Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

4 trái chuối giá 50.000 VND

4 trái chuối giá 50.000 VND
Nguồn:gocnhinalan.com
Zetal – Triết Học Đường Phố – 4 Mar 2015
4 trai chuoi
Tôi vừa mua 4 trái chuối ở một cửa hàng tiện lợi của Nhật với giá 266 yên (246 yên + 8% thuế tiêu thụ). Nếu tính tỉ giá 1 yên = 180 đồng thì 4 trái chuối này có giá 47.880 đồng. Tôi nhắc lại: đây là giá của 4 trái chuối, 4 trái chứ không phải 4 nải! Ở Việt Nam, với số tiền đó bạn có thể ăn bao nhiêu chuối?
Trước khi bạn đem vật giá ra so sánh, trước khi bạn bàn đến chi phí vận chuyển các thứ thì cho phép tôi nói thêm: 4 trái chuối đó có xuất xứ từ Peru, Nhật Bản không có chuối! Và đây là lần đầu tôi ăn chuối Peru ở Nhật, bình thường thì tôi vẫn ăn chuối Philippines với giá 136 yên (24.480 đồng) cho 4 trái, nhưng hôm nay chuối Phi hết hàng. Đọc đến đây có lẽ bạn cũng nghĩ được điều mà tôi đã nghĩ: Tại sao lại là chuối Peru và Philippines mà không phải là Việt Nam? Tại sao?
Có lẽ bạn chưa biết rằng nông sản nội địa của Nhật chưa bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân nước này. Cho nên họ buộc phải nhập thêm nông sản từ khắp nơi trên thế giới về để bổ sung nguồn cung. Vậy nông sản Việt chiếm bao nhiêu % thị phần?
Nếu bạn hỏi tôi thì tôi xin thành thật trả lời rằng: Tôi không biết! Tôi không phải một nhà thống kê kinh tế nên tôi không trả lời câu hỏi đó cho bạn được. Nhưng không khó để dẫn chứng cho các bạn mường tượng qua những thông tin báo chí đã đăng.
Vào tháng 6 năm 2014 nông dân tỉnh Bắc Giang đem bán tháo vải ra đầy đường. Dự báo với sản lượng vải 140.000 tấn, trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 60%, xuất khẩu 40% (Trung Quốc chiếm khoảng 95% sản lượng xuất khẩu.). Trong khi đó thị trường Nhật không có lấy 1 kg vải Việt Nam nào được nhập. Bộ Khoa học đã xuất khẩu 10 tấn vải ngay trong tháng 7 năm 2014 để làm mẫu cho Nhật Bản kiểm định, người ta bắt đầu mơ về cái giá 16$/5 quả vải ở thị trường này. [1]
Thêm một thông tin khác: theo ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục BVTV thì “Vải ở Mỹ thì tôi không rõ lắm, nhưng ở Nhật, 3 quả vải trị giá 1 USD. Hay như nhãn của Thái Lan XK sang Mỹ, tôi thấy họ bán khoảng 30-40 USD/hộp 5kg. Như vậy so với Việt Nam thì cao hơn rất nhiều lần. Tôi nghĩ nếu XK sang Mỹ thì cũng sẽ có giá cao như vậy thôi.” [2]
*Nếu bạn nào thắc mắc sao lại có 2 cái giá: 3 quả/1$ và 5 quả/16$ ở cùng thị trường thì xin mời bạn tìm hiểu về tương quan giữa giá vốn – giá bán và lượng hàng hóa, quan hệ cung cầu.
Video Link:

Câu hỏi dành cho bạn ở đây: Tại sao lại phải là các cơ quan nhà nước đem nông sản đi giới thiệu, kiểm định ở các nước mà không phải là các doanh nghiệp tư nhân? Liệu cơ quan nhà nước có bao quát hết các mặt hàng nông sản không? Liệu cơ quan nhà nước có thể giới thiệu nông sản Việt đến tất cả các nước không?
Còn rất nhiều vụ bán đổ bán tháo, thậm chí là vứt cho gia súc làm thức ăn. Còn rất nhiều vụ đốt bỏ, chặt bỏ, đổ bỏ khác mà tôi không nêu ra. Đơn giản vì tôi không chắc các loại nông sản đó có thể tiêu thụ được ở Nhật hay một quốc gia nào đó hay không?
bao articles nông nghiệp
Đến đây mời bạn trả lời các câu hỏi sau:
  1. Ai là      người quyết định số phận của nông dân? Là doanh nghiệp xuất nhập khẩu,      thương lái nội địa hay người tiêu dùng?
  2. Ai là      người quyết định số phận doanh nghiệp và thương lái? Là người tiêu dùng      hay là chính sách xuất nhập khẩu, các quy định về chất lượng sản phẩm      trong thị trường nội đia, các khâu vận chuyển, kiểm duyệt sản phẩm?
  3. Ai là      người quyết định chính sách xuất nhập khẩu, các quy định về chất lượng sản      phẩm trong thị trường nội địa, các khâu vận chuyển, kiểm duyệt sản phẩm?      Là người tiêu dùng hay các cơ quan nhà nước?
  4. Ai là      người quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng các cán bộ làm việc trong các cơ      quan nhà nước liên quan đến các vấn đề trên? Là người tiêu dùng, nông dân      hay là một Đảng phải chính trị nào?
  5. Ai là      người quyết định sức khỏe của người tiêu dùng khi tiêu thụ nông sản? Là      nông dân, các cơ quan nhà nước hay một Đảng phái chính trị?
*** Nếu bạn không trả lời được các câu hỏi trên thì xin theo dõi tiếp những bài viết của chúng tôi trong thời gian tới. Kinh tế học có thể trả lời những câu hỏi trên và nhiều câu hỏi nữa

