Con trai Mục sư Nguyễn Trung Tôn: ‘họ lắng nghe các Linh mục trình bày về tình hình miền Trung’
Minh Hải (VNTB)
Ngày 07/12/2017 vừa qua, Tiểu ban Nhân quyền thuộc Quốc hội Liên bang Úc đã tổ chức một buổi Điều trần về tình trạng nhân quyền, tự do tôn giáo và thảm họa môi trường Việt Nam. Các vị dân biểu Úc bày tỏ sự quan tâm đến tình hình đàn áp nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2017 và qua đây cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc bởi rào cản đến từ nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc...
Hình 1. Những đại diện tham dự buổi Điều trần về tình trạng nhân quyền, tự do tôn giáo và thảm họa môi trường Việt Nam tại Quốc hội Úc (ảnh Facebook Phạm Thùy Linh)
Trở ngại nhân quyền Việt Nam mang tên... Trung Quốc
Buổi Điều trần được tổ chức tại thủ đô Canberra, ngay trước ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12, còn nhằm mục đích làm rõ thêm quan ngại về Nhân quyền Việt Nam mà 68 vị Dân biểu Úc đã đề cập trong một bức thư chung vào tháng 10/2017 vừa qua. Tham dự buổi Điều trần này, phía Úc có sự hiện diện của vị Chủ tịch Tiểu ban là Dân biểu Kevin Andrews, thuộc Đảng Tự do và Phó Chủ tịch là Dân biểu tiến sĩ Anne Aly, thuộc Đảng Lao động. Ngoài ra, còn có khoảng 10 thành viên thuộc Dân biểu và Thượng nghị sĩ của Quốc hội Liên Bang Úc. Đại diện phía Việt Nam, có sự hiện diện của Linh mục Giuse Maria Lê Quốc Thăng, Tổng thư ký Ủy ban Công lý Hòa bình, Hội đồng Giám mục Việt Nam; Linh mục Giuse Phan Sỹ Phương và Linh mục Anton Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy ban Hỗ trợ Nạn nhân môi trường biển. Lẽ ra, có thêm sự hiện diện của Linh mục Nguyễn Đình Thục nhưng vào phút cuối Linh mục Thục đã bị cản ngăn tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Đặc biệt tham dự buổi Điều trần phía Việt Nam có sự tham dự của một thanh niên tuổi còn khá trẻ là anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, con của tù nhân lương tâm Mục sư Nguyễn Trung Tôn. Anh Nghĩa đã chia sẻ với Việt Nam Thời Báo (VNTB) rằng, các vị dân biểu Úc đã bày tỏ sự quan tâm đến tình hình đàn áp nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2017, với sự đàn áp ngày càng khốc liệt đối với những tiếng nói phản kháng ôn hòa. Có khoảng 21 nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam trong đó có Mục sư Nguyễn Trung Tôn bị chính quyền Việt Nam bắt giam tính từ đầu năm 2017 đến nay với cáo buộc đưa ra là vi phạm pháp luật Việt Nam, khoảng 30 nhà hoạt động khác bị cơ quan an ninh-công an gửi giấy triệu tập hoặc giấy mời lên trụ sở công an để điều tra vì liên quan đến các vụ án có tính chất an ninh quốc gia như “tuyên truyền chống nhà nước” hay “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” dựa theo quy định ở các Điều luật 88, 79 của Bộ luật Hình sự 1999 của Việt Nam.
“Tôi tham gia với tư cách là con của một nhà hoạt động đang bị bắt đó là Mục sư Nguyễn Trung Tôn và cũng là với tư cách thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ. Đây là hội dân sự hiện đang bị bức hại trầm trọng nhất ở Việt Nam hiện tại, với con số 7/21 số nhà hoạt động đang bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt từ đầu năm 2017 đến giờ”.- Anh Nghĩa chia sẻ với VNTB.
“Bản thân tôi có cơ hội trình bày với họ về hoàn cảnh Hội Anh Em Dân Chủ đó là hiện tại Hội có hơn 13 thành viên đang bị cầm tù trong đó có 7 thành viên bị bắt từ đầu năm 2017 đến giờ. Chưa hết, hiện có hơn 30 thành viên bị phía công an mời gọi lên để thẩm vấn và điều tra để tìm cớ kết tội những anh em trong tù cũng như bắt những anh em mới, trấn áp phong trào dân sự độc lập ở Việt Nam”
Riêng về trường hợp Mục sư Nguyễn Trung Tôn, anh Nghĩa trình bày với các vị Dân biểu Úc là vào tháng 02/2017, Mục sư Tôn bị bắt cóc, bị đánh gãy chân và hiện đang bị bỏ tù với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, sức khỏe ngày một yếu, rất khó thở vào mỗi buổi sáng. Tuy nhiên, phía gia đình xin đưa thuốc vào cho Mục sư Tôn nhưng phía công an trại giam đã không chấp nhận, phía công an trại giam yêu cầu gia đình Mục sư Tôn gửi tiền để họ mua thuốc nhưng gia đình không biết họ có mua thuốc cho Mục sư Tôn hay không? Một trường hợp khác, cũng là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ bị chính quyền Việt Nam bắt bỏ tù chung vụ án với Mục sư Tôn là trường hợp của ký giả Trương Minh Đức, anh Nghĩa trình bày với các vị Dân biểu Úc rằng, ông Đức bị bệnh tim, cao huyết áp và ông bị bắt trong tình trạng đương lúc đi mua thuốc… hiện tại sức khỏe của ông Đức cũng đang rất yếu. Ngoài ra, cũng xin lưu ý là những thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ mới bị bắt đa phần là những Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, đã vào tù ra tội vì đấu tranh cho nền dân chủ- nhân quyền Việt Nam, sau lần bỏ tù thứ nhất thì sức khỏe sa sút trầm trọng.
