Báo động ngân sách và tiếng nói thanh niên
bauxitevnMon 4:38 AM
Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Các Đại biểu Quốc hội Việt Nam nhiều lần kiến nghị cải cách quản lý, chi tiêu ngân sách công.
Tờ báo điện tử của Việt Nam Một Thế Giới mới đây phát động một chiến dịch gây sửng sốt cho không ít người, đó là công khai cổ vũ giới trẻ quan tâm đến vấn đề minh bạch ngân sách quốc gia, vốn được cho là “mật” đối với giới lãnh đạo Đảng Cộng sản.
Thậm chí chiến dịch còn có hẳn một trang Facebook Todocabi, nghĩa là “Tớ đố cậu biết”, trong đó đăng một đoạn phim hoạt hình để giúp giới trẻ hình dung rõ ràng hơn về vấn đề ngân sách quốc gia, thuế… và trách nhiệm của người trẻ.
Đó thật sự là một nỗ lực sáng tạo để giúp thanh niên hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của mình.
Số liệu mơ hồ
Xem đài truyền hình quốc gia Việt Nam VTV1 đưa tin về cuộc bầu cử diễn ra tuần này ở Anh, tôi thấy một người dân Anh khi được nhà báo hỏi quan điểm bỏ phiếu thì ông trả lời rằng ông sẽ bầu cho đảng nào dùng tiền thuế của dân hiệu quả nhất, vì “tiền là của chúng tôi [người dân]”.
Để dân có thể đánh giá chính quyền sử dụng tiền thuế hiệu quả hay không, điều cần thiết là phải công khai kế hoạch phân bổ ngân sách, dự toán, chi tiêu hàng năm thế nào…
Những điều này chỉ tồn tại rất sơ sài và chung chung ở Việt Nam, không đáng tin cậy vì không có cơ quan thống kê, giám sát độc lập.
Chính Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đã công nhận các con số thống kê “không chính xác” và cho rằng “không nên giao hết để Thủ tướng quyết”.
Bản thân Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, ngày 7/8/2014, cũng cho rằng các địa phương báo cáo tăng trưởng GDP quá cao so với thực tế.
Bản thân các lãnh đạo của Đảng Cộng sản cũng không biết rõ số liệu thực hư thế nào thì lấy cơ sở gì mà ra quyết sách.
Lãnh đạo còn như vậy thì làm sao “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”?
Nợ nần chồng chất
Cũng từ nhu cầu làm đẹp số liệu để tô hồng báo cáo thành tích, cách tính nợ công của Việt Nam hiện không giống ai. Nợ của doanh nghiệp nhà nước, xí nghiệp công ích, quỹ bảo hiểm xã hội mà Nhà nước phải chịu trách nhiệm không được tính vào nợ công.
Theo báo cáo Quốc hội ngày 28/10/2014, nếu tính đủ hết thì nợ công của Việt Nam đã vượt trần.
Kinh khủng hơn, năm 2014 Việt Nam đã vay 70.000 tỉ đồng để đảo nợ. Năm 2015, nợ đến hạn phải trả của Việt Nam là 280.000 tỉ (hơn 13 tỉ USD) nhưng chỉ lo được 150.000 tỉ để trả nợ và phải vay 130.000 tỉ (hơn 6 tỉ USD) để đảo nợ.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận có vấn đề trong chi tiêu, quản lý ngân sách công và vay nợ.
Chi thường xuyên đã chiếm tới 72% ngân sách Nhà nước, tiền trả nợ đã lên tới 25%, như vậy chỉ còn 3% ngân sách để chi cho đầu tư phát triển, làm sao đất nước có thể công nghiệp hóa và tăng trưởng với số vốn ít ỏi như vậy?
Quản lý ngân sách quốc gia cũng như quản lý ngân sách một công ty, một gia đình, trong dài hạn thì thu phải lớn hơn chi. Nhưng hiện nay lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đang thực hiện trò vay tiền của người này để trả nợ người khác (chiêu trò tài chính Ponzi). Một vòng xoáy vô cùng nguy hiểm cho nền tài chính quốc gia mà kết cục không gì khác hơn là vỡ nợ, gây xáo trộn xã hội, sụp đổ kinh tế.
Chính ông Nguyễn Sinh Hùng ngày 9/10/2014 cũng khẳng định:
”Cứ vay tiền ào ào thì không phát triển đất nước, trả nợ không được thì đến ngày là sụp”.
Một cổ ba tròng
Từ những số liệu thống kê được cung cấp, dù chưa đầy đủ và không đáng tin cậy, chúng ta cũng có thể thấy tình hình tài chính nguy ngập của quốc gia. Việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, điện,… và các loại thuế phí một cách vô tội vạ, việc Bộ chính trị của Đảng Cộng sản phải ra nghị quyết yêu cầu giảm 10% biên chế đã nói lên tất cả.
