Luật sư Võ An Đôn - Luận cứ buộc tội các bị cáo trong vụ án 5 công an đánh chết dân
Luật sư Võ An Đôn - Khi con tốt thí không cam chịu số phận
Vụ án năm công an đánh chết dân xét xử lần này không khác gì hai lần xét xử trước đây. Tại tòa các bị cáo đều đổ tội cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành và xin giảm nhẹ hình phạt, còn bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành thì một mực kêu oan vì cho rằng mình vô tội.
Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành là sĩ quan mới ra trường, có cấp bậc thấp nhất, nhà nghèo nhất, chỉ được giao nhiệm vụ canh cửa trong thời gian ngắn để các bị cáo khác đi ăn cơm trưa, nhưng lại bị đổ cho mọi tội lỗi là người đã đánh chết bị hại Ngô Thanh Kiều.
Tại phiên tòa lần này, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành không cam chịu số phận của con tốt thí, đã khai ra rằng trong quá trình điều tra điều tra viên đã dụ bị cáo nhận tiền và nhận tội để được giảm nhẹ và cho tại ngoại (Cho về nhà), nhưng bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành không chấp nhận nên bị giam gần 3 năm nay, trong khi năm bị cáo còn lại là sĩ quan cấp bậc cao hơn chưa hề bị giam một ngày nào mà còn được nhận 50% lương hàng tháng.
Tại tòa bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành cũng khai ra hai bị cáo khác và một nhân chứng tự bỏ tiền túi ra mua dùi cui điện về sử dụng mặc dù không được cơ quan cho phép. Trong khi thân thể của bị hại Ngô Thanh Kiều có rất nhiều vết cháy do dùi cui điện gây ra nhưng chưa được điều tra làm rõ.
Chiều nay, đại diện viện kiểm sát đã luận tội và đề xuất mức hình phạt cho từng bị cáo như sau:
1- Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (Thiếu úy): từ 7 đến 8 năm tù.
2- Bị cáo Nguyễn Minh Quyền (Thiếu tá): từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù.
3- Bị cáo Phạm Ngọc Mẫn (Thượng úy): từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù.
4- Bị cáo Nguyễn Tấn Quang (Thiếu tá): từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù.
5- Bị cáo Đỗ Như Huy (Trung úy): từ 2 năm đến 2 năm 3 tháng tù treo.
6- Bị cáo Lê Đức Hoàn (Thượng tá, Phó công an thành phố Tuy Hòa): từ 9 đến 12 tháng tù treo.
Tòa tiếp tục phần tranh luận vào lúc 08 giờ sáng thứ 2, ngày 13/4/2015.
Facebooker Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm Gấu): Không đồng ý với ý kiến của Viện kiểm sát, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành sau một loạt ý kiến thì kết luận:
- Nhà nước này là gì? Đây là nhà nước của dân, do dân và vì dân chứ không phải của bất kỳ tổ chức này. Hiện nay nhà nước do đảng CS lãnh đạo, vậy phải xem xét có cần phải thay đổi chế độ không?
Thẩm phán gằn giọng:
- Tôi nhắc lại anh quay lại vào vấn đề chính. Nghe rõ chưa?!
Bị cáo là công an cấp bậc thiếu uý đó nha ;)
Lời trần tình của thanh kiếm và lá chắn ;)
Khung cảnh trong phiên tòa, luật sư Võ An Đôn mặc áo trắng ngồi bên phải.
Kính thưa Hội đồng xét xử !
Hôm nay, Tòa án tỉnh Phú Yên mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Dùng nhục hình. Đây là vụ án rất phức tạp và nhạy cảm, được dư luận trong nước và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Đích thân Chủ tịch nước là ông Trương Tấn Sang phải trực tiếp chỉ đạo Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao xử lý nghiêm vụ án này.
Trước hết với tư cách là luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị hại Ngô Thanh Kiều, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Tôi tin chắc rằng, với sự chỉ đạo kịp thời và đúng đắn của Chủ tịch nước, vụ án này sẽ được Tòa án tỉnh Phú Yên xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không bỏ lọt tội phạm.
