Ông Vương Đình Huệ gặp Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập nhắc quan hệ ‘đồng chí hướng, chung vận mệnh’
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ hôm 8/4 gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, nhấn mạnh việc phát triển mối quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại của Việt Nam và đề xuất hợp tác nhiều hơn nữa trong các dự án thương mại và phát triển, chính phủ Việt Nam và truyền thông nhà nước đưa tin.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi hai bên nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai VN - Trung Quốc”, khái niệm đã được đưa ra trong Tuyên bố chung giữa hai bên khi ông Tập công du Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Vương Đình Huệ tới Trung Quốc trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, theo lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế.
Cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 8/4 là cuộc gặp lãnh đạo cao cấp Trung Quốc đầu tiên của ông Vương Đình Huệ trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài từ ngày 7 đến 12/4.
Tại cuộc họp, sau những thăm hỏi và chúc mừng thành tựu của Trung Quốc, Chủ tịch QH Việt Nam nhấn mạnh việc phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt nam, đồng thời khẳng định Việt Nam nhất quán thực hiên chính sách “một Trung Quốc” và kiên quyết phản đối mọi hình thức hoạt động ly khai “Đài Loan độc lập”, trang tin của chính phủ Việt Nam và Tân Hoa Xã đưa tin.
Ông Huệ cũng đề nghị hai bên củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, tăng cường tiếp xúc cấp cao, thúc đẩy hợp tác thương mại, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông sản của Việt Nam vào Trung Quốc, đẩy mạnh kết nối về đường sắt, đường bộ cao tốc, đường biển, hàng không, thúc đẩy hợp tác tài chính, tiền tệ, chuyển đổi số...
Ông cũng đề nghị hai bên tăng cường giao lưu, phát huy vai trò của đại biểu Quốc hội, đẩy mạnh hợp tác và góp phần xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển.
Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng đặc điểm nổi bật nhất của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam là hai bên là một cặp đồng chí hướng, có chung một vận mệnh và “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, Tân Hoa Xã cho biết.
Ông kêu gọi hai bên nỗ lực chung nhằm thúc đẩy nhiều thành tựu hơn nữa trong việc xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam” nhằm phục vụ tốt hơn cho quá trình hiện đại hóa của mỗi nước, mang lại lợi ích hơn nữa cho người dân hai nước và đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xã hội chủ nghĩa toàn cầu.
Ông Tập nói trong bối cảnh bối cảnh quốc tế và khu vực có những thay đổi sâu sắc và phức tạp, việc bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa và duy trì sự ổn định và phát triển của đất nước phục vụ lợi ích chung của Trung Quốc và Việt Nam, vẫn theo Tân Hoa Xã.
Ông Tập khẳng định Trung Quốc sẵn sàng tăng cường trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam trong việc quản lý đảng và đất nước, tạo điều kiện cho sự phối hợp giữa Sáng kiến “Vành đai, Con đường” và chiến lược “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”, đồng thời tăng cường giao lưu giữa giới trẻ và các thành phố kết nghĩa giữa hai bên.
Ông bày tỏ hy vọng các cơ quan lập pháp của hai bên sẽ tăng cường trao đổi và hợp tác ở mọi cấp độ, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm giám sát lập pháp và đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tình hữu nghị giữa hai nước.
Chuyến thăm Trung Quốc kéo dài của ông Vương Đình Huệ, một trong “tứ trụ”, diễn ra sau khi một trong “tứ trụ” là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức, khiến vị trí này hiện vẫn còn bỏ trống, dẫn đến những đồn đoán trong công luận và trên mạng xã hội về việc ông Huệ có khả năng sẽ nắm giữ vị trí này sau chuyến đi.
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam tính về vốn và lớn nhất Việt Nam về số lượng dự án.
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD vào năm ngoái, theo số liệu của hải quan Việt Nam.
Tuy nhiên, hai quốc gia láng giềng cũng là những đối thủ trong cuộc tranh chấp lãnh thổ nhiều thập niên qua trên Biển Đông và khu vực biên giới.
Chuyến đi Trung Quốc của ông Vương Đình Huệ diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Việt Nam hôm 14/3 lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật biển sau khi Bắc Kinh công bố đường cơ sở Vịnh Bắc Bộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.