Chữ nghĩa sao thì con người vậy, xã hội và thể chế cũng từ đó mà ra. Cái gốc văn hóa một dân tộc chẳng phải cũng từ chữ nghĩa, ngôn từ - “Khởi thủy là Lời” đó sao?
Cây không có cội, người không có quê
Tờ Thanh Niên ngày 25 tháng 2 dành hẳn trang nhất đăng tin bài “Dồn toàn lực chuẩn bị đổi thẻ căn cước”, nghe như cả nước chuẩn bị cho một cuộc tổng tiến công hay công nghiệp gì quan trọng lắm. Hóa ra là lại thay đổi cái thẻ Căn cước theo mẫu mới.
Mạng xã hội có nhiều bài viết nói về cái vòng trầm luân “3 chìm 7 nổi” của tấm thẻ Căn Cước có từ thời Pháp thuộc, sau 10 lần thay đổi dưới thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Xã Hội Chủ Nghĩa, cuối cùng lại trở về tên gọi cũ.
Cụ thể là dưới thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ năm 1946 – 1956, Thẻ Căn Cước đổi thành Thẻ Công Dân dù nội dung thì không có gì khác.
Sau đó, Thẻ Công Dân đổi thành Giấy Chứng Minh từ sau 1956. Từ năm 1964 lại phải có thêm Giấy Chứng nhận Căn Cước cùng với Giấy Chứng Minh đi cùng.
Từ 1976, đổi thành giấy Chứng Minh Nhân Dân. Từ 1999, đổi thành Chứng Minh Nhân Dân 9 số.
Từ 2012, đổi thành thẻ Chứng Minh Nhân Dân nhựa 12 số. Từ 2016, đổi thành thẻ Căn Cước Công Dân mã vạch.
Từ 11/2023 đổi thành Thẻ Căn Cước gắn chíp và bây giờ là chuẩn bị đổi thành Căn Cước nhưng không có thông tin quê quán, dấu vân tay, đặc điểm nhận dạng. Cùng với điều đó, phải có cả giấy Chứng nhận Căn Cước với nội dung thông tin giống như một thứ giấy khai sinh và hộ khẩu đi kèm.
Tức là sau 60 năm, lần thay đổi năm 2024, bộ Công an yêu cầu vừa có Căn Cước, vừa phải có giấy Chứng nhận Căn cước, giống như năm 1964.
Ở đây người viết không bàn đến những mục đích chính trị hay các tiêu cực có thể phát sinh từ việc thay đổi giấy tờ, thủ tục hành chính mà Bộ Công An liên tục ban hành các qui định mới gần đây. Chỉ đơn thuần về từ ngữ, văn phạm tối thiểu, những tên gọi và nội dung trong thẻ Căn Cước mới, đã có rất nhiều vấn đề.
Khi mẫu Căn cước trên được chia xẻ trên mạng xã hội, rất nhiều người nhận ra sự cẩu thả đến ngạc nhiên từ mẫu thiết kế bất hợp lý, thông tin cái cần thì không có, từ ngữ không chuẩn mực, đặc biệt là lỗi chính tả tiếng Anh và cách sử dụng từ Hán Việt.
Cách dùng từ Hán Việt
Tất cả những tên gọi bằng tiếng Việt loại giấy tờ mà ngày nay cả thế giới gọi chung là Identity Card này, đều có nguồn gốc Hán - Việt. Thời Pháp thuộc, họ gọi là Thẻ Căn Cước, đúng chuẩn theo từ gốc Hán Việt. Theo từ điển Hán - Việt giản yếu của cụ Đào Duy Anh – cuốn từ điển Hán - Việt đầu tiên của Việt Nam, do nhà xuất bản Minh Tân tái bản 1949 thì:
Căn 根:rễ cây, cội gốc của việc.
Căn 跟:gót chân.
