Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

Nguyễn Xuân Diện: NHƯ THANH NHẬT KÝ (TRỌN BỘ 7 KỲ)

Nguyễn Xuân Diện: NHƯ THANH NHẬT KÝ (TRỌN BỘ 7 KỲ) 


Như Thanh nhật ký (2009)

Lâm Khang chủ nhân

Thưa chư vị,

Hồi giữa năm 2008 Tây lịch, tôi và ông Thiền Phong, ông Chuyết Chuyết được cử đi Xứ Thanh để khảo cổ tích. Tôi có viết một cái Như Thanh nhật ký (7 kỳ), có đăng trên trang nhà. Như Thanh nhật ký được anh em thích lắm, từ giới giang hồ đến dân bút mực đều tán thưởng. 


Hôm trước, ở cái bài này, tôi có nói đến cái nhật ký ấy, thì nhiều anh em viết thơ cho tôi, nói rằng họ muốn đọc quá, nhưng vì chưa đăng ký với bên Multiply là nơi đăng tải Như Thanh nhật ký, nên không vào đọc được. Anh em đề nghị tôi tái bản bên này. Chiều ý anh em, tôi xin đăng lại Như Thanh nhật ký ở đây để cùng đọc cho vui.

Đây chỉ là nhật ký, nó lại có phong khí của nhật ký giang hồ (thậm chí có người bảo nó có phong vị của du ký trên Nam Phong ngày trước), nên anh em nào làm việc văn phòng thì nên dành để đọc vào ban trưa, ngoài giờ hành chính thì hợp nhẽ hơn. Xin cảm ơn chư vị anh em! Và xin rụt rè trình ra 7 kỳ để chư vị thưởng thức.

Kỳ 1 - Giữa đêm vào đất Thanh

Tôi vừa có chuyến giang hồ xứ Thanh. Chuyến này là chuyến công cán, cùng các ông Chuyết Chuyết, Thiền Phong. Cầm tờ công lệnh của bề trên đỏ chói dấu son trên tay mà lòng đã rộn lên bao vui sướng. Và cái máu giang hồ từ lâu đã nguội lạnh trong lòng một kẻ thư sinh quanh năm cặm cụi ở kho cổ thư trong Hàn Lâm viện bỗng chốc đã khởi phát. Dường như cơn phong trần của những ngày tháng cũ đã lại khởi lên, mà là khởi tự trong lòng. 


Lần này là đi trấn Thanh Hoa. Nhưng biết có blogger Hậu Khảo cổ cũng đi Thanh nên rất ngại đụng hàng. Bà chị là Phó Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam, tên – chỉ nằm dưới ông Dương Trung Quốc; còn học vị thì lại đè ông Dương (ông Dương chỉ là chân Cử nhân, bà Hậu là Tấn sĩ xịn). Bà đến Thanh, đi từ Sài thành. Mình đi Thanh, đi từ kinh đô. Gặp nhau ở Thanh chắc nhiều sự bẽ bàng, nên mình phao tin với bà Hậu rằng mình đi Thanh là đi sứ nước Thanh, đi sang nhà Thanh, tức là đi sứ Tàu. Sợ bả không tin, mình phải treo cái Blast: Xuất quốc, đi sứ nước Thanh. Thế mà bà ấy cùng tin là thật. Xem ra, bà chị cũng là một nữ nhi thường tình thôi, tức là cũng nhẹ dạ cả tin.

Thế là phải làm một cái Nhật ký cho nó oách. Học đòi theo các cụ mà đặt tên cho nhật ký. Thấy trong kho cổ thư có mấy cuốn: Như Tây Dương nhật trình ký (Nhật ký hành trình đi Tây); Như Tây ký (Nhật ký đi Tây); Như Tây nhật ký; Như Tây nhật trình; Như Thanh nhật ký (nhật ký đi sứ nhà Thanh)…Bèn đặt là NHƯ THANH NHẬT KÝ.

Nhưng mà các vị nè, không phải tôi đạo các cụ đâu nhé. Mà lần này tôi đi Xứ Thanh, và cụ thể là đi đến huyện NHƯ THANH của tỉnh Thanh. Vậy Như Thanh nhật ký là Nhật ký những ngày ở Như Thanh, đi Như Thanh.

Ngày 18 tháng 5 khởi hành trên chuyến hỏa xa lúc 21h đêm. Cả ngày hôm đó còn lang thang trên mạng nhện. Lòng còn hoang mang mỗi lần nghĩ đến cảnh màn trời chiếu đất khi tiên liệu được rằng hoả xa sẽ cập Ga Thanh lúc 1h sáng. Nghĩ mà hãi quá!

Lên mạng, viết mấy câu đánh tiếng với giới blogger xứ Thanh để hy vọng có bữa rượu đêm ở Ga cho đỡ phải làm khách cô liêu lữ thứ giữa cái nước Thanh Hoá rộng lớn.

May sao, gặp ngay một công tử là Bái Mai tử. Chàng công tử này, hình như con cháu một đại gia gì đó ở Thanh, dám bỏ tiền du học bên Tàu theo diện tư phí, mà lại chỉ học Thư Pháp. Công tử mới trở về cố quốc, sau khi đã một mình đi khắp Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Hàng Châu, Tô Châu, Nam Ninh, Quế Lâm, Bắc Hải…Tưởng tượng ra cái cuộc đời của cái va li (hay balô) của công tử mà hãi.

Trò chuyện ít lâu thì mình mới bộc lộ cái sự giang hồ của Tôi, Chuyết Chuyết và Thiền Phong. Bái Mai tử công tử thấy cái đội hình đó thì khoái quá. Tôi thì chẳng nói làm gì, quanh năm cứ vùi mặt vào sách vở ở thư phòng, nhưng mà hai ngài Chuyết Chuyết và Thiền Phong thì nổi đình đám trong giới bút mực ở Long thành. Hai ngài ấy là hai trong Nhị thập bát tú (tức là 2 trong 28 ông sao trong đám thư pháp gia ở Bắc thành). Tôi quá vênh dự được đi cùng các ngài ấy chuyến này.

Bái Mai tử mới ngỏ lời mời chúng tôi ghé thăm biệt phủ của công tử. Tôi thầm nghĩ, bọn mình buồn ngủ gặp chiếu manh. Thế nhưng, theo phép lịch sự, vẫn phải tỏ ra ít nhiều khách sáo, không dám bộc lộ ra cái ý hoan hỷ.

Tôi mới nói với công tử rằng, vào lúc giữa đêm nay, xe lửa vào ga Thanh. Chúng tôi sẽ nghỉ lại ở đó, trải một tấm ni lông ra mà ngủ. Tôi sẽ canh cho các ngài ấy ngủ. Mà lúc nào có ngài nào dậy đi đồng, thời sẽ tranh thủ mà canh cho tôi chợp mắt một lúc. Bái Mai công tử mới tỏ ra ái ngại cho chúng tôi quá! Lo nhiều chuyện lắm!

Tôi mới bảo: Ở nhỉ! Công tử lo cho chúng tôi thế cũng phải. Nhỡ ra, trong đêm tối “chập chờn trắng đen”(như cái lời hát phim Chạy án), có anh chàng nghiện nào, nó vật thuốc mà nó chạy ngang qua, rồi nó chọc cho ba chúng tôi mỗi thằng một nhát thì toi đời. Coi như ngành cổ học nước nhà cũng mất đi mấy cái cây khơ khớ ấy chứ. Rồi lại còn có chị ca ve nào đó, kiếm chưa đủ tiền, cũng lại đi ngang qua có ý kiếm thêm, nhảy bổ vào chúng tôi. Thôi thế thì đời tôi cầm chắc là toi. Bởi vì tôi biết các ngài ấy sẽ nhường cho tôi bởi vì tôi cao tuổi hơn, các ngài kia sẽ “kính lão đắc thọ” và tỏ lòng thành kính; các ngài ấy cũng sẽ nhường tôi, bởi cái thằng tôi là to xác nhất trong “tam nhân đồng hành”.

