Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

LỜI AI ĐIẾU CHO NAM VIỆT NAM


LỜI AI ĐIẾU CHO NAM VIỆT NAM

bauxitevn2:28 AM


Peter R. Kann
Wall Street Journal- Ngày 2 tháng 5 năm 1975
Người dịch: Nguyễn Đức Tùng
clip_image002
Peter R. Kann – phóng viên, chủ bút, doanh nhân Hoa Kỳ – sinh năm 1942, ở Princeton, New Jersey. Tốt nghiệp Đại học Harvard ngành báo chí. Gia nhập The Wall Street Journal năm 1963. Năm 1967 là phóng viên thường trú đầu tiên của The Wall Street Journal tại Việt Nam. Từ 1969-1975 làm việc tại trụ sở ở Hồng Kông nhưng đảm trách mọi tin tức về chiến tranh Việt Nam và những vùng Đông Nam Á. Năm 1972 đoạt giải Pulitzer với loạt ký sự về chiến tranh Ấn Độ - Pakistan ở Bangladesh. Năm 1976 trở thành chủ bút và người sáng lập tờ The Wall Street Journal Asia. Trở về Hoa Kỳ năm 1979. Từ năm 1992 đến năm 2006 là Giám đốc điều hành và chủ tịch hội đồng quản trị của Dow Jones & Company. Giảng dạy ở Institute of Advanced Study in Princeton và The Columbia University Graduate School of Journalism. 
clip_image004
Nam Việt Nam, hay đúng hơn Nam Việt Nam như tôi biết trong vài năm qua, đã chết.
Có thể có nhiều người Mỹ thở phào nhẹ nhõm khi hay tin này. Chắc chắn có một số người Mỹ, vì những lý do khác nhau, ước gì nó chết sớm hơn. Nhưng chắc chắn cũng có nhiều người khác khóc thương cho miền Nam. 
Tôi ở trong số ấy.
Đối với tôi sự sụp đổ của Nam Việt Nam cũng tựa như cái chết của một người thân quen cũ. Tôi càng chỉ trích miền Nam nhiều chừng nào, tôi lại càng tin rằng đáng ra nó không phải chết.
Khuyết điểm và thất bại của miền Nam đã được người ta nhìn thấy rõ hơn rất nhiều so với những ưu điểm của nó và tôi, cũng như hầu hết các ký giả, đã dành hết tâm trí cho những sai lầm của miền Nam. Rất ít chế độ xã hội, và nhất là những chế độ hãy còn non yếu, đã từng hứng chịu sự chỉ trích tàn tệ ở một mức độ dai dẳng đến như vậy. Tôi và một ngàn ký giả khác đã mổ xẻ chi li từng khía cạnh của nó, đã phân tích hết thảy mọi lỗi lầm của nó, đã hô hoán lên với thiên hạ về mọi tì vết của nó. Điều này không có nghĩa là nếu những ngọn đèn săm soi kia tắt phụt đi, Nam Việt Nam bỗng tiến triển tốt hơn hoặc tồn tại lâu hơn, nhưng có thể tin chắc rằng khi ấy số người đến cúi đầu thương tiếc trong tang lễ của nó sẽ nhiều hơn. 
Cuối cùng, tất nhiên, những kẻ chỉ trích độc miệng nhất và những người bi quan u ám nhất đã chứng tỏ là họ đúng. Thực ra Nam Việt Nam đã có khả năng tồn tại lâu hơn, vượt xa cái mức mà những kẻ bi quan kia hằng mong đợi, nhưng rồi nó đã sụp đổ - một cách bất ngờ, một cách hỗn loạn, một cách tuyệt đối. Và, tôi nghĩ, một cách vô cùng bi thảm.
Nam Việt Nam, trong suy nghĩ của tôi, không hề tốt hơn mà cũng chẳng hề xấu hơn so với phần lớn những chế độ xã hội khác trên thế gian này. 
Ít nhất trên một số phương diện, nó cũng chẳng hề khác so với xã hội Hoa kỳ của chúng ta. Rõ ràng cấu trúc xã hội của nó, chính phủ của nó và quân đội của nó sau cùng đã tỏ ra quá yếu để có thể kháng cự lại những người Cộng sản Việt Nam. Ít rõ ràng hơn điều ấy, là ý tưởng cho rằng thật ra nó đã có khả năng kháng cự mãnh liệt đến như thế trong nhiều năm trời và không phải bao giờ cũng với sự trợ giúp lớn lao của nước Mỹ. Rất ít có một quốc gia nào hay một xã hội nào, mà tôi có thể nghĩ tới, lại có thể chiến đấu một cách bền gan đến thế. 
