Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

Ông Đinh La Thăng bị khởi tố, điều tra về vụ án Oceanbank và Nhiệt điện Thái Bình 2

Ông Đinh La Thăng bị khởi tố, điều tra về vụ án Oceanbank và Nhiệt điện Thái Bình 2

Ông Đinh La Thăng bị khởi tố, làm rõ trách nhiệm liên quan tới vụ PVN mất trắng “800 tỷ đồng” góp vốn vào Oceanbank và vụ tham ô tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
dinh-la-thang
Ông Đinh La Thăng. (Ảnh: Phan Hoàng/baochinhphu.vn)
Ngày 8/12, ông Đinh La Thăng – Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM bị khởi tố bị can, bắt tạm giam. Trước đó, ông Thăng đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng và các chức vụ về Đảng, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.
Ông Thăng bị khởi tố để điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng: 
Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank);
Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) liên quan đến Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

PVN “mất trắng” 800 tỷ đồng đầu tư vào Oceanbank

Tại vụ án Oceanbank, theo cơ quan điều tra, từ năm 2008 – 2011, PVN đã 3 lần góp vốn vào Oceanbank với tổng số tiền 800 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2008, khi Oceanbank tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, PVN đã góp 400 tỷ đồng (tương ứng 20% cổ phần) bằng cách chuyển từ tài khoản tiền gửi sang tài khoản Oceanbank. Tiếp đó, năm 2009, Oceanbank tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng rồi 4.000 tỷ đồng vào năm 2011, PVN góp thêm tương ứng 300 tỷ đồng và 100 tỷ đồng nữa nhằm giữ được tỷ lệ 20% cổ phần.
Theo tài liệu công bố, đến ngày 31/3/2014, Oceanbank có nợ xấu gần 15.000 tỷ đồng, lỗ ròng hơn 10.000 tỷ đồng và âm vốn 249% vốn chủ sở hữu.
Ngày 6/5/2015, Oceanbank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá “0 đồng” và đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương – đồng nghĩa với việc 800 tỷ đồng cổ phần của PVN tại đây bị mất trắng.
Cũng theo tài liệu của cơ quan chức năng, trong thời gian đầu tư vào Oceanbank, PVN đã cử ba người sang đảm nhiệm những vai trò chủ chốt tại ngân hàng này để quản lý, giám sát khoản đầu tư và báo cáo về theo từng tháng, quý, năm. Tuy nhiên, tất cả các báo cáo này không đưa ra bất cứ cảnh báo hoặc tín hiệu nguy hiểm nào về khoản đầu tư này.

Chỉ định gói thầu EPC tại nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD), công suất thiết kế 1.200 MW do PVN làm chủ đầu tư, được giao cho Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) – công ty con của PVN triển khai. Chính việc chỉ định gói thầu này đã gây hậu quả cho dự án.
Theo cơ quan điều tra, PVN có sai phạm trong việc tạm ứng tiền trước khi ký hợp đồng EPC của Dự án.
Mặc dù mới chỉ có chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án, chưa ký hợp đồng nhưng PVN đã làm thủ tục chuyển 8,2 triệu USD và hơn 1.317 tỷ đồng cho Ban Quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 để tạm ứng cho PVC 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước tính đến thời điểm hợp đồng EPC có hiệu lực (ngày 11/10/2011) hơn 51,7 tỷ đồng và hơn 66.000 USD tiền lãi.
Sau khi nhận được tiền tạm ứng, lãnh đạo PVC thời điểm đó là ông Trịnh Xuân Thanh – Chủ tịch HĐQT và ông Vũ Đức Thuận – Tổng Giám đốc PVN dành 1.080 tỷ đồng sử dụng không đúng mục đích như: trả nợ ngân hàng 425 tỷ đồng, trả lãi vay ủy thác của PVN, hỗ trợ vốn Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỷ đồng, hỗ trợ vốn công trình Vũng Áng 103 tỷ đồng, hỗ trợ vốn các công trình khác 156 tỷ đồng,… 
Tính đến năm 2012, báo cáo tài chính của PVC mới chỉ thể hiện khoản đầu tư là 133 tỷ đồng vào dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, đến năm 2013 mới chỉ là 802 tỷ đồng. Trước đó, năm 2011, báo cáo tài chính của PVC chưa xuất hiện khoản đầu tư này.
Ngoài ra, PVC còn dùng số tiền tạm ứng trên góp vốn vào 5 công ty con. Đến nay, có 3 công ty kinh doanh thua lỗ, không thu hồi được vốn, PVC đã phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ, gồm:
  • Công ty PVC-MS góp vốn 102 tỷ đồng;
  • Công ty PVC-Land góp vốn 50 tỷ đồng;
  • Công ty PVC-Hòa Bình góp vốn 55 tỷ đồng;
  • Công ty PVNC 30 góp vốn tỷ đồng;
  • Công ty PVC-Mekong góp vốn 30 tỷ đồng.
Trong khi đó, PVN phải chuẩn bị nguồn tiền để khởi động lại dự án nhiệt điện Thái Bình 2. Tháng 8/2013, PVN phải vay Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và một số tổ chức tín dụng khác tổng số 226 triệu USD. Tháng 12/2013, PVN lại tiếp tục phải vay thêm 795,25 triệu USD… để đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của PVC, đến thời điểm tháng 6/2016, tổng giá trị hợp đồng tạm tính của tổng công ty đã ký với các nhà thầu phụ cho công trình này đã vượt giá trị hợp đồng EPC ký trước đó.
Ngày 8/12, Bộ Công Thương đề xuất xử lý kỷ luật 6 cựu lãnh đạo PVN gồm:
  • Bà Phan Thị Hòa, nguyên ủy viên HĐQT PVN từ tháng 12/2006 đến tháng 10/2010;
  • Ông Hoàng Xuân Hùng là thành viên HĐQT PVN từ tháng 12/2006 đến tháng 4/2012;
  • Ông Vũ Khánh Trường là thành viên HĐQT PVN từ tháng 4/2009 đến tháng 9/2015;
  • Ông Nguyễn Xuân Thắng là thành viên HĐTV PVN từ tháng 1/2011 đến tháng 3/2015;
  • Ông Đỗ Văn Đạo là thành viên HĐQT PVN từ tháng 12/2006 đến năm 2009;
  • Ông Nguyễn Thanh Liêm là thành viên HĐTV PVN từ tháng 11/2010 đến tháng 3/2015.
Bộ Công Thương cho biết theo kết luận thanh tra, sai phạm của 6 cựu lãnh đạo là việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học và dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ.
Sáu cựu lãnh đạo này còn có sai phạm trong việc chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc giám sát người đại diện phần vốn tại một số doanh nghiệp ngành công thương như:
  • Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil);
  • Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC);
  • Công ty cổ phần nhiên liệu sinh học dầu khí Miền Trung;
  • Công ty cổ phần dịch vụ dầu khí Quảng Ngãi;
  • Công ty cổ phần Hóa dầu & Xơ sợi dầu khí (PVTEX)…
Theo Bộ Công Thương, đây mới là báo cáo đề xuất của Bộ, quyết định cuối cùng phải chờ ý kiến của các cơ quan liên quan mới có thể quyết định áp dụng hình thức kỷ luật cụ thể với từng người.
Minh Hợp
Xem thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.