Trở lại cách làm “kinh tế thị trường” hiếm thấy của quan chức Hà Tĩnh
bauxitevnSun 10:14 AM
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cách tiếp thị bia Sài Gòn của lãnh đạo huyện Kỳ Anh là vi phạm luật cạnh tranh trong đời sống kinh tế thị trường hiện nay. Đúng vậy. Nhưng hình như ở Việt Nam hiện tại chẳng có một cái gì giống với các nước hết. Tổ chức lễ hội “Tôi yêu bia Sài Gòn” mà phải dùng đến công văn hỏa tốcthì đủ thấy tính chất mệnh lệnh trong đó được coi trọng như thế nào rồi (Ngày xưa chỉ đến trận Điện Biên Phủ kết thúc công cuộc chống Pháp Tố Hữu mới nhắc hai chữ “hỏa tốc” trong thơ của mình để chỉ cái không khí khẩn trương dồn dập chưa bao giờ có trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến: Tin về nửa đêm / Hỏa tốc hỏa tốc / Ngựa bay lên dốc / Đuốc chạy sáng rừng…). Vậy ta có thể hình dung cuộc vận động uống bia Sài Gòn của tỉnh Hà Tĩnh lần này là cả một “chiến dịch”, một trận đánh lớn chứ chẳng chơi. Một trận đánh lớn đến nỗi vừa mở đầu đã có 7 “quân nhân” trúng đạn – đó là 7 cán bộ Sở Giáo dục trong một bữa nhậu mừng “hội nghị điển hình tiên tiến” vào cuối tháng 6, vì không chịu uống bia Sài Gòn đã bị nhân viên nhà hàng ngầm báo lên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo tỉnh “trao đổi” xuống lãnh đạo Sở, kết quả là cả 7 người bị nhắc nhở và “làm bản tường trình”.
Ghê chưa! Mối liên kết giữa “tai mắt” của các nhà hàng ở thành phố trung tâm cũng như ở khắp các quận huyện trong tỉnh với lãnh đạo đầu não của tỉnh hẳn là cả một mạng lưới chằng chịt, làm sao con dân tỉnh nhà thoát khỏi bị trừng trị thẳng tay nếu như có ý định “ngông cuồng” muốn nếm vài ly bia không phải là bia Sài Gòn.
Chẳng biết bà Phạm Chi Lan có tiếp tục lên tiếng nữa hay không. Chúng tôi chắc các cửa hàng bia Hà Nội, Heineken, Tiger, Huda, Larue… lâu nay đóng trên địa bàn Hà Tĩnh đang mỏi cổ ngóng trông những lời phát ngôn của bà lắm đấy, vì họ hiện đang trong tình trạng bị bao vây, cô lập bởi một trùng vây từ trên lãnh đạo cao nhất xuống đến tận công an thôn xóm, chẳng khác gì các gia đình địa chủ thời Cải cách ruộng đất năm 1955-1956, trong cảnh “nhất đội nhì giời”, động làm một việc gì hay đi đến đâu đã có “rễ chuỗi” ghé mắt, nhằng nhằng bám đuôi ngay – trừ phi mang sạch vốn liếng biến khỏi đất Hà Tĩnh.
Về phần chúng tôi, không khỏi mang tâm trạng vừa mừng vừa lo. Mừng cho các vị lãnh đạo tỉnh, huyện, thế nào mà chẳng ít nhiều “mát mặt” qua cung cách làm kinh tế thị trường định hướng XHCN kiểu này – chẳng lẽ nhà bia Sài Gòn lãi đơn lãi kép lại là những kẻ xuẩn ngốc “vô ơn” không biết đến câu tục ngữ “bánh ít ném đi bánh dì ném lại” sao? (còn nói thẳng như bà Phạm Chi Lan được nhà báo Minh Thư diễn giải thì là “Điều này gây nghi ngờ có sự vận động nào đó của chính doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm với chính quyền nên chính quyền mới ủng hộ “ra mặt” thông qua văn bản như vậy”).
