnh có lồng may mắn. Hai cô được cha mẹ Mỹ cho đi học tiếng Việt và lớn lên với cộng đồng Việt.
Nhìn cậu thanh niên khôi ngô, đĩnh ngộ, lớn lên ở Mỹ, nói tiếng Việt rõ ràng, lễ phép trong một gia đình có hoàn cảnh như thế, tôi thấy mình không khóc được nữa. Tôi đứng sững nhìn cậu, nghe cậu kể lại câu chuyện nhiều lần (vì nhiều người hỏi). Tôi hình dung ra mẹ và dì của cậu như những viên ngọc lăn rơi xuống từ những mỏn đá cao và sắc mà không hề xây xát. Không có viên ngọc nào có thể đẹp hơn nữa.
Tôi nghĩ đến đôi ngày vừa qua, khi cậu một mình đứng trước ngôi mộ tập thể, cậu chạm tay mình lên trên tên ông bà ngoại, tôi biết chắc cậu đã khóc bằng đôi mắt của mẹ mình.
Một mộ bia tập thể của người Việt trên đất Mã Lai.

​Người chủ của những ngôi mộ thuyền nhân

Một khu nghĩa trang của người Hoa cũng ở Terengganu với những ngôi mộ xây theo hình vòng cung như cái bào thai của người mẹ (Người Hoa nói đó là tượng trưng cho ta trở về nơi ta đã từ đó ra đi). Trong nghĩa trang này có 4 khu A, B, C, D. Khu A có hơn 400 thuyền nhân được chôn ở đây. Khu B, C, D có hơn 200. Mộ chôn rải rác, khi thì một người, khi thì ba hay bốn người, tùy theo có bao nhiêu giạt vào bờ lúc đó. Có mộ thấy lên tới bảy người, mười người.
Hỏi anh Lưu Dân, một thuyền nhân ở Úc đã tổ chức tới đây nhiều lần, có gia đình nào về lại Mã Lai cải táng thân nhân đem đi không? Anh nói, có một người đã làm được. Nhưng người Mã ở thành phố này, không muốn cho người Việt đến cải táng mang đi. Họ nêu ra ba lý do:
Thứ nhất, đã chết ở Mã là người Mã.
Thứ hai, mộ ở đây lâu năm đã thành mộ bạn.
Thứ ba, nếu người Việt ai cũng cải táng thì đâu còn ai tới thành phố này (Terengganu là một thành phố cần du khách).
Cha Tâm mặc áo lễ, dâng bánh Thánh ngay trong nghĩa trang này. Tôi và Vũ Thanh Thủy, Ngọc Hân cùng cất tiếng hát: Chúa nhân từ xin lắng nghe linh hồn con tha thiết. Ăn năn kêu van, lạy Chúa xin dủ thương, ban xuống niềm tin ấp ủ cho tâm hồn.
Hình cha Tâm dâng lễ.
Nắng rát da, trời cao vời vợi, những hạt nước mắt rơi trong tiếng hát, rơi nhòe trên trang giấy hát.
Hòa thượng Huyền Việt đã rời Thái Lan sau khi ở Koh Kra về, nên anh Ngô Đức Hữu từ Úc đại diện Phật giáo mỗi lần tới các phần mộ, anh phụ trách khấn nguyện. Tiếng Việt miền Nam của anh nhẹ nhàng, ấm áp, bài kinh anh rút ra từ đạo Ông Bà, nghe thật cảm động, xin trích một đoạn:
