Hết tiền, ISIS cần mở rộng để tiếp tục hoạt động
Theo một báo cáo mới đây, ISIS đang phụ thuộc quá nhiều vào lượng xuất khẩu dầu và cần có thêm nhiều vùng lãnh thổ nếu muốn tiếp tục duy trì khủng bố.
Còn được biết đến là Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, ISIS gây quỹ cho các hoạt động của mình bằng cách thu giữ các mỏ dầu, trộm cắp, bắt cóc, tống tiền, và thậm chí là dính vào việc thu hoạch nội tạng. Nhóm người này cũng lợi dụng cả các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các quỹ từ thiện trong khu vực.
Trong nỗ lực nhằm giải thích chiến lược đề ra của nhóm người này, Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính Quốc tế (FATF) cho rằng ISIS phải mở rộng “để duy trì quản lý tài chính và chi tiêu trong những vùng nó hoạt động”. FATF là tổ chức gồm nhiều quan chức chính phủ trên khắp thế giới và có trụ sở tại Pháp.
“Nhu cầu nguồn vốn lớn để đáp ứng các yêu cầu về tổ chức và điều hành thể hiện điểm yếu đối với cơ sở hạ tầng của ISIL”, FATF nói thêm, khi nhắc đến một tên gọi khác của nhóm người này là ISIL. Hiện vẫn chưa rõ liệu “việc thu thập doanh thu [của ISIS] thông qua số tiền bất chính mà họ kiếm được từ nghề khủng bố, bao gồm cả tống tiền và trộm cắp, sẽ vững bền theo thời gian [hay không]”.
FATF cho rằng một điều bắt buộc đối với các cường quốc nước ngoài là phải cắt đứt “các luồng thu nhập khổng lồ” vốn là “cả thách thức và cơ hội cho cộng đồng toàn cầu để đánh bại tổ chức khủng bố này”.
“Nhiều biện pháp đối phó truyền thống từng được sử dụng để lấy đi nguồn tài trợ của các tổ chức khủng bố là không thể áp dụng được đối với mô hình mới của ISIL”, báo cáo khẳng định. “Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ tổ chức khủng bố nào, mạng lưới tài chính, hậu cần, và cung cấp của ISIL dễ bị tổn thương”.
Là tổ chức theo dõi tình hình ở Syria kể từ khi cuộc nổi dậy bắt đầu từ nhiều năm trước đây, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Syria (SOHR) cũng lưu ý rằng ISIS cần có tài chính.
“Họ cần tiền”, người đứng đầu SOHR là ông Rami Abdulrahman phát biểu trên tờ Reuters. “Kể từ khi các cuộc không kích đánh trúng cơ sở lọc dầu của họ và biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khó vượt qua hơn, họ đã tăng thuế và tìm nhiều cách kiếm tiền”. Ông Abdulrahman nói thêm rằng ISIS đã bắt đầu bán kim loại phế liệu từ các cơ sở bị ném bom ở phía Đông Syria.
Thiếu tiền có thể là nguyên nhân tại sao gần đây ISIS lại bắt cóc hơn 220 người Ki-tô hữu để đòi tiền chuộc. “Trong năm ngoái, ISIL đã tăng đáng kể doanh thu thông qua các khoản tiền chuộc cho những nạn nhân bị bắt cóc; thành viên của FATF ước tính rằng khoản tiền này dao động từ 20-45 triệu USD”, báo cáo cảu FATF khẳng định.
Giải thích chi tiết về dòng doanh thu của ISIS, một báo cáo trên trang Foreign Affairs viết: “Vẫn còn nhiều khoản tài trợ đến từ việc buôn lậu thuốc lá, dược phẩm, điện thoại di động, đồ cổ, và hộ chiếu nước ngoài. Việc buôn bán một số mặt hàng này từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên đáng kể”.
Jack Phillips, Epoch Times
Biên dịch: Hồng Liên
Biên dịch: Hồng Liên
Từ Khóa:ISIS nhà nước Hồi giáo Thể Loại:Quốc tế Thế giới Trung Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.