Nhưng thú thực, bên cạnh nỗi mừng là một nỗi lo canh cánh. Lo thay cho con em Hà Tĩnh. Trong một bài viết trên VNExpres Nạn bia rượu ở Việt Nam lên báo Pháp, nhà báo Vũ Hoàng cho biết “Trong những năm gần đây, lượng tiêu thụ đồ uống có cồn của Việt Nam tăng nhanh vào bậc nhất thế giới”; “Việt Nam là nước tiêu thụ bia đứng đầu Đông Nam Á và xếp thứ ba ở châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc, theo số liệu mà ngành công bố. Trong 10 năm qua, tỷ lệ người uống bia ở Việt Nam tăng 200%”.
Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia, đứng thứ 3 châu Á và thứ nhất Đông Nam Á. Ảnh minh họa: AFP.
Cũng theo ông Vũ Hoàng, dựa trên điều tra của hãng AFP và thống kê của WTO, thì “một phần tư nam giới [người Việt] đang tiêu thụ bia ở mức ‘gây nguy hiểm’, tức là trên 6 cốc một lần”. “60% các vụ bạo hành gia đình ở Việt Nam có liên quan đến bia rượu, theo một nghiên cứu của Chính phủ [Việt Nam]. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ bia rượu quá mức còn dẫn tới sự gia tăng của các loại bệnh nguy hiểm như ung thư, xơ gan hay tiểu đường”.
Bài báo của Vũ Hoàng công bố ngày 14/2/2015, đến nay đã là 7 tháng. Thử tưởng tượng trong 7 tháng ấy, bia rượu đã gây ra thêm bao nhiêu chuyện trên giải đất hình chữ S chúng ta, làm cho bao nhiêu thanh niên Việt Nam sa đà nghiện ngập, phạm tội cướp, hiếp, giết, hoặc lâm bệnh tật hiểm nghèo phải bỏ giở công việc, học hành, trong đó tỷ lệ con em Hà Tĩnh chắc phải chiếm một con số… ấn tượng, với những màn trình diễn PR bia Sài Gòn rất độc đáo của các vị lãnh đạo Hà Tĩnh như ta vừa thấy ở trên?
Xin chờ đợi một sự thống kê thật khách quan khoa học vào cuối năm nay.
Bauxite Việt Nam
|
1. UBND HUYỆN RA VĂN BẢN “TIẾP THỊ” BIA: VI PHẠM LUẬT CẠNH TRANH
Minh Thư
“Luật cạnh tranh không cho phép các cơ quan Nhà nước đưa ra các chỉ thị, yêu cầu hướng dẫn nhằm “lái” người tiêu dùng sử dụng hàng hóa của một đơn vị nào đó…”
Ngày 25/8, trên Cổng thông tin điện tử Huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh có đăng “Công văn về việc đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm Bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim tại Kỳ Anh”.
Công văn do Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, Nguyễn Văn Bổng đứng tên thay mặt UBND được gửi đến: Chủ tịch UBND các xã - thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban, đơn vị và chủ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ; Cơ sở doanh karaoke; kinh doanh ăn uống trên địa bàn huyện.
Công văn có nội dung: Để góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đặc biệt là ưu tiên sử dụng các sản phẩm Bia Sài Gòn sản xuất tại Hà Tĩnh, nước khoáng Sơn Kim được tiêu thụ trên địa bàn huyện Kỳ Anh.
Ảnh chụp nội dung công văn về việc đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim tại Kỳ Anh.
Theo đó, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh yêu cầu: Thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban, đơn vị, UBND các xã – thị trấn: Trong các cuộc Hội thảo, hội nghị, tiếp khách theo quy định phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, đồ uống sản xuất trong tỉnh như: bia Sài Gòn của Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, nước khoáng Sơn Kim… và các sản phẩm khác được sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Chủ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh karaoke, sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn huyện Kỳ Anh ưu tiên giới thiệu, mời gọi và khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm bia Sài Gòn sản xuất tại Hà Tĩnh như: bia lon Sài Sòn 333, bia chai Sài Gòn Lager, Expor…; nước khoáng Sơn Kim tại cơ sở kinh doanh nhằm quảng bá hình ảnh, sản phẩm của Hà Tĩnh đến với người tiêu dùng.
Trước nội dung đăng tải công văn như trên, trao đổi với PV Báo điện tử Infonet, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định: Cách thức đưa ra văn bản như trên vi phạm Luật cạnh tranh.
Bà Lan cho hay: "Luật cạnh tranh không cho phép các cơ quan Nhà nước đưa ra các chỉ thị, yêu cầu hướng dẫn nhằm “lái” người tiêu dùng sử dụng hàng hóa của một đơn vị nào đó".
