Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Nói thật không sợ mất lòng! (kỳ 3)

Nói thật không sợ mất lòng! (kỳ 3)

bauxitevnTue 7:14 AM


Huyền Oanh
3- Câu chuyện thứ 3Đọc Vè tháng Năm!
Tháng 5 đất nước có rất nhiều sự kiện. Nhóm chúng tôi thu lượm được khá nhiều câu chuyện hay. Nhưng hôm nay, chúng tôi muốn giới thiệu trước với bạn đọc xa gần, một câu chuyện mà nội dung được thể hiện trong một bài vè dân gian liên quan đến tháng 5 lịch sử. Về mặt hình thức nghệ thuật của bài vè thì không hay, nhưng nó lại chứa đựng một nội dung sâu sắc, rất đáng suy ngẫm cho mọi người dân Việt chúng ta.
Vè tháng Năm
Ve vẻ vè ve
Chuyện nghe buồn, bức 
Nuốt tức vào trong 
Trải lòng nhớ Bác 
Nháo nhác mít tinh 
Bài binh, ồn ã
Tất tả đăng đàn
Các màn kể lể
(Khóc, tế, nỉ non
Chúng Con ơn Bác! 
……………………
………………….)
Lý gì gọi Bác?
Tình gì xưng Con?
Trát phấn, bôi son
Diễn trò, đóng kịch!
Nước đến vận tịch
Chúng mày dửng dưng
Bốc phét tưng bừng
Dối lừa, manh múng!
Ngân quỹ thao túng 
Thuế dân tiêu xài
Đói, nghèo, oan sai
Lưng dân hứng hết!
Nội tình bê bết
Sống chết mặc dân 
Giặc đã vào sân
Chúng mày câm lặng!
Để yên sao đặng
Dân biết tìm ai? 
Chúng mày bất tài
Bác đâu còn nữa!
Nay, Bác - Người Xưa 
Sớm trưa yên nghỉ
Cớ chi dựng dậy
Làm gậy chống che?
Dân muốn răn đe
Chịu nghe, tỉnh thức
Ráng sức vì Dân
Quên thân như Bác!
Bao giờ đổi khác?
Để Bác an lòng
Đáp lòng Dân mong
Bõ công Nước đợi?.. … 
Tháng Năm đến hội
Nín đợi tìm nghe
Ve vẻ vè ve
Bài vè nhớ Bác!...
Và, sau đây là một số lời bình của dân mà chúng tôi đã ghi lại được:
Bài vè khuyết danh lưu truyền trong dân gian chưa lâu, nhưng cũng đã có nhiều dị bản. Tuy lời lẽ mộc mạc, dung dị, và còn nhiều chỗ ngúc ngoắc, gượng gạo, nhưng ý tứ thì sâu xa, da diết, chân thực. Đây phải chăng là những lời nhắn nhủ, nhăc nhở, và cũng là sự chia sẻ của người dân đối với Đảng lãnh đạo? 
