Lạm bàn về độc tài
bauxitevnSun 7:58 AM
Thiện Tùng
Người ta áp dụng thể chế độc tài để làm phương tiện thực hiện mục đích thu tóm mọi thứ. Có lẽ dân tộc Việt Nam “kiếp trước” vụn đường tu nên kiếp nầy liên tiếp va vào 3 nạn độc tài: Vua chúa trị, Gia đình trị, phe đảng trị.
Vua chúa trị, tính từ thời Bảo Đại trở về trước, cai trị theo hình thức “cha truyền con nối”, xem giang sơn, dân chúng là của vua, “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”… Sử sách đã ghi, nhắc sơ để nhớ, không phải kể chi ở đây cho thêm dài dòng.
Gia đình trị của ông Diệm ở Nam Việt Nam, được ngụy trang với danh xưng đảng “Cần lao Nhân vị”(đảng của người lao động, tôn trọng nhân quyền) quốc hiệu “Việt nam Công hòa”. Quảng cáo như thế chớ có đếm xỉa gì với danh xưng, anh em họ chia nhau trị vì thiên hạ: Ngô Đình Diệm làm Tổng thống; Ngô Đình Nhu thủ vai cố vấn đặc biệt cho Tổng thống; Ngô Đình Cẩn như một ông vua thống lãnh Miền Trung; Ngô Đình Luyện giao du bên ngoài làm ngoại giao; Ngô Đình Thục làm tổng giám mục Thiên Chúa giáo; vợ Nhu là Trần Lệ Xuân thủ vai mẫu nhi thiên hạ. Vậy là gia đình họ Ngô chia nhau cai trị lương giáo (đời, đạo) một thời ở Nam Việt Nam từ 1955-1963 – kết thúc đệ nhất VNCH chuyển sang chế độ “Quân quản” mệnh danh đệ nhị VNCH.
Đảng trị, sau 1975, với danh xưng “Đảng Cộng sản Việt Nam”, quốc hiệu “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Nói Cộng hòa để câu khách, chớ thực chất Đảng áp dụng thể chế độc tài Đảng trị, độc chiếm tài sản quốc gia bằng cách: gom công lao của cả dân tộc về mình để rồi xem mình như lực lượng cứu tinh, “tạo thiên lập địa”, tự ghi vào Hiến pháp cho mình cái quyền “lãnh đạo Nhà nước và Xã hội một cách trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối”. Từ đó, ngoài việc chi phối Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp, Đảng còn áp dụng thể thức “Đảng chọn, Dân bầu” nhằm cài cắm đảng viên của mình thủ vai lãnh đạo ở các cấp các ngành từ trung ương đến cơ sở. Như thế thấy còn chưa chắc ăn, cũng từ ngân sách quốc gia đài thọ, Đảng còn tổ chức bộ máy của Đảng song trùng với bộ máy Nhà nước như Tuyên Huấn, Tổ chức, Kiểm tra, Nội chính…; lập ra các tổ chức quần chúng của Đảng như Mặt trận, Công, Nông, Thanh, Phụ, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Đội Thiếu niên Tiền phong, Hội Cựu Chiến binh … Đặc biệt Đoàn và Đội là lực lượng hậu bị của Đảng, luôn được cưng chiều, xem như những “ấu chúa”. Thế là Đảng đã hình thành hệ thống chính trị Đảng + Chính quyền + Đoàn thể, tạo thế đứng vững chắc như kiềng 3 chân. Chưa vừa, để nắm trái tim khối óc, nhồi nhét ý thức hệ, Đảng còn xây dựng cho mình học viện, hệ thống trường và báo chí của Đảng từ trung ương đến địa phương. Và, Đảng đã và đang quyết sở hữu cho kỳ được lực lượng vũ trang (Quân đội và Công an) để bảo vệ cho riêng mình phòng khi có biến cố xảy ra.
Độc tài kiểu vua chúa ngày xưa, khi quốc biến, còn trưng cầu ý dân – hội nghị Diên Hồng; độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, muốn thay Bảo Đại, cũng tổ chức trưng cầu dân ý dù không kém phần gian lận; còn “Đảng ta” thì khỏi, chi cho rườm rà, mọi việc “để Đảng và Nhà nước lo”, dầu có mất đất, mất biển đảo cũng không được có ý kiến. Thậm chí, là chiến binh, khi Đảng chưa ra lịnh nổ súng dù để tự vệ, cũng phải như những cây thịt, mặc cho kẻ thù sát hại, người thân hãy nén đau vào trong, “để xác họ nằm ở đấy (dưới biển) có sao đâu”, hãy vì “đại cục”? – đó là trường hợp 64 lính thủy chết oan uổng ở Gạc Ma hồi 1988.
Rõ ràng, ở Việt Nam ta, độc tài sau cao hơn độc tài trước: quy mô rông lớn hơn, tổ chức chặt chẽ hơn, người dân bị mất quyền hơn, tham nhũng ngày một nhiều hơn, khoảng cách giàu nghèo giữa cai trị và bị trị ngày rộng hơn, xã hội rối loạn hơn, giới cầm quyền lúng túng hơn, dùng bạo lực trấn áp nhiều hơn, v.v…
Trong 3 dạng độc tài vừa kể, dạng nào cũng vậy, bằng mọi cách, mọi giá chiếm thế thượng phong, giành cho bằng được quyền cai tri, xem đất nước và dân tộc là sở hữu của riêng mình, tùy nghi sử dụng, dâng hiến. Thể chế chính trị độc tài bất kỳ, luôn cấu kết trong ngoài, khi lâm vào đường cùng, họ sẵn sàng “cõng rắn về cắn gà nhà” để bảo toàn vị thế, chẳng nghĩ gì đến quốc gia, dân tộc.
Chịu độc tài nối tiếp độc tài, không biết mọi người thì sao, chớ người viết bài này đã hết sức chịu đựng.
8/5/2015
T.T
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.