Những ngành quan trọng của quốc gia như giáo dục, y tế, hành chính thì lương của các thầy cô giáo, các bác sỹ, công nhân viên chức rất thấp, không thể sống được bằng lương.
Một chị bạn của tôi là giảng viên đại học nhưng lương cứng chỉ hơn 3 triệu VNĐ, còn người thân của tôi là bác sỹ tại một bệnh viện có tiếng ở Sài Gòn thì lương cũng chưa tới 5 triệu đồng. Còn lương một công chức đã có thâm niên hơn 10 năm cũng chưa tới 4 triệu đồng. Với mức lương như vậy thì không có gì lạ khi tham nhũng, tiêu cực tràn lan, gây suy đồi đạo đức xã hội.
Theo một chuyên gia, mỗi người dân Việt Nam dù thu nhập thuộc hàng thấp nhất đã phải gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực.
Tại sao dân Việt phải đóng thuế nhiều vậy? Xin thưa đó là để nuôi tới 3 bộ máy chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với nhau: Đảng Cộng sản, Chính phủ, và các tổ chức đoàn thể - chính trị - xã hội trong Mặt trận Tổ quốc trải dài từ trung ương tới địa phương. Nghĩa là người dân Việt Nam ngày nay phải chịu cảnh sưu cao thuế nặng, một cổ ba tròng, “tiến bộ” hơn hẳn thời thực dân - phong kiến là một cổ hai tròng.
Người dân Việt Nam “may mắn” có nhiều “đại diện” cho mình, dù dân không bầu ra nhưng dân có nghĩa vụ nuôi. Đó là Đảng Cộng sản, Mặt trận Tổ quốc, Quốc hội.
Đảng Cộng sản Việt Nam tự nhận là đại diện cho nhân dân lao động nhưng giới lãnh đạo ĐảngCcộng sản không hề … lao động. Họ chỉ việc lĩnh lương, ra nghị quyết, đi chỗ này chỗ kia dạy đạo đức, và chỉ tay năm ngón.
Nhà báo Nguyễn Công Khế, cho rằng từ 50 -70% tiền ngân sách nhà nước “chảy vào túi quan tham”.
Một chánh án của tòa án tối cao Mỹ đã nói: "Thuế là cái giá ta phải trả cho một xã hội văn minh”. Tiền thuế của dân hoàn toàn không phải để trả cho giới cai trị bóc lột, hoặc để bảo vệ cho một chế độ xã hội bất công.
Mới đây, ông Nguyễn Công Khế, một đảng viên cộng sản, một nhà báo kỳ cựu đã cho rằng từ 50 đến 70% tiền ngân sách nhà nước chảy vào túi quan tham.
Khẩu hiệu “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” trong chế độ một đảng thực tế là: Đảng Cộng sản tự biến Đảng thành Nhà nước, biến tài sản Nhà nước thành tài sản của Đảng, biến người dân thành nô lệ chỉ biết phục tùng nhẫn nhục đóng thuế, phí để nuôi bộ máy cai trị.
Tiếng nói thanh niên
Trước sự bất công xã hội tột cùng này, nếu thanh niên Việt Nam không lên tiếng thì ngay từ bây giờ và trong tương lai, họ sẽ phải è cổ ra làm việc để trả nợ giùm cho giới lãnh đạo Đảng Cộng sản. Thậm chí chưa chắc đã có việc để làm do doanh nghiệp cũng phá sản nhiều vì chi phí kinh doanh, thuế, phí, tiền bôi trơn quá cao. Theo thống kê, mỗi năm trung bình có từ 60 đến 70 ngàn công ty phá sản.
Cùng nhau công khai yêu cầu minh bạch ngân sách là bước đầu tiên, sau đó cần cùng nhau yêu cầu hệ thống Đảng Cộng sản và Mặt trận Tổ quốc chấm dứt chuyện ăn bám vào ngân sách Nhà nước. Lãnh đạo Đảng Cộng sản hay Mặt trận cần sống bằng tiền đảng viên hay hội viên đóng góp chứ không được lấy tiền thuế của toàn dân.
Nếu muốn lãnh đạo quốc gia, ăn lương Nhà nước - tiền thuế của dân, lãnh đạo Đảng Cộng sản cần ra ứng cử vào các chức vụ trong chính quyền qua bầu cử tự do và công bằng. Xét cho cùng, một Chính phủ không do dân bầu, không chính danh, thì không bao giờ là một Chính phủ hợp pháp, có trách nhiệm.
Gần 90 năm trước, năm 1927, nhà thơ Tản Đà đã cảm thán chỉ ra mối quan hệ giữa dân trí và tham nhũng:
“Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm quan”.
Mỗi thanh niên Việt Nam chúng ta cần tự vấn lại mình: nếu cụ Tản Đà sống lại, cụ sẽ viết gì về chúng ta?
N.T.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.