Nghi ngờ hợp lý – chiếc vương miện của nền tư pháp hình sự
Lê Nguyễn Duy HậuGửi tới Luật Khoa tạp chí từ Sài Gòn
“Nghi ngờ hợp lý” (reasonable doubt), chiếc vương miện của nền tư pháp hình sự văn minh, nơi mà bị cáo không bao giờ phải chứng minh mình vô tội và bồi thẩm đoàn không bao giờ kết tội khi trong lòng vẫn còn nghi ngờ.
“Sao anh dám chắc rằng bị cáo không phạm tội?”
Trong bộ phim kinh điển “Mười hai người đàn ông nổi giận” (“Twelve Angry Men”), Henry Fonda vào vai một viên bồi thẩm đoàn đơn độc chống lại ý kiến của mười một vị bồi thẩm còn lại. Pháp luật một số tiểu bang Hoa Kỳ buộc rằng trong một vụ án có mức án tử hình, bồi thẩm đoàn khi quyết định bị cáo có tội hay vô tội đều phải đạt được sự đồng thuận tuyệt đối. Tức là mỗi vị bồi thẩm đoàn đều có quyền “phủ quyết” đối với ý kiến tập thể.
Mười một vị bồi thẩm đoàn đều bỏ phiếu “có tội” cho bị cáo. Những bằng chứng có lẽ là không thể chối cãi. Bị cáo bị buộc tội giết cha của mình. Trước thời điểm diễn ra vụ án vài tiếng, hàng xóm có nghe thấy tiếng cãi cọ giữa hai người. “Tôi sẽ giết ông” là lời của bị cáo với người cha bạo hành của mình. Rồi nhân chứng lại nghe tiếng chân bị cáo chạy và thề rằng ông ta đã thấy bị cáo chạy qua không lâu sau khi nghe tiếng nạn nhân ngã xuống. Người ta còn tìm thấy con dao gây án tại hiện trường. Không có dấu vân tay nào được tìm thấy nhưng có người nhìn thấy bị cáo có một con dao tương tự, một con dao đặc biệt. Bị cáo cho rằng sau khi cãi cọ với nạn nhân, y đã đi xem phim nhưng không thể nhớ được tên bộ phim và trên đường về nhà lại làm rơi mất con dao. Quan trọng hơn hết, một người hàng xóm bên đường thề là bà đã nhìn thấy bị cáo đâm chết cha của anh ta.
Sau nhiều tuần tranh luận trước tòa, các nhân chứng được tra hỏi nhiều lần, các chứng cứ được xem đi xem lại, mười một vị bồi thẩm đoàn vẫn không tài nào hiểu nổi tại sao viên bổi thẩm thứ 12 kia lại “dám nói rằng bị cáo vô tội”. “Chẳng phải hắn đang thả tên tội phạm đó về xã hội sao?” – một vị bồi thẩm nói. “Sao anh dám chắc rằng bị cáo không phạm tội” – vị khác hỏi.
Viên bồi thẩm quái gở kia không bao giờ có thể trả lời được những câu hỏi trên.
Đơn giản là vì những câu hỏi đó hoàn toàn sai.
Nghi ngờ hợp lý và nguyên tắc suy đoán vô tội
Điều thôi thúc nhân vật của Henry Fonda chống lại ý kiến của các vị bồi thẩm khác đó là vì ông không cảm thấy đúng đắn khi tuyên tử hình một người chỉ sau vài phút nghị án. Ông muốn mọi người ngồi lại lâu hơn một chút, xem xét lại chứng cứ một lần nữa, đặt câu hỏi đối với lời khai của nhân chứng bằng sự hoài nghi. Ông không dám chắc bị cáo có tội hay không, nhưng đồng thời cũng không chắc chắn hoàn toàn rằng bị cáo vô tội.
Nhưng chẳng phải đó là điều đúng đắn nhất mà một viên bồi thẩm nên làm sao? Tuyên “vô tội” không phải vì anh chắc chắn rằng bị cáo vô tội, rằng bị cáo trong sáng. Tuyên “vô tội” là vì anh không dám chắc, không dám khẳng định, vượt quá những nghi ngờ thông thường, rằng bị cáo có tội.
Nên nhớ, số phận con người lúc đó nằm trong tay anh.
Bộ phim phát triển và dần dần, những niềm tin nội tâm rằng bị cáo có tội bị phá vỡ. Lời khai của nhân chứng bị nghi ngờ. Các viên bồi thẩm phân vân, nghi ngờ, không ai biết liệu bị cáo có phạm tội hay không. Nhưng như vậy là quá đủ để mười hai viên bồi thẩm đoàn tuyên bị cáo “vô tội”.
Và đó chính là sự “nghi ngờ hợp lý” để xác định xem một bị cáo có phạm tội hay không. Rằng bồi thẩm đoàn, hoặc các thẩm phán, chỉ được phép tuyên một ai đó là “có tội” khi họ không còn một “nghi ngờ hợp lý” nào rằng có thể bị cáo không phạm tội.
