Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

Các nhóm thân hữu và tắc nghẽn thể chế đang gây hại cho VN

Các nhóm thân hữu và tắc nghẽn thể chế đang gây hại cho VN

PGS. TS. Phạm Quý Thọ 
Getty Images
Tìm kiếm mô hình phát triển cho đất nước là tâm huyết của nhiều chính trị gia và các nhà nghiên cứu.
Đường lối Đổi mới tự nó không phải là mô hình. Đảng Cộng sản lãnh đạo quá trình chuyển đổi sang thị trường có lúc thăng trầm. Theo quan sát của tôi, bối cảnh cải cách hiện nay đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho mô hình phát triển. Xu hướng cải cách tạo ra thời cơ. Tuy nhiên, nó cần được nhận rõ để hiện thực hoá.
Quá trình đổi mới và 'thập kỷ mất mát'
Hơn 30 năm trước, tính từ 1986, đường lối Đổi Mới với chính sách mở cửa và cải cách đã đưa Việt Nam thoát khủng hoảng kinh tế, vươn lên thoát nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình thấp.
Thu nhập quốc dân GDP trên đầu người năm 2018 đạt 2.587 USD.
Bỏ qua 5 năm đầu thoát khủng hoảng (1986-1991) và giai đoạn bất ổn từ 2009, trong vòng 20 năm (1991 - 2011), tăng trưởng GDP bình quân năm đạt 7,34%, quy mô kinh tế năm 2011 gấp trên 4,4 lần năm 1990, gấp trên 2,1 lần năm 2000.
Kinh tế thị trường không chỉ là cứu cánh và dần thế chỗ kinh tế tập trung, bao cấp. Dư địa tăng trưởng là giải phóng sức lao động và tiềm năng nguồn lực vật chất như đất đai, tài nguyên.
Nay dư địa 'thô' dần cạn kiệt và những cảnh báo được đưa ra rằng đất nước có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Thời kỳ bất ổn vĩ mô không chỉ khiến tốc độ tăng trưởng giảm sút mạnh, mà còn gây khủng khoảng thể chế, đe doạ sự tồn vong của chế độ, mất niềm tin dân chúng và rối loạn xã hội.
Nguyên nhân được cho là sự sai lầm của chính sách kinh tế dựa vào các tập đoàn kinh tế nhà nước và sự tha hoá của bộ máy hành chính thiếu năng lực điều hành. Bản chất sâu xa là sự duy ý chí khi cho rằng Đảng Cộng sản có thể lãnh đạo kinh tế thị trường mà vẫn duy trì chế độ độc tôn.
Getty Images
Đảng đã không thay đổi kịp để thích ứng với chuyển đổi sang thị trường.
Kinh tế thị trường đòi hỏi không gian tự do cho con người và doanh nghiệp dựa trên sở hữu tư nhân và tự do cá nhân với các giá trị phổ quát, đối ngược với các chuẩn mực lý tưởng cộng sản.
Sự 'tự diễn biến, tự chuyển hoá' trong nội bộ tổ chức đảng là hậu quả của sự duy trì ý thức hệ xã hội chủ nghĩa giáo điều vốn là nền tảng của hệ thống chính trị hiện hành.
Có thể gọi đây là 'thập kỷ mất mát' của quá trình chuyển đổi và hậu quả để lại vẫn rất nghiêm trọng cho đến nay, nhưng bài học quý giá được rút ra: cải cách thể chế phải thích ứng với thị trường.
Tập đoàn tư nhân là trụ cột kinh tế
Chính sách cải cách thế nào trong nhiệm kỳ Đại hội 12 là nhiệm vụ nặng nề cho tập thể lãnh đạo Đảng Cộng sản?
Trong bối cảnh đó, ý tưởng về chính phủ kiến tạo với chính sách kinh tế 'thực dụng' được tuyên bố. Đó là sự cam kết về một chính phủ liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Gọi chính sách là 'thực dụng' không chỉ bởi vì thông điệp khi trích lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, "việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh" được nhấn mạnh, mà còn vì nó có cách nhìn thực tế hơn về các vấn đề chính trị, kinh tế xã hội.
Có vô số các dẫn chứng, ở đây đơn cử như việc triển khai chính sách đã 'bỏ qua' lý luận giáo điều về bóc lột hàng hoá sức lao động vốn là cơ sở của đấu tranh giai cấp xuất phát từ học thuyết Mác-Lênin.
Đó là một chính sách kinh tế khuyến khích tự do kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, tìm kiếm mọi nguồn lực tăng trưởng trong các lĩnh vực và địa phương, từ kinh tế số, kinh tế 'ban đêm', kinh tế 'ngầm'… đến liên kết vùng và tỉnh thành.
Mặt khác, các rào cản về quy định pháp luật và thủ tục hành chính cản trở môi trường kinh doanh được chỉ tên và yêu cầu dỡ bỏ.
Với những động thái mạnh của Chính phủ, nền kinh tế cho thấy đang chuyển biến tích cực, lấy lại đà tăng trưởng tương đối cao sau 'bất ổn', các nguồn lực tiềm năng được huy động cho mục tiêu này.
