Vỉa hè : Miếng ăn khác nhau chỗ nào?
Khải Đơn – Báo Thanh Niên – 19 Dec 2013
Một chung cư sang trọng có 50 hộ dân giàu có ở đòi đuổi 500 người bán hàng rong ở cái hẻm kế bên cút đi cho phố thị đẹp đẽ, thêm phần sang trọng trọn vẹn. Nó không phải là công bằng, đó chỉ là thứ lý thuyết ngụy biện của những người cầm dùi cui và nhân danh “vì đô thị xanh sạch đẹp” vung lên đập những kẻ yếu thế.
Khi viết bài này, tôi vừa xem xong một diễn thuyết của ông Enrique Penalosa “Tại sao xe bus lại là biểu hiện của dân chủ trong thực tế?”(*), cựu thị trưởng của thành phố Bogóta, Colombia, người đã từng biến thành phố này từ một thiên đường của tội phạm, trung tâm của tham nhũng và bạo lực trở thành một trong những thành phố bình an nhất, nhờ vào việc chăm sóc từng cư dân của mình. Một trong những lý thuyết mà Enrique nói ông đã đeo đuổi khi làm thị trưởng và ra quyết định đó là: Sự công bằng trong chất lượng cuộc sống.
Một chiếc xe bus với 80 hành khách trong xe xứng đáng có một con đường rộng hơn gấp 80 lần so với 1 chiếc xe hơi chỉ với 1 người ngồi lái. Một người lái một chiếc xe đạp trị giá $30 cũng có sinh mạng quý giá tương đương với người ngồi trong chiếc xe hơi trị giá $30.000. Dựa vào lý thuyết đó, (dù rằng chính ông thừa nhận khi diễn thuyết là “một sự công bằng ta đã quên mất”), Enrique đã xây dựng một hệ thống đường đi bộ khổng lồ dành cho những cư dân đang hàng ngày phải sống cạnh sự đe dọa lấn chiếm của những bãi đậu xe hơi. Hệ thống xe bus mang tên TransMilenio khiến đường chạy xe bus rộng gấp nhiều lần xe hơi, và những người lái xe hơi đang xếp hàng nhích ga từng chút phải “chết thèm” với hệ thống xe bus công cộng đang chạy với tốc độ cao bên cạnh.
Lý thuyết của Enrique về sự công bằng trong chất lượng sống đã khiến tôi nghĩ về những người bán hàng rong trên vỉa hè ở thành phố lớn tại Việt Nam. Họ là những người (đa số) xuất thân từ nông thôn. Cũng như bao cư dân công bình khác trong xã hội, nếu làm ra lúa, trồng ra cafe, trồng ra sầu riêng mà đem bán, họ đều phải chịu thuế như bao viên chức thành phố cổ cồn ngồi xe hơi khác. Họ thực thi trách nhiệm với nhà nước và xã hội dựa trên phần thu nhập họ tạo ra trong cuộc sống – như bất cứ cái người thành phố nào đang ngồi xe hơi và lấn chiếm vỉa hè một cách thoải mái ở các quán cafe sang trọng ở quận 1 (TP.HCM).
Sự phân công lao động kém cỏi, tình trạng thất nghiệp và thừa thãi lao động – là lỗi của chính cái nhà nước họ đã đóng thuế – đã khiến rất nhiều người ở nông thôn lâm vào cảnh đói kém và phải bỏ xứ đi kiếm ăn xa nhà. Tại sao họ cũng đóng thuế mà không được đối xử công bằng như bao công dân khác? – Sẽ không ai có đủ can đảm trả lời rằng cứ ở đấy và sống với phần ruộng lúa và giá cafe liên tục xuống giá một cách không kiểm soát thì người nông dân sẽ khỏe re êm xuôi sống sung túc. Sự bất an đó đẩy rất nhiều người lên thành phố mưu sinh – như một hệ quả của nhà nước tổ chức kém và thiếu hiệu quả trong phân bố lao động và bình ổn thị trường nông sản cho người dân.
Ấy vậy mà, khi bước vào phố thị, thành phố và những trí thức cổ cồn sang trọng (vốn hằng ngày vẫn dừng xe mua mớ rau của đám hàng rong vỉa hè khi tan sở) thẳng thừng chỉ vào mặt họ và nói: Chúng mày chỉ làm bẩn thành phố, dẹp hàng rong vỉa hè đi cho đẹp sạch văn minh.
Nhưng văn minh là thế nào? Văn minh liệu có phải là một nhóm người có nhà thành phố, có xe hơi muốn đi hẻm rộng nên thấy mình thật ức chế khi lũ người kia dựng lên gánh hàng rong đầu xóm làm bẩn mắt mình? Văn minh liệu có phải là những cuộc chạy tán loạn, ném đồ của người hàng rong lên xe, chửi bới họ như chó mèo, siết cổ họ như tội phạm rồi gọi đó là “làm đẹp đô thị”?
Mưu sinh và di chuyển là quyền tự do của hầu hết con người trong cuộc sống này. Đói kém nơi này tự khắc phải đến nơi sung túc hơn làm ăn. Và vì họ – khi làm nông dân – cũng phải đóng thuế hằng năm cho nhà nước – họ cũng là những công dân có quyền mưu sinh ở thành phố như bất cứ cô cậu cổ cồn lái xe hơi nào.
