Trích: "Nhờ các dân biểu và nghị sĩ Canada đã lắng nghe lương tâm và lẽ phải, Dự luật S-219 đã chính thức thành đạo luật “Hành Trình Tìm Tự Do,” có giá trị tích cực với 35 triệu dân Canada, và tất cả mọi con người yêu tự do trên thế giới. Chúng ta tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư bằng những nỗ lực cùng tất cả mọi người Việt Nam tranh đấu đòi dân chủ, cuộc Hành Trình Tìm Tự Do cho dân tộc sẽ tiến nhanh hơn."
~*~
NGÀY MẤT TỰ DO CŨNG LÀ NGÀY TÌM TỰ DO
Ngô Nhân Dụng -- Quốc Hội Canada đã thông qua dự luật (Bill S-219) quy định ngày 30 Tháng Tư mỗi năm là ngày “Tìm Tự Do” (Journey to Freedom), và đạo luật đã được ban hành một tuần trước ngày kỷ niệm 40 năm dân miền Nam bị Cộng Sản cướp mất tự do.
Năm ngoái, Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải đề nghị dự luật này với tên là “Ngày Tháng Tư Ðen” (Black April Day). Khi thảo luận tại Thượng Viện, nhiều nghị sĩ đề nghị đổi tên để mang một ý nghĩa tích cực hơn và dễ được người Canada thuộc các sắc dân khác ủng hộ; do đó đề nghị đổi tên thành luật Hành Trình Tìm Tự Do. Nhiều người Việt không thỏa mãn với tên gọi không phản ảnh nỗi đau buồn và uất hận vì mất tự do. Nhưng đổi tên là một thỏa hiệp khôn ngoan để đạt mục đích muốn cả nước Canada ghi nhận phong trào vượt biển tị nạn của người Việt sau ngày 30 Tháng Tư 1975 là một biểu tượng cho khát vọng tự do của con người. Chưa một sắc dân nào ở Canada được Quốc Hội đối xử đặc biệt như vậy.
Tại các nước khác, do yêu cầu của các công dân người Việt tị nạn, nhiều thành phố hoặc tiểu bang đã biểu quyết về ngày 30 Tháng Tư, hoặc đã ghi nhận giá trị biểu tượng của lá cờ vàng ba sọc đỏ. Tại các nơi đó nhiều cử tri gốc Việt tham dự trong các cuộc bầu cử. Canada là nước đầu tiên ban hành một đạo luật hiệu lực trên toàn quốc, ghi nhớ ngày 30 Tháng Tư tượng trưng cho khát vọng tự do của loài người, dù các công dân gốc Việt chiếm khoảng 1% dân số. Người Việt ở các nước khác có thể nêu trường hợp Canada như một tiền lệ khi yêu cầu các đại biểu quốc hội noi theo gương Canada.
Cho nên việc ban hành đạo luật Hành Trình Tìm Tự Do là một thắng lợi của người Việt tị nạn khắp thế giới, không riêng ở Canada. Thắng lợi này càng nổi bật lên vì chính quyền Cộng Sản đã phản đối và ngăn cản bằng nhiều cách trước khi dự luật được đem ra thảo luận. Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh đã gửi thư cho Bộ Ngoại Giao Canada yêu cầu Quốc Hội không thảo luận bản dự luật S-219. Nguyễn Tấn Dũng chính thức gửi thư phản đối với Thủ Tướng Stephen Harper, còn đe dọa rằng dự luật này có thể làm phương hại quyền lợi thương mại và đầu tư của Canada ở Việt Nam.
Những lời phản đối này được báo chí loan tải, các công dân Canada biết tin và theo dõi. Vì thế việc hai viện Quốc Hội Canada lần lượt biểu quyết chấp thuận bản dự luật ghi nhận ngày 30 Tháng Tư càng có ý nghĩa mạnh hơn! Một luật sư người Việt tại Canada, ông Vũ Ðức Khanh nhận xét: “Tôi nghĩ Hà Nội đang làm trò hề vì họ không hiểu luật chơi, không biết ở một nước dân chủ như Canada vận động ai.” Ở một nước tự do dân chủ ông thủ tướng không thể ra lệnh cho quốc hội như một nước độc tài đảng trị. Dù Nghị Sĩ
Ngô Thanh Hải thuộc cùng đảng với Thủ Tướng Harper nhưng trong Quốc Hội còn hai đảng lớn khác. Ðối với các vấn đề có tính cách nhân bản và lịch sử vượt trên các quyền lợi phe phái, các đại biểu chỉ bỏ phiếu theo lương tâm. Bộ Trưởng Jason Kenney, phụ trách đa văn hóa nói ông ủng hộ dự luật bởi đó là cách ghi nhớ thành tích của 60 ngàn người Việt “đã dám đánh đổi mạng sống để đi tìm tự do, và đã tìm được tự do tại Canada.”