Cuộc thánh chiến của những người cộng sản
Quả thật Nam Việt Nam đã thiếu hẳn một lý tưởng để đoàn kết và để huy động mọi người nhằm chống lại cuộc Thập tự chinh của những người cộng sản. Chủ nghĩa chống cộng chưa bao giờ đủ sức hấp dẫn hoặc ngay cả có thể hiểu được đối với Chủ nghĩa Tư bản miền Nam (1), thể hiện bằng xe gắn máy Honda và những hàng hóa nhập cảng khác, rõ ràng không phải là một thứ chính nghĩa có thể thuyết phục trí óc và làm xao xuyến con tim. Chủ nghĩa quốc gia là một lý tưởng bị tranh cãi, và cũng chính vì sự hiện diện đông đảo của người Mỹ ở miền Nam mà những người cộng sản bỗng dưng hóa thành người quốc gia thực sự. Vì vậy, miền Nam bỗng trở thành một đất nước không có chính nghĩa. Nhưng chúng ta hãy dừng lại để nghĩ xem: có thứ lý tưởng nào có thể giúp bạn hay tôi cầm súng lên chiến đấu suốt 25 năm? 
Đúng là miền Nam thiếu một giới lãnh đạo sáng tạo, năng động, có thể tập hợp nhiều hơn tinh thần và sự hy sinh từ một xứ sở mỏi mòn cạn kiệt vì chiến tranh. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không phải là một nhân vật tầm cỡ quốc gia có khả năng thu hút quần chúng. Ông là một người sống nội tâm và là một sĩ quan đa nghi, người đã chứng tỏ một cách đáng ngạc nhiên sự tài giỏi của mình trong việc điều hành hệ thống chính trị cung đình, nhưng lại chưa bao giờ thực sự học được cách lãnh đạo đất nước. Nhưng phải chăng vì vậy mà có thể cho rằng tổng thống Thiệu kém tài lãnh đạo hơn so với bất kỳ một vị tướng về hưu nào khác, cầm đầu những đất nước nửa phát triển khác, khắp nơi trên thế giới? 
Tôi không nghĩ thế. Ông ấy là một người Việt Nam yêu nước, theo cách của ông ấy. Và, trước khi tỏ ra quá khắt khe đối với những người lãnh đạo thua trận của miền Nam, có lẽ bạn nên dừng lại để lập một danh sách những lãnh tụ thành công và được dân chúng yêu mến ở bất kỳ nơi nào, trong thế giới không cộng sản của chúng ta hôm nay. Danh sách những người như vậy của tôi chỉ có thể viết trên một miếng băng dán vết thương nhỏ xíu. 
Quả thực các chính khách và dân chúng miền Nam chưa bao giờ có khả năng đoàn kết lại, xã hội của họ dường như chia rẽ và đầy những mối xung đột bất hòa. Giao thông hỗn độn của đường phố Sài Gòn thường được đem ra làm biểu tượng cho một xã hội thiếu trật tự và thiếu kỷ luật. Nhưng liệu có một chế độ xã hội không cộng sản nào ngày nay có thể tự hào tuyên bố về mức độ thống nhất chính trị và đoàn kết xã hội cao hơn? Liệu chúng ta, với bậc thang giá trị của mình, có thể nào tôn thờ tính trật tự và tính kỷ luật như là những mục tiêu xã hội và những phẩm chất đạo đức?
Liệu có phải những xã hội tốt đẹp nhất là những xã hội ở đó các chuyến xe lửa phải chạy đúng giờ và mọi người phải bước đều răm rắp như trong lễ duyệt binh? 
Quả thật miền Nam chưa hề có dân chủ thực sự. Các thiết chế dân chủ của nó, được nhập cảng từ Mỹ cùng với bom và bột mì, chỉ mới là các biểu tượng chứ chưa có nhiều thực chất. Thế mà, trong khi các chính phủ miền Nam chưa bao giờ tỏ ra hoàn toàn hữu hiệu, thì Nam Việt Nam, khác với Bắc Việt Nam, cũng chưa bao giờ trở thành những chế độ độc tài toàn trị cả. Có thật, những tù nhân chính trị và những buồng tra tấn và những yếu tố của một chế độ đôi khi hà khắc. Nhưng cũng có những giới hạn đối với quyền lực của tổng thống, có một lề lối phê bình chỉ trích rộng khắp – chứ không phải lúc nào cũng thì thào thì thụt vào tai nhau – đối với các chánh sách của chính phủ, và có sự khác biệt đa nguyên rất đáng ngạc nhiên trong ý kiến và hành xử cá nhân của dân chúng. Nếu Miền Nam có cơ hội tồn tại lâu hơn nữa, liệu nó có trở thành độc tài hơn, cứng rắn hơn và khắc nghiệt hơn không? 