Cầu Thượng đế từ bi hỉ xả. Cho linh hồn ổn thỏa nghe kinh. Cầu xin giảm bớt tội tình. Cho vong nhàn hạ nhẹ mình thảnh thơi. Cảnh ly biệt hỡi ôi thê thảm. Đức Thần Minh phất phưởng tràng phan. Cho hồn noi đó nhẹ nhàng. Trở về cứu vị an nhàn hưởng vui…
Sau lễ chúng tôi đi thắp nhang trên các ngôi mộ, không phân biệt Hoa, Việt, người địa phương hay thuyền nhân. Nghi thức hóa vàng mã tiếp theo rất phong phú, các anh chị trong nhóm mua ngay tại địa phương nên mua được rất nhiều (theo thống kê năm 2010 Mã Lai có 19.8 % theo đạo Phật).
Chúng tôi hóa vàng xong thì xuất hiện một người đàn bà Hoa, được những người trong nhóm giới thiệu đó là bà Alice Wong, vợ của ông Alcoh Wong một vị ân nhân chôn cất gần như là hầu hết những xác thuyền nhân trôi vào bờ bãi Mã Lai.
Chân dung ông Wong và Bia Công Đức.
Ông chính là người đã chôn cất những ngôi mộ tập thể, hơn thế nữa bao giờ có xác táp vào bờ là người ta đi gọi ông. Ông in ra cuốn sách The Vietnamese Boat People (VBP) along The East Coast Of Malaysia Peninsulađể hướng dẫn những người đi tìm mộ thân nhân dọc theo bờ biển phía đông vùng biển Mã Lai. Vùng biển phía đông Mã Lai đối diện với mũi Cà Mau là nơi thuyền nhân tới đông nhất và cũng chết đắm nhiều nhất.
Chân dung ông Wong và Bia Công Đức.
Ông để hết thời gian của mình chỉ để lo cho những cái xác của thuyền nhân Việt Nam trôi giạt vào vùng bãi biển Mã Lai, gần nơi ông cư ngụ. Chiếc thuyền đầu tiên của người Việt tỵ nạn ông Wong được nhìn thấy vào ngày 23 tháng 11 năm 1978 đã vào gần tới bãi nhưng chưa được lên bờ. Ông nhìn thấy những khuôn mặt hốc hác, sợ hãi nhưng tràn đầy hy vọng. (về sau ông được Hội Hồng Nguyệt Red Cresent cho biết, chiếc thuyền đó đã bị lật trong khi được hướng dẫn vào bờ ngay trong cùng ngày. Cả thuyền 137 người bị chết đuối).
Ông và những người bạn của ông ngoài việc chôn cất, còn đi tìm những phần mộ của thuyền nhân rải rác trên đất Mã đem về gần nhau.
Những nấm mộ thuyền nhân tập thể được nhìn như “mồ vô chủ” thì trên một ý nghĩa nào đó, ông Wong chính là “chủ” những nấm mồ này.
Cho tới khi ông mất, năm 2006 trước đó một tuần ông vào nghĩa trang thăm mộ thuyền nhân ông đã hát bài “I will follow you forever”.
Nói theo nhà Phật, kiếp trước ông có nợ người Việt Nam hay chính ông là một người Việt Nam trong tiền kiếp?
Tấm lòng của ông Wong đối với thuyền nhân từ năm đầu tiên 1978, khi ông nhìn thấy chiếc thuyền tị nạn 137 người kéo vào vùng vịnh Kuala Terengganu, tới năm ông qua đời 2006 là 28 năm dài.

