Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: "Bắt Đinh La Thăng, vẫn là chuyện thanh trừng nội bộ"

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: "Bắt Đinh La Thăng, vẫn là chuyện thanh trừng nội bộ"

Kính Hòa RFA
2017-12-08

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
Ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, viên chức cao cấp nhất của Đảng Cộng sản bị bắt giữ. Ảnh chụp tại một phiên họp Quốc hội, 30/10/2017.
Ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, viên chức cao cấp nhất của Đảng Cộng sản bị bắt giữ. Ảnh chụp tại một phiên họp Quốc hội, 30/10/2017.
AFP
Ngày 8 tháng 12 năm 2017, ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, nguyên Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bị bắt tạm giam để điều tra về việc làm thất thoát tài sản tại Tổng công ty dầu khí Việt Nam.
Đây là một viên chức cao cấp nhất của Đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam bị bắt một cách công khai trong lịch sử của Đảng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội trao đổi với Kính Hòa của Đài RFA quan điểm của ông qua sự kiện này.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Người ta viện cái cớ là ông ấy là mất 800 tỉ, và chuyện liên quan đến một cái công ty gì đấy của ông Trịnh Xuân Thanh. Những thông tin như thế thì người ta đã đồn ở Hà Nội này từ trước khi Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản. Cho nên là theo tôi thì nó vẫn là tiếp tục của sự thanh trừng các bè phái. Cái chuyện tham nhũng, theo tôi thì nếu chống tham nhũng thật sự thì tất cả các ông ấy bị tù hết nếu làm nghiêm túc.
Kính Hòa: Nhưng chuyện bắt ông Thăng, từ chuyện truất phế ông ấy ra khỏi Quốc hội, rồi ông Phạm Minh Chính ký đình chỉ sinh hoạt đảng của ông Thăng, đều xảy ra trong một ngày, chuyện đó có gì đặc biệt không?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Chẳng có gì đặc biệt cả. Đây là Đảng Cộng sản Việt Nam trị ông Thăng chứ không phải là tư pháp hay gì cả, bởi vì tất cả các lệnh đều từ đó mà ra. Quốc hội hay cho thôi Quốc hội đều do các ông ấy cả. Quyết định cho (ông Thăng) ứng cử Quốc hội mới có tháng Năm năm ngoái chứ đâu có gì là xa lắm.
Kính Hòa: Ông Thăng từng phụ trách Bộ Giao thông vận tải. Vừa rồi là chuyện BOT được truyền thông rộng rãi đưa tin, vậy liệu đó có phải là chuẩn bị dư luận cho việc bắt bớ này không?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Có thể hiểu như vậy cũng được. Thời ông Đinh La Thăng là thời nở rộ các BOT kiểu Cai Lậy. Nhưng tôi cũng phải nhấn mạnh là cái BOT còn nghiêm trọng hơn cái ở Cai Lậy vì nó rất là rõ ràng thì đã xảy ra hồi 20 năm trước, vào cái thời mà ông Thăng vẫn còn là kế toán trưởng hay giám đốc gì đó ở Tổng công ty Sông Đà.
Những chuyện như thế, những chuyện thanh trừng bè phái chắc chắn còn có nữa.Nếu mà tương quan lực lượng giữa các bên nghiêng hẳn về một phía, thì tại sao không chặt đầu rắn cho nó xong.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Nhưng mà đúng là ông ấy dính đến chuyện rầm rộ BOT, mà BOT thì toàn bộ báo chí chính thống rồi trên mạng, đều phản đối, vậy tạo nên cái lý là bắt ông này là chính xác rồi, không có vấn đề gì cả.
Kính Hòa: Sau ông Đinh La Thăng thì ông nghĩ là có người nào nữa cao cấp hơn không?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Tôi không dám đoán. Tôi nghĩ hoàn toàn có thể, mà cũng có thể là không. Những chuyện như thế, những chuyện thanh trừng bè phái chắc chắn còn có nữa.
Nếu mà tương quan lực lượng giữa các bên nghiêng hẳn về một phía, thì tại sao không chặt đầu rắn cho nó xong.
Kính Hòa: Có nghĩa là có khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng dính dáng đến tòa án?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ là có thể nếu cán cân lực lượng xoay chuyển như vậy.
Kính Hòa: Có phải ông Đinh La Thăng là quan chức đảng cao cấp nhất bị bắt một cách hình sự như vậy trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian gần đây?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: 20 năm trở lại đây thì đúng đây là trường hợp đầu tiên.
Kính Hòa: Trước đó có những quan chức cao cấp bị bắt, bị thanh trừng nhưng không có dư luận rộng rãi phải không ạ?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Đúng rồi. Trước kia thì đến quan chức cao cấp như vậy, bị bắt thì không có, mà là bị vô hiệu hóa, rồi về nhà ngồi chơi xơi nước, bị quản thúc tại gia thì có, chứ bị bắt một cách công khai thì không.
Kính Hòa: Ông vừa nói đến chuyện cán cân lực lượng có thể đưa đến truy đến cấp trên của ông Thăng là ông Nguyễn Tấn Dũng, như vậy có phải chuyện này sẽ phá một dư luận làm tiền lệ nói rằng các cấp cỡ đó, cỡ tứ trụ triều đình, thì không bị đụng chạm đến?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Vấn đề là họ thỏa hiệp với nhau đến mức nào. Vì quyền lợi chung thì họ có thể thỏa hiệp, và lúc đó thì xề xòa hết cả. Nhưng nếu tương quan lực lượng áp đảo hẳn về một phía thì lúc đó có thể diễn ra.
Kính Hòa: Dù sao đi nữa thì ông Đinh La Thăng trong dư luận Việt Nam là hình ảnh của một vụ tham nhũng rất là lớn. Thì với sự bắt bớ này, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đạt được một thành công là gầy dựng lại hình ảnh của đảng trong việc chống tham nhũng?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ rằng chắc chắn nó làm cho nhiều người tin rằng đây là một cuộc chống tham nhũng thật, mà Đảng Cộng sản Việt Nam có thể làm được chuyện ấy. Cái cách tuyên truyền của người ta là như vậy.
Nhưng nếu nhìn ở khía cạnh khác thì đó là cuộc thanh trừng giữa các bên.
Ông (Trần Quốc) Vượng mấy ngày trước vừa ký một quyết định về việc khai trừ các thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông ấy nêu hàng loạt các thứ để củng cố sự độc quyền của Đảng. Không nói đến tam quyền phân lập, không nói đến dân chủ, không nói đến xã hội dân sự. Cái việc đó chỉ củng cố sự tập trung quyền lực vào trong ban lãnh đạo của đảng hiện thời.
Càng tập trung như thế thì càng nảy ra tham nhũng. Chống tham nhũng là không thể ở một nơi không có pháp quyền, không có nền pháp trị. Bản thân các vị ấy ngồi trên pháp luật thì làm sao chống tham nhũng được. Từ khía cạnh ấy thì sự thành công cũng không có gì.
Kính Hòa: Xin cám ơn ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.