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, văn bản mà UBND huyện Kỳ Anh đưa ra cũng không đúng với tinh thần của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bà Lan cho rằng, bản chất của cuộc vận động là vận động, khuyến khích tinh thần của người Việt Nam nói chung ủng hộ cho sản xuất của mình, chứ không phải nghị quyết hay chỉ thị nào bắt buộc đối với bất kỳ đơn vị nào.
“Không có chuyện cơ quan Nhà nước ra văn bản theo kiểu bắt buộc, mệnh lệnh, lại càng không thể hướng dẫn vào một sản phẩm có tên cụ thể là bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim… Nếu là sự khuyến khích chung người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thì UBND huyện chỉ nên đưa ra khuyến khích chung đối với các sản phẩm sản xuất ở Việt Nam và ở địa bàn huyện Kỳ Anh.
Dù UBND huyện có thiện ý muốn khuyến khích doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện có thị trường phát triển là việc làm đáng hoan nghênh nhưng việc ra văn bản đưa tên cụ thể một số sản phẩm của đơn vị bia Sài Gòn như: bia lon Sài Sòn 333, bia chai Sài Gòn Lager, Expor … thì lại là việc làm không đúng pháp luật.
Bà Lan đặt câu hỏi: Tại sao UBND huyện chỉ nhằm hướng người tiêu dùng đến các sản phẩm cụ thể của bia Sài Gòn trong khi còn có bao nhiêu sản phẩm khác được sản xuất trên địa phương cần khuyến khích tiêu dùng? Điều này gây nghi ngờ có sự vận động nào đó của chính doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm với chính quyền nên chính quyền mới ủng hộ “ra mặt” thông qua văn bản như vậy (?!).
Dù không biết cụ thể có bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tương tự là bia, nước uống trên địa bàn huyện Kỳ Anh, nhưng bà Lan khẳng định, nếu có doanh nghiệp khác cũng sản xuất bia thì chắc chắn họ sẽ phản ứng vì UBND huyện ra văn bản như thế là không công bằng. Nhưng nếu trên địa bàn huyện Kỳ Anh chỉ có hãng bia Sài Gòn đặt ở đấy thôi thì việc ra văn bản của UBND huyện cũng là không đúng với các doanh nghiệp khác ở địa bàn tỉnh, cũng như các doanh nghiệp sản xuất khác trên địa bàn cả nước.
“Người ký văn bản này cần xem lại Luật cạnh tranh và rút lại văn bản trước khi các cơ quan khác “thổi còi” vi phạm. Hoặc là cấp cao hơn là cấp Tỉnh cần nhắc nhở, yêu cầu UBND huyện Kỳ Anh cần rút văn bản đó lại”, vị chuyên gia kinh tế thẳng thắn nêu ý kiến.
Theo báo Khám phá, trước ý kiến trái chiều về công văn trên, ông Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư Thường trực huyện Kỳ Anh cho biết, mục đích việc kêu gọi trên nhằm để góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Bởi trước đó, tỉnh Hà Tĩnh cũng có văn bản thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, trong đó khuyến khích sử dụng sản phẩm sản xuất trong tỉnh Hà Tĩnh. Sản phẩm bia Sài Gòn được sản xuất tại Hà Tĩnh nên huyện Kỳ Anh khuyến khích sử dụng sản phẩm này hoàn đúng chủ trương trên.
Ông Danh nhấn mạnh: “Huyện Kỳ Anh khuyến khích các đơn vị xã, thị trấn, nhà hàng, khách sạn... dùng sản phẩm bia Sài Gòn không phải bắt buộc”.
Ví dụ, nếu có liên hoan, tiếp khách, ăn uống trong ngày nghỉ thì thay vì dùng sản phẩm bia, nước khoáng khác hãy dùng sản phẩm sản xuất trong tỉnh, huyện.
Ông Danh cũng bày tỏ, không nên hiểu công văn trên là khuyến khích công chức, người dân uống rượu bia. Đơn giản, khuyến khích dùng hàng Việt sản xuất trong tỉnh nhà.
Bên cạnh đó, huyện Kỳ Anh cũng quy định rất chặt chẽ giờ giấc, cấm uống rượu bia trong giờ làm việc đối với công chức.
