Xét xử vụ công an dùng nhục hình ở Phú Yên: “Dùng nhục hình” hay “giết người“?
Các bị cáo đều xin giảm án và xin lỗi người nhà nạn nhân. Ảnh: L.P
Ngày 13.4, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ công an dùng nhục hình dẫn đến chết người xảy ra tại thành phố Tuy Hòa.
Viện nói “dùng nhục hình”, luật sư bảo “giết người”
Sau phần tranh luận của luật sư Nguyễn Văn Thắng và đại diện Viện kiểm sát, cơ quan giám định pháp y vào buổi sáng, luật sư Võ An Đôn có phần tranh luận tại tòa. Đáng chú ý là tranh luận về tội danh “dùng nhục hình” hay "giết người" giữa luật sư Đôn và Viện kiểm sát.
Luật sư Võ An Đôn kể lại vụ án “dùng nhục hình” mà ông là người bảo vệ cho bị hại. Theo luật sư, nạn nhân Ngô Thanh Kiều chết đi để lại vợ góa và 2 con thơ, sự kiện đã gây bức xúc trong dư luận trong và ngoài nước.
Luật sư Võ An Đôn - cho biết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã quan tâm đến và yêu cầu xử đúng quy định của pháp luật.
Về tội danh “dùng nhục hình” - luật sư Đôn phản bác cáo trạng của Viện kiểm sát tối cao. Luật sư lập luận: Nạn nhân Ngô Thanh Kiều là một người bình thường, không phải đối tượng bị tạm giam, tạm giữ nên không phải là khách thể của tội “dùng nhục hình” theo điều 298 BLHS.
Luật sư Đôn - cho rằng, các bị cáo nhận thức được hành vi dùi cui đánh vào đầu nạn nhân có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn đánh nên đã phạm vào “tội giết người”.
Luật sư Đôn cho rằng các bị cáo phạm tội "giết người". Ảnh: L.P
Đáp lại lập luận này, đại diện VKS cho rằng ban chuyên án đã xác định Kiều là đối tượng trộm cắp, dù có dấu hiệu bắt người trái pháp luật nhưng ban chuyên án đưa Kiều về để làm rõ hành vi phạm tội, không có mục đích đánh chết. VKS khẳng định cáo trạng của VKS tối cao truy tố về tội “dùng nhục hình” là đúng và không có căn cứ để truy tố tội “giết người”.
Khi luật sư Đôn đặt câu hỏi: "Nghị quyết 29.11.1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quy định, nếu dùng nhục hình dẫn đến chết người thì truy tố theo tội giết người, xin đại diện VKS cho biết nghị quyết này còn hiệu lực hay không?" thì đại diện VKS trả lời là nghị quyết này “cách đây lâu lắc rồi”.
Liên quan đến vấn đề tội danh, bà Ngô Thị Tuyết - chị ruột nạn nhân Ngô Thanh Kiều - cũng đề nghị truy tố tội “giết người” với các bị cáo. Bà Tuyết khẳng định một lần nữa rằng em bà không có tội trộm cắp khi bản án chưa có hiệu lực.
Nhưng đại diện VKS cho rằng kết luận vụ án trộm cắp đã khẳng định rất rõ ràng, Trần Minh Cường, Ngô Thanh Sơn cũng khai Kiều có tham gia trộm cắp. Bà Tuyết phản bác rằng em bà đã chết mà một người đã chết không thể đứng trước tòa để bào chữa thì có thể có tội hay không?
Người nhà nạn nhân liên tục đặt nghi vấn về kết quả giám định pháp y. Ảnh: L.P
Ngoài ra, luật sư Đôn còn cho rằng bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành là người sinh ra từ một vùng quê nghèo, có chức vụ thấp nhất nhưng lại chịu hình phạt cao nhất, phải chăng có âm mưu "thí tốt". VKS cho rằng đây là suy diễn không có căn cứ.
Liên quan đến vấn đề tội danh, luật sư Nguyễn Văn Thắng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành đề nghị tòa khởi tố các bị cáo theo tội "cố ý gây thương tích". Nhưng đại diện VKS nói rằng việc này là "kì lạ" và "thêm tội" cho bị cáo, vì luật sư Thắng bảo vệ cho bị cáo chứ không phải bị hại.
Luật sư đề nghị khởi tố hàng loạt tội danh
Ngoài đề nghị thay đổi tội “dùng nhục hình” sang “giết người” - luật sư Võ An Đôn cũng đề nghị khởi tố hàng loạt tội danh khác.
Luật sư Võ An Đôn đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn - Phó Trưởng công an thành phố Tuy Hòa, người chỉ đạo chuyên án trộm cắp 312T về tội “bắt người trái pháp luật”. Viện kiểm sát bác bỏ vì cho rằng không có bằng chứng, còn luật sư Đôn thì cho rằng lời khai của các nhân chứng có thể hiện điều này.
Luật sư Đôn cho rằng cáo trạng của VKS truy tố tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” với ông Lê Đức Hoàn là còn thiếu sót, ngoài ra còn các thành viên khác của ban chuyên án. Ngoài ra, ông Phạm Tấn Hạnh - nguyên Trưởng Công an TP.Tuy Hòa và ông Phạm Văn Hóa - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên cũng có trách nhiệm nhưng 2 ông này đã về hưu. VKS bác bỏ vì cho rằng chỉ có ông Lê Đức Hoàn chỉ đạo chuyên án này.