Chỗ dựa của chính sách là Nghị quyết 5 khoá 12 của Đảng về 'kinh tế tư nhân là động lực quan trọng'. Đây không phải là quan điểm mới, nhưng nhấn mạnh là 'động lực quan trọng'. Nó thúc đẩy tìm kiếm các nguồn lực và động lực mới cho tăng trưởng.
Các tập đoàn tư nhân lớn đang được khuyến khích phát triển để nâng cao vai trò là 'đầu kéo' cho phát triển vùng và ngành kinh tế, và thúc đẩy tham gia có hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
Quá trình hình thành và phát triển của một số tập đoàn kinh tế tư nhân có thể không 'tự nhiên', 'giàu lên nhờ đất', phải lách luật hoặc tuân theo luật chơi quyền lực, nhưng không phải tất cả. Và, nền kinh tế cần có những tập đoàn như Vingroup, Trường Hải…
Getty Images
VN cần tránh bẫy thu nhập trung bình, theo PGS TS Phạm Quý Thọ
Lưu ý rằng về lý thuyết tự do kinh tế luôn tạo ưu thế cho các doanh nghiệp tư nhân lớn và thúc đẩy hình thành các tập đoàn đa ngành.
Khi các tập đoàn này được coi là trụ cột nền kinh tế có 'bệ đỡ' của động lực quan trọng là khu vực kinh tế tư nhân sẽ tạo nên sức mạnh mới cho tăng trưởng bền vững.
Khu vực kinh tế này và các tập đoàn tư nhân cần môi trường kinh doanh không chỉ với sự cam kết của Chính phủ, mà môi trường pháp luật, hành chính để thiết lập nguyên tắc cho thị trường phát triển, đặc biệt về quyền đảm bảo tài sản và sở hữu cá nhân và nguyên tắc hoạt động của chính quyền là công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đó là một số nội dung cơ bản của nhà nước kiến tạo hiện đại.
Chủ nghĩa thân hữu và nghẽn thể chế
Thể chế đang bị 'nghẽn' nghiêm trọng và đang cản trở cải cách.
Theo tôi, nguyên nhân trực tiếp của thực trạng nghẽn thể chế là mạng lưới thân hữu, nhóm lợi ích được kích hoạt bởi sự tha hoá quyền lực trong quá trình chuyển đổi kinh tế sang thị trường nhưng thiếu cơ chế kiểm soát hữu hiệu.
Nhóm lợi ích và quan hệ thân hữu đã được cảnh báo như một nguy cơ. Khi niềm tin vào chế độ và các giá trị chuẩn mực bị khủng khoảng, thì chỗ dựa của nó là quan hệ thân hữu vốn mang bản chất sinh học tự nhiên. Tuy nhiên, khi tính chất các quan hệ này hướng tới chiếm đoạt quyền lực vì lợi ích riêng sẽ có tác động tiêu cực nghiêm trọng và lâu dài.
nguyên nhân trực tiếp của thực trạng nghẽn thể chế là mạng lưới thân hữu, nhóm lợi ích được kích hoạt bởi sự tha hoá quyền lực trong quá trình chuyển đổi kinh tế sang thị trường nhưng thiếu cơ chế kiểm soát hữu hiệu PGS. TS Phạm Quý Thọ
Việc coi cải cách thể chế là 'dư địa' lớn cho tăng trưởng là sự thay đổi tư duy lãnh đạo quan trọng. Tuy nhiên do nhận định nguyên nhân bất ổn chưa đầy đủ, khiến cho các giải pháp giải 'nghẽn' không mang lại hiệu quả. Chẳng hạn, việc phân cấp quyền quản lý tài sản nhà nước mà không làm rõ các quy định về quyền sở hữu là nguyên nhân dẫn đến tha hoá quyền lực và tham nhũng.
Thủ tướng Chính phủ nhiều lần chỉ thẳng ra những biểu hiện 'nghẽn' của thể chế như "trên bảo, dưới không nghe", "trên nóng, dưới lạnh", công chức "sáng cắp ô đi tối cắp về", "nói không đi đôi với làm", "văn hóa không nhúc nhích" trong công sở…
Tinh giản guồng máy cầm quyền và chống tham nhũng là các mũi nhọn cải cách, nhưng khi thực thi đã đối diện với thách thức.
Thời gian qua Bộ Công an được cho là được cải tổ quyết liệt. Ngoài lý do cồng kềnh, còn có dư luận về 'phe phái', 'lợi ích nhóm' nặng nề trong giai đoạn bất ổn và biểu hiện rõ nét trước Đại hội 12.
Việc kiện toàn tổ chức và tinh giảm đầu mối các bộ, ban ngành khác luôn bị trì hoãn. Việc sáp nhập các văn phòng đảng, Quốc hội và Chính phủ đang gặp vấn đề khi thí điểm, một số đơn vị hành chính huyện, xã là vấn đề 'đụng chạm'.
