Sách giáo khoa lịch sử trước đây khi nói về thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa đều có nhận định rằng đó là những người nghèo khổ, do bị bóc lột mà tập hợp người dân làm cuộc khởi nghĩa.
Thế nhưng thực tế thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa này đều xuất thân từ những gia đình danh giá và vô cùng giàu có, không có bất kỳ trường hợp nào là ngoại lệ cả. Họ lãnh đạo người dân khởi nghĩa là vì bất bình trước chính sách tàn bạo của chính quyền, muốn giành lại sự độc lập tự chủ cho dân tộc mình, chứ không phải bị bóc lột khiến nghèo khổ mà “căm thù” nên mới đứng lên khởi nghĩa.
Các thủ lĩnh là những người rất giàu có cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ việc chiêu mộ binh sĩ cũng như nuôi quân nếu không có tiền của thì không sao làm được. Đồng thời cũng phải có có điều kiện ăn học tốt, có tri thức thì mới thu phục được lòng dân cũng như các bậc tuấn kiệt tham gia khởi nghĩa.
Tuy nhiên đến nay, nhiều người có tuổi được học những sách giáo khoa xưa kia vẫn ngộ nhận rằng chỉ những người bị bóc lột nghèo khổ, mới căm thù kẻ bóc lột mà đứng lên khởi nghĩa. Chúng ta cùng điểm qua các gương mặt thủ lĩnh khởi nghĩa tiêu biểu này trong sử Việt.
Mai Thúc Loan
Theo giai thoại dân gian thì Mai Thúc Loan sinh ra trong gia đình mà bố mẹ đều là người hiền đức, suốt đời chăm lo làm ăn, làm nhiều việc thiện. Tuy nhiên ông mồ côi bố mẹ từ nhỏ, một người bạn của bố là Đinh Thế vốn là người rất giàu có, nhưng lại trọng nghĩa khinh tài đưa ông về nuôi, xem như con đẻ.
Lớn lên cùng với bố nuôi là người giàu có, ông được ăn học đầy đủ, ngoài học văn, ông cón được học cả côn quyền, giáo mác, cung kiếm, các môn này ông đều giỏi cả; không chỉ thế mà còn biết cả cách bày binh bố trận.
Nhờ có học hành chữ nghĩa đầy đủ, nên lớn lên ông giao du với những trang tuấn kiệt thời bấy giờ, sau này đều cùng ông khởi nghĩa và trở thành những tướng trụ cột của ông như Phòng Hậu, Thôi Thặng, Đàn Vân Du, Mao Hoành, Tùng Thụ, Tiết Anh, Hoắc Đan, Khổng Qua, Cam Hề, Sỹ Lâm, Bộ Tân.
Thấy Mai Thúc Loan đã trưởng thành, bố nuôi liền gả người con gái xinh đẹp nết na của mình là Ngọc Tô cho Mai Thúc Loan. Đồng thời chia cho tài sản, ruộng nương để lập nghiệp. Hai vợ chồng cũng quán xuyến việc làm ăn nên tài sản trong nhà ngày một tăng lên.
Lúc này đất nước đang bị đô hộ bởi nhà Đường, dù đang có cuộc sống sung túc và giàu có, nhưng Mai Thúc Loan và các bạn bè cùng chí hướng muốn khởi nghĩa nhằm giành lại độc lập cho dân tộc mình.
Nhờ có tiền của, Mai Thúc Loan liên kết được với nhiều bậc hào kiết các địa phương khác, chiêu binh mãi mã, tạo dựng cơ sở ban đầu vững chắc cho cuộc khởi nghĩa sau này.
Năm 713 sau khi chuẩn bị kỹ càng, Mai Thúc Loan cùng bạn bè dựng cờ khởi nghĩa, dân chúng theo về rất đông, chẳng nấy chốc đã lên đến 10 vạn người.
Phùng Hưng
Phụ thân của Phùng Hưng là ông Phùng Hạp Khanh vốn xuất thân là một võ tướng, đi theo nghĩa quân của Mai Thúc Loan. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông về quê nhà ở Đường Lâm, chăm chú việc điền viên và dần trở thành một hào phú giàu có nổi tiếng khắp vùng, trong nhà nuôi nô tỳ có đến hàng nghìn người; ông cũng âm thầm dạy võ công cho con cháu và dân làng, nhằm sau này có cơ hội sẽ chống lại ách đô hộ của nhà Đường, giành lại độc lập cho Giang Sơn Xã Tắc.
Người học trò giỏi nhất xứng đáng kế tục Phùng Hạp Khanh lại chính là con trai của ông là Phùng Hưng. Ngay từ thuở nhỏ Phùng Hưng đã siêng năng theo cha học võ, trở thành người có sức khỏe và khí phách phi thường. Dù xuất thân gia đình giàu có, ông luôn yêu thương người dân làng xóm, luôn sẵn lòng giúp đỡ những người nghèo khó.
Nhờ xuất thân trong gia đình giàu có mà ngay từ nhỏ Phùng Hưng đã được ăn học thành tài, lớn lên ông kết giao với những trang tuấn kiệt học giỏi và đều sống trong những gia đình khá giả.
Sống trong thời kỳ bị đô hộ bởi nhà Đường, chứng kiến cuộc sống bị áp bức nghèo khổ của người dân, Phùng Hưng cùng các bạn bè quyết làm cuộc khởi nghĩa nhằm giành lại quyền độc lập tự chủ cho dân tộc mình.
Nhờ có tiền của, Phùng Hưng mới có điều kiện cùng bạn bè tập hợp được nững trang tuấn kiệt làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa, dân chúng khắp nơi nghe danh tiếng mà theo về đứng dưới cờ nghĩa của mình.
