Bài thi viết 'Cộng sản và Tôi': Hồi ký đau thương
noreply@blogger.com (Danlambao 2012)1:46 AM
Người Sài Gòn (Danlambao) - Đã 40 năm oằn mình trong đau thương uất hận rồi, cuộc sống đọa đầy này sẽ còn kéo dài đến bao giờ hỡi trời? Dân tôi đã làm gì nên tội, mà phải sống lầm than trong một chế độ chuyên cầm tù và giết hại người dân lành, chưa kể chúng còn bán cả đất nước của chúng tôi, biến chúng tôi thành kẻ bị nô lệ, bị lưu đầy trên chính quê hương của mình! Nhà Việt Nam yêu dấu ơi! Bao giờ thanh bình?! Bao giờ thì bọn quỷ đỏ thu gom liềm hái của chúng rút về địa ngục, để dân Việt được sống tự do dân chủ và bình an?
*
Bốn mươi năm qua, cứ mỗi lần 30 tháng tư về, lòng tôi lại bồn chồn, u uất! Tôi thường ngồi riêng một mình để hồi tưởng về một kỷ niệm đau thương nhất trong đời mà tôi đã trải qua! Hình ảnh những ngày đen tối ấy ám ảnh trong tôi không rời, những đoạn phim ngày sụp đổ của miền Nam tự do tuần tự quay trở lại, và nước mắt tôi cứ chảy dài! Dù đã 40 năm qua, dư thời gian cho CS và những kẻ tự xưng là chiến thắng nhìn ra sự thật về sự ngược ngạo, sự lừa đảo đê tiện trong cách tuyên truyền bỉ ổi của họ về một cuộc chiến thắng và thống nhất đất nước, trong khi thực ra chỉ là một cuộc đi ăn cướp, phá tan một nền tự do dân chủ, đẩy đưa toàn dân VN vào một nhà tù khổng lồ, một cãi cũi sắt có tên là CHXHCNVN! Cuộc cướp phá này đã làm tan hoang đất nước nói chung, và miền Nam nói riêng, xô đổ một công trình tự do dân chủ, một tòa nhà sáng ngời văn minh và nhân bản của người miền Nam đã chung sức xây dựng, để biến nó thành một miền đất nghèo nàn mạt rệp, nhục nhã vì còn kém thua hơn cả những nước láng giềng ở vùng Đông Nam Á mà trước đây VNCH từng giúp đỡ, tài trợ cả về kinh tế, xã hội, kỹ thuật… như Thái, Miên và Lào!
Cuốn phim dĩ vãng về ngày mất nước quay trở lại, khiến tôi như sống lại những ngày bi thương kinh hoàng đó!
Lúc đó cuộc chiến đang xảy ra ác liệt trên toàn miền Nam, do kẻ xâm lăng từ miền Bắc vào gieo đau thương tang tóc! Tin chiến sự hết loan báo nơi này mất đến nơi kia thất thủ, khiến mọi người đều hoang mang, mọi nhà đều xao xác, bỏ cả công việc làm ăn và vô cùng lo sợ vì không biết sẽ đi đâu, về đâu? Bi thảm và hoang mang nhất là những người đã một lần chạy CS từ Bắc vào Nam, giờ này lại chạm trán với quân bạo tàn lần nữa, liệu sẽ ra sao với sự trả thù của loài hung bạo bất nhân mà họ đã nếm mùi khi còn ở miền Bắc, hay những thân nhân của họ phải hứng chịu bên kia bờ vĩ tuyến 17?