Thế là lòng của Công tử lại càng quyết phải rước chúng tôi về biệt viện. Tôi cũng vì lo sợ làm thân lữ thấn nơi Thanh giữa đêm mà vui vẻ nhận lời.

Ba thằng tôi, đến Ga Hà Nội trong mưa. Tôi và Thiền Phong không ai tiễn. Riêng Chuyết Chuyết thì có một giai nhân đưa ra tận ga, sụt sùi giọt lệ như hoà âm cùng mưa sân ga. Chứng kiến cảnh đó, nhớ đến các bài thơ về Ga của Tế Hanh, Nguyễn Bính…rồi gần đây là một entry rất hay trong Blog của TRANCUONG nữa, thấy lòng mình đã sa mạc nay lại gặp cơn mưa mới.

1h sáng tàu vào ga. Lỉnh kỉnh hành lý. Vừa ló mặt ra cái nơi check out thì đã thấy Bái Mai tử công tử và ông cụ thân sinh đưa xe hơi đến đón.

Chuyết Chuyết thì đã từng gặp mặy công tử ở Hà thành. Tôi và Thiền Phong thì chưa từng giáp mặt công tử. Thế mới hay cái duyên văn tự, cái tình của blogger đối đãi với nhau cũng rất thâm hậu.

Chúng tôi lên xe về nơi biệt phủ. Cùng trông mặt cả cười và nhấm nháp chén trà Quan Âm Vương mà Chuyết Chuyết mang theo. Uống trà xong lại uống rượu nếp cái hoa vàng chính tay viện chủ cất. Trò chuyện râm ran, tưởng quên cả từng canh đã sang….

Kỳ 2 - Non nước Như Thanh 

Thanh Hóa như là một đất nước, như là một quốc gia riêng như một Việt Nam thu nhỏ. Giang hồ đồn là nó có thể độc lập như Đài Loan, Ma Cao, Hồng Công của Tàu, làm thành khu tự trị. Thanh Hóa có núi, có sông, có đồng bằng, có biển. Địa bàn rộng lớn mà liên kết không thể chia cắt. Có lẽ chính vì thế mà Khu Bốn đẩy ra, Khu Ba đẩy vào đều không dám ôm. Có lẽ chính vì thế mà chưa có một ông nào điên đến mức đòi băm vằm tỉnh Thanh Hóa thành mấy mảnh. Và thế là Thanh Hóa chưa từng bị tách – nhập trong những vụ cưỡng hôn sông núi mà Tản Lĩnh – Đà Giang, Nùng Sơn – Nhị Thuỷ hiện đang gặp cơn bấn bách, nằm trên bàn nghị sự Quốc hội trong thế tiến thoái lưỡng nan. Việc Hà Tây bị cưỡng ép về Hà Nội khiến cho những tay giang hồ phải dừng bước lãng du nghiêng tai nghe ngóng, khiến cho sông sầu núi thảm, khiến cho lệch bao nhiêu khuôn mặt chữ điền của trí thức sỹ phu Bắc Hà.

Làm cho đến phải:

Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia, cỏ này 

(Chinh phụ ngâm)

Hay là xứ Thanh là đất rừng đất núi cho nên chẳng có ông lớn nào về lập trang trại vài chục hecta?

Đấy là nói loanh quanh cái Xứ Thanh cho nó vào câu chuyện.

Lại nói chuyện đêm ấy, cả ba chúng tôi nghỉ lại trong biệt viện công tử Bái Mai tử. Sáng ra, thức dậy là ăn sáng do bà cụ thân sinh công tử dọn sẵn. Ăn xong mà trời vẫn còn mưa rả rích. Thật may có tình bằng hữu khoả lấp sông sầu suối thảm ấy chứ, mưa như rứa chẳng có gì buồn hơn.

Sau tuần trà Quan Âm Vương (Từ hôm đi Thanh hôm nào cũng uống Quan Âm Vương, là đồ tiến dâng đức Càn Long. Chuyết Chuyết không uống trà khác, nên chúng tôi cứ phải uống Quan Âm Vương mà không được nếm trà Xuân ở phủ của công tử), chúng tôi xin phép lên đường trực chỉ Như Thanh huyện. Ông cụ biết chúng tôi lạ nước lạ cái không tường đường đi lối lại nên đã phái công tử Bái Mai tử đi tuỳ tòng với chúng tôi. Thật điều này ngoài cả sức tưởng tượng bay bổng của bọn tôi. Ông cụ nói riêng với bọn tôi rằng: Công tử nhà là một tay thiếu niên, tuổi con trẻ, mặc dù giang hồ đã nhiều nhưng sức học vẫn còn non nớt mà cũng chưa dày dặn, trải nghiệm bao nhiêu, muốn nhân dịp này, gửi thằng con trai để chúng tôi dạy dỗ thêm. Trời đất! ông cụ nói thế thì mình chối thế nào. Chẳng dám dạy dỗ gì đâu, nhưng đi với nhau, cùng một nòi bút mực, cùng một giống đa tình mà lại đi chơi nơi sơn kỳ thuỷ tú thì chẳng còn gì thú hơn! 


Phong cảnh Bến En - Xứ Thanh.

Lên xe! Mượn đường Nông Cống trực chỉ Như Thanh. Nông Cống là Thủ đô của Thanh Hóa nên đường xá rất tốt. Xe chạy rất bon!

Như Thanh cách Hạc thành khoảng 40 km nên cũng nhanh đến. Cảnh vật Như Thanh hiện ra đẹp quá. Trước mặt chúng tôi là một khoảng trời – mây – non – nước đẹp lạ đẹp lùng. Non xanh nước biếc!

Bất giác dừng xe, tôi “cấm khẩu” đọc ngay đôi câu đối:

Sơn chi thanh, thuỷ chi tú, quyển lai bán tụ càn khôn
Nam chi thánh, Bắc chi thần, xuất nhập nhất thiên phong cảnh 


Ah. Đây là đôi câu đối tôi rút từ bản Thần tích ở cái làng Trạch Mỹ Lộc (Hà Tây) để viết cho một làng, cũng thờ chung một ông Thánh. Đó là Tam Vị Đô Hộ Đại Vương được thờ ở 72 đình làng vùng Thạch Thất, Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây.

Cảnh đẹp quá. Câu đối đọc ra lại đúng lúc, Nên bọn Chuyết Chuyết, Thiền Phong, Bái Mai Tử cứ tấm tắc khen mãi. Thật được các vị ấy khen cũng khoái lắm! 


Phong cảnh Vườn Quốc gia Bến En, Xứ Thanh. 
.
Cảnh vật ở trước mặt kia, non nước ấy chính là Vườn Quốc Gia Bến En, nằm trên huyện Như Thanh. Tôi cũng đã từng đến Vườn QG Ba Vì (Hà Tây), Bạch Mã (Thừa Thiên Huế). Nhưng rừng Bến En có cái đẹp rất riêng. Nó đẹp như một cái Hạ Long, Tam Cốc. Núi nằm trên nước. Núi gối đầu vào núi. Sơn thuỷ hữu tình với nhau. Ấm áp mà hoành tráng. Mình hỏi thật kỹ tên vườn này là Vườn Quốc gia Bến En. Mình còn không tin mấy người địa phương, vì ngại họ đọc trệch âm nên tra vào sổ bạ thì đích thị là BẾN EN, chứ không phải là như Chuyết Chuyết với Thiền Phong cứ khăng khăng quả quyết.