Bởi trước đó, tỉnh Hà Tĩnh cũng có văn bản thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, trong đó khuyến khích sử dụng sản phẩm sản xuất trong tỉnh Hà Tĩnh. Sản phẩm bia Sài Gòn được sản xuất tại Hà Tĩnh nên huyện Kỳ Anh khuyến khích sử dụng sản phẩm này hoàn đúng chủ trương trên.
Ông Danh nhấn mạnh: “Huyện Kỳ Anh khuyến khích các đơn vị xã, thị trấn, nhà hàng, khách sạn... dùng sản phẩm bia Sài Gòn không phải bắt buộc”.
Ví dụ, nếu có liên hoan, tiếp khách, ăn uống trong ngày nghỉ thì thay vì dùng sản phẩm bia, nước khoáng khác hãy dùng sản phẩm sản xuất trong tỉnh, huyện.
Ông Danh cũng bày tỏ, không nên hiểu công văn trên là khuyến khích công chức, người dân uống rượu bia. Đơn giản, khuyến khích dùng hàng Việt sản xuất trong tỉnh nhà.
Bên cạnh đó, huyện Kỳ Anh cũng quy định rất chặt chẽ giờ giấc, cấm uống rượu bia trong giờ làm việc đối với công chức.
M.T.
Nguồn: http://infonet.vn/ubnd-huyen-ra-van-ban-tiep-thi-bia-vi-pham-luat-canh-tranh-post142366.info
2. BẢY CÁN BỘ PHẢI VIẾT TƯỜNG TRÌNH VÌ KHÔNG UỐNG BIA SẢN XUẤT TẠI HÀ TĨNH
Đức Hùng
Đôi lời: Cái này gọi là kinh tế thị trường kiểu định hướng… của đảng và nhà nước! Lãnh đạo VN “lo” cho người dân từ chuyện ăn cái gì, uống cái gì, kiểu này, bọn “tư bản giãy chết” cũng phải ghen tị với người dân VN! – Ba Sàm.
Cán bộ thuộc Sở Giáo dục bị nhắc nhở và phải viết tường trình trong một cuộc họp nội bộ sau khi từ chối sử dụng loại bia được sản xuất tại tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày 11/9, ông Dư Lý Trí, Phó chánh văn phòng Sở Giáo dục Hà Tĩnh cho biết, sau hội nghị điển hình tiên tiến vào cuối tháng 6, một số cán bộ trong cơ quan đã tổ chức liên hoan tại một nhà hàng ở TP Hà Tĩnh. Tại đây, khi gọi đồ uống, nhiều người đã không dùng bia Sài Gòn.
“Mấy người làm tiếp thị, kinh doanh tại nhà hàng thấy cán bộ Sở Giáo dục không uống bia của hãng nên nhắn tin cho lãnh đạo tỉnh, vị này sau đó trao đổi với Giám đốc Sở”, ông Trí nói và giải thích, làm như vậy là để hướng anh em nên sử dụng hàng hóa sản xuất trong tỉnh.
Sau đó, trong một cuộc họp nội bộ, 7 cán bộ liên quan đã phải viết bản tường trình sự việc và bị nhắc nhở.
Thời gian qua, Hà Tĩnh yêu cầu các cơ quan, ban ngành đẩy mạnh sử dụng hàng hóa, sản phẩm sản xuất tại địa phương nhằm góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ngày 1/9, trong khuôn khổ tổ chức lễ hội “Tôi yêu bia Sài Gòn”, ông Lê Minh Đạo, Chánh văn phòng tỉnh Hà Tĩnh đã ký giấy mời đóng dấu hỏa tốc gửi tới các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thủ trưởng sở ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chủ tịch các hội, hiệp hội trong tỉnh, lãnh đạo huyện trên địa bàn… tới tham gia.
Đến ngày 15/6, tổng thu ngân sách nội địa 6 tháng đầu năm của Hà Tĩnh đạt 2.511 tỷ đồng. Một lãnh đạo Sở Công thương cho biết, năm nay dự kiến thu ngân sách từ phía Chi nhánh bia Sài Gòn đóng trên địa bàn là 380 tỷ đồng.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á (sau Nhật Bản và Trung Quốc) với khoảng 3 tỷ lít bia trong năm 2013. Trong 10 năm qua tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%. Rượu, bia đứng trong số 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất toàn cầu.
Đ.H.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.