Trước hết, nói về Hồ Chí Minh (HCM) trong con mắt người dân Việt. Hiện nay trong giới chính trị gia, trí thức, văn nghệ sỹ, cả trong và ngoài nước, đang có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về HCM, nên các ý kiến đánh giá cũng khác nhau, thậm chí là trái ngược. Âu cũng là chuyện bình thường, ở mọi quốc gia, khi bàn về các yếu nhân. Nhưng cho đến thời điểm này thì trong nhận thức và tình cảm của đông đảo người dânViệt đối với HCM vẫn là: kính trọng, biết ơn, ngưỡng mộ, tiếc thương,…! Và trong hiện tình đất nước bất ổn, không thuận lòng dân như hiện nay, thì những biểu hiện trên càng bộc lộ mạnh mẽ hơn. Người dân không thần thánh hóa Bác Hồ, như cách tuyên truyền của giới chính trị. Họ cũng đã nhìn ra những hạn chế, những khó khăn trong hoạt động thực tiễn của Bác, những mặt chưa được, những việc Bác chưa làm tốt hơn cho dân cho nước,… Nhưng khi họ nghe được những ý kiến trái chiều, lạ tai về Bác thì đều tỏ thái độ băn khoăn, nghi vấn, và cố đi tìm ra chân lý đích thực. Dân chỉ chấp nhận những thông tin có cơ sở khoa học, trung thực, có tính hợp lý, biện chứng,… không mâu thuẫn với thực tế cuộc đời và sự nghiệp của Bác mà họ đã từng biết từ những nguồn thông tin đáng tin cậy. Dân cũng luôn biết cảnh giác với những thông tin rác, phát sinh từ bất cứ đâu, kể cả từ truyền thông nhà nước (kiểu thần thánh hóa, đặc biệt hóa, lý tưởng hóa,… với dụng ý không trong sáng). Dân chưa có điều kiện để thẩm định lại cả ba di sản mà Bác để lại, như Tổng Bí thư Trọng đã nêu, nhất là hai di sản đầu (Tư tưởng HCM, Thời đại HCM) nên chưa tỏ thái độ chấp nhận hay không chấp nhận. Còn với di sản thứ ba (Tấm gương đạo đức và phong cách HCM) thì hình như số đông đã thừa nhận, và tự nguyện học theo, làm theo. Xét trên nhiều mặt, người dân Việt đã coi HCM là một chính trị gia có nhân cách tiêu biểu, một nhà lãnh đạo sáng giá nhất của lịch sử cận và hiện đại Việt Nam, cao hơn hẳn một tầm so với mọi cán bộ cao cấp khác của Đảng (Cộng sản) và Nhà nước Việt Nam mới. Sự vượt trội này, ít nhất là ở chỗ Bác không hề vi phạm các biểu hiện suy thoái, hư hỏng (như 24 thứ mà Tổng Bí thư Trọng đã nêu) mà các vị lãnh đạo hiện nay đều vướng. Vì vậy dân hoan nghênh và hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM”. Nhưng người dân lại kịch liệt phản đối mục đích không thực lòng, không trong sáng, cách tổ chức không thực chất, mang tính hình thức của cuộc vận động này. Bởi vì tuyệt đại đa số bọn họ (giới quan chức) lại không thực tâm, cứ như đóng kịch, họ chỉ Đọc (chứ chưa học) mà không Làm theo, chỉ nói mà không làm. Thực lòng bọn họ không muốn học theo, và bản lĩnh của họ cũng không đủ sức để mà học theo và làm theo Bác. Càng học để chống chủ nghĩa cá nhân thì lại càng cá nhân chủ nghĩa, càng học thì tham nhũng càng tăng, càng học thì lại càng hành dân, càng cửa quyền, càng sách nhiễu, nhận hối lộ, càng học thì lại càng mất dân chủ, càng học thì càng chạy chức chạy quyền, càng mua bán Sao, Vạch, mua bán học vị, học hàm, mua bán các danh hiệu Nhà nước, … càng học thì lại càng tiêu cực và tha hóa hơn! Người dân đã dám thẳng thắn chỉ trích đây là một chiêu thức lừa mị dân, nhằm trang điểm lại cho lãnh đạo (Đảng), chỉ gây lãng phí tiền bạc và thời giờ của dân, mà không hề mang lại hiệu quả gì cho sự phát triển chung của đất nước! Điều nguy hiểm hơn là họ (Đảng) đã cố tạo ra cho cộng đồng về một ảo tưởng sáng sủa, tốt đẹp lên của sự thay đổi, chỉnh đốn, khắc phục yếu kém từ phía Đảng, họ cố đồng nhất hóa Đảng (Cộng sản Việt Nam) với HCM!... Và càng trớ trêu hơn, khi cộng đồng lại phải đón nhậu hậu quả tất yếu của trò diễn này là căn bệnh nói dối càng nặng nề thêm, càng lộng hành ngang nhiên hơn!... Cùng là câu chuyện về thái độ của các thế hệ sau đối với HCM, nhưng ở đây lại nảy sinh hai thái cực, tuy cùng cố ý xưng gọi Bác Hồ - Chúng Con! Một bên là Thực lòng, để tri ân và muốn noi theo. Còn bên kia là Dối Lòng, Dối người, và để lợi dụng cho lợi ích riêng! Và trong chủ đề này cũng đang tồn tại khá nhiều nội dung lớn cùng với các khía cạnh liên quan, vẫn chưa được hiểu thống nhất và tường minh. Người dân rất mong các nhà nghiên cứu độc lập, trước hết là các sử gia, hãy tiếp tục sứ mạng của mình để mang lại cho cộng đồng những hiểu biết chuẩn xác về lịch sử dân tộc (trong đó có lãnh tụ), càng sớm càng tốt. Chúng tôi xin phép nhắc lại: phải là nghiên cứu độc lập! Tức là không bị chi phối bởi đòi hỏi “chính trị hóa”, không bị lệ thuộc vào bất cứ lợi ích phe nhóm nào. Chỉ với một thái độ khách quan, công bằng, một phương pháp tiếp cận khoa học,… thì mới trả lại cho lịch sử dân tộc những Sự Thật Lịch Sử vốn có của nó. Sự phát triển bền vững của mọi quốc gia đều đòi hỏi như vậy cả, không thể khác được!
