Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Chuyện Dài Bong Bóng Trung Quốc

>>Trang chủ » Tư Duy Đại Dương » Chuyện Dài Bong Bóng Trung Quốc

Chuyện Dài Bong Bóng Trung Quốc

6 “nút thắt cổ chai” đang bóp nghẹt nền kinh tế Trung Quốc

Tác Giả: Chuyên gia kinh tế Hà Thanh Liên (Trung Quốc) – 28 May 2015
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại – các số liệu thực tế đã chỉ ra rất rõ ràng. Nhưng để xây dựng một nền kinh tế lành mạnh, rất nhiều trở ngại lớn mà Trung Quốc đang phải đối mặt không phải lúc nào cũng dễ nhận biết. Một chuyên gia kinh tế nổi tiếng người Trung Quốc đang sinh sống tại Hoa Kỳ đã xác định 6 vấn đề có thể chấm dứt sự tăng trưởng kinh tế của nước này.
chinauntitled
Phát biểu tại một diễn đàn được tổ chức bởi Tập đoàn Tài chính Shenglin tại Vancouver vào ngày 3/5, chuyên gia kinh tế Hà Thanh Liên cho biết có 6 “nút thắt cổ chai” chính – trong đó chỉ cần 3 yếu tố là có thể lật đổ một đảng ở một nước dân chủ – có thể có tác động mạnh mẽ tới tương lai của Trung Quốc nếu nó không được giải quyết, bà cho hay. Sau đây là nội dung bài phân tích đã được chỉnh sửa và rút gọn lại của bà.
Đánh mất vị thế “công xưởng của thế giới”
Cái gì đi lên thì đều phải đi xuống: Sự bùng nổ của lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc, được thúc đẩy từ năm 2001 đến năm 2010 với một cái giá phải trả khổng lồ đối với hệ sinh thái và người dân của nước này, đang không ngừng suy giảm.
Thành phố Đông Quan, một thành phố công nghiệp quan trọng thuộc tỉnh phía nam Trung Quốc – Quảng Châu, đang trải qua làn sóng sụp đổ doanh nghiệp thứ hai – ít nhất 4.000 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động vào năm ngoái. Từ năm 2008 đến 2012, dữ liệu chính thức cho thấy 72.000 doanh nghiệp đã bị đóng cửa.
Hơn nữa, 3 đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc – đầu tư, ngoại thương, và nhu cầu nội địa – gần như đã sụp đổ, có thể thấy từ sự suy giảm 15% của cán cân thương mại trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.
Bất động sản đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 20 năm qua. Chính quyền và các doanh nghiệp đã liên kết với nhau để ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường nhà đất, nhưng vài chục ngành công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn của lĩnh vực bất động sản đã rơi vào tình trạng dư thừa sản suất từ năm 2013. Tình trạng dư thừa sản phẩm được mô tả như là một “mối đe dọa hạt nhân” đối với nền kinh tế Trung Quốc, vốn có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế bất cứ lúc nào.
Những vấn đề này cho thấy việc tái cơ cấu nền kinh tế của Trung Quốc là vô vọng. Cái gọi là điều chỉnh cơ cấu kinh tế không thể giải quyết mọi thứ như chính quyền Trung Quốc kỳ vọng. Ngay từ năm 2005, tỉnh Quảng Đông đã bắt đầu thay thế các ngành công nghiệp thâm dụng lao động bằng các ngành công nghiệp công nghệ cao. Kết quả là ngành công nghiệp sản xuất đã chuyển dịch khỏi Đồng bằng Châu Giang.
Số lao động thất nghiệp lớn
Tỷ lệ thất nghiệp chính thức, chiếm khoảng 4,5% tổng số lao động Trung Quốc, là không chính xác, bởi vì con số này chỉ bao gồm những người đã đăng ký với chính quyền địa phương trong khi chưa tính đến số nông dân thất nghiệp vốn mới là thành phần đóng góp chính vào lực lượng lao động.
Ở Trung Quốc hiện nay, những người thất nghiệp có thể được chia thành bốn nhóm: lao động nông nghiệp dư thừa do quá trình chuyển dịch đảo ngược (ví dụ, về quê) khi các nhà máy đóng cửa; nhóm lao động thành thị cổ cồn trắng bị mất việc do sự rút vốn của nước ngoài; sinh viên bỏ học giữa chừng; và học sinh trung học thôi học.
Cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã ước tính số người thất nghiệp đứng ở mức 200 triệu người vào tháng 3/2010. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos tháng 3 vừa qua, cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) – ông Justin Lin cho biết có 124 triệu công nhân Trung Quốc tại các nhà máy đang muốn chuyển sang các nước đang phát triển khác để tìm kiếm mức lương cao hơn.
Với 940 triệu người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc hiện nay, một khi có 300 triệu người thất nghiệp thì tỷ lệ thất nghiệp thực tế là tương đương với 32% – gấp 7 lần so với con số dự kiến chính thức.