Căn cước跟 脚:gót chân và cẳng chân. Thường có ý nghĩa là tên tuổi, quê quán, nguồn gốc của một người. Căn- cước chỉ hay Thẻ Căn -cước dùng để biết một người nào, ở đâu, làm gì (Carte d’identité)
Những tên gọi như Giấy Chứng Minh, Chứng Minh Nhân Dân, Căn Cước Công Dân mà sau này Bộ công an Việt Nam sử dụng, là sai về chữ và nghĩa từ gốc Hán Việt. “Chứng minh” cũng là một động từ gốc Hán - Việt, 證 實, có nghĩa là “chứng soi, sáng suốt”. Xuất phát từ gốc là “Chứng”, 證, có nghĩa là “bằng chứng”. Từ ghép “Chứng Minh Nhân Dân” vừa dài dòng, vừa vô nghĩa. Việc loại bỏ tên gọi vô nghĩa này nhẽ ra nên làm từ lâu rồi. “Căn Cước Công Dân” thì viết thừa, nên sai cả nghĩa, bởi một từ “Căn Cước” cũng đủ nghĩa rồi. Nhưng cần phải viết đầy đủ là “Thẻ Căn Cước” – Identity Card - chứ không dùng kiểu văn nói “Căn Cước” trong văn phạm hành chính được. Mẫu “Căn cước” mới 1/7/2024 cần sửa lại ngay cho đúng.
Lỗi thiết kế
Mẫu “Căn Cước” mới được thiết kế với hoa văn trống đồng, hình ảnh bản đồ Việt Nam và quốc huy. Các motip trang trí này rất phổ biến trên những mẫu giấy chứng nhận, mẫu thẻ, văn bằng... của Việt Nam. Tuy nhiên, với quá nhiều họa tiết và màu sắc trung tính, hình nền rối rắm, đây không phải là một motip thiết kế có tính thẩm mỹ nếu không nói là “quá phèn”. Vì nền ảnh có nhiều hoa văn và màu sắc trung tính, hình bản đồ Việt Nam đã không thể hiện rõ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà bị lẫn vào hoa văn của trống đồng. Nhiều ý kiến trên MXH cho rằng bản đồ không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một thiếu sót không thể chấp nhận. Kỳ thực đây là do thiết kế và màu sắc không phù hợp, chứ không phải là không có.
Lỗi ngôn ngữ, chính tả
Mẫu “Căn Cước” mới sử dụng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Tuy nhiên, đối tượng sử dụng thẻ Căn Cước là tuyệt đại đa số người Việt Nam, cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Vậy đưa nội dung tiếng Anh vào thẻ “Căn Cước” để làm gì? Việc sử dụng song ngữ khiến cho việc format, căn chỉnh thiết kế khó khăn hơn, gây rối mắt và thực sự thì không có tác dụng. Người Việt Nam đâu có thể sử dụng thẻ Căn Cước ở nước ngoài đâu mà cần song ngữ? Còn nếu có tiếng Anh thì phần dịch phải chuẩn mực theo các mẫu ID card của các nước như Anh, Mỹ.
Việc sử dụng tiêu ngữ “Độc lập – Tự Do – Hạnh Phúc” ở thẻ Căn Cước cũng không cần thiết. Việc sử dụng tiêu ngữ dưới tên nước chỉ áp dụng cho các văn bản pháp qui, văn bản hành chính. Còn đối với một tấm thẻ Căn Cước nhỏ, việc đưa tiêu ngữ vào là nội dung thừa, gây rối mắt.
Lỗi chính tả tiếng Anh ở mẫu Căn cước mới thật là... nản. Phần nội dung “Họ, chữ đệm và tên khai sinh” được các chuyên gia của Bộ Công An dịch là “Surname, given names”. Surname là họ; given name là tên. Tên của người Việt Nam hầu hết có nhiều hơn 2 chữ, bao gồm “Họ, tên đệm (chữ đệm) và tên khai sinh”, thì phần tiếng Anh nên dịch sát là “Surname, middle name, birth name” hoặc chỉ cần ghi fullname là được.
Phần “ngày, tháng, năm sinh” cũng là cách diễn đạt thừa vì chỉ cần giữ nguyên như cũ là (Ngày sinh/Date of birth) là đủ nghĩa rồi.
