NHỮNG TIẾNG VỖ TAY CẢM ĐỘNG
bauxitevnMon 4:34 AM
Trần Kỳ Trung
Đại hội nhà văn khu vực miền Trung và Tây Nguyên khai mạc vào sáng ngày 7/5/2015.
Trước giờ khai mạc, trong đại hội lan truyền bài viết của nhà văn Ngô Thị Kim Cúc viết về việc 9 nhà văn đã tham gia Ban vận động Văn Đoàn Độc Lập (VĐĐL) bị gạch tên không được dự đại hội nhà văn toàn quốc tại Hà Nội. (Xin xem bài sau: Khi các nhà văn tự biếm họa chân dung. BVN)
Tiếp đến trong phần góp ý kiến của các đại biểu, nhà thơ – dịch giả người dân tộc T.L.C. và nhà văn K.V. lên án rất gay gắt của cái gọi là một “tổ chức” đối nghịch lại với HNV Việt Nam được gọi là VĐĐL. Thậm chí nhà thơ – dịch giả T.L.C. phê bình cả BCH Hội Nhà Văn Việt Nam: “Tại sao trong bản báo cáo của BCH viết, đa số các đồng chí ủy viên BCH không tán thành việc tổ chức thành lập VĐĐL, mà không viết một trăm phần trăm không tán thành. Viết như vậy nghĩa là trong BCH Hội Nhà văn Việt Nam có đồng chí tán thành việc thành lập VĐĐL. Cần xem lại việc này…”.
Là người tham gia Ban vận động VĐĐL ngay từ buổi đầu tiên, tôi nhận thấy rằng, trong HNV Việt Nam, nhiều hội viên đã hiểu sai tôn chỉ, mục đích của ban vận động thành lập VĐĐL, hơn nữa, nhiều sự việc “bé xé ra to”, không đúng bản chất, buộc tôi phải có ý kiến.
Đầu tiên tôi chủ động xin rút tên ra khỏi danh sách bầu đại biểu đi dự đại hội toàn quốc vì tôi biết, với chuyện là thành viên trong ban vận động thành lập VĐĐL, sẽ có ý kiến chỉ đạo không bầu cho tôi (giả sử như tôi có nhiều hội viên ủng hộ) vì đại hội ở thành phố Hồ Chí Minh nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Đỗ Trung Quân, Nguyễn Duy, Ngô Thị Kim Cúc, vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Thân – Dạ Ngân… còn bị buộc phải ở nhà, huống hồ là tôi, một anh viết văn quèn. Khi nghe đề nghị của tôi vào lúc cuối buổi sáng, đã có nhiều ánh mắt ngỡ ngàng, cả hội trường lặng đi một lúc. Tôi hiểu, có nhiều người không ngờ trong đại hội này vẫn có nhà văn tham gia ban vận động VĐĐL. Điều này cũng có nghĩa, cho đến giờ phút hiện tại, nhiều nhà văn trong HNV Việt Nam chỉ nghe “láng máng” có “tổ chức” này chứ họ không biết ai là người trong ban vận động thành lập VĐĐL. (Buồn cười, mặc dù đã xin rút tên ra khỏi danh sách được bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên, đến buổi chiều kiểm phiếu, tôi vẫn được… 2 phiếu bầu!!!).
Trong phiên họp buổi chiều, tôi chủ động xin lên diễn đàn phát biểu, hoàn toàn nói vo, suy nghĩ sao, nói vậy. Đoàn chủ tịch gồm nhà thơ Văn Công Hùng, nhà văn Đình Kính, nhà văn Trung Trung Đỉnh và phía dưới ngồi ở hàng ghế thứ nhất, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch HNV Việt Nam hoan nghênh và cho phép tôi trình bày.