Ngắm cảnh xong thì vào huyện đường làm việc với ông Tri huyện Như Thanh.

Kỳ 3: Núi Nưa, Phủ Nưa 

Chúng tôi vào huyện đường. Mục đích chuyến này của bọn tôi là đi tìm hiểu về văn hóa xã hội tự cổ chí kim ở khắp trong huyện Như Thanh. Phải đến thăm những nơi đền miếu, chùa chiền. Phải xem từng bia đá, đọc những hàng câu đối hoành phi. Khảo về các văn thần võ tướng trải các triều, rồi lý lịch các tay khoa bảng, các vị tổ nghề. Tìm hiểu về những cổ tục, hội hè của địa phương. Việc gì ghi lại thì ghi, việc gì không cần ghi mà chụp hình thì chúng tôi cũng đã sẵn sàng. Bia thì đem theo đồ nghề để rập lấy thác bản.

Bất giác, đứng trước nha huyện, ngắm cảnh bốn bề, nhớ đến cái câu:

Những nơi cổ tích danh lam
Qua cơn binh hoả tan hoang cả rồi. 


Trong bài hát hầu ở các đền phủ mà xiết bao cảm khái.

Ngài Tri huyện Như Thanh là Lê Minh Giao. Nhưng có lẽ ngài đi vắng, chúng tôi được ngài Lê Anh Hồng (Phó của ngài Lê Minh Giao) đón tiếp.

Ngài đón tiếp rất ân cần. Quê ngài ở Thanh mà cách ăn mặc, đi đứng, hồi đáp đều rất cao nhã, ân cần. Ngài than trời mưa rả rích làm cho đường chúng tôi đi mỗi ngày một lầy lội khó đi. Ngài lại hỏi han quê quán gia cảnh chúng tôi. Biết Thiền Phong quê ở Triệu Sơn, giáp với huyện ngài nên ngài rất vui.

Tôi mở hành lý, trình lên ngài bức điệp đóng ấn son của Hàn Lâm viện. Ngài vui vẻ tiếp lấy, sai mấy ông tuỳ viên pha trà mời chúng tôi. Trà thì Chuyết Chuyết không uống. Nhưng đó là thứ trà túi lọc mà ở Kinh tôi vẫn gọi là trà lòng thòng.

Rồi ngài hỏi chúng tôi rằng bổn phận của huyện nha sẽ giúp được gì cho chúng tôi không. Chúng tôi thành thực thưa là chúng tôi sẽ đi khắp tất cả các làng xã trong huyện của ngài. Đặc biệt chúng tôi sẽ chú trọng đến những nơi đến miếu, di tích. Ngày đi, đêm nghỉ, sẽ đi hết Như Thanh thì mới rút.

Ngài lấy làm lạ lắm. Cho rằng mấy vị ngoài Kinh vào, làm sao mà xông pha như thế. Chúng tôi thì chỉ mong huyện bố trí cho chỗ ở.

Chúng tôi được bố trí ở trong khu biệt thự nhà vườn. Khu này nằm ngay cạnh huyện đường, có nhiều cây cối rậm rạp, có nhiều toà dãy liền nhau, có cả nhà Tây lẫn nhà Sàn theo lối Thái, Mường. Chúng tôi thu xếp hành lý vào hai căn phòng đã được dọn dẹp chóng vánh.

Đêm đó Thiền Phong triệu tập ngay một tay đồng bóng có hạng ở địa phương này đến. Tay này tên trùng với tên tục của Thiền Phong, cũng còn trẻ lắm. Anh ta thông tỏ hết cả các đền phủ trong huyện, nắm hết các con nhang đệ tử quanh vùng. Thấy tôi mặt mũi phương phi đạo mạo, hắn gạ tôi làm lễ tiến căn trình đồng mở phủ ở ngay Phủ Sung, nằm trong thị trấn Bến Sung, tức là huyện lỵ Như Thanh. Anh ta nói sẽ chỉ có giá bằng 1/3 ở Hà Nội, tức là khoảng 8 triệu đồng tiền Việt Nam. Tôi cùng ừ ào cho qua chuyện vì nghĩ rằng nếu chối ngay thì bất tiện, mà anh ta thấy mình chối lại cứ thuyết mãi thì mình cũng chẳng chạy đi đâu được. Mà uh ngay, thì ngay hôm sau đã phải tiến trình thì có mà toi đời. ….

Chúng tôi vượt 25 cây lô mét để đến Xuân Du. Nơi ấy có Phủ Nưa (Phủ Na), nằm ngay dưới chân núi Na, hay còn gọi núi Nưa). Núi Nưa rất nổi tiếng. 


Núi Nưa - Xứ Thanh.

Núi Nưa được đời biết đến bởi 2 chuyện. Chuyện thứ nhất làChuyện đối đáp của người tiều phu núi Nưa trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Chuyện lão tiều phu thế nào, tôi xin không nhắc lại nữa, vì chư vị vào thăm Blog này đều là dân bút mực cả.

Chuyện thứ hai, ít người biết hơn. Núi Nưa này, ngày xưa là nơi ẩn cư của Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền. Nguyễn Tiên sinh đỗ đến Hoàng giáp, ngày vinh quy cưới đến 2 cộ vợ trẻ, đều là con nhà danh giá. Cha ông con cháu đều hiển vinh cả khoa lẫn hoạn. Ấy thế mà ngài lại bỏ tất cả để đi tìm đường cứu nước, trở thành một chí sỹ yêu nước. Ngài có làm nhiều bài hát ca trù rất hay, mỗi bài gửi gắm biết bao tình ý dịu dàng sâu kín.

Nay ngước nhìn núi Nưa, biết tìm đâu dấu vết của người tiều phu năm trước, lại biết tìm đâu thảo am của Mai Sơn hôm nào. Núi thì vẫn xanh, cao 538 m so với mực nước biển (Ông Toàn, Chủ tịch xã ấy thì bảo hôm nào thuỷ triều lên thì chỉ còn cao 537 m thôi).

Núi Nưa còn nổi tiếng bởi có Phủ Nưa, nằm ngay chân núi. Phủ rất rộng, cây rất nhiều. Trong phủ thờ phượng trang nghiêm. Chúng tôi vào làm lễ và ghi lại mấy hàng câu đối. Ah quên. Lúc chúng tôi đến xã, khi trình ra tờ công văn của Ngài Lê Anh Hồng thì đích thân ông chủ tịch tiếp lấy. Rồi ông ký vào tờ điệp và tự tay đóng dấu vào công lệnh đi đường của chúng tôi. Ông lại còn đích thân dẫn chúng tôi đến Phủ Na cách đó cả cây số, dẫn lên đền Cô Chín. Thái độ ấy thật trọng thị ân cần. Mà ông lại rất vui chuyện, nói năng rất uyển chuyển và tếu táo. Trong số các ông Chủ tịch tôi gặp, ông là vui nhất!

Tôi quý trọng ông Chủ tịch xã Xuân Du mà đọc vế đối rằng:

Xuân Diện đến Xuân Du – Du Xuân, Diện kiến. 

Chuyết Chuyết, Thiền Phong, Bái Mai Tử đều lè lưỡi không thể đối được. (Hay là các ông ấy giả vờ, sợ đối ngay được tại trận thì làm bẽ mặt tôi chăng?).

Rời Xuân Du trong ánh chiều, trên xe hơi, tôi hát điệu Du Xuân trong chèo cổ.

