“Bắc Kinh, mày quá tàn nhẫn!”
Nếu không có những “người giai tầng thấp” này thì có Trung Quốc ngày nay, Bắc Kinh ngày nay không? Tại sao bây giờ chính quyền lại xua đuổi họ?
Tại Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bế mạc cách đây không lâu, bối cảnh cuối cùng là tất cả mọi người đứng lên hát vang ca khúc “Quốc tế ca”. Người viết bài này vốn không có hứng thú với tác phẩm nghệ thuật kiểu này, nhưng hôm đó có vài người bạn cũ đến chơi, mọi người mải cùng nhau uống trà trò chuyện nên quên đổi kênh, vậy là ngẫu nhiên phải xem. Khi nghe thấy câu “hãy đứng lên, những nô lệ đói khổ bị áp bức, hãy đứng lên, những người cùng khổ trên toàn thế giới”; “chúng ta là quần chúng lao động, người sáng tạo ra thế giới, mọi sở hữu phải thuộc về người sản xuất, không thể chứa chấp những kẻ ăn bám?!” Một người bạn ngồi cạnh tôi nói: “Những cha này muốn kích động mọi người lật đổ họ!” Câu nói khiến mọi người bật cười. Thực tế, đúng là những lời trong bài hát luôn canh cánh treo trên cửa miệng những quan chức của ĐCSTQ.
ĐCSTQ thường tâm đắc với những khẩu hiệu: “vùng lên giải phóng cho những người cùng khổ trên thế giới”, “toàn tâm toàn ý vì nhân dân phục vụ”, thậm chí là “giai cấp vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”, “giải phóng toàn nhân loại”… Ngày nay ĐCSTQ vẫn tự xưng họ là “đội ngũ tiên phong của giai cấp vô sản”. Quả là nói còn hay hơn hát! Nhưng thực tế có đúng vậy không? Nhìn lại lịch sử, trong chuyện giành chính quyền xưa kia, họ dùng cái gọi là “thuật biển người” lấy “dân quân” là những nông dân xung phong lên trước quân của ĐCSTQ hòng làm tiêu hao đạn dược của quân Quốc dân đảng, nhờ đó chiến thắng quân Quốc dân đảng; sau này lại xây dựng những chính sách phi khoa học gọi là “Đại nhảy vọt”, “Công xã nhân dân” làm hơn 30 triệu người chết đói (chủ yếu là nông dân). Vì không muốn bị lỡ dịp tổ chức World Cup nữ để Đảng được vẻ vang, họ che giấu dịch SARS đang diễn biến nghiêm trọng, họ vỗ ngực tuyên bố “Trung Quốc không có dịch, an toàn tuyệt đối”. Cuối cùng có bao nhiêu người bị hại chết, e rằng chỉ có ông trời mới biết…
Gần đây, hãy xem chuyện họ đã nỗ lực “mưu cầu hạnh phúc” cho người nghèo như thế nào?
Ngày 18/11/2017 xảy ra vụ hỏa hoạn tại quận Đại Hưng thành phố Bắc Kinh làm 19 người thiệt mạng, 8 người bị thương. Dĩ nhiên trong số người bị nạn này không thể có những cán bộ quan chức, vì họ sống tại những khu nhà cấp cao. Những người bị nạn toàn là công nông dân từ nơi khác đến Bắc Kinh kiếm sống. Hàm ý cách gọi “công nông dân” bây giờ có nghĩa là tuy nghề nghiệp của các người hiện nay là công nhân, nhưng thân phận của các người vẫn là nông dân, hoàn toàn khác những công nhân gốc đô thị khác!
Sau vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại Đại Hưng, chính quyền Bắc Kinh lấy cớ vì “an toàn” phải chỉnh lý trên phạm vi rộng, còn truyền thông nhà nước gọi là giải tỏa “người giai tầng thấp” (thấp đoan nhân khẩu). Vậy là hàng loạt công nông dân đến Bắc Kinh kiếm sống bị xua đuổi, quần chúng cùng khổ mà ĐCSTQ từng xem là “đối tượng nương nhờ”bỗng nhiên biến thành thứ rác rưởi phải quét ra khỏi cửa, phải sống lang thang ngoài đường phố trong cái lạnh dưới 4 – 5 độ âm, bỏ mặc cho họ tự sinh tự diệt. Giới truyền thông tự do ở ngoài nước đã ghi hình lại và đưa lên mạng xã hội, làm bùng nổ làn sóng căm phẫn, chỉ trích trên mạng xã hội.
Người ta căm phẫn vì cái cách chính quyền xua đuổi “người giai tầng thấp” này vô cùng dã man. Họ không cho người ta chuẩn bị, tùy tiện ra lệnh trong ba ngày phải dọn đi; tự ý cắt điện, nước, ép mọi người phải ra đi… Cảnh tàn nhẫn vô tình không khác nào cảnh đuổi “kẻ thù” địa chủ trong cải cách ruộng đất xưa kia.