Điều kỳ lạ nhất là mẫu thẻ “Căn Cước” sắp phát hành không có thông tin “quê quán”, thay vào đó là “nơi đăng ký khai sinh” ở mặt sau của thẻ. Thiết nghĩ Căn Cước mà không ghi quê quán thì thật sự là kỳ cục. Cái nghĩa tự của cha ông rất rõ ràng, tại sao thế hệ sau cứ phải làm sai quấy đi, rồi lại sửa tới sửa lui? Căn cước mà không có quê quán chẳng phải như cây không cội rễ, người không nguồn gốc? Còn khái niệm "nơi đăng ký khai sinh" là gì? Nếu bạn sinh Nghệ An, bạn có đăng ký khai sinh ở Hà Nội được không? Xem qua một loạt mẫu ID card của Mỹ, Anh, Pháp, Đức... các nước họ vẫn ghi rõ ràng mục “place of birth” ở mặt trước của thẻ, bên cạnh các thông số quan trọng như số ID card, tên tuổi, giới tính, ngày sinh.
Nghe nói mục đích loại bỏ thông tin “quê quán” bởi lý do nhiều doanh nghiệp phân biệt người lao động có nguồn gốc từ những tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Trước đây ít lâu, dư luận xôn xao về việc Bộ công an bỏ nội dung “quê quán” trong mẫu Hộ chiếu mới vì nhiều nước từ chối người lao động từ các tỉnh miền Trung, làm ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu lao động. Bộ Công an đã có "sáng kiến" bỏ đi thông tin “quê quán” ở mẫu Hộ chiếu mới. Sau đó, vì một số nước từ chối mẫu Hộ chiếu này nên Bộ công an lại phải bổ sung thông tin và sửa lại mẫu Hộ chiếu mới... giống như cũ.
Chuyện cứ như đùa. Mỗi lần thay đổi như vậy tốn kém, phiền hà, hao tổn công quĩ, mà chẳng có quan chức nào phải nhận trách nhiệm khi hàng trăm, ngàn tỷ tiền thuế của dân bị đốt bỏ lãng phí như vậy.
Việc sáng tác khái niệm "nơi đăng ký khai sinh" thay cho "Quê quán" cho thấy trí thông minh kiểu Trạng Quỳnh phổ biến ở giới chức Việt Nam, điều này e rằng lợi bất cập hại. Chưa nói đến lại còn phát sinh thêm cái giấy “Chứng Nhận Căn Cước” nữa, không biết phiền phức đến thế nào?
Bến Nhà Rồng có đổi tên thành “ga tàu thủy Nhà Rồng” được không?
Mấy ngày vừa qua dư luận xôn xao về việc thành phố Hồ Chí Minh thay tên gọi Bến Bạch Đằng thành “ga tàu thủy Bạch Đằng”. Hầu hết các ý kiến trên các trang mạng đều phản đối việc thay đổi này.
Lý do vì đây là cái tên đã gắn liền với lịch sử thành phố. Điều quan trọng hơn là cách gọi mới hoàn toàn sai lệch. Về mặt nghĩa tự thì chữ “ga” bắt nguồn từ “gare” của tiếng Pháp, là nơi đỗ, bốc dỡ hàng hóa của xe lửa, xe điện. Còn từ “bến”, từ xưa tới nay người ta dùng để chỉ bến sông, bến cảng, bến nước. Chẳng ai lại gọi “bến” thành “ga” cả. Nếu như bây giờ, thay tên Bến Nhà Rồng thành “ga tàu thủy Nhà Rồng”, các quan đọc nghe có thấy chướng tai không?
Facebooker Nguyễn Gia Việt nhân việc đổi tên Bến Bạch Đằng thành “ga tàu thủy Bạch Đằng” đã có một bài viết về địa danh này, chia xẻ những e ngại khi mà “văn hóa, lịch sử Saigon bị sai lệch khi mà cái chữ nghĩa Miền Nam bị sai lệch”:
....
Đây vốn là đất Kompong Luông vùng Sài Gòn. Pháp đặt tên đường từ cột cờ Thủ Ngữ tới công trường Mê Linh là Quai le Myre de Vilers, đoạn còn lại tới Ba Son là Quai d’Argonne.