Cũng từ nội dung bài vè, chúng ta cũng nhận ra sự hiểu biết của người dân Việt về Đảng (Cộng sản Việt Nam) đã tiếp cận được gần hơn với sự thật, họ nhìn rõ hơn bản chất của Đảng. Dân Việt cho rằng Đảng (Cộng sản Việt Nam) ngày nay không còn là, không phải là Đảng của HCM nữa rồi, mặc dù Tổng Bí thư Trọng vẫn cố tái khẳng định điều ngược lại. Đảng bây giờ đã rất khác trước, chất đã biếnHọ Nói giỏi hơn, dẻo mồm hơn, nhưng Làm thì rất kém, nhìn vào đâu cũng thấy hỏng, thấy sai, gây thiệt hại lớn cho dân cho nước, nhưng lại mang đến rất nhiều lợi ích riêng cho bọn họ, đặc biệt là Tiền tài và Quyền lực! Dân thì cứ nghèo đi, nước thì cứ yếu mãi, vì lãnh đạo vừa dốt vừa tham! Quan chức bây giờ họ đâu có làm việc vì dân vì nước? Tất cả quan chức đều đã và đang trở thành “tư bản đỏ” – một giai cấp mới mà họ kiêu hãnh được đại diện quyền lợi (chứ không phải là giai cấp công nhân). Đối nội thì bê bết, yếu kém toàn diện, đối ngoại thì chịu nhẫn nhục trước kẻ thù! Sự biến chất của Đảng đã được Tổng Bí thư Trọng thú nhận nhiều lần, mà gần đây nhất là trong Hội nghị TW 11. Chỉ cần nghe qua cái bảng liệt kê đến 24 cái tội hư hỏng đó thì người dân đã thấy lo buồn và hoang mang cho cái sứ mạng lãnh đạo đất nước của Đảng (Cộng sản). Là tổ chức lãnh đạo tối cao của đất nước mà sao xấu xa, dơ bẩn, dốt nát, tồi tệ,… đến thế. Với những phẩm chất trí tuệ và đạo đức ở dạng phế phẩm đáng bỏ đi như vậy thì làm sao mà lãnh đạo được đất nước, nhất là trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới ngày càng biến động phức tạp, khó lường. Tổng Bí thư Trọng mới chỉ ra cái bề rộng của sự tha hóa thôi, còn nếu xét đến bề sâu, xét đến quy mô của sự tha hóa nữa, thì càng giật mình hơn, đến mức người dân có thể không chút do dự sẵn sàng bỏ phiếu phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng! Thêm nữa, chúng ta còn chưa kể hết một số tội hư hỏng khác nữa mà Tổng Bí thư đã quên, chẳng hạn tư tưởng khiếp sợ kẻ thù, thỏa hiệp với kẻ thù, các hành vi bán đất đai, rừng, biển để rồi bán luôn nước, thói xa dân, coi thường dân, tư tưởng bạo lực với dân, không tôn trọng quyền con người của dân, ... Sự biến chất của Đảng như vậy là đã đến đỉnh điểm, tự nó đã phủ định vai trò cầm quyền của Đảng rồi. Ấy thế mà Tổng Bí thư Trọng vẫn hùng hồn tái khẳng định chỉ có Đảng (Cộng sản Việt Nam) mới xứng đáng với sứ mạng này, và nhân dân vẫn tin yêu giao phó cho Đảng! Đúng là một trò diễn bôi bác, nói lấy được! Tư tưởng HCM đâu có dạy các vị ấy như vậy, đạo đức HCM đâu có những nội dung phản đạo đức như vậy mà họ bảo là học và làm theo! 