Nhiều công dân Canada gốc Việt đã điều trần trước Quốc Hội giải thích lý do tại sao nên ghi nhận ngày 30 Tháng Tư như một ngày tưởng niệm hàng năm. Ông Lê Duy Cấn, từng là hội trưởng Liên Hội Người Việt ở Canada nhiều năm và đề xướng lập Tượng Ðài Thuyền Nhân ở thủ đô Ottawa. Ông Cấn giải thích: Sau khi Việt Cộng chiếm miền Nam, bỏ tù mấy trăm ngàn người và đầy ải những người khác lên các “vùng kinh tế mới” dân miền Nam quyết định phải chạy thoát chế độ cộng sản; một nhà báo Pháp đã nhận xét: Nếu cái cột đèn biết đi nó cũng chạy. Ðặc biệt, các người Việt gốc Hoa bị tống xuất ra biển, sống chết không cần biết. Ông nhắc tới thảm cảnh của các thuyền nhân vào năm 1978, 79 khi các nước Ðông Nam Á không chấp nhận cho họ cập bến. Tình trạng này gây xúc động cho mọi người dân Canada.
Ông Cấn kể lại, lúc đó chủ tịch Công Ðoàn Canada là ông Dennis McDermott đã nói, “Rõ ràng là vấn đề thuyền nhân Việt Nam đã lớn lên thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo của cả thế giới. Các phản ứng duy nhất là phải hành động quyết liệt ngay lập tức. Một phong trào phát xuất từ phía người dân đã kêu gọi hành động, riêng tại thủ đô Ottawa đã có 3,000 người biểu tình thỉnh nguyện; trong một tháng có 347 nhóm đứng ra bảo trợ. Thị trưởng Ottawa lập “Dự án 4,000” để tiếp nhận bốn ngàn người tị nạn. Giáo Sư Howard Adelman ở Toronto đã sáng lập “Chiến Dịch Cứu Nạn” (Operation Lifeline). Trước làn sóng nhân đạo đó, Thủ Tướng Joe Clark quyết định nhận 50,000 người tị nạn, sau tăng lên 60,000.
Một phụ nữ Việt Nam ở Quebec, cô Anne Quách Minh-Thu đã điều trần về chuyến vượt biển tìm tự do của gia đình cô, với hai đứa con mới hai, ba tuổi. Cô nói: “Hôm nay tôi được đứng nói ở Quốc Hội này là vì cha mẹ tôi đã trốn thoát và được tị nạn ở Canada, bắt đầu một cuộc đời mới trong hòa bình, tự lực lao động để sống còn. Tôi sinh ra và lớn lên ở Canada vì lòng can trường của cha mẹ tôi và vì lòng hào hiệp của dân Canada, để hôm nay tôi được tham dự vào cuộc sống dân chủ của xứ sở này.”
Sứ quán Việt Cộng cũng tìm được người ủng hộ họ ra điều trần trước Quốc Hội. Mai Thu ở Ottawa đã phê bình rằng nước Canada có bao nhiêu nhóm người tị nạn từ khắp thế giới đến, không nên chọn một ngày riêng cho dân Việt Nam. Ông còn nghi ngờ dự luật này có thể gây chia rẽ vì chỉ có một nửa trong số 220,000 người Việt ở Canada là dân tị nạn, những người khác thì không chống chính quyền hiện nay. Giáo Sư Nguyễn Duy Vinh ở Ottawa đã phản bác, nói rằng 90% những người “không tị nạn” là những thân nhân đã được người tị nạn bảo trợ. Mai Thu cũng biện hộ rằng chính quyền Việt Nam hiện nay không còn là Cộng Sản nữa mà theo kinh tế tư bản với khuynh hướng xã hội; nhưng ông Vinh đã vạch rõ chế độ độc tài tàn bạo hiện nay vẫn còn, mà điều số 4 trong Hiến Pháp vẫn cho đảng Cộng Sản Việt Nam toàn quyền chuyên chế.
Trong bài điều trần của ông Lê Duy Cấn tại Quốc Hội Canada, ông kết luận rằng việc đưa tay đón nhận người Việt tị nạn là một chương sách sáng chói trong lịch sử Canada. Nó cho thấy tấm lòng từ bi và hào hiệp của dân tộc Canada trước những thảm cảnh của loài người khắp thế giới, trong đó có những người chạy trốn khỏi ách độc tài tàn bạo. Chương sách chói lọi này đáng được vinh danh, ghi vào lịch sử, bằng dự luật S-219.