Tôi không tin. 
Nhưng tôi cũng không cho rằng nếu nó có cơ hội tồn tại thêm nữa, các thể chế nghị viện của nó sẽ có nhiều quyền lực hơn và sự kiểm soát đối với báo chí sẽ được nới rộng hơn. 
Vấn nạn tham nhũng
Quả thật Nam Việt Nam có vấn đề tham nhũng. Vấn nạn tham nhũng lan rộng và trầm trọng hơn là chuyện chỉ có vài viên tướng mập ú gởi nhiều triệu đồng vào két sắt Thụy Sỹ. Về một mặt nào đó, tất cả hệ thống là tham nhũng. Ở mức thấp nhất là chuyện một số công chức tự tăng thu nhập ít ỏi của mình bằng cách bỏ túi vài món hối lộ vặt vãnh. Ở mức cao hơn thường gặp là một chức vụ béo bở được đem bán cho kẻ có tiền, thay vì dành cho người xứng đáng. Ở mức cao nhất là các trường hợp mua chuộc thẳng thừng. Nhưng không phải tất cả, và có lẽ không phải là đa số, những sĩ quan hay viên chức miền Nam ăn hối lộ. Việc nói rằng tệ tham nhũng ở Việt Nam tồn tại cùng mức độ như trong hầu hết các nước Đông Nam Á không phải để làm giảm tội cho nó. Cũng như việc cho rằng rất ít quốc gia phương Tây trong sạch đến mức có thể ném đá vào người khác không phải là sự giảm khinh đối với tệ tham nhũng châu Á.
Quả thật xã hội miền Nam là một xã hội mất bình đẳng và của giới tinh hoa. Người giàu thì rất giàu, người nghèo thì rất nghèo, và sự khác biệt quá rõ ràng. Tiền bạc và địa vị mang lại những ưu đãi như trong việc hoãn dịch và, cuối cùng, trốn lính. Tuy vậy sự phân biệt đẳng cấp này ở Việt Nam còn thua xa ở những nước đồng minh của Mỹ từ Phi Luật Tân cho đến Brazil. 
Người nông dân Nam Việt Nam, chừng nào mà ngọn lửa chiến tranh chưa cháy lan tới thửa ruộng của họ, quả thực là những nông gia giàu có, tính trên tiêu chuẩn Á châu. 
Tôi không hề có ý giảm thiểu sự khổ đau của hàng triệu người lưu lạc qua những trại tị nạn khi tôi nêu bật hình ảnh về hàng triệu nông gia khác làm chủ mảnh đất của mình ở miền Nam và sống một cuộc đời ung dung dựa trên hoa màu thu hoạch của mình. 
Người nông dân Nam Việt Nam, nói cho ngắn gọn, chưa bao giờ là những nông nô làm thân trâu ngựa, ngày ngày mong chờ được giải phóng khỏi gông cùm của chủ nô lệ. 
Cần nói thẳng ra, hoặc cần thú nhận nếu bạn muốn thế, rằng có rất nhiều con người đáng yêu trong giới tinh hoa điều hành chính phủ ở miền Nam. Hầu như tất cả ký giả từng sống ở đây đều đã làm bạn với các viên chức chính phủ, các sĩ quan quân đội, những thương gia, những chính trị gia – tức là thành viên của giới đẳng cấp cao ấy. Những người này hầu hết đều sống quá xa người dân và các vùng nông thôn của họ. Nhiều người quá sức giàu có hay quá Tây đến mức khó có thể song hành cùng với nông dân hoặc với người lính. Họ có thể không phải là những con người tốt nhất dựa trên các tiêu chuẩn của thánh kinh Cơ đốc hay của Phật giáo. Nhưng một số họ đã là bạn của tôi và rồi đây tôi sẽ thương nhớ họ biết chừng nào.
Quả thật quân đội miền Nam Việt Nam vào thời kỳ cuối tỏ ra không ngang sức với quân đội miền Bắc Việt Nam. Thời kỳ cuối là sáu tuần lễ đáng xấu hổ của việc rút lui, tan vỡ, hỗn độn, và sụp đổ. Ngay cả thế đi nữa, quân đội miền Nam không phải là một đạo quân ngờ nghệch và hèn nhát. Đó là một quân đội đã từng đứng vững và chiến đấu với lòng dũng cảm vô bờ và khả năng xông pha trận mạc lạ lùng, trong vài trường hợp bạn còn nhớ, chẳng hạn cuộc tự thủ An Lộc. 
