Nhớ người dựng đài độc lập ngày 2/9/1945: ÔNG ĐANG
bauxitevnThu 8:04 AM
Phạm Xuân Nguyên
Mỗi số phận chứa một phần lịch sử
(E. Evtushenko)
1. Họp mặt cuối năm tạp chí Tia Sáng, vừa thấy tôi ló mặt vào hội trường Bộ Khoa học và Công Nghệ, ông Lê Đạt vẫy lại nói: “Anh Đang mất rồi, Nguyên”.
“Mất lúc nào vậy anh?
Sáng nay (8/2/2007).
Trước anh Quán một ngày (nhà thơ Phùng Quán mất vào ngày âm là 22 tháng Chạp).
Ừ. Sáng ngày ông Công đưa ma.
Nơi nào đứng ra làm tang lễ, anh?
Tao bảo thằng Quốc (Dương Trung) đứng ra, nhân danh Hội Truyền bá Quốc ngữ. Cứ để anh em trong nhóm làm mãi. Mà mày viết một bài về anh Đang đi.
Anh viết mới phải chứ, cùng hội cùng thuyền. Em là lớp hậu sinh.
Hậu sinh càng phải viết. Mà mày cũng cùng hội chứ sao!”
Tan họp, gọi điện thoại cho một anh bạn thân quen, tổng biên tập của một tờ báo có tiếng: “Ông Nguyễn Hữu Đang mất, tôi muốn viết một bài”. - “Không được ông ơi. Có chỉ thị rồi!”.
Về nhà mở email, có thư của anh Nguyễn Ngọc Giao ở nhóm Diễn Đàn từ Paris với chữ URGENT: “Choa thân mến, vừa nghe tin ông Nguyễn Hữu Đang từ trần hôm qua. Choa có thông tin gì (xác nhận, precision...) thì cho biết ngay nhé”.
2. Tôi biết gì về ông Đang?
Tôi không biết gì về ông Đang!
Tháng 11/1992, nhà thơ Phùng Quán đưa tôi một giấy mời:
“Mừng sống dai
Nguyễn Hữu Đang chiến sĩ kách mệnh. Trưởng ban tổ chức ngày đại lễ của đất nước Tuyên Ngôn Độc Lập mùng 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội. 1992 (Nhâm Thân) 80 xuân ngồi trầm tư tại bản quán trong căn hộ độc thân – nguyên cái chái bếp của tập thể giáo viên trường phổ thông cơ sở thôn Trà Vy, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương, Thái Bình. Chúng tôi Phùng Cung và Phùng Quán (em kết nghĩa) xin trân trọng kính mời: đúng 10 giờ 30 ngày 20 tháng 11 năm 1992 đến tại nhà riêng chúng tôi số 10 Thụy Khuê – khu tập thể giáo viên trường Chu Văn An, uống chung rượu khổ sâm mừng sự sống dai.
Phùng Cung và Phùng Quán.”
In cùng những dòng này là bức ảnh ông Đang ngồi trong xó nhà của mình ở Thái Bình sáng mồng một tết Nhâm Thân (1992) kèm dòng chữ “Nguyễn Hữu Đang. Tám mươi xuân - trai tân - độc thân”. Mặt sau giấy mời là bản chụp lại trang bìa tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử số đặc biệt kỷ niệm 45 năm Cách Mạng Tháng Tám (1990) ghép với phần chụp bài viết trong tạp chí đó nói về vai trò của Nguyễn Hữu Đang, trưởng ban tổ chức ngày tuyên bố độc lập 2/9/1845. Phần chụp này là đoạn công bố hai bức thư do Nguyễn Hữu Đang viết gửi ông Thị trưởng Hà Nội.
Thư 1: “Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội
Bộ Tuyên truyền của Chính phủ lâm thời sẽ tổ chức ngày 2-9-1945 một “Ngày Độc Lập”. Muốn cho ngày ấy có một tính cách thiêng liêng, Ban Tổ chức chúng tôi yêu cầu Ngài hạ lệnh cho các chùa chiền, nhà thờ phải cho mở cửa, quét tước sạch sẽ và đốt trầm hương suốt ngày hôm ấy để mừng Ngày Độc Lập.
