BOT Cai Lậy liệu có trở thành một “Đồng Tâm” thứ hai?
Vụ ồn ào liên quan tới BOT Cai Lậy đang tạm lắng xuống khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tạm dừng thu phí trong 1 tháng để tiếp tục làm rõ vấn đề. Đằng sau sự yên ắng ấy, liệu có bùng lên một “cơn bão” khác còn dữ dội hơn?
Khi xem hình ảnh cánh tài xế hò reo vui mừng về một “thắng lợi tạm thời” vào tối 4/12, nhiều người lại thấy lo hơn là vui. BOT Cai Lậy dường như là một lời nhắc về “điểm nóng” Đồng Tâm ngày nào, cũng những tràng pháo tay reo vui khi Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về thương lượng với bà con, thậm chí ông còn viết tay tờ cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhưng chỉ hai tháng sau đó, cảnh sát điều tra thuộc Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự liên quan tới vụ đối đầu giữa người dân Đồng Tâm với giới chức do tranh chấp đất đai, theo hướng nhằm làm rõ hai tội danh “bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.” Giữa tháng 10/2017, Công an Hà Nội gửi thư kêu gọi các cá nhân liên quan đến “vụ huỷ hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật” tại Đồng Tâm ra đầu thú.
Mặc dù trên bề mặt, đối tượng tranh chấp ở Đồng Tâm và Cai Lậy là khác nhau: ở Đồng Tâm là người dân trực tiếp mâu thuẫn với chính quyền; ở Cai Lậy là giữa người dân và chủ đầu tư, nhưng về cơ bản thì trong vụ việc tại BOT Cai Lậy, chính quyền vẫn là bên đứng sau và cần có tiếng nói chịu trách nhiệm.
Nếu như trong vụ việc ở Đồng Tâm, người dân do không biết rõ về luật và đã dùng phương cách sai để đối lại với cái sai, cũng chỉ vì họ muốn cứu đất, cứu người trong lúc cấp bách; thì ở BOT Cai Lậy, cách phản ứng của tài xế bằng cách sử dụng tiền chẵn, tiền lẻ, nêu thắc mắc v.v là không vi phạm luật.
Thế nhưng khi nhìn từ Đồng Tâm về Cai Lậy, có thể thấy mặc dù căn cứ pháp lý đứng về phía người dân, nhưng nếu chính quyền không đứng về phía họ, thì một kết cục như “Đồng Tâm” thứ hai là một khả năng có thể xảy ra.
Đồng Tâm đã trở thành một cuộc “khủng hoảng niềm tin” trong lòng người dân. Đã có những lời hứa bị thất, đã có người dân Đồng Tâm bị khởi tố nhưng những người đánh dân, bắt dân bất hợp pháp lại vẫn đứng ngoài vòng pháp luật. Vậy điều chúng ta hy vọng trong 30 ngày chờ đợi về một giải pháp thấu tình đạt lý cho BOT Cai Lậy liệu có thành hiện thực?
Nhiều người dân tin rằng mong muốn xây dựng một “Chính phủ kiến tạo” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là thật, và ai cũng mong được sống trong một đất nước lấy thượng tôn pháp luật, lấy quyền lợi của người dân làm đầu. Thế nhưng, dường như trong vụ việc BOT Cai Lậy, nhiều người tự hỏi liệu rồi người dân tại đây có phải đi một đoạn đường dài như người dân Đồng Tâmtrong hành trình bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?
Theo 3 phương án đề xuất mà Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đưa ra, dường như không có phương án nào đủ để giải toả bức xúc của người dân. Phương án 2 “dời trạm thu phí về tuyến tránh” thậm chí còn được ông Đông cho rằng “rất khó khả thi, ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng.” Vậy còn lại phương án 1 “giữ nguyên vị trí trạm thu phí và tăng cường tuyên truyền vận động người dân” và phương án 3 “đặt 2 trạm thu phí.” Rốt cuộc thì người dân vẫn phải trả tiền cho phần đường mà họ không đi, hoặc trả “phí chồng phí” cho phần mà họ đã đóng.
Tiếp theo đó, ngay khi có quyết định tạm ngưng hoạt động BOT của Thủ tướng, Bộ công an đã chỉ đạo xác minh và xử lý những người gây rối tại BOT Cai Lậy. “Người gây rối” là ai, nếu là những kẻ côn đồ được thuê để hăm doạ tài xế thì thật đáng hoan nghênh. Nhưng nếu đó là những tài xế chỉ vì thấy bất hợp lý mà phản ứng lại thì sao? Họ không có quyền đi lại nhiều lần và phản đối một giao dịch dân sự chăng?
Nhiều người cũng đã bày tỏ trên mạng xã hội rằng sự trì hoãn này, thật ra, lại là một bất lợi với những nhà xe. Sự chú ý của dư luận sẽ ra sao khi vụ việc được kéo dài thêm nhiều ngày tháng nữa? Liệu sự chờ đợi mệt mỏi của hành khách, sự gấp rút của việc vận chuyển hàng có khiến các tài xế cuối cùng đành phải nhẫn chịu cho xong?
Trách nhiệm của vị tư lệnh ngành GTVT hiện tại cũng chưa được xác định rõ. Ông Bộ trưởng là người “tạo ra” BOT Cai Lậy, lẽ ra ông phải là người quyết liệt giải quyết nó, nhưng vai trò của ông khi xử lý sự việc lại rất mờ nhạt. Cuối cùng, “quả bóng” được đẩy sang cho Thủ tướng cùng sự góp mặt của cả Bộ công an.
Người dân cả nước hiện đều mong Thủ tướng sẽ xem xét kỹ lưỡng và đánh giá lại toàn diện dự án BOT Cai Lậy để từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn, hợp lòng dân đồng thời đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, những sai phạm và thiếu sót đều cần được xử lý công tâm, cho dù đó là sai phạm của cấp nào.
Chúng ta nhắc đến một “Chính phủ kiến tạo” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, phát triển xã hội, nhưng có lẽ cần có thêm chỉ tiêu về “lòng tin” của người dân. Sự thành công của mục tiêu về “Chính phủ kiến tạo” có đạt được hay không không chỉ cần sự nhất trí đồng thuận xuyên suốt trong bộ máy Chính phủ mà còn trong lòng người dân.
Tuệ Minh
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.