Nó đã từng đứng vững và chiến đấu dũng mãnh ở nhiều mặt trận mà chúng ta đã quên lãng. Nó đã từng đứng vững và chiến đấu dũng mãnh trong hàng ngàn trận đánh nhỏ và trên hàng ngàn tiền đồn muỗi vắt bùn lầy, mà tên của chúng không một người Mỹ nào biết tới. 
Đó là một đạo quân của những người lính lẽ ra phải có một giới lãnh đạo xứng đáng hơn nhiều đối với họ. 
Đó là một quân đội trong nhiều năm từng quan sát người Mỹ đánh nhau với quân Cộng sản bằng những trang bị vũ khí hiện đại, những thứ một ngày kia đột nhiên biến mất, để mặc họ đối diện với quân địch, với những chiến thuật theo kiểu người Mỹ nhưng không có vũ khí tối tân tương ứng. Đó là một quân đội người Việt có lẽ không nên được Mỹ hóa và vì thế sau đó lại phải Việt Nam hóa một lần nữa. Đó là một quân đội trong nhiều năm được lệnh bảo vệ vững chắc từng tấc đất của tổ quốc, và với mức độ thành công nhiều hay ít, nó đã cố gắng làm đúng như thế. 
Và khi đột nhiên nó bị ra lệnh từ bên trên phải từ bỏ hết các tỉnh và các thành phố, nó đã tuân lệnh từ bỏ cuộc chiến. 
Đó không phải là một quân đội của những sĩ quan và những người lính có khuynh hướng xông lên lấp đầy vị trí địch, hay những người sẵn sàng sống nhiều năm trong hầm trú ẩn dưới bom đạn B52 rải đầy mặt đất, hay những người đã làm cuộc hành trình dài trên đường mòn Hồ Chí Minh, hay những người đã đi vào trận đánh với ý tưởng rằng cái chết gần như cầm chắc của họ là phục vụ cho một tương lai dân tộc tốt đẹp hơn. Quân đội miền Bắc mới là đạo quân như thế, nhưng liệu có bao nhiêu quân đội khác nữa, kể cả quân đội Hoa Kỳ của chúng ta, được huấn luyện theo một mô thức tinh thần kiểu ấy? Quân đội miền Nam là đạo quân của những người lính giản dị, những người không được trang bị lý tưởng gì cả, nhưng đã chiến đấu dũng cảm suốt hai mươi năm. Hàng trăm ngàn người lính như thế đã tử trận. Hơn nửa triệu người lính của họ đã bị thương. Và, trong những tuần lễ cuối của cuộc chiến tranh, khi tất cả những người Mỹ ở Sài Gòn đều biết thua trận đến nơi, một số những người lính ấy vẫn tiếp tục chiến đấu ở những nơi chốn khác nhau, như ở Xuân Lộc, và do đó đã mang lại nhiều giờ khắc quý báu hơn cho những công dân Mỹ, và những công dân Việt Nam được chọn lựa, đi thoát khỏi nước. 
Thật ra đó là một quân đội thiện chiến hơn nhiều so với hình ảnh của nó trong ngày cuối cùng. 
Quả tình Nam Việt Nam đã nhận được nhiều trợ giúp của Hoa Kỳ và đã trở nên quá lệ thuộc vào chúng ta. Lính Xô Viết và lính Trung Cộng chưa hề chiến đấu ở Việt Nam như lính Mỹ. Trong hơn mười năm, miền Nam, vì những mục đích thực tế, đã buộc phải trở thành một kiểu thuộc địa của Hoa Kỳ. Quân đội Mỹ đã tự mình gánh lấy trách nhiệm chính trong cuộc chiến tranh này và có lần đã hứa với mọi người là sẽ chiến thắng. Người dân Mỹ đã đóng thuế để giúp đỡ Việt Nam. Washington đã đề ra các sách lược cho Sài Gòn và tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đã dựng nên hầu hết bộ mặt chính trị ở đó. 
Tuy vậy Nam Việt Nam không phải bao giờ cũng là một con rối và có những thời gian nó không chịu khiêu vũ cùng nhịp với dàn nhạc Mỹ. Nhưng qua nhiều năm chế độ miền Nam đã đi đến chỗ mặc định, hay bị dẫn đến chỗ mặc định, rằng nước Mỹ là đồng minh của nó và là người bảo vệ nó. Đó không phải là một mặc định vô lý. Cũng không phải là hoàn toàn vô lý rằng nhiều người Việt Nam đôi khi rũ bỏ trách nhiệm của họ đối với sự sụp đổ, và trách cứ người Mỹ về những vấn đề của chính họ, và rồi trong những ngày cuối cùng, khi nước Mỹ muốn bỏ rơi cuộc chiến và rời khỏi Việt Nam, họ đã trở nên cay đắng đối với nước Mỹ và người Mỹ.