Luật sư Đôn đề nghị khởi tố ông Lê Minh Chánh - Viện trưởng VKSND TP.Tuy Hòa theo điều 294 BLHS vì không khởi tố người có tội là ông Lê Đức Hoàn. VKS cho rằng ông Lê Minh Chánh không xử lý vụ án này một mình, trong giai đoạn tố tụng đã thấy có dấu hiệu của tội bắt người trái pháp luật nhưng sau khi xem xét mức độ thì không khởi tố, nhưng ông Lê Đức Hoàn đã bị xử lý kỷ luật ở cơ quan.
Liên quan đến vụ án này, gia đình nạn nhân và các luật sư liên tục đặt nghi vấn về các vết thương mà người nhà cho là do roi điện trong khi cơ quan giám định khẳng định là những xây xát cũ đã đóng vẩy; vì sao mẫu mô tinh hoàn của nạn nhân lại bị hoại tử, trong khi đó đại diện cơ quan giám định khẳng định đã làm đúng quy trình. Ngoài ra, người nhà nạn nhân còn đặt nghi vấn về những vết thương khác.
Luật sư Thắng đề nghị khởi tố các bị cáo theo tội "cố ý gây thương tích" theo điều 104 BLHS. Ảnh: L.P
Luật sư Nguyễn Văn Thắng đề nghị làm rõ cơ chế tụ máu bán cầu đại não, theo ông đây là mấu chốt để giải quyết vụ án. Nhưng đại diện VKS và cả cơ quan pháp y đều khẳng định nguyên nhân cái chết là do chấn thương sọ não, mà theo kết luận điều tra là do bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành - thân chủ của luật sư Thắng gây ra.
Tại tòa, tất cả các bị cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt và xin lỗi người nhà nạn nhân. Cuối phiên tòa, bị cáo Đỗ Như Huy tỏ ra rất ăn năn và mong tòa xem xét vì hành vi của bị cáo chỉ vì nhiệm vụ.
Bị cáo Đỗ Như Huy - từng bị tòa sơ thẩm lần 1 tuyên 1 năm tù nhưng cho hưởng án tù treo - cho rằng bản thân bị truy tố theo khoản 3 điều 298 là quá nặng vì Huy chỉ đánh vào đùi và hành vi của bị cáo đã kết thúc lúc Kiều còn khỏe mạnh, hành vi của bị cáo là độc lập, không có sự tiếp nhận ý chí của bị cáo khác.
Nhưng VKS khẳng định các bị cáo đều đánh bằng chiếc dùi cui đặt trên bàn, cho thấy sự tiếp nhận ý chí giữa các bị cáo.
Dự kiến, ngày 15.4 tòa tuyên án.
Tóm tắt vụ án
Vụ án “dùng nhục hình” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên liên quan đến chuyên án trộm cắp 312T do ông Lê Đức Hoàn - Phó Trưởng công an thành phố Tuy Hòa làm trưởng ban.
Nạn nhân Ngô Thanh Kiều được cho là đã tham gia cùng Trần Minh Cường, Ngô Thanh Sơn thực hiện tổng cộng 11 vụ trộm tài sản ở Phú Yên và Gia Lai với tổng trị giá 887 triệu đồng, trong đó Kiều tham gia 7 vụ.
Theo hồ sơ vụ án, công an mời Ngô Thanh Kiều làm việc vào sáng ngày 13.5.2012 nhưng lúc 3h sáng đã vào nhà riêng bắt Kiều về trụ sở công an xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, sau đó đưa Kiều về trụ sở công an thành phố Tuy Hòa để lấy lời khai.
Tại đây, công an thành phố Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên đã “dùng nhục hình” dẫn tới cái chết của Ngô Thanh Kiều.
Tại bản án hình sự sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) đã tuyên án các bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành 5 năm tù giam, Nguyễn Minh Quyền 2 năm tù giam, Phạm Ngọc Mẫn 1 năm 6 tháng tù giam, Nguyễn Tấn Quang 1 năm 3 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Đỗ Như Huy 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo, cùng về tội "dùng nhục hình" đối với nghi phạm, gây hậu quả chết người theo Khoản 1 và Khoản 3 - Điều 298 Bộ luật hình sự.
Sau phiên tòa sơ thẩm kết thúc vào ngày 3.4.2014, nhiều cơ quan truyền thông đã nêu vấn đề về mức án tòa tuyên dành cho các bị cáo là chưa hợp lý.
Sau khi xem xét, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có ý kiến yêu cầu Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 10.4.2014, ông Nguyễn Văn Thân, cha bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành gửi đơn kháng cáo kêu oan.
Ngày 9.7.2014, tại phiên tòa phúc phẩm, TAND tỉnh Phú Yên tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại từ đầu.
Ngày 24.10.2014, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tống đạt Kết luận điều tra số 17/VKSTC-C6 (P4) ngày 23.10.2014, khởi tố ông Lê Đức Hoàn về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, 5 bị cáo còn lại về tội “Dùng nhục hình” theo Khoản 3 điều 298 Bộ luật Hình sự.