Trước 30 tháng tư ít ngày, trường của tôi dạy đã cho giáo sư và học sinh nghỉ, để mỗi người còn lo gia đình mình và lo di tản nếu cần! Lúc đó tôi đang mang bầu đứa con thứ hai gần đến ngày sinh. Tôi vô cùng buồn bã và lo sợ, không biết sẽ phải làm gì, trốn lánh CS ở đâu khi đất nước đã lọt vào tay chúng. Tôi nhớ lần họp giáo sư toàn trường cách đó mấy tháng, ông hiệu trưởng đã báo cho chúng tôi: Sài Gòn sẽ mất về tay CS trong vài tháng tới, nhưng hầu hết chúng tôi không tin điều đó, vì nghĩ rằng người Mỹ không thể bỏ miền Nam VN, là tiền đồn chống Cộng của thế giới tự do, hoặc giả đây là đòn nhử của người Mỹ và của VNCH, dụ cho CS vào rồi sẽ đánh úp một trận để tiêu giệt gọn bọn chúng như trận Mậu Thân, vì Việt Cộng đã vi phạm hiệp định hòa bình Ba Lê, xâm phạm lãnh thổ VNCH. Chính vì suy nghĩ như vậy, mà hai lần cậu ruột tôi từ Vũng Tàu vào, khuyên tôi nên chuẩn bị di tản bằng cách vượt biển đi nước ngoài cùng gia đình cậu, mà tôi vẫn không chịu đi. Một phần không tin Sài Gòn mất, một phần tôi bụng mang dạ chửa, lại còn một đứa con chưa đầy 3 tuổi, làm sao mà dám lênh đênh trên biển hàng nhiều ngày với một chiếc thuyền gỗ nhỏ, lại đi đến một chân trời vô định? Sau này tôi vô cùng ân hận và khóc ròng rã nhiều tháng trời khi cậu tôi đã đi rồi, nhưng biết làm sao! Sát ngày 30 tháng tư, chồng tôi đưa tôi qua nhà người bạn học thân nhất của tôi, chồng của chị là sĩ quan quân đội làm việc ở Bộ Tổng Tham Mưu. Họ muốn đi nhưng chưa tìm được đường đi, dù ba của bạn tôi tập kết ra Bắc theo CS từ khi hai chị em còn nhỏ. Bạn tôi bảo tôi chuẩn bị sẵn hành lý gọn nhẹ, nếu tìm được đường, sẽ gọi tôi qua cùng đi. Ngày 29 tháng tư, chồng tôi đưa tôi và đứa con nhỏ ra bến Bạch Đằng xem có tàu bè nào cho đi không. Ở bến Bạch Đằng Sài Gòn lúc đó còn vài chiếc tàu đậu, kẻ đi lên, người đi xuống, không biết tàu có đi không, và bao giờ mới đi, mà tình hình đã rát rúa lắm rồi, tiếng súng lớn nổ khắp nơi. Chúng tôi đứng ngơ ngẩn hàng giờ, rồi lại đành quay trở về nhà. Đêm đó cả gia đình vợ chồng con cái tôi phải ở dưới cái hồ ngầm thường chứa nước để sinh hoạt, đã được hút cạn nước để phòng khi tránh đạn. Suốt một đêm trời đạn gầm xé trên đầu, mãi trưa hôm sau ngớt tiếng súng lớn, chồng tôi mới lên khỏi hầm mở cửa ra đường xem chừng để tìm đường đưa vợ con chạy. Nhưng không, chồng tôi đã trở lại với nét mặt bơ phờ thất sắc, anh nói tôi không thể lên và ra đường được, vì ngoài đường đầy xác người chạy giặc và bị trúng đạn, nhiều mảnh xác còn vắt trên cả cành cây! Ôi! Trời sập rồi! Tôi òa khóc, và thoáng có ý định tự vẫn cả nhà, vì tôi đã một lần chạy CS từ Bắc vào Nam năm 1954 lúc còn nhỏ tuổi, và thân nhân tôi có người đã bị CS giết! Tôi cũng từng nghe nhiều về tội ác của CS, giờ này tôi lại bị rơi vào tay chúng sao? Con tôi sẽ sống thế nào? Chồng tôi có trấn an: “Mọi sự đã xong, mình phải hết sức bình tĩnh và cầu nguyện xem Chúa xếp cho thế nào. Em phải ráng giữ sức khỏe kẻo động thai, để có cơ hội còn phải chạy!”.