Khủng hoảng tài nguyên
Sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã làm cho nguồn nước, đất đai và không khí ô nhiễm như một sự cảnh tỉnh – một điều gì đó sẽ quay trở lại ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong tương lai và gia tăng sự phụ thuộc vào nguồn lực nước ngoài.
Không phải là Trung Quốc không được dựa vào các nguồn lực nước ngoài để thúc đẩy nền kinh tế – nước này nhập khẩu hơn 60% lượng dầu tiêu thụ của mình, và phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu sắt, đồng, kẽm cũng như các loại quặng kim loại khác.
Lượng lương thực tự cung cấp của Trung Quốc đạt 87% – các mặt hàng chủ lực như đậu nành, ngô và lúa mì đều phải nhập khẩu. Viễn cảnh về tình hình sản xuất lương thực của Trung Quốc trong tương lai là có gần 200 triệu người sẽ phải dựa vào nguồn lương thực nhập khẩu.
Bất kỳ biến động về giá ngũ cốc của Trung Quốc đều sẽ ảnh hưởng tới giá cả thị trường quốc tế, và bất kỳ thảm họa tự nhiên hay chiến tranh tại một đất nước sản xuất ngũ gốc sẽ làm giảm nguồn cung và khiến giá ngũ cốc tại Trung Quốc tăng lên.
Không phải là chính quyền Trung Quốc không nhận được cảnh báo về các vấn đề lương thực. Trong cuốn sách của Lester Brown, “Who Will Feed China”, (Tạm dịch: Ai sẽ cung cấp lương thực cho Trung Quốc), chuyên gia phân tích môi trường này đã từng cảnh báo chính quyền Trung Quốc từ cách đây 20 năm rằng họ sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực. Nhưng chính quyền Trung Quốc nói báo cáo này là một âm mưu của “các thế lực chống đối Trung Quốc”.
Nợ của chính quyền địa phương đang tăng dần
Công ty tư vấn McKinsey & Company đã công bố vào ngày 8/5 rằng tổng nợ của Trung Quốc đã ở mức 282% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Hầu hết khoản nợ này được tạo thành từ nợ của chính phủ và doanh nghiệp – nợ cá nhân chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong đó.
Nợ của chính quyền địa phương chiếm tỷ lệ lớn nhất, với giá trị ước tính vào khoảng 20 nghìn tỷ nhân dân tệ. Con số nợ của Trung Quốc đã liên tục bị báo cáo thiếu – trong khi quan chức của Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia, ông Li Tie thừa nhận rằng con số chính thức 18 nghìn tỷ nhân dân tệ là ít hơn một nửa so với số nợ thực tế. Các cuộc điều tra cho thấy hầu hết các chính quyền địa phương đều chỉ báo cáo từ 10% đến 30% số nợ thực tế của họ, nghĩa là con số thực tế cao hơn một cách đáng kể.
Khủng hoảng tài chính tiềm tàng
Các khoản nợ, tỷ lệ vỡ nợ gia tăng, và thặng dư thanh khoản lớn do các chính sách của ngân hàng trung ương có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính.
Trung Quốc hiện đang trải qua giai đoạn đỉnh điểm của các khoản nợ xấu lần thứ 3 do thị trường bất động sản gây ra. Lần thứ nhất diễn ra vào thời kỳ Chu Dung Cơ khi khoản nợ 170 tỷ USD đã phải mất tới 6 năm để trả hết. Cuộc khủng hoảng thứ 2 là vào giữa những năm 2000, và đã được gánh bớt bởi các ngân hàng nước ngoài. Nhưng sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã được thúc đẩy bởi một nguồn cung tiền mới được in liên tục trong nhiều năm qua, và với lượng tăng cung tiền quá lớn, dư thừa thanh khoản có thể bắt đầu trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Điều này nổi bật trong những tháng gần đây với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán khi thị trường này được sử dụng như một kho chứa vốn dư thừa – một chính sách tất yếu không bền vững.
Chênh lệch thu nhập
Bất bình đẳng ở Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục trong vòng 20 năm qua do sự phớt lờ của chính quyền và các doanh nghiệp. Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội Trung Quốc của Đại học Bắc Kinh đã công bố một nghiên cứu vào năm 2014, cho thấy hệ số Gini của Trung Quốc đã đạt 0,73 vào năm 2012 – điều này có nghĩa là 1% các hộ gia đình giàu có nhất Trung Quốc đã nắm hơn 1/3 lượng của cải của cả quốc gia, trong khi 25% các hộ gia đình nghèo nhất chỉ có 1% số tài sản quốc gia.
Gần 60% người dân Trung Quốc là người nghèo, một tình trạng bất ổn đủ để gây ra sự mất ổn định xã hội.
(Thu Hiền biên dịch theo bản chỉnh sửa của Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.