Hát rằng:

Một vùng cỏ áy bóng tà
Gió hiu hiu thổi một và bông lau
Rút trâm sẵn giắt mái đầu
Vạch da cây, vịnh bốn câu ba vần.
Lại càng mê mẩn tâm thần
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
Lại càng ủ dột nét hoa ...


Chuyết Chuyết, Bái Mai Tử hình như có ghi âm. Nhưng mà tôi vẫn chưa biết cách post để hầu chư vị được. Tiếc lắm thay!

Kỳ 4 - Nẻo về rong ruổi: Thăm đền Bà Triệu 

Chúng tôi đã chấm dứt cuộc giang hồ tại xứ Thanh một cách chóng vánh. Cả huyện Như Thanh chỉ còn lại 2 tấm bia đá nhỏ bé, vài đôi câu đối. Huyện chỉ có hai cái phủ lớn, là phủ Sung (thị trấn Bến Sung) và Phủ Nưa (xã Xuân Du). Đây là 2 trung tâm tín ngưỡng của huyện, nơi tập trung nhiều con nhang đệ tử và luôn rộn ràng những điệu hát văn hầu thánh mẫu.

Chúng tôi lại vào nha huyện để chào từ biệt và cảm ơn tấm thịnh tình của các ngài dành cho chúng tôi những ngày qua.

Chuyện Tiến căn Trình đồng Mở phủ ở Phủ Nưa Phủ Sung thôi khỏi cần nói nữa. Mà chuyện Sư ông Thiền Phong ‘nguyệt hoa hoa nguyệt’ thì cũng thôi không nói làm gì nữa. Thực ra chuyện đó đưa hết lên mặt báo thì cũng được một trận cười vui cho chư vị trong những ngày nghỉ cuối tuần. Nhưng mà Không! Chúng tôi đã giao ước với nhau rồi. Không là không!

Xe lại chạy về Hạc thành về thành phố xứ Thanh. Chúng tôi lại vào nghỉ lại ở biệt phủ của công tử Bái Mai. Lại cơm rượu, trà tàu. Lại râm ran chuyện gẫu, lại thơ phú từ chương. Ông cụ nhà Bái Mai công tử hồi trẻ chắc cũng là một tay giang hồ có hạng, nên nhìn người tinh lắm, ứng xử cũng bặt thiệp lắm. Khi chúng tôi xin phép ra về, thì ông cụ lại bảo Bái Mai công tử đưa chúng tôi về bằng xe hơi.

Biết tôi làm việc ở kho tàng thư, nên ngài Nguyễn Văn Hải làm việc ở Thư viện xứ Thanh cũng đem theo mấy cô thủ thư xinh đẹp sang chào chúng tôi.

Trên đường đi từ Hạc thành ra về, cứ hai bên đường chỗ nào có cổ tích danh lam là chúng tôi lại ghé vào chiêm bái.

Trước hết là ghé Đền Bà Triệu ở phủ Hà Trung. Đền mới tôn tạo to đẹp lắm. Tiền của phải do nhà nước đổ vào chứ tỉnh Thanh không thể làm được thế này. 




Nói đến Bà Triệu, tôi nhớ đến 3 câu chuyện liên quan đến Bà. Chuyện thứ nhất: Bà Triệu vú rất to. Có lẽ bà là người Phụ nữ vú to nhất trong suốt cả mấy ngàn năm lịch sử Việt Nam. Sử sách vẫn viết rằng bà Triệu vú to mà lại là vú quả mướp, nên mỗi khi đi đánh trận phải vắt đôi vú lên vai cho gọn. Ah. Có phải vì tế nhị mà ở đây không có tượng Bà chăng? Ôi giá mà có tượng, ta sẽ xem gái Cửu Chân thế nào thì hay lắm! Chuyện thứ hai: Sách Tàu rất chú ý chép đến trang phục của bà. Bà thường xỏ chân một đôi guốc bằng ngà voi, gọi là Kim đề kịch. Rất nhiều sách chép về đôi guốc của bà.

Chuyện thứ ba: Tranh dân gian Đông Hồ vẽ bà Triệu rất hay. Hồi Tết Nguyên đán vừa rồi tôi được ông bạn là Trần Hậu Yên Thế, giáo sư bên trường Mỹ thuật Đông Dương giảng cho về bức tranh này rất thú vị, mới lạ.

Duới đây là bài viết của ông Trần Hậu Yên Thế:

NHƯ MỘT GIẤC MƠ

Từ tấm bé, tôi được nghe về Bà Triệu (Triệu Thị Trinh, sinh 225 – mất 248), người anh hùng của dân tộc Việt Nam. Trí óc non nớt của tôi không nhớ nổi bà đã lãnh đạo cuộc nổi dậy của dân tộc Việt như thế nào, và vì sao bà bị chết? Thế hệ chúng tôi những đứa trẻ mới lớn cắp sách đến trường khi đất nước vừa hoà bình. Tôi đến trường học những bài học đầu tiên về lịch sử là khi Việt Nam đã chấm dứt cuộc chiến tranh với hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Chúng tôi náo nức hân hoan chờ đón xem các cuộc duyệt binh nhân ngày độc lập. Những chiếc xe tăng, những mũi lê tuốt trần, những tiếng tung hô vang dậy, những đoàn ngươi đi rầm rập, thẳng tắp. Phim ảnh về chiến tranh thường trực trên vô tuyến, những ngày lễ lớn vẫn thấy những bức tranh cổ động hình chú bộ đội, cô du kích đeo súng.

Trong những bài học lịch sử đầu tiên, câu nói nổi tiếng của Bà được chúng tôi thuộc lòng, được nhắc đi nhắc lại trong giờ học lịch sử: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta!”. Thật khí phách làm sao!

Rồi, qua tranh dân gian Đông Hồ, tôi thấy Bà hiện lên như một nàng tiên cưỡi con voi trắng. Tiếng nhạc chuông khoan thai nhịp cùng chiếc vòi đung đưa. Dáng người nhỏ bé của bà chập chờn trước mắt tôi.

Ở cái thời buổi như thế, hình ảnh về người anh hùng dân tộc – Bà Triệu, trên bức tranh dân gian Đông Hồ giống như một giấc mơ. Một giấc mơ ngọt ngào không có gươm đao.Cuộc đời ngắn ngủi mà oanh liệt của bà đã lưu danh vào sử sách. Và bức tranh Đông Hồ này là bức tranh duy nhất còn lại tới nay về hình ảnh của Bà. Trên một nền điệp lung linh, rực rỡ không một hàng chữ, người nghệ nhân thật tự tin với câu chuyện rất hóm hỉnh của mình. Chắc khỏe mà uyển chuyển trong từng nét khắc người nghệ sỹ dân gian, như nói với chúng ta: Bà Triệu đấy…hãy nhìn cặp vú tương truyền rất dài này của Bà …Nó cũng lắc lẻo theo nhịp đi của chú voi. Người anh hùng trở về trong hân hoan, bỏ lại phía sau gươm giáo, bỏ lại hận thù, những vinh quang trận mạc. Chỉ còn lại đây những gì đó thật nhân bản và giản dị.

Bà là nhân vật lịch sử đã đi vào huyền thoại của người Việt. Dân gian đã lý giải về sự thua trận như sau: “Bà Triệu vốn ghét sự ố trọc, ưa tinh khiết. Vì có kẻ gian lén báo với quan địch. Tướng giặc cho quân lính cởi truồng đi đánh trận. Bà vì xấu hổ nên lên núi tự vẫn !” ….