Qua ngày 30 tháng tư, CS đã vào dinh Độc lập, tiếng súng đã tạm êm, tôi hé cửa ngó ra ngoài: đường phố hoang vắng không xe cộ, không người qua lại, các cửa tiệm đóng kín. Chẳng lẽ hàng xóm của tôi họ đi hết rồi sao? Tôi hoang mang lo sợ, trở vào nhà nằm vật ra giường mà khóc. Không biết bố mẹ và các em tôi giờ này ở đâu, có bình yên không? Ba ngày vật vã ở nhà, tôi liều hé cửa ngó ra đường xem xét tình hình. Ngoài đường thỉnh thoảng có bóng người rảo bước hay một chiếc xe gắn máy phóng qua, chắc họ là những người có công việc gấp nên mới ra đường những lúc này! Ngoài ra còn có vài tốp người dọn vệ sinh đường phố với những xác xe bị trúng đạn, xác người và những túi hành lý, đồ dùng mà người chết còn để lại! Nếu kẻ nào ca ngợi ngày “giải phóng miền Nam”, thì đây là hình ảnh của giải phóng: nó biến cuộc sống thành cái chết, biến một thành phố luôn nhộn nhịp sinh hoạt nay trở nên thành phố hoang! Đứng ở cửa nhà nhìn ra đường, tôi cố tìm xem có người quen hay người hàng xóm nào để hỏi thăm tình hình. Tôi gặp được vài người, nhưng họ không còn là người của mấy ngày trước, vui vẻ tay bắt mặt mừng khi gặp nhau, mà là những nét mặt đăm chiêu lẫn lo lắng! Không ai nhếch nổi một nụ cười, cũng không còn cởi mở thân tình như trước, mà họ như xa lạ, e dè, nghi ngại điều gì!
Tôi nói chồng tôi đưa tôi qua nhà người bạn thân, nhưng đến nơi thì nhà trống không người, bấm chuông hàng 10 phút mới có người bên cạnh hé cửa nói sang: "Anh chị ấy đi ngày 29 rồi! Kế đó nhiều nhà cũng vắng chủ, vì đây là khu nhiều sĩ quan quân đội ở."Tôi thẫn thờ ra về, hai dòng nước mắt tuôn không thể ngăn nổi, môi mím chặt và người như muốn rũ xuống! Một cuộc sống lầm than đã mở ra cho tôi và những người còn ở lại!...
Hơn hai chục ngày sau, tôi trở bụng sinh con, chồng tôi vội cầm cái giỏ quần áo và lấy xe chở tôi vào viện bảo sanh. Đường đi vắng ngắt giăng đầy kẽm gai, có mấy người bộ đội vác súng đứng gác, thấy chúng tôi họ chỉa súng chặn lại. Họ hỏi chúng tôi đi đâu, chồng tôi nói: “đi sinh”, nhưng họ không hiểu tiếng “sinh” là gì, tuy nhiên nhìn thấy tôi đang đau nhăn nhó với cái bụng to kềnh nên người này hỏi lại: “Đi đẻ hả?”, chồng tôi gật đầu, anh này liền kéo kẽm gai ra một bên và hô to: “Khẩn trương! Khẩn trương lên!”.
Đúng là con tôi sinh ra không hợp thời, tôi nhìn con mà vô cùng đau đớn muốn gào lên!