Các hoạt động Đảng tập trung củng cố quyền lực, chống 'tự diễn biến, tự chuyển hoá' về tư tưởng - tiêu chí định tính và khó kiểm soát, đặc biệt trước thời điểm chuẩn bị cho Đại hội 13 của Đảng cộng sản.
Để cải cách mang lại hiệu quả thiết thực và bền vững cần nhận thức rằng mạng lưới tư bản thân hữu dày đặc là kết quả tất yếu của quá trình chuyển đổi kinh tế sang thị trường nhưng thiếu cơ chế cần thiết để kiểm soát quyền lực. Hơn thế, các quan hệ thân hữu thấm sâu vào hệ thống đảng trị đến nỗi nó trở thành chất keo để giữ cho guồng máy khỏi tan rã.
Cải cách cần hướng tới xây dựng một nhà nước kiến tạo hiện đại.
Chống tham nhũng và sự lựa chọn
Chống tham nhũng là cấp thiết, nhưng liệu có là giải pháp bền vững hướng tới bộ máy cầm quyền trong sạch và hiệu năng? Câu trả lời tuỳ thuộc vào sự lựa chọn mục đích hoặc để duy trì chế độ hiện hành hay để chuyển đổi sang nhà nước hiện đại, kiến tạo.
Getty Images
Chống tham nhũng, một mặt để lấy lại niềm tin của nhân dân, mặt khác áp đặt kỷ luật lên đảng cầm quyền, tạo sức ép lên hệ thống quan liêu, khiến nó miễn cưỡng phải thực hiện các cải tổ kinh tế. Tuy nhiên, cải cách có thể làm xói mòn quyền lực và các đặc quyền.
Nhưng nhiều cán bộ trong số họ đang 'giả vờ' phục tùng, 'thế thủ' để an thân, biện lý do trì hoãn công việc.
Ngoài ra, việc chống tham nhũng có thể gây rủi ro cho bản thân chế độ, khi sự thoả thuận trong các cơ quan quyền lực có thể bị phá vỡ, căng thẳng và bất bình.
Chiến dịch chống tham nhũng cũng buộc phải cho phép ngành tư pháp có nhiều độc lập hơn trước để truy tố các quan chức phạm tội.
Việc nhanh chóng đề cử các cán bộ của Đảng vào các vị trí quyền lực trong mùa đại hội các cấp khi đề cao tiêu chí sự trung thành, phục tùng có thể làm tiêu chuẩn kỹ trị và năng lực chuyên môn bị giảm sút.
Việc 'nới lỏng' truyền thông và những tổ chức như Mặt trận Tổ quốc tham gia giám sát có thể khiến quyền lực bị phân tán.
Trong bối cảnh này chống tham nhũng đứng trước hai lựa chọn trái ngược.
Một là để tập trung quyền lực kiểu tôn vinh 'lãnh đạo hạt nhân' không giới hạn nhiệm kỳ như ông Tập Cận Bình. Phương án này dường như nằm ngoài ý muốn của Đảng Cộng sản Việt Nam, khi các yếu tố về nhân sự và quy hoạch chưa được chuẩn bị. Sự chuyển giao quyền lực ở cương vị 'tứ trụ' cho Đại hội 13, dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021, đang được cân nhắc.
Phương án hai, cải cách để hướng tới kiểu nhà nước hiện đại, kiến tạo để đáp ứng các yêu cầu của chuyển đổi sang thị trường và tạo ra các nguyên tắc vận hành của nó. Theo đó, việc nới rộng dân chủ được tiếp tục. Hơn thế, Đảng cần phải đương đầu với các rủi ro như nêu ở trên, thay đổi ý thức hệ xã hội chủ nghĩa giáo điều.
Luật chơi quyền lực đang thay đổi, đặc biệt trong nội bộ Đảng Cộng sản.
Thực tế cải cách đã chỉ ra rằng không thể duy trì sự tồn vong của chế độ bằng mọi giá, đánh đổi dân chủ lấy quyền lực tuyệt đối. Bởi vì, nếu tập trung quyền lực để kiểm soát quyền lực thông qua chiến dịch chống tham nhũng sẽ sớm hay muộn rơi vào 'vòng luẩn quẩn' của việc tha hoá.
Khả năng tự sửa sai của một chế độ đòi hỏi phải loại bỏ mạng lưới cấu kết, nhóm lợi ích và quan hệ thân hữu. Hơn thế, cần thay đổi môi trường sinh sôi của chủ nghĩa thân hữu theo hướng xây dựng một nhà nước hiện đại, kiến tạo.
Tất nhiên là ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định chính trị có một vai trò lớn, nhưng trong trường hợp này sự ổn định không thể giải quyết nhiều vấn đề của sự chuyển đổi thể chế.
Một mô hình phát triển dựa trên nhà nước hiện đại thích ứng và kiến tạo cho kinh tế thị trường phát triển và dựa vào các trụ cột kinh tế là các tập đoàn tư nhân với 'động lực quan trọng' của khu vực kinh tế tư nhân cần được hy vọng trong quá trình cải cách.
P.Q.T.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Việt Nam.
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-49483191

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.