Nhờ các cuộc điều trần trước Quốc Hội Canada, các đại biểu được nhắc nhở tới thảm cảnh của các thuyền nhân chạy trốn Cộng Sản. Một điều không ai muốn nhắc tới vì nó quá bỉ ổi, là dã tâm của đảng cộng sản Việt Nam lợi dụng cả phong trào chạy trốn chế độ tàn ác của họ để trục lợi. Vào những năm 1978, 79, cả thế giới xúc động trước làn sóng người Việt tị nạn; trong khi đó các lãnh tụ và cán bộ cộng sản đã nhân cơ hội kiếm tiền, bằng cách bán chứng chỉ công nhận là Hoa kiều, và tiền “bán bến.” Một cán bộ cấp tỉnh kiếm nhiều tiền nhất chính là Nguyễn Tấn Dũng. Thái độ tính toán lạnh lùng của Việt Cộng không qua mắt được những quan sát viên ở ngoài, như Lý Quang Diệu.
Tháng Năm năm 1979, một chiếc Anh quốc là Roach Bank cứu nhiều người tị nạn, nhưng tới Ðài Loan thì bị đó từ chối không cho lên bờ. Bà Margaret Thatcher, thủ tướng Anh đã viết thư nhờ ông Lý Quang Diệu ở Singapore can thiệp giúp, để chiếc tàu này không phải qua Hồng Kông, thuộc địa của Anh. Các nước cứ đổ lẫn cho nhau xem nước nào có bổn phận đón nhận người Việt tị nạn, ông Lý Quang Diệu đã viết trong thư trả lời: “Tôi tin rằng những tin tức về vấn đề người tị nạn qua truyền thông và qua phát ngôn viên các chính phủ phương Tây chỉ làm lợi cho chính quyền Việt Nam.” Cho nên, ông đề nghị: “Các nước này... nên tập trung vào việc vạch trần tính bỉ ổi của chính quyền Việt Nam. Phải nói, phải nhắc đi nhắc lại cho nhân dân và các nhà lãnh đạo toàn thế giới biết rằng chính quyền nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chính là những kẻ tích cực thúc đẩy cuộc di tản ồ ạt này, gây thiệt hại nặng cho các nước Ðông Nam Á.”
Nội dung bức thư này đã được nhà văn Phạm Thị Hoài dịch và công bố trên mạng. Ông Lý Quang Diệu nói với bà Thatcher rằng, “Chúng ta phải đẩy họ vào thế thủ. Các người lãnh đạo Việt Nam không phải là những thằng điên... Họ có đầu óc lạnh lùng tính toán, không hề động lòng trắc ẩn với chính đồng bào của họ, nhưng làm con tính so sánh chi phí với lời lãi thì rất nhanh. Chỉ có nguy cơ bị cộng đồng quốc tế ruồng bỏ mới khiến họ phải suy xét lại đường lối hiện tại. Từ giờ đến lúc đó, họ sẽ còn tung ra hàng ngàn người tị nạn mỗi tuần.”
Những con người “bỉ ổi, lạnh lùng, chỉ tính toán lời lỗ” sau đó quả nhiên đã “bị cộng đồng quốc tế ruồng bỏ.” Cho đến khi đất nước cùng kiệt và chế độ sắp tan rã vì cả khối cộng sản ở Châu Âu sụp đổ, họ mới thay đổi. Giờ này họ vẫn còn ngự trị trên quê hương chúng ta. Vì vậy, mỗi năm đến ngày 30 Tháng Tư người Việt Nam vẫn thấy là một ngày tang tóc. Nhưng từ năm nay, ngày 30 Tháng Tư còn có thể mang thêm một ý nghĩa mới: Ngày quyết tâm xây dựng tự do dân chủ.
Nhờ các dân biểu và nghị sĩ Canada đã lắng nghe lương tâm và lẽ phải, Dự luật S-219 đã chính thức thành đạo luật “Hành Trình Tìm Tự Do,” có giá trị tích cực với 35 triệu dân Canada, và tất cả mọi con người yêu tự do trên thế giới. Chúng ta tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư bằng những nỗ lực cùng tất cả mọi người Việt Nam tranh đấu đòi dân chủ, cuộc Hành Trình Tìm Tự Do cho dân tộc sẽ tiến nhanh hơn.
Ngô Nhân Dụng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.