Sau 1955, Tổng thống Ngô Đình Diệm nhập hai đoạn đường lại đặt thành Bến Bạch Đằng. Kêu là bến vì đây là đại lộ ven sông, dưới là bến sông nhiều ghe tàu.
Sau 1975 Bến Bạch Đằng bị xoá tên, đặt thành đường Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên người Sài Gòn vẫn kêu là Bến Bạch Đằng. Và nay xuất hiện "ga tàu thuỷ" tại bến Bạch Đằng.
Trong lịch sử văn hoá Miền Nam chúng ta chữ “tàu” đã có nước rồi thì mắc mớ chi còn “ga tàu thuỷ" khi chữ thuỷ là nước?
Có ai, có người Miền Nam, người Sài Gòn nào nghĩ Bến Bạch Đằng là bến xe bao giờ mà để "tàu thủy"?
Chữ "Bến tàu Bạch Đằng" là đã đủ. Ông bà ta thường nói "Trên bến dưới thuyền", có nghĩa bến là chỗ tàu bè, ghe thuyền đậu, đặng chất hàng hóa, bắc cầu leo lên bờ.
Trong lịch sử Sài Gòn, Bến Bạch Đằng không còn tên, xế chút là Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử cũng đã mất tên. Cái bến của Miền Nam có tội gì mà từ từ bị cho ra rìa?
…
Nghe nói, cuối cùng trước sự phản đối của dư luận, mới đây nhà đầu tư đã dỡ bỏ cái chữ “ga tàu thủy” để trở lại với chữ “bến tàu Bạch Đằng”. Hy vọng, bộ Công an cũng sớm tiếp thu ý kiến của người dân để thay đổi mẫu Căn Cước mới kịp thời.
Qua việc thay đổi thẻ Căn cước và cái tên bến tàu mà buồn lo cho tương lai đất nước. Một bộ máy quan liêu chỉ loay hoay với việc thay biển “thu phí” thành “thu giá”, thay “bến tàu” thành “ga tàu thủy” và cứ 3 năm lại thay một mẫu Chứng Minh Nhân dân hay Căn Cước mới, mãi không xong, thì bao giờ mới xây dựng được “xã hội chủ nghĩa” thành công?
Hóa ra, dù ở thời đại 4.0, 5.0, với máy tính, điện thoại thông minh, Internet vạn vật, trí thông minh nhân tạo… nhưng với những con người và bộ máy không có cội nguồn, văn hóa thì cũng chỉ tạo ra những thứ méo mó, sai lệch. Trước khi nói đến những thứ cao siêu khác, trộm nghĩ việc học để sử dụng đúng ngôn ngữ mẹ đẻ, đúng tiếng Việt là việc căn bản, đầu tiên cần làm. Viết đến những dòng này, chợt nghe quán café kế bên nhà đang bật hết cỡ một bản hit nào đó của giới trẻ:
… Khi gặp anh là thời gian bỗng dưng lặng im
Nghe nhịp tim khẽ rung lên từng hồi em bối rối
Ôi giồi ôi hình như em lỡ rơi vào đây
Vào tình yêu tình yêu với anh này…
… Yêu yêu yêu yêu thì yêu không yêu thì
Yêu yêu yêu yêu thì yêu không yêu thì…
Trời đất thánh thần, hóa ra bấy lâu nay đám thanh thiếu niên nghe những thứ gọi là nhạc trẻ đây sao? Những ngôn từ, chữ nghĩa này từ đâu mà ra? Chẳng phải từ nền giáo dục xã hội chủ nghĩa hay sao? Chữ nghĩa sao thì con người vậy, xã hội và thể chế cũng từ đó mà ra. Cái gốc văn hóa một dân tộc chẳng phải cũng từ chữ nghĩa, ngôn từ - “Khởi thủy là Lời” đó sao? Nên khi muốn hủy hoại một dân tộc tới tận gốc rễ, chẳng gì bằng việc phá hủy ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc đó. Xem ra, nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa đang rất thành công trong công cuộc này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.