Ít có lời giải thích nào về cái gọi là “nghi ngờ hợp lý” hoàn hảo hơn những gì nhân vật của Henry Fonda nói vào cuối phim:
“Luôn rất khó khăn để không định kiến trong những chuyện như thế này. Và lúc nào thì sự định kiến cũng cản trở sự thật. Bản thân tôi cũng không biết sự thật là gì. Tôi cũng không tin rằng có ai đó biết rõ sự thật. Chín người (lúc này vẫn còn ba viên bồi thẩm khác vẫn nghĩ bị cáo có tội – TG) trong chúng tôi giờ đây có lẽ cảm thấy bị cáo là vô tội, nhưng thực ra chúng tôi cũng chỉ đang đánh cược với các khả năng thôi. Chúng tôi có thể sai. Có thể chúng tôi đang trả tự do cho một kẻ có tội, tôi không biết. Không ai có thể biết. Nhưng chúng tôi có một nghi ngờ hợp lý, và đó là điều rất đáng quý trong nền tư pháp này. Không một bồi thẩm đoàn nào được phép tuyên một người là có tội, trừ phi họ hoàn toàn chắc chắn”.
Đó chính là cách mà một nền tư pháp hình sự công chính nên vận hành.
Khi niềm tin nội tâm lên tiếng
Trong đời, sẽ có rất nhiều trường hợp niềm tin nội tâm nói với chúng ta rằng kẻ đang đứng trước mặt ta là tên tội phạm, rằng tội ác đó thật ghê tởm, và rằng tất cả những thứ lý thuyết sáo rỗng phải bị dẹp bỏ để nhường chỗ cho công lý được thực thi.
Bản thân tác giả bài này, khi phải đối mặt với một vụ án khó không lâu trước đây, cũng từng bị hỏi rằng: “Vậy trong thâm tâm anh, anh có tin người đó phạm tội hay không?”
Nhưng dù niềm tin của tôi là gì, liệu rằng nó có đủ để quyết định tương lai, hay sinh mạng một con người không?
Pháp luật hình sự tiên tiến luôn chỉ rõ rằng bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh bản thân vô tội. Chứng minh có tội là nghĩa vụ của bên công tố. Và không ai bị coi là có tội cho đến khi bản án có hiệu lực. Mọi tình tiết chưa rõ ràng trong vụ án đều phải được suy luận theo hướng có lợi cho bị cáo.
Đứng trước anh có thể là một tên giết người, một kẻ hiếp dâm trẻ em, một quan chức tham nhũng, hay một gã biến thái, nhưng dưới con mắt pháp luật, đó vẫn là một con người vô tội. Trước khi phán xét một ai đó dựa trên một chuẩn mực mà bản thân tự đặt ra, có lẽ chúng ta nên hình dung rằng liệu chúng ta có cảm thấy công bằng không nếu chúng ta bị áp đặt các tiêu chuẩn xét xử, suy luận bất lợi.
Rủi ro của việc đối xử công bằng với bị cáo chính là việc một kẻ thủ ác có thể sẽ được thả ra, và công lý không được kiến tạo. Nhưng phải chăng chúng ta đang đánh đu với các khả năng? Liệu rằng cái gọi là mục đích phòng chống tội phạm, hoặc kiến tạo công lý có vượt lên trên tương lai, sinh mạng một con người? Liệu rằng chúng ta có chấp nhận “giết lầm còn hơn bỏ sót”?
Những mục đích, khẩu hiểu đó có danh tính hay không? Chúng ta có được phép sử dụng một khẩu hiệu vô danh để đàn áp một con người hữu danh hay không?
Đứng trước câu hỏi hóc búa của bạn mình, tôi đã phải trả lời rằng: “Có, trong thâm tâm mình, tôi tin rằng người đó phạm tội. Nhưng tôi là ai mà có quyền đứng lên trên chứng cứ, đứng lên trên cái nghi ngờ hợp lý? Niềm tin là chưa đủ để gọi một ai đó là tội phạm”.
Đó là lúc bên trong tôi có một nghi ngờ hợp lý. Đó là lúc chúng ta phải trả tự do cho người bị cáo kia.
Bồi thẩm đoàn là gì?
Tại rất nhiều nước, chế định “bồi thẩm đoàn” (jury) được đặt ra để tham gia giải quyết câu hỏi về sự kiện của vụ án. Bồi thẩm đoàn không tham gia vào quá trình xét xử như thẩm phán, luật sư hay công tố. Họ chỉ dự khán và lắng nghe lập luận của hai bên và sau cùng trả lời câu hỏi “có tội” hay “không có tội”. Nếu câu trả lời là “có tội”, thẩm phán sẽ là người quyết định xem tội gì, mức án bao nhiêu. Nếu câu trả lời là “vô tội”, bị cáo sẽ được phóng thích tại chỗ, mặc cho thẩm phán có ý kiến khác hay không. Trong một số trường hợp rất cụ thể, thẩm phán có quyền ra phán quyết mà không cần ý kiến của bồi thẩm đoàn.
Bồi thẩm đoàn được lựa chọn bởi hai bên công tố và biện hộ trước mỗi vụ án từ những công dân bình thường. Điều này khác với chế định hội thẩm nhân dân của Việt Nam khi mà hội thẩm nhân dân được coi là những người có hiểu biết pháp luật và được tiến cử bởi Mặt trận Tổ quốc. Khi tham gia phiên tòa, hội thẩm nhân dân cùng thẩm phán hợp thành hội đồng xét xử có quyền quyết định ngang nhau cả về vấn đề có tội hay không, cũng như lượng hình.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.