Thưa Hội đồng xét xử !
Ngày 13/5/2012, các bị cáo đã có hành vi dùng dùi cui đánh chết bị hại Ngô Thanh Kiều tại trụ sở Công an thành phố Tuy Hòa.
Bị hại Ngô Thanh Kiều chết oan ức để lại người vợ trẻ góa chồng cùng với 02 đứa con thơ còn nhỏ dại, con lớn Ngô Thị Thanh Thảo mới 5 tuổi và con nhỏ Ngô Thị Kim Oanh đang mai thai 08 tháng 25 ngày còn nằm trong bụng mẹ.
Hành vi cả 05 bị cáo dùng dùi cui thay nhau đánh bị hại Ngô Thanh Kiều đến chết, trong khi bị hại Ngô Thanh Kiều đang bị còng tay, còng chân và không cho ăn cơm, uống nước đã gây ra sự hoang mang phẩn nộ cao độ trong dư luận quần chúng nhân dân. Hành vi này của các bị cáo là hết sức man rợ như thời trung cổ, xã hội loài người văn minh không chấp nhận hành vi man rợ này của các bị cáo.
Cái chết của bị hại Ngô Thanh Kiều còn để lại sự nghi ngờ của quần chúng nhân dân đối với những cái chết trước đây xảy ra tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam và trụ sở Công an các huyện thị trong toàn tỉnh. Do đó, HĐXX cần xử một mức án thật nghiêm khắc đối với các bị cáo mới có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm Dùng nhục hình trong thời gian đến.
Về trách nhiệm hình sự: Tôi không đồng ý với Cáo trạng số: 49/VKSTC-V1A, ngày 21/11/2014 của VKSND Tối cao:
Thứ nhất là: Cáo trạng của VKSND Tối cao áp dụng pháp luật không đúng: vì trong vụ án này bị hại Ngô Thanh Kiều trước khi bị đánh chết là một công dân bình thường, không phải là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nên không phải là khách thể của tội Dùng nhục hình theo Điều 298 BLHS. Hơn nữa, toàn bộ cơ thể bị hại Ngô Thanh Kiều có đến 72 vết thương, trong đó có 12 vết thương trên đầu và toàn bộ nội tạng đều bị đánh dập nát hết.
Hành vi của các bị cáo đã cấu thành Tội giết người theo Điều 93 BLHS, vì các bị cáo đều biết rằng dùng dùi cui đánh trên đầu và đánh dập nát toàn bộ nội tạng trong cơ thể sẽ dẫn đến chết người. VKSND Tối cao truy tố các bị cáo về tội Dùng nhục hình theo Điều 298 BLHS, là xác định không đúng tội danh, nhằm mục đích giảm nhẹ hình phạt tù cho các bị cáo.
Căn cứ Mục 4, Chương 10, Nghị quyết số 04/HĐTP, ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự, quy định rõ “Nếu dùng nhục hình mà hậu quả làm nạn nhân chết thì xử lý về tội Giết người”.
Vụ án này so với vụ án 04 Công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội đánh chết ông Nguyễn Mậu Thuận giống y như nhau, nhưng Tòa án thành phố Hà Nội xử Tội giết người, còn Tòa án tỉnh Phú Yên xử tội Cố ý gây thương tích ? phải chăng Tòa án tỉnh Phú Yên đã bao che các bị cáo trong vụ án này ?
Thứ hai là: Cáo trạng của VKSND Tối cao bỏ lọt tội phạm: vì trong vụ án này bị cáo Lê Đức Hoàn là Trưởng ban chuyên án 312T đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới đến nhà bắt bị hại Ngô Thanh Kiều lúc 03 giờ sáng ngày 13/5/2012, nhưng không có lệnh bắt, không có biên bản bắt người, bị hại Ngô Thanh Kiều là một công dân bình thường, không thuộc trường hợp bắt người khẩn cấp hay bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã. Do đó, trong trường hợp này bị cáo Lê Đức Hoàn đã phạm vào Tội bắt người trái pháp luật theo Điều 123 BLHS.