Kính thư
Nguyễn Hữu Đang”.
Thư 2: “Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội
Nhân “Ngày Độc Lập”, chúng tôi yêu cầu Ngài cho treo cờ ở vườn hoa Ba Đình và hai bên những phố lân cận. Còn về lễ chào quốc kỳ, chúng tôi nhờ ngài cho sửa soạn một chiếc cột cao 12 thước tây và bánh xe (poulie); sẽ có chỉ thị về chỗ dựng cột cho phu Tòa Thị chính.
Kính thư
Nguyễn Hữu Đang”.
Tôi đã bỏ lỡ dịp gặp ông Đang lần đầu này do “nhát sợ” trước một lời khuyên (chuyện đó tôi đã kể trong bài viết Nhớ ông Quán). Mãi sau tôi mới gặp ông khi ông Quán mất và những dịp giỗ ông Quán. Gặp nhưng vẫn không biết gì về ông. Ông Đang vẫn là một khối bí ẩn đối với tôi.
Trong một lần giỗ ông Quán, khi ấy vẫn ở tại nhà bên Hồ Tây, nhân nhắc lại chuyện mừng thọ ông Đang, có người đã chép lại cho tôi bài thơ làm ngay dịp đó tặng “người sống dai”:
Bốn mặt Tây Hồ bát ngát trông
Nơi đây bè bạn tới mừng ông
Sống dai tám chục còn dư sức
Chết ẻo trong tù có uổng công
Tuyệt thế nhân gian ờ cứ thế
Bắc Hà “hào kẹt” có tên ông
Thân hữu xa gần nâng cốc rượu
Trăm năm duyên nợ biết bao xong!
(Tùng Quân)
“Hào kẹt” là viết trại của “hào kiệt” để hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
3. Khi Đổi Mới xướng lên, nhiều vấn đề tồn đọng của lịch sử hiện đại Việt Nam được xới ra, lật lại, nhiều nhân vật bị khuất lấp được chiếu sáng. Ông Đang với tư cách một yếu nhân của Hội Truyền bá Quốc ngữ được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trách nhiệm tổ chức ngày lễ độc lập 2/9/1945 dần dần hiện hình trở lại trên dòng thời gian và lịch sử. Nhưng điều đó không thành được sự “bảo chứng” để nói về ông Đang với tư cách một nhân vật chủ chốt của phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm, như nhiều người mong đợi. Cho đến hôm nay, khi ông nằm xuống, vụ việc này vẫn chưa được bạch hóa và con người ông trong đó vẫn bị che phủ, dẫu đã nửa thế kỷ trôi qua.
Trong một bản viết cho một nhà nghiên cứu nước ngoài về phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm vào cuối tháng 11/1998 tại Hà Nội, ông đã phân tích nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này như sau:
“1. Ý thức, tư tưởng chủ đạo của phong trào là chống lại sự biến chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ chế độ chuyên chính thông thường đã bắt đầu có xu hướng hướng cực quyền (còn gọi là toàn trị, tiếng Pháp là totalitarisme, tiếng Anh là totalitarian) trong đó con người bị cưỡng bức toàn diện, triệt để nhiều khi tàn nhẫn đến vô nhân đạo, phi nhân văn, biến con người bị trị thành nô lệ của một tập đoàn thống trị ít người và duy ý chí tuy nhân danh cách mạng mà hành động, nhưng hiệu quả khách quan của hành động lại phản tiến hóa.
Sự biến chất này do ảnh hưởng tai hại của chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao Trạch Đông, cả hai đều tự nhận là chủ nghĩa Mác-Lênin! Rất tiếc là lúc ấy Đảng c.s. Việt Nam tin là như thế.
