Việt Nam đẩy mạnh tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước
08/12/2017
Sau nhiều năm thất vọng và bức xúc về tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài kể cả trong ngành ngân hàng, cuối cùng đã thấy là có một số cơ sở để có thể lạc quan.
Hãng tin Reuters hôm 7/12 nói rằng trong một loạt động thái gần đây, chính quyền Việt Nam đã cho thấy một “thái độ nghiêm túc hơn” trong việc bán một lượng cổ phần đáng kể của các công ty thuộc quyền sở hữu của chính phủ.
Hồi tháng trước, Việt Nam công bố kế hoạch bán tới 54% cổ phần, trị giá khoảng 5 tỷ đô la của Tổng công ty cổ phần bia- rượu- nước giải khát Sài Gòn– tức Sabeco, hãng bia lớn nhất Việt Nam. Đây được coi là vụ cổ phần hóa lớn nhất, rất hấp dẫn đối với nhiều hãng bia nước ngoài kể cả Heineken, từ lâu vẫn muốn mua cổ phần của một công ty chiếm tới 40% thị phần toàn quốc.
Theo Reuters thi vụ bán cổ phần Sabeco được coi là một bước táo bạo đối với Việt Nam, một nước vẫn theo chủ nghĩa cộng sản.
Hà Nội cũng đã có những bước như sửa đổi các quy định để thúc đẩy tiến trình tư hữu hóa các doanh nghiệp nhà nước trong tương lai. Trong số những thay đổi đó có việc bổ sung phương thức dựng sổ và các phương thức bán cổ phần lần đầu (IPO), giảm bớt các hạn chế đối với các nhà ‘đầu tư chiến lược’.
Một số chuyên gia được hãng tin Reuters dẫn lời, nói Việt Nam đẩy mạnh cổ phần hóa vì đang đứng trước một bức tranh tài chính đang xấu đi, kể cả mức thâm hụt ngân sách và nợ công tiếp tục gia tăng vào một thời điểm khi mà Hà nội đang muốn chi nhiều hơn vào công tác xây dựng các cơ sở hạ tầng.
Tuy vậy các dấu hiệu tích cực về nền kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng rất khả quan, và thị trường chứng khoán đang bùng nổ, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên giới đầu tư không trông đợi những bất cập, khó khăn trong nỗ lực đẩy mạnh tư hữu hóa sẽ được giải quyết trong một sớm một chiều. Tờ Thời Báo Kinh tế trích dẫn đánh giá của Bộ Tài chính Việt Nam, nói rằng việc thực hiện cổ phần hóa trong 11 tháng đầu năm 2017 vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến việc cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước nói chung, và không đáp ứng được yêu cầu.
Các số liệu công bố mới đây về kinh tế Việt Nam trong 11 tháng năm 2017, cho biết Việt Nam thu hút được dòng vốn FDI 33 tỷ USD từ giới đầu tư nước ngoài, và chỉ riêng tháng 11 con số này là 5 tỷ USD. Trang web vneconomy cho biết số lượng doanh nghiệp thành lập mới tại Việt Nam là 116.000 doanh nghiệp.
Trung Quốc tiếp tục là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, trong khi Nhật Bản là quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 11 tháng năm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.