Nếu như bị cáo Lê Đức Hoàn không ra lệnh cho cán bộ cấp dưới bắt bị hại Ngô Thanh Kiều trái pháp luật thì không có phiên tòa ngày hôm nay.
Viện kiểm sát nhân dân Tối cao không truy tố và Tòa án tỉnh Phú Yên không xét xử bị cáo Lê Đức Hoàn về Tội bắt người trái pháp luật theo Điều 123 BLHS, là đã bỏ lọt một tội phạm rất nguy hiểm.
Thứ ba là: Đối với tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Viện kiểm sát Tối cao chỉ khởi tố một mình bị cáo Lê Đức Hoàn là thiếu sót. Bị hại Ngô Thanh Kiều chết trách nhiệm thuộc về nhiều người, chứ không riêng một mình bị cáo Lê Đức Hoàn, trong đó có trách nhiệm của Đại tá Phạm Tấn Hạnh - Trưởng Công an thành phố Tuy Hòa và Thiếu tướng Phạm Văn Hóa - Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên cũng phải liên đới chịu trách nhiệm, hai người này hiện nay đã nghĩ hưu, nhưng không phải nghĩ hưu là hạ cánh an toàn và hết trách nhiệm.
Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 47 và 48 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, thì các bị cáo cùng với Công an thành phố Tuy Hòa và Công an tỉnh Phú Yên phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho bị hại Ngô Thanh Kiều các khoản tiền sau đây:
1- Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị hại bằng 360 tháng lương tối thiểu: 1.150.000 đồng x 360 tháng = 414.000.000 đồng.
2- Tiền cấp dưỡng nuôi 02 con nhỏ: Ngô Thị Thanh Thảo, sinh ngày 09/12/2006 và Ngô Thị Kim Oanh, sinh ngày 01/6/2012đến khi đủ 18 tuổi là: 844.100.000 đồng.
3- Tiền cấp dưỡng nuôi bố mẹ già và người anh tàn tật không có khả năng lao động và tiền chi phí mai táng bị hại Ngô Thanh Kiều là: 200.000.000 đồng.
Tổng số tiền mà các bị cáo cùng với Công an thành phố Tuy Hòa và Công an tỉnh Phú Yên phải liên đới bồi thường cho bị hại Ngô Thanh Kiều là: 1.458.100.000 đồng.
Thưa Hội đồng xét xử !
Căn cứ vào sự trình bày trên của chúng tôi. Đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ cho Viện kiểm sát, để điều tra lại theo hướng sau đây:
1- Đề nghị chuyển tội danh từ tội Dùng nhục hình theo Điều 298 BLHS, thành Tội giết người theo Điều 93 BLHS: vì trong vụ án này bị hại Ngô Thanh Kiều trước khi bị đánh chết là một công dân bình thường, không phải là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nên không phải là khách thể của tội Dùng nhục hình theo Điều 298 BLHS. Hơn nữa, toàn bộ cơ thể bị hại Ngô Thanh Kiều có đến 72 vết thương, trong đó có 12 vết thương bị đánh trên đầu và toàn bộ nội tạng đều bị đánh dập nát hết.
Do đó, tôi đề nghị truy tố Tội giết người theo Điều 93 BLHS đối với bị cáo nào đã dùng chân, tay, dùi cui đánh trên đầu và đánh vào bụng, vào ngực của bị hại Ngô Thanh Kiều. Vì các bị cáo đều biết rằng dùng dùi cui đánh trên đầu và đánh dập nát toàn bộ nội tạng trong cơ thể sẽ dẫn đến chết người.
