Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

Đặc san số 3 - 10 năm nâng cao dân trí chấn hưng dân khí

Đặc san số 3 - 10 năm nâng cao dân trí chấn hưng dân khí

Tô Văn Trường
Thời gian trôi rất nhanh, thấm thoát đã đến kỷ niệm 10 năm ngày thành lập trang mạng Bauxite Việt Nam (BVN). BVN xuất hiện vào thời điểm chuẩn bị triển khai dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên với nhiều ý kiến bức xúc trái chiều với chủ trương này. Đến nay, thực tế cho thấy đó là những phản biện khoa học thực tiễn quý giá, nếu được lựa chọn tiếp thu sẽ không dẫn đến tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội” như dự án bauxite cũng như nhiều đại dự án hiện nay. Phản biện khoa học hữu hiệu góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế, an toàn về môi trường và an ninh cho đất nước ta.
Diễn đàn của người dân và giới trí thức
Tính đa dạng, đa chiều trong tự nhiên và xã hội là sự tồn tại tất yếu. Theo thời gian trang Bauxite Việt Nam trở thành diễn đàn của nhiều người dân, đặc biệt là giới trí thức trong và ngoài nước về nhiều nội dung hơn, chủ yếu là những ý kiến riêng phản ánh & bình luận về các vấn đề thời sự, thực trạng kinh tế xã hội và lý luận của Đảng và Nhà nước... ; phần lớn là  ý kiến trái chiều, có ý kiến sâu sắc, có ý kiến cực đoan, nhưng đều phản ánh cách nhìn đa chiều về chính trị - xã hội và là những thông tin hữu ích để đánh giá những điều tích cực cũng như yếu tố tiêu cực của đời sống chính trị - xã hội mà không phải lúc nào các cơ quan tư tưởng văn hóa của Đảng và Nhà nước muốn mà có được.
Cùng với vai trò của nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường, tự do thông tin cũng là một trong những yếu tố trụ cột của xã hội dân sự, là điều kiện để tạo ra sự phát triển của đất nước tiến kịp văn minh nhân loại. Vì vậy, từ trang thông tin Bauxite Việt Nam, có thể chọn ra được những bài viết nghiêm túc dù có trái với một số quan điểm của Đảng nhưng vẫn là những thông tin tham khảo hữu ích rất đáng trân trọng.
Người đời thường nói khi “sơn hà nguy biến” trước giặc ngoại xâm thì phải bằng súng gươm để hóa giải, “nước dơ lấy máu làm sạch” nhưng khi đất nước đối diện với nghèo nàn và lạc hậu, với tham nhũng và thoái hóa của một bộ phận không nhỏ đang có quyền lực thì phải bằng bản lĩnh và trí tuệ của người trí thức để cứu nước.
Có thể nói 10 năm kỷ niệm của trang mạng Bauxite Việt Nam ra đời cũng là 10 năm chúng ta chứng kiến những sự kiện to lớn, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đất nước và trên thế giới. Những vụ việc tày đình làm thất thoát, tham nhũng tài sản Nhà nước, những quan chức cao cấp hàng đầu, tướng lĩnh quân đội, công an vi phạm pháp luật đã bị xử không còn là chuyện đồn thổi, “bôi nhọ chế độ” nhưng giới truyền thông cũng phải đối mặt với rất nhiều thử thách khắc nghiệt để có thể tồn tại dù biết trước cũng không dám lên tiếng khi chưa được phép của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Trong bối cảnh  báo chí truyền thông “lề phải” bị vướng vào “vòng kim cô”, thì BVN có thể tự hào rằng là một trong những trang mạng đã sớm có những phân tích về hậu quả khó tránh của hầu hết các sự kiện nổi cộm  trong đời sống chính trị - xã hội, thực hiện khá tốt chức năng phản biện xã hội mặc dù không được công nhận chính thức – thẳng thắn và có giá trị hơn nhiều so với các diễn đàn “chính thống” khác như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội khác.
Vì vậy, BVN nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng người Việt Nam, đặc biệt nhiều trí thức trong và ngoài nước, đã tồn tại một cách đàng hoàng và uy tín trong làng truyền thông. Hay nói cách khác, BVN đã lớn lên từng ngày trong công chúng. 
Mười năm không phải là dài nhưng là chặng đường đáng nhớ.  Bauxite Việt Nam đã tập hợp được đội ngũ các cộng tác viên cùng nhau chia sẻ quan điểm phản biện  trên cơ sở thực tế và khoa học, có tác dụng thực sự trong việc nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, vốn là một yếu tố quan trọng làm nên thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ  năm 1945.