Đảo Bidong và những khu mộ

Chúng tôi cũng tới đảo Bidong bằng thuyền. Thuyền này chạy bằng máy cao tốc và từ đất liền ra tới đảo khoảng 20 phút. Đi giữa trưa nắng gắt.
Từ năm 1975- 1991 đã có 250,000 thuyền nhân sống sót tạt thuyền vào sinh sống ở đây. Nhiều người chờ bảo lãnh có thể ở trên đảo từ hai tới bốn năm, nhiều người bị trả lại. Có người bệnh chết, có người tự tử. Họ được mang lên đỉnh đảo chôn cất.
Mộ chia ra từng khu A, B, C… Khu cho trẻ em riêng. Khu F được coi là đông nhất tới hơn 200 ngôi mộ. Chúng tôi kéo nhau lên đó. Bước thấp, bước cao, chống gậy, cầm dao, vừa leo vừa phạt cây rẽ lối. Cuối cùng cũng lên tới tấm bia có ghi 151 người (có bia mộ) Thật ra số mộ ở đây trên con số 200.
Đồi Tôn Giáo nơi trước đây có nhà thờ Công giáo, Tin Lành, Cao Đài và Chùa thì nay đã vừa bị phá, vừa xụp đổ theo thời gian, trông vô cùng hoang phế. Đau lòng hơn nữa những tượng Phật, tượng Đức Mẹ đều bị chém cụt đầu (vì một số người cuồng tín tin là mất đầu thì không còn linh thiêng nữa). Thánh giá Chúa thì chỉ còn dấu vết trên tường mà thôi.
Tôi và Thái hai chị em đi lang thang chung quanh đồi, Thái lo chụp hình, tôi lo… buồn. Tôi đứng trên cao nhìn mông lung bao quát bãi cát dưới chân đồi.
Nơi đây bao nhiêu người dân Việt của tôi giạt vào, giạt vào bằng thân xác còn thở được, còn hy vọng sẽ được chuyển tới một quốc gia nào đó để gây dựng lại cuộc đời cho con,cháu hay chính bản thân mình? Bao nhiêu người chỉ còn là những cái xác bập bềnh giạt vào bờ? Bao nhiêu cảnh chia ly của những mối tình vừa nhận được sau những đau thương mất mát? Bao cảnh đời uất hận bị gửi trả về nơi mình đã không sống được phải bỏ đi? Bao nhiêu người đã phải ở đây cả ba, bốn năm trong hy vọng, trong tuyệt vọng trước khi được rời nơi này?
Biển dưới kia đang ập vào từng đợc sóng, nước mắt của mấy mươi năm về trước còn giọt nào pha trong muối đại dương?
Biển phải làm gì để giữ mãi được những giọt lệ, những tiếng khóc, tiếng cười, hy vọng và tuyệt vọng của một dân tộc luôn luôn “Đi không yên ổn, ngồi không vững vàng” ngay trên chính đất nước mình.
Chúng tôi xuống đồi để sửa soạn quay về đất liền. Xuống đến chân đồi ngoái đầu nhìn lại, một cánh bướm đen thật lớn từ trên đồi bay xuống lượn vòng ngay sau lưng tôi. Một thoáng rùng mình, một thoáng rưng rưng, tôi dừng lại, nói thầm trong cuống họng mình. “Thôi nhé, tôi về, nhớ mãi hôm nay”. Giơ tay áo lên, quẹt ngang dòng nước mắt. Cánh bướm bay mất hút lên đồi.
Sau một đêm mắc võng, chùm chăn (cho khỏi muỗi) ngủ lăn lóc trên cầu tàu, chúng tôi trở về đất liền, tiếp tục cuộc hành trình tìm mộ thuyền nhân.