2- Đề nghị khởi tố bị cáo Lê Đức Hoàn về Tội bắt người trái pháp luật theo Điều 123 BLHS: vì bị cáo Lê Đức Hoàn đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới đến nhà bắt bị hại Ngô Thanh Kiều lúc 03 giờ sáng ngày 13/5/2012, nhưng không có lệnh bắt, không có biên bản bắt người, trong khi bị hại Ngô Thanh Kiều là một công dân bình thường, không thuộc trường hợp bắt người khẩn cấp hay bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã.
Do đó, tôi đề nghị khởi tố bị cáo Lê Đức Hoàn về tội Bắt người trái pháp luật, theo Điều 123 BLHS.
3- Đề nghị khởi tố ông Lê Minh Chánh - Viện trưởng VKSND thành phố Tuy Hòa và những người liên quan về tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” theo Điều 294 BLHS: vì với trách nhiệm là người đứng đầu VKSND thành phố Tuy Hòa, được VKSND Tối cao ủy quyền truy tố trong vụ án này, nhưng ông Lê Minh Chánh đã cố tình bao che không truy tố bị cáo Lê Đức Hoàn là người đã phạm tội trong vụ án này và tự ý sửa Cáo trạng truy tố các bị cáo phạm tội Dùng nhục hình theo khoản 2, Điều 298 BLHS, thành khoản 1, Điều 298 BLHS, trong khi nội dung vụ án không có gì mới. Điều đó thể hiện sự tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật của ông Lê Minh Chánh và những người có liên quan.
Do đó, tôi đề nghị khởi tố ông ông Lê Minh Chánh - Viện trưởng VKSND thành phố Tuy Hòa và những người có liên quan về tội Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, theo Điều 294 BLHS.
4- Đề nghị làm rõ thương tích vùng đầu, vùng bụng, vùng ngực của bị hại Ngô Thanh Kiều là do ai gây ra: toàn bộ cơ thể bị hại Ngô Thanh Kiều có trên 72 vết thương, trong đó có 12 vết thương ở vùng đầu và toàn bộ nội tạng bị đánh dập nát hết. Các bị cáo đều khai mỗi bị cáo chỉ dùng dùi cui đánh bị hại từ 02 đến 03 cái ở chân và tay. Vậy trên 50 vết thương còn lại và thương tích ở vùng đầu, vùng bụng và vùng ngực của bị hại Ngô Thanh Kiều là do ai gây ra.
Do đó, tôi đề nghị làm rõ thương tích vùng đầu, vùng bụng, vùng ngực của bị hại Ngô Thanh Kiều là do ai gây ra và cho giám định lại cơ chế hình thành vết thương trên đầu, tinh hoàn, ruột non và những vết thương nghi do dùi cui điện chích.
5- Đề nghị làm rõ có âm mưu thí tốt trong vụ án này hay không: sau phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất, dư luận nghi ngờ tại sao bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành là sĩ quan có cấp bậc thấp nhất, nghèo nhất lại có mức án cao nhất, trong khi các bị cáo khác là sĩ quan có cấp bậc cao hơn, giàu hơn lại có mức án thấp hơn?
Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành chỉ được phân công canh gác bị hại Ngô Thanh Kiều trong thời gian ngắn để các bị cáo khác đi ăn cơm trưa, trong khi bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành không thù nghét bị hại Ngô Thanh Kiều, không được giao nhiệm vụ hỏi cung bị hại Kiều, không biết bị hại Kiều phạm tội gì và cũng không biết chuyên án 312T là chuyên án gì. Vậy mục đích bị cáo Thành dùng dùi cui đánh vào đầu bị hại Kiều nhiều cái để làm gì?
Do đó, tôi đề nghị làm rõ có sự dàn xếp để bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành gánh tội thay cho các bị cáo khác trong vụ án này hay không?
Trên đây là quan điểm bảo vệ của tôi đối với bị hại Ngô Thanh Kiều, kính mong Hội đồng xét xử xem xét, chấp nhận.
Cảm ơn Hội đồng xét xử đã lắng nghe bài phát biểu của tôi !
Luật sư Võ An Đôn