Gửi các Zombie và độc giả của Triết Học Đường Phố

Các bạn nằm trong số ít giới trẻ Việt Nam hiện nay quan tâm đến tình hình đất nước, chịu đầu tư suy nghĩ để tìm ra một con đường đưa đất nước này đi lên. Đó thực là một điều đáng quý.
Tuy nhiên, hẳn các bạn cũng đồng ý với tôi, khát vọng và nhiệt huyết muốn thay đổi không thôi chưa đủ. Muốn đưa đất nước tiến lên, các bạn còn cần phải có tri thức.
Trong đó, tôi trộm nghĩ tri thức về kinh tế học nằm trong những thứ tri thức quan trọng nhất.
Bởi vì sao? Vì phải hiểu kinh tế học thì mới đề ra được những chính sách tốt. Chính sách không tốt thì người tài sẽ bỏ đi, tài nguyên sẽ bị phí phạm, sản xuất sẽ không phát triển được. Mà chính sách tốt thì kinh tế vững.
Chúng ta muốn không bị phụ thuộc vào Trung Quốc, muốn xây nhiều trường học, bệnh viện, muốn xóa bỏ hủ tục. Nếu kinh tế nước ta giàu mạnh thì có phải làm những điều đó dễ hơn biết bao nhiêu?
Nếu không hiểu biết về kinh tế học, thì sẽ không thể biết được và không thể tranh luận một cách nghiêm túc được chính sách nào tốt, chính sách nào kém. Và cần nhiều người như các bạn quan tâm và có ý kiến đúng đắn về các chính sách, thì xã hội dân chủ mới hoạt động được hết hiệu quả, đất nước mới tiến bộ được.
Vậy thì bây giờ học kinh tế bằng cách nào? Cái này mỗi người một ý, nhưng theo tôi thì các bạn nên bắt đầu từ các trường phái Neoclassical và Keynesian. Không hẳn là các trường phái này ưu việt nhất, nhưng cả thế giới này đang học và dùng chúng, do đó chúng ta cần phải biết và hiểu chúng.
(*Ghi chú: THĐP không đi theo 2 trường phái kinh tế này, mà đi theo hướng của trường phái kinh tế Áo, Austrian Economics, muốn tìm hiểu thêm thì tìm đọc Ludwig von Mises, Keynesian economics được giảng dạy đại trà là vì nó thiên về chủ nghĩa nhà nước, còn Austrian economics thì thiên về chủ nghĩa tự do.)
Nếu không hiểu các trường phái này thì chúng ta sẽ không nói cùng một thứ ngôn ngữ với đa số các nhà kinh tế học hiện hành.
Có lẽ ai cũng ngại việc bắt tay vào tìm hiểu một bộ môn mới từ con số không. Vì thế tôi xin giới thiệu với các bạn một sê-ri video Kinh Tế nhập môn của các bạn Kinh Tế Không Kinh Thế. Các video này khá nhẹ nhàng, không quá cầu kỳ, có thể giúp người xem bổ sung những khái niệm cơ bản nhất về kinh tế. Các bạn xem sẽ thấy kinh tế không khó hiểu như các “chuyên gia” vẫn thường dọa chúng ta để giữ cho người dân không muốn tìm hiểu về kinh tế và bóc trần những sai sót của họ.
Nếu mỗi ngày bạn dành ra 30 phút để tìm hiểu về kinh tế, tham gia thảo luận, nhìn nhận các vấn đề thì bạn sẽ nhanh chóng tích lũy được kiến thức kinh tế và nhìn ra các vấn đề.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.