Những người thắng cuộc
Cuối cùng bên mạnh hơn đã thắng. Những người cộng sản Việt Nam mạnh hơn và bền gan hơn. Họ có lý tưởng, một thứ kết hợp giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc gia, và họ theo đuổi lý tưởng ấy với sự bền bỉ đáng kinh ngạc. Họ đã vượt qua mọi chướng ngại, vượt qua những thất bại rõ ràng gần như vô phương cứu chữa, và cuối cùng họ đã chiến thắng.
Nhưng bên mạnh hơn không nhất thiết phải là bên tốt hơn. 
“Tốt hơn” trở thành một câu hỏi về các giá trị, và tôi càng kính trọng sức mạnh và sự bền bỉ của người Cộng sản chừng nào, tôi lại càng không thừa nhận rằng xã hội Cộng sản chủ nghĩa khổ hạnh của miền Bắc (2) thì tốt hơn xã hội không được hoàn hảo lắm của miền Nam, một xã hội như tôi từng được biết. 
Đây là lời ai điếu dành cho Nam Việt Nam ấy.
Không phải là lời ai điếu dành cho cả nước Việt Nam hay ngay cả dân tộc Việt Nam. Những đất nước không bao giờ chết. Nam Việt Nam sẽ tiếp tục tồn tại vài ba tháng nữa hay thậm chí vài năm nữa với một chính phủ mới, những chính sách mới, một hệ thống xã hội mới. Rồi chắc chắn nó sẽ sáp nhập vào với miền Bắc và một nước Việt Nam lớn hơn sẽ kiểm soát Đông Dương và tất cả sẽ trở thành một lực lượng đáng kể ở châu Á. Nó sẽ là một nước của 40 triệu (3) người dân bền gan, chịu thương chịu khó. Nó sẽ trở nên giàu có vì có sẵn tài nguyên bao la. Nó sẽ có một quân đội mạnh vào bậc nhất, có thể là mạnh nhất, trên thế giới.
Có lẽ toàn bộ năng lượng của 40 triệu người Việt Nam sẽ được dành cho việc tái xây dựng đất nước và mở mang kinh tế.
Hay có lẽ toàn bộ năng lượng ấy sẽ được dùng vào việc chăm chú mở rộng guồng máy chính trị và sức mạnh quân sự.
Dù trong trường hợp thứ nhất hay thứ hai, nước Việt Nam sẽ đáng được, và có lẽ sẽ khiến cho, thế giới phải chú ý trong những năm sắp tới đây. Một số người miền Nam sẽ mau mắn chụp bắt lấy cơ hội trong chính thể mới và xã hội mới. Một số người sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng cuối cùng cũng tìm được chỗ đứng của mình, đâu đó. Một số khác sẽ không bao giờ chấp nhận, hay sẽ không được chấp nhận, đứng vào hàng ngũ mới. Họ sẽ bị loại trừ bằng cách này hay cách khác, nhưng con cháu của họ sẽ được nuôi dạy sao cho chúng trở nên một bộ phận thích hợp của xã hội mới.
Một nước Việt Nam mới sẽ hùng mạnh và sẽ thành công và đó là những phẩm chất quan trọng giữa các quốc gia, cũng như của mỗi con người. Những cuốn sách lịch sử xưa nay vẫn dạy ta thế thôi, và vì vậy, lịch sử sau này có lẽ sẽ không dành nhiều trang thiện cảm cho miền Nam Việt Nam, vì nó đã không tiếp tục chiến đấu để sống còn. 
Nhưng đây không phải là lịch sử. 
Đây là lời ai điếu đọc trước quan tài Nam Việt Nam, như tôi từng được biết.
Peter R. Kann
Nguyên tác: “Obituary for South Vietnam”, by Peter R. Kann, Deadline Artists, edited by John Avlon, Jesse Angelo & Errol Louis, Overlook Press, New York, NY, 2011.
Chú thích của người dịch:
(1) Nguyên văn “South Vietnamese Capitalism”. 
(2) Nguyên văn “Spartan Communist society of North Vietnam”.
(3) Ước chừng của tác giả về dân số Việt Nam trong cả nước năm 1975. Thực tế có thể nhiều hơn.
(4) Các chữ in nghiêng là từ nguyên tác in nghiêng. Chữ in hoa cũng vậy.
Dịch giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.