Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Những sai lầm trong dự án sân bay Long Thành


Những sai lầm trong dự án sân bay Long Thành

bauxitevn9:19 AM


Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
04-05-2015 
clip_image001
Dự án sân bay Long Thành (minh họa) 
Dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ giải trình trước Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 9 diễn ra vào cuối tháng 5/2015 với tên gọi “Báo cáo đầu tư dự án cảng Hàng không Quốc tế Long Thành”. Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã gửi toàn bộ bản báo cáo này cho TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP.HCM gọi tắt là HASCON để nghiên cứu và báo cáo cho Quốc hội trước khi kỳ họp diễn ra. 
TS Nguyễn Bách Phúc đã dành cho Mặc Lâm cuộc phỏng vấn nói rõ những gì mà ông và HASCON rút ra được từ bản báo cáo, mời quý vị theo dõi sau đây.
Mặc Lâm: TS cho rằng ngay cả việc nhận được ODA từ một nguồn nào đó có phân lời thấp hơn của Nhật Bản thì thời gian lấy lại vốn của sân bay Long Thành sẽ lên tới 100 năm, điều này có vẻ khó tin vì không lẽ một dự án lớn như thế lại mắc lỗi sơ đẳng về cách tính EIRR thu hồi vốn như vậy?
TS Nguyễn Bách Phúc: Báo cáo của chính phủ nói rằng công trình sân bay Long Thành có chỉ số EIRR (Economic Internal Rate of Return, Tỷ suất hoàn vốn nội tại về kinh tế) là tới hơn 22% điều đó có nghĩa là lời rất lớn nhưng tôi đã phân tích cái tính toán đó hoàn toàn sai, tôi chứng minh rất tỉ mỉ và tóm tắt ở đây như thế này: Cái báo cáo đã tính phần dòng tiền vào nó cao hơn thực tế, tính khống hơn đến hơn 1 tỷ rưỡi đô la một năm và dòng tiền ra thì lại tính ít đi cỡ 260 triệu đô la một năm do đó cái dòng tiền chung nó sẽ khống lên đến hơn 1 tỷ 8 một năm và vì vậy con số EIRR nó mới tăng lên 22%.
Chúng tôi không có cơ sở thông tin để mà tính toán nhưng bằng kinh nghiệm của chúng tôi thì chúng tôi cho rằng chỉ khoản độ 1 tới 2% là cùng. Nếu như mà chỉ số đó dưới 10% thì trên thế giới này không ai đi đầu tư vào một công trình mà tính chỉ số EIRR lại dưới 10%
Tôi có tính thêm một cái nữa là nếu tính theo một chỉ tiêu khác gọi là tỉ suất lợi nhuận hàng năm trên vốn đầu tư thì chúng tôi cũng không có một số liệu nào để mà tính toán cả nhưng chúng tôi có thể tính gần đúng tỉ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư của giai đoạn 1 là khoản 2,12% mỗi năm đó là chưa tính đến chuyện phải trả lãi vốn vay. Nếu trả vốn vay theo cỡ vốn vay ODA hơn 1% một năm thì số lãi còn 1%/năm và từ đó nó dẫn tới thời gian thu hồi vốn đầu tư phải là 100 năm, bởi vì thời gian thu hồi là cái số 1 chia cho lãi suất hàng năm.
Mặc Lâm: Về các chuyến bay trung chuyển thì nhiều chuyên gia hàng không cho rằng VN khó cạnh tranh với các sân bay quốc tế khác như Hàn Quốc, Thái Lan. Xin TS cho biết trong “Báo cáo đầu tư dự án cảng Hàng không Quốc tế Long Thành” với quốc hội có giải trình được yếu tố này hay không?
TS Nguyễn Bách Phúc: Trong báo cáo đầu tư nói rất chung chung, không cụ thể nhưng phía chúng tôi đã có những bài viết phân tích vấn đề này. Chúng tôi đã nói rõ là sân bay Long Thành nếu nói về tác dụng trung chuyển quốc tế thì chỉ có thể trung chuyển cho mỗi một nước Úc thôi, mà thị phần nước Úc rất nhỏ vì Úc chỉ có 20 triệu dân và hơn nữa tất cả các sân bay ở Đông Nam Á đều có thể trung chuyển cho Úc cả vậy thị phần nhỏ bé ấy chia cho Long Thành được bao nhiêu?
clip_image003
Vị trí sân bay Long thành. (Cty.BĐS Nam tiến.vn)
Thứ hai nữa Long Thành liệu có thể cạnh tranh được với những sân bay rất lớn đã có truyền thống ở ĐôngNam Á như sân bay Hongkong, sân bay Singapore, Malaysia, Thái Lan hay không? Cho nên tôi cho rằng sự mong muốn sân bay Long Thành trở thành sân bay trung chuyển quốc tế là không thực tế và từ đó con số 100 triệu hành khách/ năm theo dự báo của “báo cáo đầu tư” cũng là một con số không thực tế.
Mặc Lâm: Tần suất máy bay nước ngoài với 25 triệu hành khách vào VN như đánh giá của nhiều chuyên gia hàng không trước đây liệu có đủ cho một phi trường có cấu trúc to lớn như sân bay Long Thành hay không?
TS Nguyễn Bách Phúc: Thật ra tất cả những cái đó nó thuộc về bài toán kinh tế, mà bài toán kinh tế ví dụ như tôi nói vừa rồi là họ tính EIRR nó kèm theo rất nhiều giả thiết mà giả thiết như thế nào thì sẽ cho ra kết quả như thế ấy cho nên trả lời câu hỏi đó của nhà báo thì vấn đề là phải tính EIRR thật nghiêm túc, chính xác chứ không phải như cái báo cáo vừa qua như đã tính toán
Mặc Lâm: Nhìn chung cả báo cáo này TS thấy cái sai sót lớn nhất là gì và ông sẽ có kiến nghị gì với Quốc hội cũng như Chính phủ?
TS Nguyễn Bách Phúc: Ngày hôm nay chúng tôi sẽ có một kiến nghị gửi cho Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Quốc hội trong ấy nói rõ là cái Báo cáo có 7 điểm bất cập. Chúng tôi phân tích rất rành rọt 7 điểm bất cập đó là gì, phân tích ngắn gọn xúc tích để cho các vị đọc nhanh và trong đó đã nói tất cả những bất cập của Báo cáo.
Cái thứ nhất là bất cập về pháp luật. Thứ hai là xác định sai vai trò và vị trí của cảng hàng không quốc tế Long Thành trong mục tiêu phát triển của đất nước Việt Nam hiện nay. Thứ ba là không có thiết kế sơ bộ dẫn đến những hậu quả nặng nề. Thứ tư là lựa chọn phương án đầu tư sơ sài không chính xác. Thứ năm tính toán sai về hiệu quả kinh tế xã hội. Thứ sáu là giải pháp huy động vốn hết sức mơ hồ và thứ bảy chưa xét đến những rủi ro tất yếu.
Đấy là 7 điều mà chúng tôi cho là bất cập của bản báo cáo và từ đó chúng tôi kiến nghị là Quốc hội tạm thời chưa thông qua cái này. Chúng tôi cũng kiến nghị được thảo luận trực tiếp với Bộ Giao thông, với chủ đầu tư về nội dung bản báo cáo và nếu như Bộ Giao thông và chủ đầu tư không tiện thảo luận với chúng tôi thì đề nghị nhà nước tạo điều kiện cho chúng tôi tranh luận trực tiếp với cái đơn vị Nhật làm báo cáo này để làm rõ cái sai của bản báo cáo.
Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Nguyễn Bách Phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.