Tôi từng đinh ninh rằng, câu chuyện này là sự thật, chí ít là đối với người nghệ nhân đã khắc nên bức tranh tuyệt đẹp này. Nếu không thật thì sao có thể khắc nổi một hình tượng người anh hùng như một thiếu nữ duyên dáng và nhẹ nhàng đến vậy. Có lẽ không nên trách các nghệ nhân Đông Hồ là quá ngây thơ và kém hiểu biết về lịch sử. Lịch sử không nhất thiết chỉ một cách nhìn. Trong bộ sách lịch sử nổi tiếng Đại Việt sử ký toàn thư, Bà hiện lên thât mạnh mẽ, phi thường. Còn ở đây trên bức tranh này ta chỉ thấy một vũ điệu tung tẩy của màu sắc của ánh mắt, của đôi tay và những dải áo.

Và cũng không nên trách các nghệ sỹ thời xưa sáng tạo các tác phẩm về người anh hùng mà không có “tính chiến đấu” như các tác phẩm mới của thời kỳ cách mạng. Một bức tranh về một nữ anh hùng dân tộc khác, bức Hai Bà Trưng (cũng thuộc dòng tranh Đông Hồ) rõ ràng có tính chiến đấu hơn. Ở bức tranh Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc quân xâm lược phương Bắc, hình ảnh hai bà cưỡi voi vung gươm xốc tới. Tuy cùng một dòng tranh Đông Hồ nhưng bức tranh Hai Bà Trưng xem ra muộn hơn, thậm chí niên đại của nó có thể chỉ vào thế kỷ 19. Bức tranh này đã biết sử dụng luật cận viễn, gần to xa nhỏ, Đặc biệt là có in chữ Hán trên tranh, về sau lại có bản in chữ quốc ngữ.

Việt Nam là một đất nước có một lịch sử chinh chiến hào hùng. Nhưng thật kỳ lạ là nó không được nghệ thuật tô vẽ lại, mà thậm chí nhiều khí còn có tình lờ đi. Một nhân vật anh hùng khác là Đinh Bộ Lĩnh, vị hoàng đế được các sử gia đời sau coi là người đầu tiên lập nên triều đại chính thống trong lịch sử Việt Nam cũng được các nghệ sỹ Đông Hồ khắc họa. Đinh Bộ Lĩnh người anh hùng đánh Đông dẹp Bắc lại được vẽ dưới dạng nhi đồng cùng lũ trẻ chăn trâu đang diễn trò “cờ lau tập trận”. Những tình tiết bạo lực ít đuợc khai thác. Như bức vẽ khác về Đinh Tiên Hoàng, khắc họa cảnh người chú của Đinh Tiên Hoàng lạy cháu. Người chú trong lần giao tranh với cháu, Đinh Tiên Hoàng bị ngã xuống đầm, khi chuẩn bị đâm thì chợt có con rồng vàng ngũ sắc hiện lên che chở. Những tình tiết đầy bạo lực gay cấn đã không được mô tả. Thay vào đó là một giọng điệu hóm hỉnh, cả chú lẫn cháu đều đóng khố. Người chú đứng trên bờ vái lạy người cháu đang đứng trên lưng con rồng. Nói chung các tượng thờ vua chúa Việt Nam thật hi hữu mới có cầm gươm đao. Một ngoại lệ hiếm hoi là bức tượng đồng Lê Thái Tổ ở Hồ Gươm. Đức vua cầm bảo kiếm, nhưng không phải trong cảnh chinh chiến, mà lại đang trả gươm cho rùa thần.

Quay trở lại hiện tượng các nữ tướng trở thành các thủ lĩnh đánh đuổi giặc ngoại xâm như Bà Trưng, bà Triệu, những nghiên cứu mới về lịch sử cho ta những phát hiện thú vị. Trong cuộc khởi nghĩa của Bà Trưng, có tới ít nhất là 75 vị nữ tướng. Theo chính sử, Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa là để báo thù chồng là Thi Sách. Cách viết sử theo quan điểm Trung – Hiếu – Tiết- Nghĩa của Nho giáo, đã giải thích sự nổi dậy của Hai Bà Trưng như vậy, thì 75 bà tướng kia thì sao. Và cũng có những nghiên cứu khác chứng minh rằng, khi bà Trưng phất cờ nổi dậy thì chồng bà, ông Thi Sách vẫn còn sống. Và sử cũng không có nói bà Triệu nổi dậy vì thay thế vị trí của anh trai mình là Triệu Quốc Đạt. Thời của Bà Trưng bà Triệu, chắc hẳn nước Việt lúc đó còn duy trì chế độ mẫu hệ. Và việc người phụ nữ trở thành thủ lĩnh không nên hiểu đơn giản vì tài thao lược, sức mạnh hơn người. Những nữ thủ lĩnh có sứ mệnh giống như những là cờ trận, như tiếng trống trận. Sức mạnh của lá cờ, của hồi trống không giống với sức mạnh của gươm giáo, nó là một biểu tượng thu hút và khích lệ mọi lực lượng vùng lên. Cách tư duy về hình tượng người nữ anh hùng của những người nghệ nhân Đông Hồ rất xa lạ với tôi, nhưng có thể lại rất gần với bản chất của lịch sử. Khi hình tượng nữ anh hùng đã thấm sâu vào trái tim nhân dân thì những nghệ sỹ làng tranh Đông Hồ cứ hồ nhiên mà kể, kể bằng những mảng màu tươi tắn nhất, những đường nét ngộ nghĩnh nhất. Bức tranh đã đặt nhân vật vào vị trí chính diện một cách trọn vẹn. Hình tượng Bà Triệu cưỡi voi ở đúng vào vị trí trung tâm của bức tranh, nhưng không bị tĩnh lặng bởi cái vũ đạo tung tẩy của đôi cánh tay đang đang cầm hai dải áo.

Câu hỏi với tôi cho tới nay là, người phụ nữ anh hùng có còn là phụ nữ. Giống như câu chuyện về các nữ chiến binh trong thần thoại Hy lạp đã tự cắt đi một bên vú của mình để bắn cung được dễ dàng. Cặp vú dài của Bà Triệu có lẽ là một cản trở cho việc chinh chiến. Nên truyền thuyết kể rằng mỗi khi ra trận Bà phải cột nó ra…tận sau lưng. Những hình ảnh về người phụ nữ trong Bảo tàng Phụ nữ (tp. Hồ Chí Minh) cho tôi cảm nhận họ là người anh hùng cách mạng trước khi là phụ nữ. Người xem tới đây, trước hết được thấy những hình ảnh đấu tranh kiên cường bất khuất của phụ nữ miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau đấy, các du khách mới được thấy những hình ảnh dịu hiền của phụ nữ Việt Nam trong các trang phục truyền thống của các dân tộc. Nếu sẽ ra sao nếu trật tự các gian trưng bày sẽ làm ngược lại. Trước hết cho du khách xúc động trước vẻ đẹp văn hóa truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, sau đó dành cho họ sự cảm động, sự khâm phục và kính phục trước những mất mát hy sinh trong chiến tranh và những chiến công lẫy lừng.

Lịch sử vẫn thường được viết qua lăng kính của giới mày râu. Nhưng nghệ thuật thì không hẳn như thế. Một người đàn bà đội vương miện cưỡi voi đã chễm chệ đi qua biết bao thế kỷ trọng nam khinh nữ, biết bao thế kỷ những người đàn bà không còn tên gọi, không được học hành, thi cử. Hình tượng Bà Triệu, người đàn bà cưỡi voi không một tấc sắt trên người xứng đáng là bức tranh kiệt xuất nhất về người nữ anh hùng Việt Nam. Bức tranh được những người nông dân mua về dán vào dịp Tết. Họ cứ dán thẳng bức tranh lên vách đất của những ngôi nhà nơi thôn quê. Bức tranh đã đi qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử. Trong tiếng pháo Tết rộn ràng Bà Triệu hiện về cùng với mùa Xuân, tươi tắn và rạng ngời hạnh phúc” 
(Trần Hậu Yên Thế)

Ghé đền Bà Triệu một lúc thì chúng tôi lại lên đường. Thật là “Một xe trong cõi hồng trần như bay”!