Khoa học không có tình thương, mà cũng không có hận thù. Khoa học không có vị nể, mà cũng không có bôi bác. Khoa học là thẳng thắn, trung thực, và chính xác. Mạng Bauxite Việt Nam ngay từ khi mới ra đời, phản ánh đúng tâm tư của giới trí thức, ngoài vấn đề liên quan đến dự án bauxite còn đề cập nhiều vấn đề về kinh tế, chính trị, triết học, quan hệ quốc tế, khoa học công nghệ,… với tầm nhìn sâu sắc, nhân văn, có lý có tình và rất thuyết phục. Nhiều bài phản ánh bức xúc ở trong nước như về dự án đồi Vọng Cảnh (Huế), dự án xây đô thị lấy đất của nhà thờ Cồn Dầu (Đà Nẵng), v.v... đã có tác dụng sớm ngăn chặn những chủ trương sai trái, làm giảm sự phẫn nộ của các tầng lớp xã hội. Nhiều bạn đọc thích mạng BVN vì mang tính chất “think tank” phân tích sâu hơn những mạng khác chỉ có ý nghĩa “thông tấn” khi sự việc đã rồi.
Phải nói Bauxite Việt Nam mở đầu phong trào trí thức phản biện ở VN, nếu không bị ngăn cản thì đây đã có thể trở thành nơi tập hợp của giới trí thức tinh hoa tạo đà xây dựng xã hội dân sự thúc đẩy Việt Nam phát triển và hòa nhập xu hướng dân chủ tiến bộ trên thế giới.
Suy ngẫm
Tuy nhiên, cũng có thể nhặt ra một số “hạt sạn” trên mạng Bauxite Việt Nam. Những năm gần đây, không biết có phải vì bị ngăn cản cấm đoán từ phía chính quyền hay vì lý do nào đó, mà xu hướng phản biện phần nào cực đoan xuất hiện trên BVN ngày càng nhiều. 
Tôn chỉ, mục đích của BVN là đấu tranh vì tiến bộ xã hội, vì sự phát triển đất nước, chấp nhận đa dạng quan điểm chính trị, nhưng không nên vô tình hay hữu ý để người đọc nhận lầm đây là một “cuộc chiến một mất, một còn”. Và trong cuộc chiến ấy, mục tiêu, con đường, quan trọng nhất vẫn là phải tự lực, không thể dựa vào bất cứ thế lực nào bên ngoài vì không hợp xu thế thời đại. Có một số bài viết mặc định VN chỉ có thể phát triển nếu dựa vào Hoa Kỳ, EU, đả phá, phủ định con đường hiện thực của đất nước một cách chủ quan, bởi cho rằng tất cả  những gì có liên hệ với chủ nghĩa cộng sản đều thiếu luận cứ khoa học, thực tiễn, thậm chí còn tranh luận những vấn đề không đáng có, làm mất đi tiếng nói khách quan, đôi khi làm nản lòng một số bạn đọc.
Độc giả cũng mong BVN bên cạnh những vấn đề “quốc kế” (như bảo vệ độc lập, chủ quyền; thực hiện dân chủ; phát triển kinh tế; các dự án hợp tác với nước ngoài; ứng phó biến đổi khí hậu,...), quan tâm hơn đến các vấn đề “dân sinh”. Ví dụ, về vấn đề nhân quyền, cần quan tâm từ những vấn đề lớn như quyền bầu cử, quyền tự do cho đến những quyền thiết thân hằng ngày như quyền được sống trong môi trường an toàn, con cháu ra đường không lo bị tấn công tình dục, bị đánh hội đồng hay bị chó không đeo rọ mõm cắn chết... Vấn đề là làm sao hài hòa giữa tính “hàn lâm” và “thông tấn” đó là nghệ thuật quản trị của Ban biên tập BVN.
Sau 10 năm nhìn lại, bạn đọc không quên sự dấn thân, dũng cảm, vượt khó với biết bao trở ngại, phiền toái trong cuộc sống của những người sáng lập trang mạng Bauxite Việt Nam  – GS Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn, GS Nguyễn Thế Hùng. Do xã hội ta không có thói quen phản biện từ ngàn đời, nên họ bị khó dễ là đương nhiên. Nhưng trong mắt bạn đọc, những người sáng lập trang BVN không phải chỉ là những người đã tập hợp được đội ngũ các cộng tác viên cùng nhau chia sẻ quan điểm phản biện vì lợi ích của đất nước và dân tộc mà còn là những người giàu lòng nhân ái, biết cảm thông, chia sẻ với những nỗi đau thương, mất mát của đồng bào. Các chuyến đi cứu trợ năm 2009 từ Quảng Nam vào đến tận Phú Yên, ra tận đảo Lý Sơn và lên đến Tumơrông (Tây Nguyên) đã thu được nhiều kết quả thiết thực, trao tận tay tiền, tôn lợp nhà... đến các gia đình cùng cực nhất, chứ không phải chỉ là những thứ có tính chất "tượng trưng"!
Thay cho lời kết
Nhân kỷ niệm 10 năm sinh nhật của trang mạng BVN sắp đến, xin có mấy vần thơ để kết luận cho bài viết này:
Tây Nguyên đỏ, tô màu cờ thêm đỏ
  Tây Nguyên xanh cho đất mẹ càng xanh
  “Bauxit Việt Nam” của chị, của anh
  Son sắt niềm tin
                      luyện ý chí thành gang thép
   Cho non nước ngày mai thêm đẹp
   Cho em tôi tươi trẻ

                             thắm môi hồng.
Mười năm rồi, độc giả mãi thêm đông
Kết thành hoa mừng ngày sinh nhật
Bauxit Việt Nam lời thì thầm của đất
Đỏ tươi màu sự thật
                              máu trong tim
T.V.T.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.