Ngày 24/11, có tổ chức công ích đăng ký hoạt động hợp pháp tại Trung Quốc quyết định tổ chức cứu trợ những người lang thang này, nhưng chỉ sau một ngày, họ lập tức bị chính quyền cấm cản đầy man rợ. Chắc là muốn ép người ta vào đường cùng? Trong nhiều văn kiện của ĐCSTQ thường nhắc nhở, cho dù là “giai cấp thù địch” cũng phải “cho họ lối thoát”, “thực hiện chủ nghĩa nhân đạo của cách mạng”… nhưng hiện nay những người bị đẩy vào đường cùng này còn không phải “cường hào địa chủ”, “giai cấp thù địch” gì, họ chính là “giai cấp anh em” như ĐCSTQ vẫn gọi, tại sao chỉ trong chốc lát bị biến thành rác rưởi “người giai tầng thấp”? Nhưng cho dù là “giai tầng thấp” thì cũng không phải “kẻ thù”, sao có thể ép họ vào đường cùng như đối với kẻ thù? Ngay cả “địa chủ của xã hội cũ” xưa kia bị ĐCSTQ yêu ma hóa cũng không thể không cho người ta được hưởng quyền hỗ trợ từ thiện, nhưng chính quyền Bắc Kinh bây giờ lại dám làm như thế, hành động khiến người ta không còn hiểu họ là loại gì! Vì thế mà gây làn sóng chửi rủa ồn ào trên mạng xã hội. Cho dù cảnh sát mạng cố gắng gỡ bỏ, ngăn chặn và định hướng dư luận, nhưng cũng không làm xuể, nhiều chia sẻ vẫn còn đó:
@charurensheng: Người dẫn đường của giai cấp vô sản bị giai cấp vô sản xua đuổi.
@ gongxiaoyue: Ở các người Tây phương “hủ bại” có thủ đô hoặc đô thị lớn nước nào xua đuổi “người giai tầng thấp” như Bắc Kinh của Trung Quốc không?
@ 2017ya2266: Sau một trận hỏa hoạn lớn, có người không còn người thân, hơn chục ngàn người không còn nơi ở, nhiều quán ăn, nhà ở, công xưởng, nhà kho phải rời khỏi khu vực nội trong ba ngày, mọi người sẽ đi đâu, những ánh mắt con trẻ hoang mang, nếu không phải tận mắt chứng kiến mà chỉ nghe kể chắc khó tin, hơn chục ngàn người bị xua đuổi giữa tiết trời đông lạnh giá, không biết sẽ đi về đâu? Bắc Kinh này thật quá tàn nhẫn…
Đoạn này được nhiều người tâm đắc chia sẻ:
“Chỉ có những người thu nhập thấp, trung và cao chứ không có cái gọi là người giai tầng thấp, trung và cao. Ở Trung Quốc cứ hai người thì có một người có cha mẹ là nông dân, hơn 90% các ông bà cụ Trung Quốc là nông dân, ai thừa nhận ông bà của mình là người giai tầng thấp? Bắc Kinh, mày quá tàn nhẫn! Nếu không phải nhờ có thế hệ trước là những “người giai tầng thấp” liều mạng giúp các người tranh giành chính quyền, thì các người có sơn hào hải vị, ghế trên ngồi trước như ngày nay không?”
Tuy nhiên, bầu không khí chính trị tại Bắc Kinh hiện nay đã hạ nhiệt. Nhiều nước dân chủ trên thế giới và người lãnh đạo của họ cũng vì lợi ích quan hệ kinh tế với Trung Quốc mà càng ngày càng theo xu hướng “rác nhà ai nhà đó dọn”, bản quốc chỉ ưu tiên chuyện của bản quốc! Vậy là chuyện xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc họ cũng liếc mắt cho qua. Nhưng vẫn còn đó nhiều nhân sĩ chính nghĩa của Trung Quốc dám lên tiếng, may thay hiện họ vẫn bình an. Ngày 24/11, nhiều trí thức thuộc nhiều trường Đại học ở Trung Quốc đã cùng nhau ký tên hối thúc chính quyền Bắc Kinh lập tức chấm dứt trò xua đuổi “người giai tầng thấp”, cho rằng đây là hành vi sai lầm nghiêm trọng. Bức thư ký tên chung yêu cầu các cơ quan dân chính tại các quận trên toàn Bắc Kinh phải lập tức lập trạm cứu trợ, trung tâm bảo hộ; chấm dứt xua đuổi người lao động, bảo đảm quyền lợi cơ bản của công dân; truy cứu tránh nhiệm pháp luật những kẻ phạm tội gây thảm họa hỏa hoạn và những kẻ vi phạm quyền lợi công dân trong khi thực hiện xua đuổi người dân; phải quán triệt tinh thần “trị nước theo pháp luật”; toàn xã hội phải lập tức chấm dứt cách gọi mang tính kỳ thị là “người giai tầng thấp”, tuân thủ nguyên tắc cơ bản “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”…
Nhiều người bên cạnh bày tỏ lòng khâm phục đối với những nhân sĩ chính nghĩa cùng nhau lên tiếng đấu tranh cho quyền lợi người dân, cũng không khỏi cảm thấy lo lắng cho số phận của họ, không biết họ có sống yên ổn, có bị quy tội “tổ chức đấu tranh bất hợp pháp” hay không?
Blog Lâm Ngạo Sương
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.