Kỳ 5 - Nẻo về rong ruổi: Thăm đền Thái Uý 

Trước mặt chúng tôi bây giờ là đền Thái uý Lý Thường Kiệt cũng ở phủ Hà Trung. Tôi không biết rằng đền Thái uý lại nằm gần quốc lộ đến thế. Thiền Phong thì đã từng viếng thăm đến này, nên nhất nhất phải bảo đánh xe vào, trước là kính lễ đức Thái uý Lý Thường Kiệt, sau là để khoe với mấy anh đồ Bắc Hà (tôi và Chuyết Chuyết) xem cái bia Ngưỡng Sơn Linh Xứng đời Lý trong đền. 

.

Nhắc đến Thái uý Lý Thường Kiệt, tôi cũng nhớ được mấy điều sâu đây:

Thứ nhất: Tôi với Thái uý là chỗ đồng hương với nhau. Nhưng Thái uý ra Kinh từ trước tôi cả ngàn năm. Thái uý vốn họ Ngô, là cháu 5 đời của Ngô Quyền (người Đường Lâm cổ ấp). Hồi Thái uý còn nam chinh bắc chiến, nhung mã tung hoành, thì bên mình lúc nào cũng mang theo một cái gối, cẩn bằng xương sọ con ngựa chiến của Ngô Quyền. Thái uý tên là Tuấn, cũng trùng với tên tục của Thiền Phong.

Thứ hai:
 Ngài Thái uý Lý Thường Kiệt không phải là tác giả của bài thơ Nam Quốc Sơn Hà. Bài thơ này hiện đã tìm ra được khoảng 35 dị bản. Tất cả các dị bản đều không có cái nào ghi Lý Thường Kiệt là tác giả của bài thơ Nam Quốc Sơn Hà. Cuốn Lý Thường Kiệt – lịch sử và ngoại giao đời Lý của Hoàng Xuân Hãn cũng không có câu nào khẳng đinh Lý Thường Kiệt là tác giả của bài thơ đó. GS Hà Văn Tấn cũng lên tiếng rất mạnh để lưu ý đời sau không được lầm lẫn. Nhưng mà người mà lên tiếng mạnh mẽ nhất, dai dẳng nhất thì phải kể đến Thầy tôi là GS Bùi Duy Tân, một chuyên gia về cổ văn của nước nhà. Cụ đã viết nhiều bài, phát biểu ở nhiều hội nghị và dạy dỗ trực tiếp cho nhiều học trò.

Thứ ba: Lý Thường Kiệt là một hoạn quan (thái giám). Nhớ đến điều này, tôi lại nhớ đến 1 chuyện. Đó là một năm nọ, vào sáng sớm tinh mơ mùng Một Tết, nhà văn Nguyễn Tuân, đầu đội khăn gỗ, thân vận áo the quần lương, chân xỏ giày Gia Định, tay cầm gậy ba toong thẳng tiến vào tư gia nữ sĩ Ngân Giang. Ông đi thẳng vào trong nhà, gặp người cũng không chào hỏi, khiến cho vợ chồng nữ sĩ hãi lắm, vì cái ông nhà văn này nó thất thường lắm. Ông đi thẳng đến trước bàn thờ đang nghi ngút khói hương trầm, thắp 3 nén nhang, khơi lại đỉnh trầm, vái lạy rất thành kính. Đoạn, ông ra đứng giữa nhà, cũng chẳng nói chẳng rằng, ngâm bốn câu thơ sau:

Thái giám cúi đàn dâng trước kỷ
Rắc thêm trầm ngát xuống lư vàng
Lung linh bạch lạp soi nhan sắc
Mười ngón tay ngà nhấn phím loan 


Giọng ngâm trầm hùng, cổ quái. Ngâm xong, cũng không chào hỏi ai mà đi thẳng ra ngõ, trước sự kinh hãi của nữ sĩ Ngân Giang và bầu đoàn phu tử nữa.

Bốn câu thơ ấy là của Nữ sĩ Ngân Giang. Bà là người rất đặc biệt. Lúc bà còn tại thế, tôi đã có may mắn được gặp bà. Nếu tình hình xuất bản cho phép, nhất định tôi sẽ hầu chuyện chư vị.

Nay trước đền Thái uý, lòng lại đăm chiêu nhớ đến Nữ sĩ, nhớ đến người đồng hương xứ Đoài non ngàn năm trước. Tiếc rằng ông thủ từ đền đi vắng. Không vào bái lễ được. Cũng không vào đọc văn bia được.

Thế là lại “một xe trong cõi hồng trần như bay”.

Kỳ 6 - Phủ Sòng và Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Xe hơi của chúng tôi nhẹ nhàng đi vào huyện lỵ Bỉm Sơn rồi nhẹ nhàng đậu trước Phủ Sòng. Đây là một cái Phủ lớn trong vùng. Phủ này thờ Bà Chúa Liễu Hạnh.
Bà là một phụ nữ ngoại hạng. Nếu như bà Triệu ngoại hạng ở chỗ vú to, khoẻ mạnh và khẳng khái với địch, thì Bà Liễu Hạnh lại ngoại hạng ở chỗ khác.

Bà là nhân vật lạ lùng nhất trong các nữ thần Việt Nam. Bà vừa hiện thực, vừa huyền ảo. Nắm bắt chân tướng của Liễu Hạnh thì đến bây giờ giới nghiên cứu cũng còn bó tay. Từ các vị cao thủ trong giới võ lâm truyền kỳ như Nguyễn Văn Huyên, Trần Quốc Vượng, Ngô Đức Thịnh, cho đến mấy người đã và đang nhập cuộc như ngài tấn sĩ xịn Nguyễn Nam (ĐH Ha-vớt, Hoa Kỳ) và Tôi cũng đang bó tay chưa lần ra bản lai diện mục của Liễu Hạnh. 

Các bóng hồng xưa nay cũng đã giành cho Bà Liễu Hạnh biết bao thiên vị, ái ưu. Xưa nhất là Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm ở Giai Phạm, xứ Đông viết thiên tuyệt bút Truyền kỳ tân phả nức tiếng thơm cả mấy trăm năm. Rồi gần đây là Đỗ Thị Hảo và Mai Thị Ngọc Chúc trong cuốn Các nữ thần Việt Nam, rồi Trần Thị Băng Thanh và Thiên Thai cô nương bên Viện Văn học cũng đã viết về bà, đã lần theo dấu chân của Vân Cát thần nữ. Mất dấu! Tất cả đều là vô vọng. Bà vẫn bí ẩn lắm.

Trong Tứ Bất Tử, bà là hoa hậu. Bà duy nhất là phụ nữ trong bộ Tứ uy linh lừng lẫy trong thần điện Việt. Sinh sau đẻ muộn hơn cả, nhưng sự giáng sinh của bà khiến cho cả Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không phải bật ra khỏi danh sách Tứ Bất Tử.

Ra đời sau muộn, nhưng cung điện phủ đệ của bà mọc như nấm khắp nơi. Nào là đền Bắc Lệ xứ Lạng ghi dấu với họ Phùng, nào là Phủ Tây Hồ ngao du ngày tháng cùng các đạo cô. Nào là đền Sòng Sơn, Phố Cát ở Thạch Thành xứ Thanh ghi chiến công lừng lẫy của bà. Nào chùa Hương một mình bà một biệt điện trang nghiêm.