Tôi trở lại trường sau một tháng nghỉ, để xem tình hình. Trường bây giờ vắng người, chỉ có Ban Giám Đốc làm việc để chờ lệnh của chính quyền mới. Buổi họp giáo sư đầu tiên sau 30 tháng tư (trước năm 1975 người dạy tiểu học mới gọi là giáo viên), số giáo sư chỉ khoảng 1/3 tổng số. Ai nấy nhìn nhau mặt méo mó, hỏi thăm nhau đôi điều với những dòng nước mắt kín đáo chảy và được lau vội kẻo có ai đó thấy sẽ cho là mình không “phấn khởi” với chế độ mới! Bầu không khí u buồn thảm đạm cộng thêm sự e dè ở giữa chúng tôi! Không còn tìm đâu ra cảnh vui tươi cởi mở ngày cũ! Những buổi học chính trị đầy căng thẳng và uất ức. Nhóm cán bộ CS đến giảng cho chúng tôi thế nào là “cách mạng”, đồng thời phô trương công trạng đã “giải phóng” cho chúng tôi “khỏi cảnh lầm than đói khổ, làm cu li cho Mỹ, ở trong trường thì nữ giáo viên phải bán thân cho hiệu trưởng cá mập…”! Lạy Thượng Đế! Tai con có nghe nhầm không? Những kẻ này là ai mà dám dựng chuyện sỉ nhục chúng con như thế? Tôi cắn môi đến chảy máu, và nhiều lần định bụng: “Phải đứng lên nói cho chúng biết, dạy thì dạy, không dạy thì đừng, chứ không thể như thế này được!”. Chị bạn ngồi bên tôi hiểu ý, lấy chân dí vào chân tôi và nhìn qua ý nói tôi bình tĩnh lại kẻo nguy hiểm. Tôi cũng biết điều đó qua những khuôn mặt đằng đằng sát khí nhưng cũng đầy kiêu căng ngạo mạn của những tên cán bộ chính trị CS. Hàng ngày họ lôi chúng tôi nhốt vào những lớp học để “lên lớp” chúng tôi, với thái độ vừa dạy đời vừa mạt sát, vì ỷ là kẻ chiến thắng, còn chúng tôi là kẻ chiến bại! Thái độ ngạo mạn này khiến tôi không thể chấp nhận, và có lần tôi đứng thẳng lên phát biểu với giọng điệu cố điềm tĩnh, thật ra là tôi đang phát điên lên, nhưng cố kiềm hãm:“Tôi thấy các vị nói là giải phóng chúng tôi, tức là cứu giúp chúng tôi, khi cứu giúp nhau là người ta làm bằng tình thương, còn các vị thì có thái độ khinh thị xem thường chúng tôi hơi quá đáng! Các vị tự coi mình là kẻ chiến thắng còn chúng tôi chiến bại? Thật ra các vị với chung tôi chưa từng giao chiến, sao có thể phân thắng bại? Còn về khả năng chuyên môn, hai bên chưa biết bên nào hơn!”. Nói xong tôi ngồi phịch xuống ghế, không đợi đối phương kịp trả lời! Điều làm cho chúng tôi khó chịu nhất, là họ nhiều lần sỉ nhục ông hiệu trưởng cũ của chúng tôi là “chủ trường cá mập”, vì ông có một ngôi trường tư tại Sài Gòn vừa lớn, vừa uy tín nhất vùng Đông Nam Á lúc đó, với gần ba trăm giáo sư, và nhiều vị rất có danh tiếng. Ông cũng là người rất có uy tín trong lãnh vực giáo dục, cả trong và ngoài nước, từng tham dự nhiều hội nghị quốc tế về giáo dục. Trong thâm ý, có lẽ CS muốn thực hiện mưu đồ cướp trường, nên muốn chúng tôi đứng về phe họ tố cáo chụp mũ ông hiệu trưởng, để họ đưa ông ra đấu tố và cướp trường cho mau lẹ, nhưng dân miền Nam không giống miền Bắc!Tôi thuộc loại giáo sư trẻ nhất trường, cũng chẳng mang ân huệ gì Hiệu trưởng, thậm chí rất ít gặp ông, nhưng tôi kính trọng ông theo nhận định của