Nếu bạn từng đi trên con đường Trường Chinh ở TP.HCM, có bao giờ bạn tự hỏi tại sao lại có một cái làn xe hơi to gấp 4 lần xe máy, trong khi chỉ có 3 – 4 chiếc xe hơi chạy qua, trong khi hàng nghìn chiếc xe máy phải nối đuôi nhau đi 5 km/h trong một đám kẹt cứng? Cái đó đâu có gọi là văn minh hay công bằng – cái đó là một cuộc đầu tư công để phụng sự những người giàu có. Nó cũng giống như cuộc chiến với hàng rong. Một cái chung cư sang trọng có 50 hộ dân giàu có ở đòi đuổi 500 người bán hàng rong ở cái hẻm kế bên cút đi cho phố thị đẹp đẽ, thêm phần sang trọng trọn vẹn. Nó không phải là công bằng, đó chỉ là thứ lý thuyết ngụy biện của những người cầm dùi cui và nhân danh “vì đô thị xanh sạch đẹp” vung lên đập những kẻ yếu thế, nghèo khổ – không chung giới với mình.
Nào chỉ có xứ TP.HCM này có hàng rong, cả thế giới này có hàng rong. Tại sao những người nghèo đô thị không được xếp vào một vị trí đàng hoàng để họ có thể mưu sinh, đóng thuế phù hợp với thu nhập và có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của mình? Tại sao chính quyền không phải là người đối thoại để lập lại trật tự, với giao kèo về rác thải, vệ sinh, món ăn, hàng hóa mà lại hóa thành người cầm dùi cui đi siết cổ người đẩy xe hàng rong? – Chẳng phải chính quyền có thể đối thoại với những nhà hàng sang trọng, để biến vỉa hè thành bãi đậu xe hơi cho khách tới ăn hay bàn để cafe cho khách ra ngồi hóng gió?
Tại sao thay vì những chính sách tôn trọng, không cổ súy nhưng không xua đuổi và hằn học, lại là những chiếc xe hơi và đám người “trật tự đô thị” được trả lương (bằng thuế của người dân) để hè nhau đi giật rổ cà chua, chích điện anh hàng rong, đạp đổ thúng bánh tráng của bà già?
Có người ngụy biện rằng đám hàng rong phải trả tiền cho anh chị giang hồ để “giữ chỗ”, không thì đừng mơ mà bán. Vậy tại sao chính những người đang quy hoạch vỉa hè không thỏa hiệp được với người bán hàng rong như đám anh chị giang hồ kia làm được? Tại sao họ lại đẩy những người dân nghèo vào thế đối lập với chính mình – để họ quay ra bất chấp tất cả, vẫn bưng thúng mủng hàng hóa ra đường bán, để tranh cướp cho được vài chục nghìn trên rổ cà chua hay gánh rau xanh?
Miếng ăn sao lại là đặc quyền của những người đô thị – cho rằng đô thị thuộc về mình, phải đẹp như ý mình, xanh vừa mắt mình. Đất đai, thành thị, miếng ăn vốn dĩ là không thuộc về một nhóm đặc quyền nào, nó phải có những phần thuộc về những nhóm người nhất định. Nếu người thành thị được lái xe máy đi làm ở cao ốc, thì những người hàng rong cũng có quyền đẩy xe đạp đến một vị trí phố xá thích hợp và kiếm miếng ăn qua ngày.
Nếu không làm được điều đó, nó là lỗi của hệ thống quản lý đô thị cực đoan, không thừa nhận nhóm dân cư thất nghiệp đang cần mưu sinh bằng nghề tự phát như hàng rong, là nhắm mắt che tai trước hàng triệu người còn no đói thất thường với xe đậu hũ, gánh chè đậu đen. Đó không phải là trật tự đô thị, đó là sự ngụy biện của những người mang phong thái của sự giàu có đang rũ bỏ kẻ khác khỏi cái thành phố mà họ và người nghèo kia đều phải đóng thuế như nhau.
Đó là một sự bất công đô thị được trang điểm bằng cái áo “vì văn minh và thành phố sạch đẹp”.
Giống như Enrique Penalosa phân tích trong bài phỏng vấn dành cho New York Times: “Ở các nước đang phát triển, hầu hết mọi người không có xe hơi, vì thế tôi nói, xây dựng những đường đi bộ tốt là xây dựng một nền dân chủ. Đường đi bộ là biểu hiện của sự công bằng. Ở các nước đang phát triển, đường đi bộ lại không phải là ưu tiên hàng đầu. Họ ưu tiên xây đường cao tốc và đường cho xe hơi.”… “Chúng ta xây đường cho xe hơi còn nhiều hơn hạnh phúc cho trẻ con… Những người có thu nhập cao ở các nước đang phát triển chẳng bao giờ đi bộ. Họ nghĩ thành phố là nơi đầy đe dọa – và có khi hàng tháng trời họ ra ngoài mà chẳng hề phải đi bộ qua một block nhà nào.”
Quả thật, ở TP.HCM, khi dẹp đuổi hàng rong và xô đẩy vỉa hè, thực ra là người ta đang dọn đường cho những người giàu đi qua cho thật mát mẻ, thong dong…
Khải Đơn** (Thanh Niên)
* Trích từ nội dung cuộc diễn thuyết: http://www.ted.com/talks/enrique_penalosa_why_buses_represent_democracy_in_action.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.