Phong trào còn lo ngại đáng lẽ chế độ chuyên chính vốn chỉ là một biện pháp bất đắc dĩ cách mạng phải dùng đến, trong thời gian ngắn gọn tiếp theo liền Tổng khởi nghĩa, để củng cố chính quyền vừa mới giành được, nhưng khi nó đã trở thành chế độ cực quyền, toàn trị, nó sẽ kéo dài không thời hạn, nghiễm nhiên tự coi như hình thái “đích thực”, “chân chính” của chủ nghĩa xã hội khoa học mà loài người mong ước sau những mò mẫm vô hiệu quả của chủ nghĩa xã hội không tưởng.
2. Ý thức, tư tưởng chống đối này âm ỷ từ lâu trong lòng những người trí thức và văn nghệ sỹ Việt Nam, ngay trong các đợt chỉnh huấn và cải cách ruộng đất được tiến hành song song với kháng chiến đánh thực dân Pháp mấy năm cuối. Đến năm 1956, gặp hoàn cảnh thuận lợi, nó nổ bùng ra thành động cơ sôi nổi của một cuộc đấu tranh mãnh liệt trong nội bộ dân tộc Việt Nam. Sự kiện đó sẽ tồn tại mãi trong lịch sử Việt Nam như một cái mốc đánh dấu bước chuyển tiếp từ giai đoạn đấu tranh giành độc lập sang giai đoạn đấu tranh giành dân chủ.
Việc chuyển hướng là cần thiết, nó phù hợp với một tất yếu lịch sử, đáp ứng nhu cầu đời sống và tiến hóa xã hội. Trước mắt, nó là nguyện vọng cao cả của nhân dân. Chính Cụ Hồ, trước khi vĩnh biệt cuộc đời cũng để lại một lời tuyên bố nổi tiếng – sau khi đã nêu ra khẩu hiệu cho toàn dân: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” – vừa mạnh bạo nhận trách nhiệm, vừa thắm thiết ân tình: “Nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì”. Nếu chúng ta hiểu “tự do” đây là dân chủ thì câu nói chí tình của ông cụ không xa cách cái thiện chí của phong trào “Nhân văn - Giai phẩm” nhiều lắm”.
Ông Đang viết tay, những từ những đoạn gạch chân là của ông.
4. Tôi đang đọc tiểu thuyết Sách cười và lãng quên của Milan Kundera. Đây là đoạn mở đầu của tác phẩm này:
“Tháng hai 1948, nhà lãnh đạo cộng sản Klement Gottwald đứng trên ban công một cung điện baroc ở Praha diễn thuyết trước đám đông hàng trăm nghìn công dân tụ tập trên quảng trường Thành Phố Cũ. Đây là một bước ngoặt trọng đại trong lịch sử xứ Bohêm. Một thời khắc định mệnh mà nghìn năm chỉ xảy ra một hay hai lần.
Gottwald được vây giữa các đồng chí của mình, đứng sát ngay cạnh ông là Clementis. Tuyết rơi, trời lạnh, Gottwald để đầu trần. Clementis đầy ân cần cởi chiếc mũ lông không vành của mình ra và đặt nó lên đầu Gottwald.
Ban tuyên huấn của đảng đã cho in ra hàng trăm nghìn bản tấm ảnh chụp cái ban công nơi Gottwald đội chiếc mũ lông không vành đứng giữa các đồng chí đang nói chuyện với nhân dân. Chính trên cái ban công đó đã bắt đầu lịch sử của xứ Bohêm cộng sản. Tất cả trẻ em đều biết tấm ảnh này vì đã thấy chúng trên các áp phích, trong sách giáo khoa hay trong các bảo tàng.
Bốn năm sau, Clementis bị kết án phản bội và bị treo cổ. Ban tuyên huấn của đảng lập tức cho ông ta biến khỏi Lịch Sử, và dĩ nhiên cũng biến khỏi tất cả các tấm ảnh. Từ đây, Gottwald chỉ còn một mình trên cái ban công. Nơi trước đây Clementis đứng giờ chỉ còn lại bức tường trống của cung điện. Còn về Clementis thì chỉ còn lại chiếc mũ lông không vành trên đầu Gottwald.” (Theo bản tiếng Pháp Le livre du rire et de l’oubli, Gallimard, Paris, 1985).