Cách đây trăm năm, một vị đồng hương Đường Lâm cổ ấp với tôi là Giá Sơn Tử Yến Kiều Oánh Mậu (1854 – 1912) rất sành về Nôm đã viết rằng: Bà (Liễu Hạnh) là Phật, là Nho, là Tiên, là Thánh. Bà là tất cả!

Tôi với bà chúa Liễu Hạnh là chỗ quen biết lâu năm. Năm xưa, luận văn tốt nghiệp đại học của tôi là về Liễu Hạnh, mà cụ thể là làm việc với bản Tiên Phả Dịch Lục của Kiều Oánh Mậu, một cuốn truyện thơ Nôm viết dựa trên rất nhiều tư liệu về Liễu Hạnh. Luận văn của tôi đã được trao cho Gs Ngô Đức Thịnh, Cô Olga Dror và gần đây là TS Nguyễn Nam. Nhân nói về chuyện này, tôi vẫn còn bực với cô Tây Olga Dror. Theo tôi đây cũng là một đàn bà ngoại hạng, và đáng sỉ nhục.

Bà này sang nước ta để nghiên cứu về Liễu Hạnh, dưới sự hướng dẫn của GS. Keith W. Taylor – một nhà Việt học lừng danh ở Hoa Kỳ. Ông Keith W. Taylor khi ấy là giáo sư hướng dẫn của cô Olga Dror. Lần nào về VN, nếu ghé thăm Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ông cũng thăm hỏi tôi rất chi là ân cần.

Vì nể GS. Keith W. Taylor nên khi cô Olga Dror sang đến Viện, thì chúng tôi (nhất là Giám đốc Chu Tuyết Lan) rất quan tâm giúp đỡ. Tôi tặng không cho cô cả cuốn luận văn tốt nghiệp đại học, lại cho bà nhiều tài liệu, rồi thì trao đổi phô cho bà ấy nhiều cảm nhận và nhận định của tôi về Thánh Mẫu. Đối với những nhà nghiên cứu, lúc nào tôi cũng quan tâm như thế cả (mà gần đây với Tấn sĩ Nguyễn Nam là một ví dụ).

Ấy thế nhưng khi về Hoa Kỳ, viết luận án Tấn sĩ, cái bà Tây này bèn chế tác văn chương, quên cả chích choác trang dòng và tác giả. Tôi và mọi người có cái gì hay hay là cô thuổng luôn. Trắng trợn lắm. Các vị cứ đọc cuốn sách của cô ấy trên cơ sở luận án thì rõ ngay. (Năm 2009, tại một hội thảo về Chữ Nôm ở Mỹ, có mấy học giả đã lên tiếng về vấn đề này, vì họ cũng là nạn nhân của cô ta). 


Cô Olga Dror này viết xong sách thì đưa in. Nhưng không tìm được cái hình ảnh bà Liễu Hạnh, bèn lại meo về để xin tôi một cái ảnh. Tôi lại phải vào tận chùa Hương để chụp vài tấm hình gửi cho cô. Cô thích lắm. In ảnh lên cả trang bìa 1 cuốn sách (cái này thì cô có ghi là ảnh bìa của Nguyễn Xuân Diện). Thế mà khi sách in ra, cô không gửi tặng cho tôi một cuốn, cũng chẳng ghi lời cảm ơn tôi. Tôi viết thư, bảo nếu cô không có sách gửi cho tôi, thì cô hãy gửi cho tôi tờ áo bìa, có in ảnh do tôi chụp. Cô cũng không thèm trả lời. 

Nhưng cái khốn nạn của cái cô Tây này còn thể hiện ở chỗ, cô căn cứ vào mấy tài liệu của mấy tay truyền giáo ở thế kỷ 16 để khẳng định rằng Bà Liễu Hạnh xuất thân là một gái điếm (ca ve) vì bọn họ căn cứ vào một cô gái trẻ phán ra lời lúc lên đồng. Chuyện này làm chấn động cả học giới mấy tháng vừa rồi. Chuyện này, sẽ phải có một bài riêng hầu chư vị.

…..

Chuyện về Thánh Mẫu và liên quan đến Thánh Mẫu thì rất dài, rất nhiều và rất hay. Ước sao được có ai đó trả tiền để quanh năm chỉ viết blog dâng tặng các blogger thì hay biết mấy.

Lại nói chuyện ở Phủ Sòng Bỉm Sơn (Oh, mà cái tên Bỉm Sơn nghĩa là gì nhẩy? Có phải Bỉm Sơn là núi bỉm không? Hehe…Hay là thế thật nhỉ? Gần nơi thờ thánh Mẫu. Mẫu có nhiều con. Các con cần có bỉm. Thế thì nơi có phủ Mẫu, thì phải có Bỉm Sơn (núi Bỉm) chăng?

Chúng tôi kéo cả vào đền. Làm lễ trước điện. Quay ra, uống trà ở ngoài quán nước. Thiền Phong cứ xoắn xít với mấy hàng bán băng đĩa để mua các CD, VCD hát văn, hầu bóng để mua một ít về nghe chơi và làm quà.

Xe loan thánh giá hồi cung….

Kỳ 7 - Nẻo về rong ruổi: Thăm Dục Thúy sơn 

Xe dừng một ở một quán cơm trong thành phố Ninh Bình hoa lệ. Hoa vì Ninh Bình có nhiều hoa. Lệ vì Ninh Bình từng rơi nhiều lệ của các cuộc đánh ghen. Đây là thành phố có nhiều quán ăn, quán ngủ. Nơi dừng chân của tất cả các loại xe hơi trên con đường thiên lý Bắc Nam. Ăn – Ngủ và các sự đều diễn ra ở Ninh Bình này. Đây là nơi có món đặc sản thịt trâu ngon quên chết. Đây cũng là nơi có một ngọn núi xinh, một dòng nước bạc quyến chân biết bao khách văn nhân tài tử bao đời.

Thiền Phong và Bái Mai Tử nhất quyết phải vào thăm núi Dục Thúy. Núi nằm phía Tây bắc thành phố Ninh Bình, sát ngay đường số 1, huyết mạch giao thông. 


Dục là tắm gội. Thúy là con chim trả màu xanh. Chim trả nào màu chả xanh! Núi hình con chim trả đang tắm gội trên sông Đáy. Núi còn giống một cái trâm cài vào dòng nước biếc xanh, buông lơi như mái tóc mềm người thiếu nữ đa tình. Thiền Phong và Bái Mai tử gọi núi này là núi Chim trả tắm, là núi Tắm Chim. Thật hết sức là gợi mở! Hết sức phanh trần!

Núi Dục Thúy là núi Thơ. Vì trên mình cái quả núi nhỏ bé, xinh xắn này có biết bao nhiêu là dấu tích văn nhân. Từ vua chúa đến các quan, từ tao nhân mặc khách lừng danh đến anh khóa hỏng thi thất tình vô danh. Tất cả khi đến đây đều muốn khoe tài chữ nghĩa, đều muốn ngạo với giang sơn.


Dừng chân dưới núi, ngước mắt nhìn đã thấy bốn chữ Vũ Trụ Dĩ Lai, khắc nổi, chữ còn rõ nét (xem hình). Bốn chữ này có kích thước lớn 22 x 30 cm. Bốn chữ này là loại bia ma nhai (mài núi mà khắc chữ). Đó là bút tích của Ngọ Phong Ngô Thời Sĩ.

Ngoài những dòng chữ này, ta còn thấy những dòng bút tích của Hy Doãn Ngô Thì Nhậm, con trai của cụ Ngọ Phong ngay bên cạnh.