Các linh mục Linh mục Giuse Maria Lê Quốc Thăng, Linh mục Giuse Phan Sỹ Phương và Linh mục Anton Nguyễn Thanh Tịnh lần lượt trình bày cho các vị Dân biểu Úc biết rõ hơn về tình hình tự do tôn giáo và thảm họa môi trường Việt Nam, đặc biệt là thảm họa do công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm vùng biển miền Trung vào hồi đầu tháng 04/2016. Anh Nghĩa nói:
“Họ lắng nghe các Linh mục trình bày về tình hình miền Trung, về sự đàn áp tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam như thế nào? Đặc biệt chuyện liên quan đến thảm họa môi trường do nhà máy Formosa gây ra, quá trình nó xả thải như thế nào? Các linh mục ở Quảng Bình, Nghệ An cập nhật cuộc sống của người dân ở đây sống như thế nào khi mà nghề nghiệp bị mất, nước thì bị ô nhiễm trong khi nhà máy Formosa vẫn tiếp tục xả thải”
Sau khi nghe phần trình bày của các nhà hoạt động và các linh mục Việt Nam, các vị Dân biểu Tiểu ban Nhân quyền thuộc Quốc hội Liên bang Úc cho biết vấn đề nhân quyền Việt Nam chắc chắn sẽ được nhắc đến trong các bang giao giữa Việt Nam và Úc.
Anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, con của Tù nhân lương tâm Mục sư Nguyễn Trung Tôn
“Họ hứa là họ sẽ cố gắng bằng mọi cách nào đó sẽ giúp, chắc chắn rằng cái tên Việt Nam sẽ được nhắc đến trong vấn đề nhân quyền Quốc hội Úc tại cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Úc sẽ diễn ra thời gian sắp tới. Vấn đế nhân quyền sẽ được phía Úc nhấn mạnh hơn nữa, đề nghị phía Việt Nam tuân thủ luật pháp quốc tế, tuân thủ trách nhiệm với quốc tế nói chung trong việc bảo vệ quyền tự do cá nhân, tự do tín ngưỡng của người dân”.
Bên lề hành lang buổi Điều trần, các vị Dân biểu đã cho anh Nghĩa và các Linh mục biết, thực ra giữ Việt Nam và Úc có nhiều khoản giao thương kinh tế, phía Úc luôn lồng ghép vấn đề cải thiện Nhân quyền đối với phía Việt Nam. Tuy nhiên, các vị Dân biểu cho biết đã có rào cản rất lớn là ngay bên cạnh Việt Nam có một quốc gia hùng mạnh mang tên Trung Quốc, lại cùng thể chế với Việt Nam và cũng chẳng mấy quan tâm đến vấn đề Nhân quyền đã giúp Việt Nam nhiều vụ giao thương khác có giá trị cũng không kém so với giao thương phía Úc.
Sau khi tham dự buổi Điều trần về tình trạng nhân quyền, tự do tôn giáo và thảm họa môi trường Việt Nam tại Tiểu ban Nhân quyền thuộc Quốc hội Liên Bang Úc, anh Nghĩa có một thông điệp muốn nêu, đặc biệt muốn chia sẻ với người tuổi trẻ đang hoạt động dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam rằng: tuổi trẻ không có nghĩa là một rào cản trong việc bày tỏ tình yêu quê hương đất nước, tình yêu dân tộc miễn rằng mọi người có tâm huyết, có sự quan sát và biết được hoàn cảnh nhân quyền, hoàn cảnh về tình hình lãnh thổ quốc gia mình đang bị nguy hại.
“Mọi người có thể lên tiếng hoặc làm việc này việc kia nên đừng có lo, cuộc đời dù có đối đãi nghiệt ngã nhưng cơ hội lại không ít chỉ cần mọi người dám có ước mơ, dám có đam mê và sự mạnh dạn, táo bạo thì sẽ làm được những điều mà lớn hơn mình nghĩ”.
M.H.
VNTB gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.