5. Đám tang ông Đang diễn ra sáng ngày ông Táo Bính Tuất về giời (10/2/2007) tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Một liên danh các cơ quan có dính dáng đến những ngành nghề ông Đang từng làm đứng ra chủ tang: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban liên lạc Hội Truyền bá Quốc ngữ, Ban liên lạc Hội Diệt dốt, Báo Văn Nghệ... Trưởng ban tang lễ là ông Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quan chức cao nhất đến viếng là bà Thứ trưởng Bộ này. Ông Bộ trưởng Bộ này bận việc, gửi vòng hoa đến viếng. Bà Ngô Thị Kim Thoa (vợ ông Phùng Cung) và bà Vũ Bội Trâm (vợ ông Phùng Quán) chít khăn tang lên đầu, viếng xong, đứng cùng thân quyến ông Đang bên linh cữu chịu tang, thay chồng làm bổn phận người em.
Tôi cùng nhà văn Nguyên Ngọc viếng ông Đang một vòng hoa trắng. Khá nhiều vòng hoa trắng viếng ông Đang. Chị bán hoa tang bảo: cụ ấy không vợ không con thì hoa trắng là đúng rồi, nhưng thọ thế thì em sẽ viền thêm hoa cúc vàng xung quanh. Lại bảo: anh đứng đây chờ em làm hoa xong để theo anh mang vào, chứ đám này bọn em không được tự mình mang hoa vào trong cho khách như các đám khác. Tôi hỏi vì sao. Chị ta bảo là họ đặt biển báo kia rồi. Tôi đi tới cổng nhà tang lễ và thấy một tấm biển nền đỏ chữ vàng có chân đứng đặt ở lối ra vào: “Chú ý: Khách đến viếng vui lòng tự mang hoa vào. Xin cảm ơn.”. Biển làm sẵn thế này là dùng cho những lúc cần dùng như thế này. Vào viếng cùng lượt với chúng tôi là nhà thơ Dương Tường mang vòng hoa bị hàng hoa đề sai tên mình thành ra rất tếu với ông Đang “Thương tiếc Anh, Dương Cường”. Viếng xong lượt mình, chúng tôi lại đi cùng đoàn viếng của talawas do nhà thơ Hoàng Hưng dẫn đầu. Giới thiệu đoàn này vào viếng, người xướng danh chỉ nói là đoàn nhà văn, nhà báo, vờ như không thấy cái tên talawas trong phiếu đăng ký viếng và trên băng tang vắt ngang vòng hoa.
Ông Đang nằm vây phủ lụa vàng trong quan tài mở nắp. Chín mươi lăm tuổi (âm) một đời người, ông còn gì, để lại gì, sau khi thân thể tan thành tro bụi (hỏa thiêu). Cái quan định luận. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chép lại cho họ hàng ông Đang đôi câu đối ông làm khi ra tù về quê (1994) mà ông đã ghi vào sổ tay anh: “Nào công, nào tội, nào nhục, nào vinh, thương số phận Khuất Nguyên, Nguyễn Trãi / Vận nước, vận nhà, biết thời, biết thế, quý cuộc đời Phạm Lãi, Trương Lương”. Từ Đà Lạt, nhà thơ Bùi Minh Quốc nhờ chị Vũ Bội Trâm đặt viết trên lụa đôi câu đối viếng ông Đang: “Dâng Tổ Quốc kỳ đài Độc Lập vun gốc Nhân Văn một đời trong trắng / Hiến Nhân Dân diệu lý Tự Do đắp nền Pháp Trị muôn thuở sáng ngời”.
Tôi ghi sổ tang:
“Ông Nguyễn Hữu Đang là ai?
Ông truyền bá quốc ngữ.
Ông tổ chức ngày độc lập 2/9/1945.
Ông làm Nhân Văn - Giai Phẩm.
Ông đã sống và đã chết Một Con Người.
“Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”
Nền dân chủ tự do của nước Việt sẽ có ghi tên Ông”
Hà Nội 8 - 10/2/2007
(Bài đã in trong sách: Phạm Xuân Nguyên. Nhà văn như Thị Nở, Nxb Hội Nhà văn & Nhã Nam, Hà Nội, 2014).
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.