Lê Lợi
Ông tổ ba đời của vua Lê Lợi là Lê Hối, một hôm đi dạo chơi đến vùng núi Lam Sơn chợt thấy có đàn chim đông đúc đang bay lượn như thể núi Lam Sơn có một lực thu hút vô hình, có sức thu phục nhân tâm nhiều như chim về tổ, bèn nói: “đây hẳn là chỗ đất tốt” và quyết định “dời nhà đến ở đấy”.
Người Việt có câu “đất lành chim đậu”, hình ảnh đàn chim đông đúc bay lượn dấu hiệu vùng đất lành. Sau khi cụ Hối dời nhà về Lam Sơn thì 3 năm sau đã gây dựng được sản nghiệp lớn và làm Quân Trưởng một phương, trong nhà có cả ngàn gia đinh (theo Đại Việt Sử ký Toàn thư).
Từ đó các thế hệ họ Lê đến tận thời Lê Lợi thay nhau làm Quân Trưởng ở Thanh Hóa. Cụ Lê Hối sinh ra Lê Đinh, gia sản rất giàu có, trong nhà luôn có hơn 1.000 tôi tớ. Lê Đinh sinh ra Lê Khoáng, Lê Khoáng có 3 người con trai và 3 con gái, trong đó có Lê Lợi (Theo Đại Việt thông sử).
Khi quân Minh đánh bại nhà Hồ, thiết lập chính quyền thống trị, biết tiếng Lê Lợi, tướng nhà Minh là Hoàng Phúc cho ông chức quan để dụ theo, nhưng ông đã từ chối. Trong cảnh dân chúng lầm than cơ cực bởi ách đô hộ của nhà Minh, lại sinh thời trong gia cảnh giàu có là thuận lợi lớn, Lê Lợi quyết tìm một con đường giành lại tự do cho dân tộc mình.
Cuốn Lam Sơn thực lục mô tả Lê Lợi: “ẩn dấu ở núi rừng làm nghề cày cấy; đọc sách kinh, sử, nhất là càng chuyên tâm về các sách Thao Lược; hậu đãi các tân khách; chiêu nạp kẻ trốn, kẻ làm phản; ngầm nuôi ác kẻ mưu trí; bỏ của, phát thóc để giúp cho kẻ côi cút, nghèo nàn; hậu lễ, nhún lời, để thu bọn anh hùng hào kiệt; đều được lòng vui vẻ của họ”
Với lợi thế là Quân Trưởng giàu có nổi tiếng khắp vùng, Lê Lợi đã thành công trong việc xây dựng được cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh bại được quân Minh, giành lại độc lập cho Giang Sơn Xã Tắc.
Phong trào Tây Sơn
Sách giáo khoa trước đây cho rằng 3 anh em nhà Tây Sơn xuất thân từ tầng lớp bần cố nông, cũng có chuyện còn kể rằng: Do bố mẹ mất sớm, sống trong cảnh mồ côi nên anh em Tây Sơn phải đi ở đợ, chăn trâu cắt cỏ cho nhà giàu. Nguyễn Huệ thông minh nghe lõm lời thầy đồ giảng bài cho nho sinh mà nên tài giỏi.
Thực tế xuất thân nhà Tây Sơn khác hẳn, người ông của 3 anh em nhà Tây Sơn vốn là họ Hồ, tên là Hồ Phi Long ở Nghệ An, gia cảnh nhà học Hồ lúc đó rất khó khăn.
Lúc này đất nước đang trong giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh, hai bên có 7 lần giao tranh lớn, nhưng trong đó có đến 6 lần là quân chúa Trịnh tấn công chúa Nguyễn nhưng không sao vượt qua được phòng tuyến và bị đẩy lùi.
Duy nhất lần giao tranh thứ 5, quân chúa Nguyễn bất ngờ vượt Lũy Thầy tiến công quân Trịnh đến tận đất Nghệ An và chiếm được 7 huyện ở đây. Cuộc sống vất vả, Hồ Phi Long nhân cơ hội này liền vào đàng trong lập nghiệp.
Khác với Đàng Ngoài, cuộc sống người dân Đàng Trong rất sung túc, nhà họ Hồ khi vào Đàng Trong thì đổi thành họ Nguyễn, mấy đời buôn trầu, cuộc sống dần dần trở nên giàu có. Nhờ gia đình khá giả nên 3 anh em đều được học với thầy giỏi khắp vùng lúc đó là Trương Văn Hiến, người dân quen gọi là Giáo Hiến.
Bộ sách giáo khoa mới đang sử dụng hiện nay đã có chiều hướng tích cực hơn khi không còn cho rằng thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa đều là những người bị bóc lột, nghèo khổ nữa, thậm chí đều cho rằng xuất thân các thủ lĩnh này đều là bậc “hào trưởng”. Tuy nhiên cũng không nói rõ rằng các bậc “hào trưởng” này giàu có đến mức nào.
Đồng thời cũng không nói được tầm quan trọng của sự giàu có này trong việc giúp cuộc khởi nghĩa diễn ra được thành công.
Ngày nay nhiều người Việt thuộc thế hệ được sinh ra từ thập niên 70 trở về trước vẫn đều nghĩ rằng chính vì bị bóc lột nghèo khổ mà các thủ lĩnh xưa kia mới dựng cờ khởi nghĩa nhằm đánh đổ “giai cấp bóc lột”, nhưng sự thật lịch sử lại hoàn toàn ngược lại.
Trần Hưng
Theo trithucvn.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.