tôi qua tư cách, đạo đức và kiến thức của ông. Một lần, có lẽ đây là lần thứ ba, một nữ cán bộ trong lúc giảng chính trị, (một bộ môn gian dối bịp bợm nhất mà tất cả giáo sư chúng tôi đều ghét, chúng tôi ngồi nghe mà máu lộn lên đầu, nhưng đành cắm tăm nhẫn nhục!), hôm đó bà ta nói: “Chúng tôi không lạ gì ở miền Nam này, trong các trường kể cả trường này, những tên hiệu trưởng cá mập đã bóc lột các đồng nghiệp nữ tận xương tủy, muốn có giờ dạy nhiều thì phải hiến thân cho hiệu trưởng…”. Tôi đứng phắt dậy như lò xo bật vì quá sức chịu của mình, nhìn thẳng vào mặt mụ này, tôi nói: “Xin lỗi chị, tôi thấy câu nói này các vị phát ra hơi nhiều lần, có lẽ các vị chủ tâm hay được học để nói như vậy, nhưng tôi, với tư cách một nữ giáo sư của trường này, tôi phản đối các vị về một sự bịa đặt trắng trợn đã xúc phạm nặng nề đến các nữ giáo sư chúng tôi nói riêng, và tập thể giáo sư nói chung! Ở miền Bắc tôi không biết, nhưng ở miền Nam thì tuyệt đối không bao giờ! Học đường là nơi rèn luyện con người về cả kiến thức lẫn đạo đức, nếu có điều ấy làm sao dạy học sinh? Tôi yêu cầu chị đã nói thì phải đưa bằng chứng, nếu không chị sẽ phải xin lỗi chúng tôi. Một là các vị biết rằng chúng tôi có đủ tư cách, đủ trình độ thì mới để chúng tôi dạy học, và phải tôn trọng chúng tôi, hai là chúng tôi bỏ dạy, chứ chúng tôi không chấp nhận các vị ỷ là kẻ thắng mà chà đạp nhân phẩm của chúng tôi! Người miền Nam sống bằng danh dự hơn là cơm áo, các vị nên hiểu điều đó!”. Tôi chưa dứt lời thì toàn thể các giáo sư trong hội trường cùng đứng lên và vỗ tay thật lớn, thật lâu, còn kẻ chiến thắng thì trơ trẽn nhìn nhau như một lũ ngố! Có lẽ những kẻ cuồng ngông này chưa bao giờ bị một cú như vậy, nên chúng tức điên lên. Nếu hội trường hàng 200 người này không đồng loạt đứng lên biểu đồng tình và hỗ trợ tôi, chắc năm con thú CS này đã nghiền nát tôi lập tức rồi, hoặc ít là tôi cũng bị bắt! Buổi sinh hoạt chính trị hôm đó bị rút gọn, vì kẻ nói cũng bẽ bàng tức bực, còn kẻ nghe thì chẳng muốn nghe nữa! Thấy kéo dài thêm e bất lợi, nên tên cán bộ tổ trưởng tuyên bố bỏ phần cuối trao đổi. Gặp tôi ở nhà xe lúc ra về, một đồng nghiệp cao niên của tôi là nhà thơ Bàng Bá Lân nắm tay tôi nói gần như khóc: “Thày cảm ơn con đã quá cương trực và can đảm! Con nói thay cho mọi người, nhưng thày khuyên con nên cố mà trấn tĩnh hơn, chứ như thế này nó sẽ bắt con, rồi hai đứa con nhỏ của con làm sao?”! Tôi cũng khóc, nhưng khóc vì ức! Từ đó, biết tôi rất khó chịu mỗi lần phải cầm cái túi đi lĩnh 10 kg gạo hàng tháng, nên thày tự mang theo 2 túi để lãnh cho cả thày và tôi, rồi cột sẵn vào xe cho tôi, vì tôi là kẻ hay bỏ bê không đi lãnh gạo do thấy nhục! Đời sống của người miền Nam nói chung, và riêng thành phần nhà giáo, đâu có bao giờ phải đói khổ, thiếu thốn mà đi xách từng bị gạo như đi ăn xin vậy, khiến tôi uất ức! Gạo lúa của miền Nam xuất cảng không hết, có năm còn phải hủy đi, sao giờ này CS vào lại khốn khổ đến thế?!