Đầu tiên tôi trình bày nguyên nhân vì sao tôi gia nhập ban vận động VĐĐL. Tôi đã đính chính lại cách hiểu sai của nhiều người về ban vận động VĐĐL. Ở đây cần rạch ròi, ban vận động VĐĐL chưa phải là một tổ chức, một hội đúng nghĩa, càng không phải một tổ chức đối lập với HNV Việt Nam như một số người tuyên truyền. Ban vận động thành lập VĐĐL chưa có cương lĩnh, điều lệ, văn phòng, không nhận sự tài trợ của bất cứ tổ chức nào, hoạt động mới giới hạn phạm vi hẹp dựa trên sự tình nguyện của một số nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nghiên cứu… đồng chí hướng muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, đoàn kết, lành mạnh cùng Hội Nhà Việt Nam tạo ra bước chuyển biến mới cho nền văn học Việt Nam, tiến kịp dòng chảy thời đại (cho dù bây giờ không ít người xin vào, nhưng Ban vận động vẫn không nhận). Nên thế, nhiều nhà văn Việt Nam tham gia ban vận động thành lập VĐĐL vẫn là hội viên HNV Việt Nam và gần như giữa anh chị em Hội viên HNV Việt Nam với các nhà văn, nhà thơ tham gia ban vận động thành lập VĐĐL quan hệ rất thân thiết, không hề có sự đối nghịch hay mâu thuẫn.
Hiểu như trên nên tôi gia nhập Ban vận động thành lập VĐĐL với động cơ hoàn toàn vô tư, trong sáng vì thấy sẽ có một “sân chơi” mới để “trình làng” với thiên hạ những tác phẩm văn học của mình mà bên báo, sách của “lề phải” có thể không in vì sự “định hướng”. Và sự thật, một số truyện ngắn của tôi đăng trên trang báo mạng của ban động thành lập VĐĐL http://vandoanviet.blogspot.com đã nhận được nhiều lời góp ý chân thành của bạn đọc trong và ngoài nước. Cũng phải nói thật, sau này khi tôi đọc một số bài báo với nội dung “đao to, búa lớn” phê phán ban vận động thành lập VĐĐL tôi hơi hoang mang, vì thấy nội dung đó hoàn toàn truy chụp, chưa nói là bịa đặt, không đúng sự việc mà mình đã biết, đã tham gia. Nhưng tôi lại nghĩ, động cơ mình tham gia vào ban vận động thành lập VĐĐL là rõ ràng, minh bạch thì không việc gì phải “giật mình”. Hơn một năm tham gia ban vận động VĐĐL, nếu nói “hoạt động” của tôi điều gì tích cực nhất, tôi sẽ trả lời đó là sáng tác và quan tâm đến thời cuộc hơn. Hai điều này quan hệ qua lại, bổ sung cho nhau, rất cần thiết với một nhà văn. Tôi cũng nghĩ, điều này chắc chắn cũng trùng hợp với yêu cầu của một nhà văn là Hội viên HNV Việt Nam. Cũng trong hơn một năm qua, có thể nói hoạt động nổi bật nhất của Ban vận động thành lập VĐĐL là tạo ra đội ngũ sáng tác đông đảo hơn, đa dạng hơn về nội dung, đặc biệt thông qua những bài viết của một số nhà văn, nhà thơ trong nước, cũng như mạnh dạn giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu của một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài trên trang http://vandoanviet.blogspot.com. Ban vận động thành lập VĐĐL đã giúp nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam đang sinh sống ở hải ngoại hiểu đúng tình hình xã hội Việt Nam, đặc biệt là tình hình văn học, có mối đồng cảm, liên kết dựa trên tính nhân bản giữa các nhà văn Việt Nam, cho dù họ ở bất cứ phương trời nào. Hàn gắn những hiểu lầm, những bất hòa, chung tay góp phần để hòa hợp, đoàn kết dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hưng thịnh. Những nội dung đó, tôi cho rằng đều thống nhất với tôn chỉ, mục đích của HNV Việt Nam. Rõ ràng nhất, trong điều lệ sửa đổi (dự thảo) của HNV Việt Nam trình ra đại hội sắp tới có đề cập đến việc tạo điều kiện thuận lợi kết nạp nhà văn, nhà thơ Việt Nam đang sống ở hải ngoại thành hội viên HNV Việt Nam khi họ đủ điều kiện mà HNV Việt Nam yêu cầu. Điều đúng đắn này cho tôi nghĩ rằng, những hoạt động, những tiếng nói của một số nhà văn, nhà thơ trong ban vận động thành lập VĐĐL đã được Ban chấp hành HNV Việt Nam lắng nghe.