Rải rác mộ thuyền nhân dọc đường

Trên đường sang Kuala Lumpur, trong tỉnh Dungun có hai nghĩa trang. Hai nghĩa trang này có biển trước mặt nên khi xác thuyền nhân giạt vào được vớt lên chôn ngay tại đây. Khi họ vớt được 1 xác, khi được 2, 3, khi được 5, 7. Có khi cả trên 10 xác vào một lúc.
Nghĩa trang thứ nhất lối vào có đền thờ với hàng chữ Tao Yan Dian Temple, có 80 ngôi mộ thuyền nhân, trong đó 38 mộ có tên. Một ngôi mộ tập thể nằm dưới gốc một cây bàng lớn, chôn trên 100 người, được khắc chung một tấm bia. Bia được Văn Khố Thuyền Nhân xây ngày 23 tháng 3 năm 2007.
Những ngôi mộ trong khu thứ hai được đặt trong một nghĩa trang đặc biệt do nhà thờ Công giáo St.Thomas trông coi. Những thân xác thuyền nhân được bao quanh bởi ba ngôi thánh đường của: Thiên Chúa giáo, Phật giáo và Hồi giáo. Còn được gọi là Migrants Cemetery.
Những linh hồn này thật được chúc phúc an ủi biết bao!
Nhang được thắp lên, lời kinh được cất lên, nước mắt lại chảy xuống, Chúa, Phật trên cao được mời xuống dự tiệc bi ai của nhân loại.
Viết tới đây. Tôi tưởng tượng ra, tôi là người dân Mã Lai sống dọc theo miền đông biển Mã Lai, mỗi sáng trở dậy nghe tiếng gọi nhau ơi ới bên ngoài cánh cửa: ra vớt xác thuyền nhân Việt đang giạt vào bờ. Không phải một xác, hai xác, mà vô số xác. Rồi cùng nhau tẩm liệm, chôn cất, có khi lập miếu thờ.
Tôi tưởng tượng ra trong những cái xác bất hạnh đó, một cái xác của chính mình.
Những cái xác của đồng bào mình (hay của chính mình) đã được những người không cùng chủng tộc xót thương, được ghi lại in thành sách (như sách của ông Wong) để sau chính những người Việt về tìm lại.
Chôn cất cả trăm, ngàn, nấm mộ không phải là chuyện giản dị. Việc xây cất làm sao chu đáo được. Theo thời gian, mưa nắng những ngôi mộ không tồn tại được.
May mắn thay Văn Khố Thuyền Nhân của người Việt (Do ông Trần Đông, từ Úc-Sáng lập 2004), đã tới Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương trùng tu lại hầu hết những nấm mộ này. (theo VKTN - Trong vùng Đông Nam Á có hơn 2000 nấm mộ vừa tập thể vừa cá nhân).

Tôi đọc tên tôi

Hội Hồng Nguyệt (Malaysian Red Cresent Societ - Hồng Thập Tự Mã Lai) đã lưu trữ hai trăm ngàn (200.000) hồ sơ của những người sống sót. Để hôm nay những thuyền nhân trong nhóm chúng tôi đến tìm lại. Mỗi khi tìm được tên của mình hay thân nhân mình, họ òa vỡ ra cùng một lúc tiếng cười và giọt lệ:
Tôi vừa đọc tên tôi trên tấm thẻ
Có phải tôi không trên lý lịch này
Ngày tháng đó tưởng vùi chôn đáy biển
Bỗng sóng đánh vào bờ sáng hôm nay
Khi chúng tôi tới viếng Hội, câu chào hỏi đầu tiên của ông Dato’ Sayed A. Rahman, Tổng Thư ký Hội Hồng Nguyệt là: “Chúng tôi không cần biết anh là người nước nào, chúng tôi chỉ biết giúp đỡ một con người”. Nghe mà ứa nước mắt.
Ông Misnan, nhân viên điều hành của Hội, nói được vài câu bằng tiếng Việt rất thân tình. Đặc biệt là ông hát cho chúng tôi nghe bằng tiếng Việt, bài hát “Bài tình ca cho em” của Vũ Thành An thật hay. Hay một cách bất ngờ!
Thế gian đầy quỷ dữ, nhưng Trời cũng ban phát xuống những thiên thần cứu trợ.
Sau 42 năm nhìn lại, chúng ta có rất nhiều những trang sử mới. Trên hết, mỗi một cái chết của thuyền nhân, của tù cải tạo, của người Quốc gia chết cho Tự Do là một trang sử mới được cộng vào.
Tất cả con dân Việt đều phải học sử Việt.
Ngày 20 tháng 4 năm 2017
T.M.T.
Viết trong cuộc hành trình về Trại tỵ nạn Songkhla, đảo Koh Kra và Trại tỵ nạn Bidong từ 30 tháng 3 tới 16 tháng 4-2017.
__________
(*) Những câu thơ trong bài của tác giả Trần Mộng Tú.