Ở trường ngoài sự uất ức vì bọn CS áp dụng chính sách hành hạ, mạt sát, đày ải chúng tôi cho đói khổ và nhục nhằn, lại còn những bài dạy cho học trò toàn những điều gian trá bịa đặt, đi ngược với lương tâm và trách nhiệm người thày, khiến chúng tôi vô cùng đau khổ! Vài ba bạn đồng nghiệp của chúng tôi đã tự vẫn một mình hoặc cả gia đình, làm cho nỗi đau, nỗi uất hận của tôi mỗi ngày một dâng cao! Những vết hằn sâu đậm trong tôi đến bây giờ, là cái chết đột ngột và bi thương của một học sinh của tôi đang học lớp 11, do quá uất ức vì có cha đi tù cải tạo mà sau 10 ngày không trở về như CS hứa, và những lần chấm bài văn của học sinh, tôi phải tự đổ mực lên những câu các em lên án và chửi CS, hay tự hủy cả một bài văn như một bản án kết tội CS, rất chính xác và gan dạ. Đến khi trả bài cho các em, tôi nhận lỗi lỡ tay đánh đổ mực, hay làm thất lạc bài, nhưng có ghi điểm vào giấy, rồi tìm dịp gặp những em đó riêng để khuyên các em đừng dại dột hủy hoại đời mình và gây khổ đau cho người thân. Cả hai thày trò cùng khóc! Còn tôi thì luôn bị theo dõi, vì tôi là người hay thẳng thắn phát biểu, nghịch ý của bọn “thắng trận” mỗi khi tôi phải nghe những điều xuyên tạc hay trái tai! Học trò 4 lớp tôi dạy các em rất thương tôi, có lần tôi bị CA kêu xuống văn phòng ban giám hiệu để làm việc, thì học trò cả 4 lớp 11 và 12 tôi dạy kéo xuống sân trường đứng hậu thuẫn cho tôi, và có nhiều em vào chỗ làm việc phát biểu rất cứng rắn: “Cô T. là một giáo sư vừa dạy giỏi, vừa nhiệt tâm và thương yêu học trò, chúng em là học sinh của cô làm chứng điều đó. Những báo cáo sai về cô là do mấy bạn không chịu học nên bị cô cho điểm thấp và luôn theo dõi, báo cáo tầm bậy về cô. Nếu cô bị bắt, chúng em sẽ nghỉ học hết!”. Nhờ vậy, CA đã để tôi lên lớp tiếp tục dạy sau khi buông vài câu hăm dọa. Tôi thật sự chán nản và thương học trò của tôi, với một tương lai đen tối mịt mù! Nếu tôi tiếp tục cái nghề này, thì cả tôi và học trò tôi cùng khổ lụy! Nếu không vì hai con thơ dại, chắc là tôi đã chết cho xong, hay có một lối sống khác! Mỗi ngày dắt xe ra đi dạy, tôi lại trào nước mắt, còn mẹ tôi thì dặn dò: “Con ráng nhẫn nhục, kẻo con có sao thì mẹ không thể lo cho con của con được, và còn ảnh hưởng tới bố và hai em đang bị tù con ạ!”. Tôi gạt nước mắt gật đầu cho mẹ tôi yên tâm, và nặng nề dẫn xe ra với một tâm hồn oằn trĩu!