Còn nói về trang mạng http://vandoanviet.blogspot.com, trong hơn năm qua trang mạng này hoạt động ngày càng hiệu quả, có tác dụng tích cực phổ biến các tác phẩm văn học Việt Nam không chỉ ở phạm vi trong nước mà đến với cả cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, với mục đích thuần túy phổ biến những tác phẩm văn học hay, nổi bật, có chất lượng của nền văn học Việt Nam, đã có sự chọn lọc kỹ càng, có bản lĩnh của những người làm biên tập. Nhưng trên thực tế, nó vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Hiện nay lượng bạn đọc truy cập trang mạng đông, tuy không phải là nhất trong các trang mạng Việt Nam, đó cũng là điều dễ hiểu.
Trong bài phát biểu của mình, tôi cũng đề cập đến việc Ban vận động VĐĐL in hai tập sách. Đây là những tác phẩm in trên trang mạng http://vandoanviet.blogspot.com. Nhiều tác phẩm trong đó từng được in trên báo giấy trong nước, hoặc trên báo mạng chính thống, nay tập hợp lại in thành quyển, nhân kỷ niệm một năm thành lập Ban vận động thành lập VĐĐL. Tôi và một số nhà văn, nhà thơ trong Ban vận động VĐĐL cũng hiểu rằng việc xin giấy phép để xuất bản là khó, trong khi dư luận, nhất là dư luận trong nước, vì thiếu thông tin nên chưa hiểu đúng, các cấp có chức năng lại không cho phép trình bày, đối thoại. Vì vậy chúng tôi tự góp tiền, in sách theo kiểu “lưu hành nội bộ” trong phạm vi hẹp, những nhà văn có tác phẩm in trong tập sách này. Việc này tôi cũng thấy bình thường ở nước ta, miễn là tác phẩm đó không kích động bao lực, kêu gọi lật đổ chế độ, chống đảng, nhà nước, tuyên truyền mê tín dị đoan… Sách in ra, có một số nơi muốn phát hành, chúng tôi cảm ơn, nhưng không đồng ý.
Sự việc chỉ đơn giản như vậy, tôi muốn nói lại cho rõ.
Kết luận bài phát biểu của mình, với tư cách hoàn toàn cá nhân, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, trong quá khứ, chúng ta đã có bài học đau đớn về vụ “Nhân văn Giai phẩm”. Một số nhà văn, nhà thơ chân chính, có tài, có đức, thành tâm với dân tộc, với vận mệnh đất nước, chỉ muốn nói lên tiếng nói của mình mà chịu nhiều nỗi oan khiên. Không lẽ bây giờ, giữa thời đại văn minh này, một nhà nước tự nhận vì dân, do dân bầu ra lại giẫm lại sai lầm đó.
Tôi cũng tin rằng, Hội Nhà văn Việt Nam tập hợp những nhà văn, nhà thơ đều là những đồng nghiệp thân thiết của chúng tôi. Những nhà văn, nhà thơ này không bao giờ muốn sai lầm đó xảy ra một lần nữa với những đồng nghiệp của mình.
Thương nhau không hết nỡ nào giận nhau.
Kết thúc bài phát biểu của mình, tôi nhận được nhiều tràng vỗ tay ủng hộ của các đại biểu dự đại hội.
Những tiếng vỗ tay làm cho tôi cảm động.
Trong bữa cơm thân mật do thành ủy Đà Nẵng mời chiều ngày 7/5/2015, khi tôi ngồi cạnh nhà văn nữ Thùy Mai (Huế) thì nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch HNV Việt Nam cầm cốc bia đi đến và nói: “Trung! Anh mời em!”.
Tôi cảm ơn và chạm cốc với nhà thơ.
T.K.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.