Càng gần đến Đại hội Đảng thì việc tranh giành quyền lực càng gay gắt giữa các phe nhóm, và đáng nói lại là cách giành giật với nhau ấy quá đê tiện, bẩn thỉu! Khóa này cũng vậy thôi! Dân đã biết rất rõ vì sao bọn họ phải làm vậy. Trước hết là từ cái lý do muôn thưở dưới thời Đảng trị: vào cấp ủy, làm lãnh đạo là để kiếm Tiền và Quyền lực (chứ không phải để làm công bộc cho dân, chả “thằng” nào có cái lý tưởng ấy cả!). Lý do thứ hai là: Tổng Bí thư Trọng đã nêu ra yêu cầu cao về nhân sự cho khóa XII (cả cấp TW và các cấp dưới), đó là không được vi phạm một trong các biểu hiện hư hỏng đã nêu. Dân chúng tôi xin thưa với Tổng Bí thư rằng: sẽ không chọn được ai (đúng tiêu chuẩn mà Tổng Bí thư nêu ra) đâu, vì tất cả đều cùng một giuộc như nhau cả, mà người ta không chỉ vi phạm một cái hỏng đâu, họ vi phạm cả xâu cái hỏng cùng một lúc kia đấy! Xấu như nhau cả, không ai đủ tiêu chuẩn, nên phải tranh giành gay gắt bằng những thứ không phải là tiêu chuẩn, đó là lẽ tất yếu! Hiện nay sự thức tỉnh của đông đảo người dân đã dần tạo nên một sự rạn nứt ngày càng lớn trong mối quan hệ Dân - Đảng, đến mức mất dần rồi sẽ mất hẳn niềm tin truyền thống một thời của Dân đối với Đảng của HCM. Sự đối lập về ý thức đang hình thành, mà cội nguồn sâu xa là đã có một sự đối lập thực sự về lợi ích. Còn đâu sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân như Tổng Bí thư Trọng vẫn lớn tiếng trên diễn đàn! Sự đối lập có thể đẫn đến đối đầu, nhưng nay thì mới đang ở mức thấp là người dân đã dám gọi giới lãnh đạo là “chúng mày”, “bay”, … (dù biết là “hỗn”!) mà thời còn Đảng của HCM đâu có chuyện đó! Thực tế là hiện tình đất nước cũng như nội tình Đảng đang có một sức ép rất lớn lên sự lãnh đạo của Đảng, trước hết là bộ phận lãnh đạo cấp cao. Trong tình thế ấy, đáng ra phải có những hành động quyết liệt và đúng quy luật để điều chỉnh và thúc đẩy sự phát triển, như kiên quyết tự thanh lọc, tự thay đổi, đổi mới thể chế,… Nhưng bọn họ lại vẫn tiếp tục dùng cái trò dối lừa dân và tự dối lừa mình, bằng thứ thuốc an thần đã hết “đát”, với cái thủ đoạn “núp bóng Bác Hồ”, như họ đã làm mà không có hiệu quả! Không cho Bác được ngủ yên, bọn họ đã “dựng Bác dậy”, bắt Bác tiếp tục làm việc cho mưu đồ chính trị của họ, với hy vọng cứu nguy được sự đổ vỡ! Đấy là đạo đức Cộng sản sao? Những người dân Việt chân chính chúng ta cảm thấy xấu hổ và đau lòng, và chắc Bác cũng không thể an lòng mà ngủ yên trong Lăng được đâu?! … … 
Đọc bài vè xong, ai cũng cảm thấy buồn hơn, và muốn được chia sẻ đôi điều tâm sự chân thành với bạn bè cho nhẹ lòng!
Tháng 5 năm 2015 
H. O.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.