Bố tôi đi tù vì là người có chức vụ trước năm 1975, còn hai em trai của tôi đang đi học, đứa lớp 8, đứa lớp 9, tức 13 và 14 tuổi, mà cũng bị CS bắt tù một cách rất dã man! Một đứa bị đưa đi nhốt vào rừng sâu ở Pleiku, bị xiềng chân và bỏ đói vì dám lập “tòa án nhân dân” cùng với các bạn trong lớp có cha anh đi tù, chúng “xử bác Hồ” về tội “lừa đảo”, nói quân nhân công chức đi học 10 ngày rồi nhốt luôn và đưa đi biệt tích. Đám học sinh nhỏ này bị vây bắt còn ghê gớm hơn là bắt giặc, và bị đưa đi biệt tích, đứa ở Pleiku, đứa ra Thanh Hóa, đứa ra tận Cao Bằng Lạng Sơn, mấy năm sau gia đình mới biết tin, khiến nhiều người tưởng con đã chết! Đứa em thứ hai của tôi 13 tuổi, cũng bị bắt đưa đi nhốt ở một cù lao nằm giũa sông Cần Giờ, bị nhịn đói, nằm trên đống phân, bị hành hạ còn hơn nô lệ, khiến một số rủ nhau trốn trại, đêm bơi qua sông, đứa bị nước cuốn trôi, đứa bị bắn chết, may sao thằng em tôi mò được về nhà với cái chân què vì ghẻ lở ăn sâu vào tận xương, do dơ bẩn và thiếu dinh dưỡng! Những gì mà những tù nhân nhi đồng này đã phải chịu và kể lại cho gia đình, khiến chúng tôi vừa xót đau, vừa bầm gan tím ruột mà không thể nói lên lời! Chỉ có chế độ CS bất nhân mới cư xử với những trẻ vị thành niên như vậy! Còn những sự tàn bạo, dã man, cướp của ngoài xã hội đối với người dân miền Nam, không thể nào kể hết được! Tội ác của Việt Cộng không chứa đâu cho hết, trên toàn thể người dân từ Nam chí Bắc! Phần tôi chỉ mới kể sơ vài nét, chứ suốt thời gian tôi còn dạy học trước khi đoạn tuyệt với mái trường vào năm 80, tôi có thể viết ra cả chục cuốn sách dày không hết, về những sinh hoạt trong cái nhà trường CS ghê tởm, và sự khổ đau nhục nhằn của chúng tôi cũng như những học sinh của chúng tôi phải chịu, mỗi khi nhớ lại tôi còn rơi nước mắt và bặm môi!
Ở trường đã vậy, ở nhà tôi còn đau khổ vô cùng, vì trong gia đình có 3 tù nhân một già 2 trẻ, cả mẹ con tôi chia nhau đi thăm không nổi và không đủ tiền, vì tài sản đã bị cướp hết do tiền gửi ngân hàng, và nhà in của tôi bị CS tịch thu. Nỗi đau còn chồng chất thêm vì tôi bị mất luôn ba người bạn thân nhất: một đi di tản ra nước ngoài mà không biết tin, một là đồng nghiệp dạy cùng trường với tôi, khi đi dạy học về trên đường bị bọn bộ đội ở rừng ra lái xe nghênh ngang đi ngược chiều, xông qua bên trái cán chết bạn tôi tại chỗ, để lại đứa con một tuổi! Gây chết người mà không xử, không đền bồi! Ngày chôn cất bạn tôi có bốn tên bộ đội hai nam hai nữ, đến dự mà cười nói huyên thuyên như những đứa khùng hay vô giáo dục, càng làm cho tang gia khổ đau cùng cực! Còn một người bạn nữa của tôi đang khỏe mạnh bỗng phẫn chí mà chết, để lại con thơ cho mẹ già! Tôi muốn gào lên thấu tận trời xanh, tại sao chúng tôi, dân Việt tôi phải khổ sở lầm than thế này, vì đâu?!
Đã 40 năm oằn mình trong đau thương uất hận rồi, cuộc sống đọa đầy này sẽ còn kéo dài đến bao giờ hỡi trời? Dân tôi đã làm gì nên tội, mà phải sống lầm than trong một chế độ chuyên cầm tù và giết hại người dân lành, chưa kể chúng còn bán cả đất nước của chúng tôi, biến chúng tôi thành kẻ bị nô lệ, bị lưu đầy trên chính quê hương của mình!
Nhà Việt Nam yêu dấu ơi! Bao giờ thanh bình?! Bao giờ thì bọn quỷ đỏ thu gom liềm hái của chúng rút về địa ngục, để dân Việt được sống tự do dân chủ và bình an?
____________________________________________
...Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 28/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.