Năm 1770, trên đường vào Nghệ An nhậm chức Tham chính, Ngô Thì Sĩ đã lên thăm Dục Thúy sơn và cho khắc 4 chữ Vũ Trụ Dĩ Lai này lên vách núi. 13 năm sau, năm Nhâm Dần, niên hiệu Cảnh Hưng (1782). Ngô Thì Nhậm nhân có việc qua đây, thấy bốn chữ của cha bị rêu phong lại, đã cho khắc lại và đề một bài thơ bên cạnh. Dưới bút tích của Ngô Thì Nhậm còn khắc cả dấu triện của ngài nữa.

Năm xưa bà Nghè Phạm Thùy Vinh ở Viện Hàn Lâm chúng tôi đã thăm núi, có viết một bài đăng trên tập san Nghiên cứu Hán Nôm số 2 năm 1985. Nay, xin chép lại bản dịch của bà Nghè họ Phạm để chư vị thưởng lãm.

Phiên âm: 
VŨ TRỤ DĨ LAI 

Canh Dần xuân, Thanh Oai Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ đề.

Việt thập tam niên, Nhâm Dần, trưởng nam Thì Nhậm phụng lãnh cung sự. Tam niên tiền, tiên thân hạc giá đăng vân, biểu lưu đề di tích, thạch triển đài phong, toại trùng khắc yên. Cung ký cảm hoài nhất luật:

Đạo đức văn chương hoàn tạo hóa
Yên ba phong nguyệt tại giang san
Đại danh thẳng cảnh trường như thử
Phụ tử chí tình thiên địa gian”. 

Bà Nghè họ Phạm dịch như sau:

(NÚI DỤC THÚY) CÓ TỪ KHI CÓ VŨ TRỤ ĐẾN NAY

Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ, người Thanh Oai đề vào mùa Xuân năm Canh Dần, niên hiệu Cảnh Hưng.

Trải 13 năm, đến năm Nhâm Dần, con trai cả là Thì Nhậm vâng mệnh việc công qua đây. Ba năm trước, cha cưỡi hạc lên mây, đã để lại bút tích. (Chữ khắc vào) đá nông, (lại bị) rêu phong kín bèn khắc lại. Kính ghi một bài cảm hoài như sau:

Đạo đức văn chương trả về cho tạo hóa
Gió trăng khói sóng ở lại với non sông
Tên tuổi (của cha) và thắng cảnh mãi mãi như thế!
Tình cảm thắm thiết của cha con ta còn mãi giữa đất trời”.

Thơ phú trên núi thì nhiều. Chép ra đây chẳng hết. Nhưng tôi xin hầu chư vị chuyện này. Năm 1924, ông Tuần phủ Ninh Bình Từ Đạm cho đục vào đá núi này mấy câu thơ Nôm của ông rằng:

Trăng gió vui cùng hắn
Lầm than bận kệ ai
Ham chơi non với nước
Có phúc được ngồi dai. 


Năm sau ông phủ lại nên chơi núi, cho đục một bàn cờ và một bên hai lốt bàn chân của ông. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (cũng một đồng hương xứ Đòai với tôi) thăm cảnh Dục Thúy Sơn, thấy những trò dởm của họ Từ, bực mình cũng thuê thợ khắc đá bài thơ Nôm của mình bên cạnh bài thơ của Từ Đạm. Thơ rằng:

Năm ngoái năm xưa đục mấy vần
Năm nay quan lại đục hai chân
Khen cho đá cũng bền gan thật
Đứng mãi cho quan đục mấy lần. 


Nay lốt bàn chân ấy, hai bài thơ ấy vẫn còn. Chúng tôi có trông thấy cả.

Vì thế, tôi mong chư vị, khi thăm các nơi cổ tích danh sơn, nếu có ý lưu đề, xin ngó trước ngó sau cho phải phép.

…. 



Chúng tôi cùng lên núi, chụp ảnh, ngắm non sông.

Non sông nguyên vẻ cũ. Bao độ ánh chiều hồng.

Kìa thuyền ai lướt nhẹ trên sông, như nét bút liền tay của Chuyết Chuyết công trên tờ xuyến chỉ. Mấy cô tiểu thư khuê các nhà ai mãn khóa học, ríu rít trèo non vui bạn vui bầu.

Nhang trầm chùa cũ ngát hương. Khói bếp làng xa nghi ngút.
Cảnh vật như bày. Non sông như vẽ.
Bàng bạc phong vị cổ xưa. Nao nao mối sầu thiên cổ.

Như Thanh nhật ký xin kết ở đây. Bái Mai Tử trở lại Thanh. Tôi, Chuyết Chuyết và Thiền Phong lại về Kinh.

Nghiêng mình cảm tạ mặc khách tao nhân, đã từng: 


Vào ra kể đã mấy phen.
Com – men đếm ra vài chục.

Đa tạ! Đa tạ!
Lâm Khang chủ nhân cẩn bút! 

5 nhận xét :

  1. Vũ Xuân Tửu14:27 17 tháng 9, 2017
    Tuyệt vời. Cám ơn Tiến sĩ.
    Trả lời
  2. Đào Tiến Thi14:46 17 tháng 9, 2017
    Vừa đọc xong cả 6 kỳ du ký (tôi gọi là du ký, không gọi nhật ký) của Lâm Khang chủ nhân. Hay! Phong cách tài tử. Hơi cổ cổ, như trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Có lẽ cổ hơn, như các du ký trên Nam phong của Phạm Quỳnh, thậm chí cổ hơn nữa, như các du ký của các nhà nho thế kỷ XIX.
    Ai ngờ một chú Tễu "văn nhược", tài tử, hai năm sau lại thành một chú Tễu sôi nổi, bạo liệt xuống đường chống Trung Cộng suốt mấy mùa hè....
    Có lần Tễu nói với tôi: "Công việc anh em mình đáng lẽ là trên những trang sách". Chạnh nhớ câu của Nguyễn Công Trứ:
    Đành nhẽ bút nghiên mà kiếm mã...
    Mong sao đất nước chóng được thái bình để Tễu lại ngao du “Một xe trong cõi hồng trần như bay”. 
    Trả lời
    Trả lời
    1. Anh Tễu này vừa nghiên cứu kho tàng tiếng Nôm, vừa xuống đường chống bọn Tàu là học và hành đi đôi với nhau đấy, văn võ kiêm toàn đấy. Vì anh biết Tàu mà nó thống trị thì kho tiếng Nôm của chúng ta cũng không còn đâu!
  3. Bài du ký viết thật tài tình,văn phong nhuốm màu hoài cổ của một khách tài tử.Xem ra lữ khách rất giàu có vì túi nén phong nguyệt và thi tứ tràn trề...Nhưng...nhưng...hình như khách không một xu đinh túi.Hi...hì....
    Trả lời
  4. Nói về Bà Triệu vú dài có lẽ từ Đại Nam quốc sử diễn ca,
    Lê Ngô Cát viết:
    Vú dài vắt ngược sau lưng
    Cưới con voi dữ trong rừng bước ra
    Hai vai gánh lấy sơn hà
    Đánh cho Ngô biết đàn bà nước Nam
    Chi tiết này hình như vua Tự Đưc thích lắm, bèn:
    Vua khen thằng Cát có tài
    Thưởng cho xấp vải với hai quan tiền...
    Nhưng mà bác Diện ơi tôi có một câu hỏi
    Nghe nói cụ Thi Sách là chồng bà Trưng Trắc, bên họ Đặng Việt Nam lại nhận cụ là Đặng Thi Sách, chuyện này thế nào? Tễu tiên sinh giải nghi giúp tại hạ đượng chăng? Cảm ơn trước

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.